Anh Khôi chuyển ngữ, Phía Trước / Fidel V. Ramos, Project Syndicate
Trong những tháng vừa qua, Trung Quốc đã gây hấn với các nước Philippines, Việt Nam và Nhật Bản liên quan đến vấn đề chủ quyền Biển Đông Biển Hoa Đông và Biển Tây Philippines. Đặc biệt, các bên tham gia đều nhắm vào Trung Quốc vì hành động bành trướng thế lực tại khu vực Biển Đông đầy tranh cãi này. Các cuộc xung đột đã gây ảnh hướng đến an ninh khu vực và cản trở đầu tư và kế hoạch. Ngòai ra, việc này còn gây ra một loạt các cuộc cân sức ngầm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu gần đây của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ông đã làm rõ rằng đích đến và mối quan tâm chính của Hoa Kỳ chính là khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm ổn định và tăng cường an ninh trong khu vực. Joe Biden tuyên bố rằng, “mục đích của chúng tôi tại châu Á – Thái Bình Dương là tăng cường mối quan hệ với các liên minh của Hoa Kỳ, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác an ninh, giúp đỡ và quan tâm đến các tổ chức trong khu vực để giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa”.
Sự tham gia ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ tại châu Á đã tạo tiền đề hỗ trợ khá vững cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tiến tới một “cộng đồng” ngoại giao và kinh tế thực sự có ý nghĩa, tương tự như cách mà Cộng đồng Kinh tế châu Âu phát triển thành Liên minh châu Âu. Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) – tổ chức mà các lãnh đạo ASEAN đang nhóm họp để thúc đẩy nhóm này trở thành một cộng đồng, sân chơi chung cho các quốc gia, liên kết cũng như chia sẻ với nhau để phát triển bền vững, năng động, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và cùng có hướng nhìn chung về tương lai.
ASEAN đang theo đuổi tiến trình hội nhập sâu hơn theo xu hướng toàn cầu hóa bằng việc sử dụng các tổ chức, hợp tác khu vực để đạt được tăng trường kinh tế chung và mở rộng thị trường cho các nước trong cộng đồng. Đồng thời, nó cũng phản ánh việc các lãnh đạo ASEAN đang ngày càng lo lắng về sự mất ổn định trong vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt khi sự bành trướng thế lực và sức mạnh của Trung Quốc đang làm tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Trung QUốc đang biểu hiện cho thấy sự tham vọng cũng như quyết tâm trong việc thay đổi trật tự an ninh và kinh tế quốc tế – hệ thống vốn đã được Hoa Kỳ tạo ra từ thời Thế chiến thứ II – đã bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á của họ trong suốt thời gian qua. Đối mặt với sức mạnh đang phát triển của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực mà họ đang có lợi ích khá nhiều trong đó. Chính vì thế, việc này đã dẫn đến những động thái chia sẻ các gánh nặng ở châu Á của Hoa Kỳ. Sự chia sẻ này nằm trên các lĩnh vực chung như chống chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, bệnh dịch, biển đổi khí hậu, suy thoái môi trường, nạn buôn người và buôn bán trái phép vũ khí. Rất may mắn là các lãnh đạo trong khu vực dường như cũng nhìn ra nhu cầu này. Ví dụ, trong vấn đề quốc phòng, khi đối mặt với vấn đề chi tiêu đang ngày càng tăng thì Ấn Độ và Nhật Bản gần đây đã mua thêm chiến hạm mới và tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Philippines cũng đang làm mới lại mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và tạo ra cơ hội các kí kết hợp tác quan trọng với Nhật Bản.
Nhưng bên cạnh những động thái thực tế như vậy, chúng ta không nên xem đó là những bằng chứng cho thấy châu Á đang trên bờ vực của xung đột bạo lực mới. Bất chấp sự lo ngại chính đáng của họ về tình hình quân sự đang leo thang tại Biển Đông, người dân Đông Nam Á vẫn lạc quan rằng họ sẽ đạt được một tiến trình ngoại giao hòa bình trong tương lai, và rằng Trung QUốc sẽ thực hiện đúng cam kết của mình dựa trên các quy tắc ứng xử ở khu vực Biển Đông. Điều này càng được khẳng định hơn nữa khi khuynh hướng hành động của các lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai sẽ dựa trên luật pháp quốc tế.
Hơn nữa, việc theo đuổi tiến trình một khối ASEAN hội nhập hơn nữa không hoàn toàn bắt nguồn từ những lo lắng về tham vọng trở thành một cường quốc khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Ở đây, mối đe dọa lâu dài về tính ổn định và trật tự nội bộ mới là vấn đề. Những vấn đề bất bình đẳng sâu sắc về kinh tế, xung đột sắc tộc, tôn giáo và trong vài trường hợp các vấn đề này liên quan đến quyền tự chủ lãnh thổ mới là vấn đề – tất cả những điểm này đang là điều các nước ASEAN luôn muốn giải quyết trong thời gian qua. Hãy nhìn sang bên lục địa châu Âu, việc hội nhập kinh tế đã giúp cho châu Âu giải quyết được các vấn đề về sắc tộc, lịch sử, chẳng hạn sự kiện Bắc Ireland. Chính vì vậy, việc đi đến thành lập một cộng đồng kinh tế gắn bố sâu sắc ở Đông Nam Á có thể cung cấp sự năng động cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trong nước một cách hiệu quả nhất.
Indonesia – quốc gia lớn nhất trong khối ASEAN, với dân số 250 triệu người – đã nắm vai trò lãnh đạo trong việc thiết lập các cơ cấu an ninh mới trên con đường hướng tới Cộng đồng ASEAN. Indonesia cũng đã đề xuất thiết lập một Trung tâm Gìn giữ Hòa bình ASEAN – một trong những tổ chức rất cần thiết ở thời điểm hiện tại và sẽ giúp mang lại tác dụng khá lớn cho Cộng đồng ASEAN mặc dù vẫn còn tồn động nhiều vấn đề trong việc hợp tác an ninh đa phương.
Nhưng trong thực tế, sự thành công sẽ phụ thuộc khá nhiều vào những hành động thực sự của các nước ASEAN trong thời gian sắp tới. Để tạo kích thích tăng trưởng GDP, khuyện khích các doanh nghiệp cạnh tranh và năng động, tạo điều kiện lớn hơn cho dòng chảy thương mại và tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa thì các nước ASEAN phải tháo gỡ những rào cản làm tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh và cản trở các nguồn đầu tư mới.
Để tạo ra và đi tới quá trình đó, các lãnh đạo ASEAN còn phải ghi nhớ bài học khá quan trọng của các nước trong Liên minh châu Âu: Các thỏa thuận cấp cao được đề ra nhưng thiếu sự đồng ý của người dân sẽ dẫn đến hệ quả yếu kém cũng như tính bền vững lâu dài. Công dân – nhân tố quan trọng nhất của ASEAN – phải biết và xem nhiệm vụ của khối như là nhiệm vụ của riêng họ. Vì vậy, để đảm bảo Cộng đồng ASEAN hoạt động và được hỗ trợ tốt nhất, các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo rằng việc này đang thực sự cải thiện cuộc sống của người dân qua việc tăng hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, giáo dục và tiếp cận với tri thức, và công việc với nguồn thu nhập lớn hơn.
Hơn nữa, các lãnh đạo ASEAN phải xây dựng một tổ chức bền vững, trong đó nó đại diện cho cả lợi ích riêng của các nước thành viên và lợi ịch chung lớn hơn của cộng đồng. Ở thời điểm hiện tại, các nước ASEAN không có cơ chế để tiến hành đưa ra các quyết định đột xuất ở những thời điểm nóng. Hay quan trọng hơn là đưa ra các hành động bắt buộc khi Bộ Ứng xử các Qui tắc Biển Đông không được thực hiện.
Tổng Thư ký ASEAN cũng đang thiếu thẩm quyền và nguồn lực để thực hiện các chức năng quan trọng, trong đó bao gồm việc xây dựng chính sách, thực hiện phối hợp việc tuân thủ và giải quyết các tranh chấp. Chính vì thế, theo một nghiên cứu của McKinsey, lập luận rằng ASEAN đang thiếu “quyền phủ quyết đối với bất kỳ quốc gia nào chống lại hội nhập kinh tế khu vực”..
Trong khi nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường sự ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được chào đón thì những động thái này vẫn không đủ để xoa dịu tính không ổn định về kinh tế và chiến lược của các nước ASEAN. Chỉ bằng cách xây dựng một cộng đồng năng động và thống nhất, các lãnh đạo ASEAN mới có thể đảm bảo cho một khu vực thịnh vượng, ổn định và bền vững cho người dân của chính nước mình.
Fidel V. Ramos là cựu Tổng thống Philippines (1992–1998), và là thành viên của Nhóm ASEAN Eminent Persons Group chuyên cung cấp và tư vấn những khái niệm quan trọng cho việc soạn thảo Hiến chương ASEAN.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét