Pages

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Kinh tế VN: 'GDP tăng, dân vẫn chật vật'

Kinh tế VN tăng trưởng dưới 7% trong 6 năm liên tục.
Tại Diễn Đàn Kinh Doanh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố mức GDP của Việt Nam trong năm qua đã đạt ngưỡng 176 tỉ đô la, đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên đến 1960 đô la/năm.
“Kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đang trên đường tiến tới tăng trưởng cao hơn trong tương lai,” Thủ tướng Dũng được dẫn lời phát biểu tại hội nghị.


“Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau những con số đó ý nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng GDP, con số đó có thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy GDP hàng năm chia cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một nghìn mấy (1960 USD) thì nó không thực sự là người dân được hưởng.” ông Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế và là nguyên viện trưởng viện nghiên Cứu Phát triển (IDS), cho biết trên RFA.
Tuy nhiên, với nhiều người thì con số tăng GDP như vậy không tác động gì nhiều đến mức sống của người dân.
Theo l‎ý thuyết kinh tế, GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong lãnh thổ một quốc gia, bao gồm cả phần đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp vốn nước ngoài là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Ông Quang A đưa ví dụ, sản phẩm của tập đoàn Samsung chiếm đến 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên lợi nhuận đạt được thì chuyển ra nước ngoài chứ không giữ lại ở trong nước. Con số này vẫn được tính vào GDP, nhưng không tác động nhiều đến thu nhập của người Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, nguyên viện trưởng viện Quản L‎ý Kinh Tế Trung Ương BấmLê Đăng Doanh cho biết hiện các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 65-68% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, và chỉ có các doanh nghiệp này là hoạt động hiệu quả trong môi trường hiện nay.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài tăng tới 23% trong năm nay, đạt mốc 81.2 tỉ đô la, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng có 3%,BấmTổng Cục Thống Kê cho biết.
Thêm nữa, lạm phát ở Việt Nam dù đã được kiềm chế dưới 10% trong 2 năm qua vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP.
Điều đó có nghĩa dù trên hình thức, người dân có thể cầm trên tay nhiều tiền hơn, nhưng sức mua thực tế lại giảm đi.
Trong hoàn cảnh đó, tính chính xác của các số liệu thống kê trong nước cũng bị đặt dấu hỏi. Ông Quang A từng tỏ ra ‎ nghi ngờ số liệu thống kê GDP của Việt Nam đã được “Bấmtô son trát phấn.”
“Kết quả lại sai lệch có thể dẫn đến những chính sách tồi hơn, và nó lại khuyến khích người ta phải tô son trát phấn để cho số liệu nó đẹp. Vòng luẩn quẩn cứ thế là một mối nguy hiểm cho đất nước,” ông cho biết trên BBC.
Tiêu dùng vẫn giảm?
Lạm phát trong những năm gần đây làm ảnh hưởng hàng triệu người tại VN.
Một nhân tố rất quan trọng trong việc tính toán GDP là chi tiêu của người dân lại ít được đưa ra thảo luận. Tiêu dùng được ước tính chiếm đến 70% GDP của Việt Nam.
Trong báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2013 của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, các nhà nghiên cứu cho rằng tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhân tố quyết định đến chất lượng sống của người dân, đã giảm mạnh trong năm 2012, và vẫn tiếp tục xu hướng đó trong năm 2013.
“Tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế trong đó, tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình (chiếm khoảng 90% tổng tiêu dùng cuối cùng) giảm tốc là chủ yếu, phản ánh sức mua của đại bộ phận người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Tích lũy tài sản mặc dù không suy giảm như năm 2011 nhưng tốc độ tăng là rất khiêm tốn, hàng tồn kho tăng cao cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm sút rõ rệt.”
Một số chuyên gia cho rằng khi thu nhập quốc dân (GNI), vốn xác định thu nhập của người Việt Nam, không tăng cùng nhịp độ với GDP thì con số GDP tăng cao không tác động nhiều đến mức sống người dân.
Theo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), GNI đầu người của Việt Nam trong năm 2012 là 1400 đô la, trong khi GDP đầu người là 1596 đô la, tức chênh lệch lên tới gần 200 đô la.
Bất bình đẳng gia tăng
"Việt Nam đã giảm được đáng kể nghèo đói trong vòng 20 năm qua, nhưng số liệu cho thấy còn 19 triệu người Việt vẫn sống ở mức nghèo, trong đó 75% là người dân tộc thiểu số"
Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam
Trong khi đó, World Bank vừa cảnh báo rằng tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
“Việt Nam đã giảm được đáng kể nghèo đói trong vòng 20 năm qua, nhưng số liệu cho thấy còn 19 triệu người Việt vẫn sống ở mức nghèo, trong đó 75% là người dân tộc thiểu số.
Trong khi thu nhập nhìn chung đã tăng từ năm 2004 tới 2010, thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu so với nhóm 20% người nghèo đã tăng từ 7 lên 8.5 lần,” Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của World Bank Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn Kinh Doanh Việt Nam.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính chung mười một tháng năm nay, Việt Nam có 417 nghìn lượt hộ gia đình thiếu đói, tương ứng với 1,75 triệu lượt người thiếu đói.
Khác biệt về thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị đang rất lớn. Theo ngân hàng HSBC, 70% lực lượng lao động Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn chỉ có mức thu nhập 60 USD/ tháng, chỉ bằng hơn một nửa so với các lao động thành thị.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) từng cảnh báo các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam về điều mà giới kinh tế gia gọi là bẫy thu nhập trung bình theo đó các nước tăng trưởng kinh tế để thoát nghèo quá nhanh nhưng rồi lại trì trệ.
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm của tác giả, sinh viên hiện đang học tại Anh Quốc.

Không có nhận xét nào: