Pages

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

LẠI NÓI VỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỢI MANG TÍNH LỊCH SỬ” CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Gần đây, để biện hộ cho những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa lập luận về cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử”. Một số học giả Trung Quốc đã có những bài viết nói về cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại cuộc Hội thảo quốc tế về “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và thực tiễn của các quốc gia Nam Hải” tổ chức tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc ngày 24/10/2013, một số học giả đã đề cập đến cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Họ cho rằng đối với Trung Quốc mà nói, cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” trong vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) thể hiện ở “đường chín đoạn”. Các học giả Trung Quốc còn đưa ra luận điệu: yêu sách của Trung Quốc đối với quyền và lợi ích ở “Nam Hải” dựa trên “đường chín đoạn”, cũng là “đường biên giới biển truyền thống” mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố. Những ý kiến đó của học giả Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở và chỉ là một sự nguỵ biện một cách trơ trẽn bởi lẽ cho đến nay Trung Quốc chưa khi nào có một tuyên bố, kể cả một giải thích rõ ràng về cái “đường chín đoạn” của họ ở Biển Đông, kể cả khi họ cho lưu hành tấm bản đồ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc tháng 5/2009.

Trên thực tế, nhiều nước và các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của “đường chín đoạn” và làm rõ các yêu sách của họ ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn lặng thing.
Còn về luận điệu của cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” thì trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 hoàn toàn không có khái niệm này. Toà án quốc tế La Hay từng định nghĩa “vùng nước mang tính lịch sử” thường được coi là “nội thuỷ”, mà “nội thuỷ” phải là vùng nước nằm sát bờ. Đối chiếu với “đường chín đoạn” ở Biển Đông thí nó nằm cách bờ biển của Trung Quốc hàng vài trăm hải lý, do vậy không thể có cái gọi là vùng nước “nội thuỷ” hay “vùng nước mang tính lịch sử” của Trung Quốc theo “đường chín đoạn” ở Biển Đông.
Ngay tại Hội thảo ngày 24/10/2013 ở Hải Khẩu, Giáo sư Trâu Khắc Uyên của Đại học Central Lancashire Anh, một người Hoa cho biết vùng nước được cho là vùng nước mang tính lịch sử cần đáp ứng 3 điều kiện: một là, thực hiện quyền quản lý đối với vùng biển này; hai là, quyền quản lý này phải liên tục về mặt thời gian; ba là, thái độ ủng hộ, thừa nhận của các quốc gia khác đối với yêu sách đó. Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không đáp ứng cả 3 điều kiện này vì Trung Quốc chưa bao giờ cai quản các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” mà các nước liên quan vẫn thực hiện các quyền quản lý và khai thác tài nguyên của mình tại các vùng biển thuộc về họ nằm trong “đường chín đoạn” và yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không những không được bất kỳ một quốc gia nào thừa nhận hay ủng hộ mà lại còn bị hầu hết các nước phản đối. Do vậy, không có lý do gì có thể nói rằng Trung Quốc có cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” trong phạm vi yêu sách “đường chín đoạn”.
Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ năm với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tổ chức tại Hà Nội ngày 11 - 12/11/2013, học giả Đài Loan, ông Dustin Kuan - Hsiung Wang, Giám đốc Viện khoa học chính trị Đại học Đài Loan cũng phải thừa nhận: “đường chín đoạn không phải là biên giới quốc gia vì các nét đứt không theo quy cách của đường biên giới; đường chín đoạn cũng không phải là vùng nội thủy hay lãnh hải vì tàu thuyền của các nước vẫn qua lại tự do ở Biển Đông; đường chín đoạn cũng không phải là yêu sách về thềm lục địa vì khi nó xuất hiện năm 1947 thì chưa có khai niệm về thềm lục địa”.Ý kiến của ông Dustin Kuan - Hsiung Wang đã bác bỏ quan điểm của các học giả Trung Quốc về cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Không chỉ tại các cuộc hội thảo mà trong đàm phán về vấn đề trên biển với các nước láng giềng, Trung Quốc luôn yêu cầu dựa vào cái gọi là “sự thực lịch sử” để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một khái niệm hết sức mơ hồ; do không có cơ sở pháp lý trong các yêu sách của mình nên Trung Quốc đưa ra luận điệu “sự thực lịch sử” để lấy cớ gây sức ép với các nước láng giềng trên bàn đàm phán. Còn nếu nói về “quyền lợi mang tính lịch sử” như cách hiểu của Trung Quốc thì Biển Đông hay hầu hết các đại dương sẽ thuộc về các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh… là những nước có lực lượng hải quân mạnh từ hàng trăm năm trước và tàu của họ đã khai phá và có mặt ở hầu hết các đại dương, kể cả Biển Đông từ vài trăm năm trước.
Một số học giả Trung Quốc còn đưa ra luận điệu rằng “đường chín đoạn” xuất hiện trước khi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ra đời. Đây là một lập luận hết sức sai lầm bởi lẽ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 có thể coi là một “Hiến pháp của đại dương”; bất kỳ một yêu sách nào về quyền lịch sử nào trước đây thì nay sau khi Công ước Luật biển 1982 ra đời cũng phải phù hợp với các quy định của Công ước, nghĩa là về cơ bản các quyền lịch sử chỉ có thể tồn tại trong vùng nội thuỷ hướng về phía đất liền của các đường cơ sở. Trung Quốc đã là một thành viên của Công ước Luật biển 1982 thì họ phải tuân thủ các quy định của Công ước. Họ không thể đòi những vùng biển cách xa bờ biển của họ vài trăm hải lý là “vùng nội thuỷ” của họ được.
Những luận điệu về cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” của Trung Quốc trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông đã đi ngược lại ngay chính các văn bản pháp lý của Trung Quốc. Chẳng hạn như điểm 1 trong Tuyên bố ngày 04/9/1958 của Thủ tướng Chu Ân Lai viết:“Bề rộng lãnh hải của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa quần đảo và tất cả các đảo thuộc Trung Quốc được tách rời khỏi lục địa Trung Quốc bởi biển cả”. Tuyên bố cho rằng giữa các đảo Đài Loan, Bành Hồ và các quần đảo ở Biển Đông cách biệt với đất liền bởi biển cả; mà bây giờ Trung Quốc lại cho rằng các vùng biển cả đó là vùng nội thuỷ thì nó không thể chấp nhận được. Như vậy, chính các văn bản pháp lý của Trung Quốc” đã phủ nhận sự tồn tại của cái gọi là “quyền lợi mang tính lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
BDN

Không có nhận xét nào: