Pages

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

MALAYSIA TỎ RA KIÊN QUYẾT HƠN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Do có quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Trung Quốc nên Malaysia trước đây đã tỏ ra “mềm yếu” trước Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, không dám lên tiếng chỉ trích những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 trở lại đây, Malaysia tỏ ra kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông. Thể hiện rõ trên các việc làm của Malaysia liên quan đến Biển Đông trong thời gian gần đây.

Malaysia kiên quyết không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” và không chấp nhận “cùng khai thác” trên thềm lục địa của Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tháng 10/2013, Trung Quốc ráo riết vận động Malaysia ủng hộ chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc; dùng con bài kinh tế gây sức ép đối với Malaysia trên vấn đề “cùng khai thác”; muốn biến quan hệ Trung Quốc – Malaysia thành mô hình thí điểm đột phá, nhưng Malaysia đã không đồng ý. Trong chuyến thăm, Malaysia đã nói rõ do Malaysia là thành viên ASEAN nên họ thấy cần giải quyết vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ ASEAN, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC.
Bên cạnh đó, Malaysia tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực của hải quân. Ngày 25/10/2013, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Malaysia Najib tuyên bố dành ngân sách 4,2 tỷ USD để mua thêm 6 tàu tuần trxa bờ, 4 máy bay vận tải, các xe tăng, thiết bị hỗ trợ và tăng cường đào tạo thuỷ quân, sỹ quan vận hành tàu ngầm. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ra Thông cáo báo chí về thành lập lực lượng lính thuỷ đánh bộ với thành phần chính từ 3 lực lượng hiện có của quân đội Malaysia. Ngoài ra, Malaysia tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, dựa vào thuỷ quân lục chiến Mỹ để đào tạo chuyên môn và giúp phát triển lực lượng. Mỹ cam kết chuyển giao tàu đổ bộ USS Denver cùng một số trang thiết bị như xe thiết giáp lội nước AAV - 7, trực thăng tấn công AH - 1Z hoặc AH – 64 Apache.
Malaysia còn đang tiến hành nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự tại Bintulu Sarawak, nằm gần bãi ngầm Tăng Mẫu (điểm cực Nam của yêu sách “đường lưỡi bò”). Malaysia cũng tăng cường diễn tập quân sự trên biển, nhất là ở những khu vực có tiềm năng dầu khí nhằm phát đi tín hiệu Malaysia sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích dầu khí trên thềm lục địa của mình. Trên thực địa, Malaysia áp dụng nhiều biện pháp cương quyết xua đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Malaysia để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia.
Đáng chú ý là Malaysia đã chủ động đề xướng tiến hành cuộc gặp 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Bruneiđể thống nhất lập trường trên vấn để Biển Đông. Đây là một tính hiệu hết sức tích cực, tạo ra đối trọng đối phó với sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Việc Malaysia tỏ thái độ kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Một là, Trung Quốc thi hành chính sách ngày càng cứng rắn ở Biển Đông, nhất là từ khi đưa bản đồ “đường lưỡi bò” ra Liên hợp quốc năm 2009; những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” đe doạ trực tiếp các lợi ích trên biển của Malaysia làm cho Malaysia thức tỉnh.
Hai là, từ đầu năm 2013 Trung Quốc triển khai một loạt các hoạt động xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Malaysia như tháng 3/2013 Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực bãi Tăng Mẫu, là khu vực nằm trên thềm lục địa 200 hải lý của Malaysia cách bờ biển của Malaysia 80 hải lý; tháng 9/2013, tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia, cản trở hoạt động thăm dò địa chấn của tàu MV Genesis cách bờ biển Sarawak của Malaysia khoảng 70 hải lý (năm 2012, tàu của Trung Quốc đã từng cản trở hoạt động thăm dò của tàu khảo sát Malaysia). Trước đây, các hoạt động của Trung Quốc tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông, chưa động chạm trực tiếp đến các lợi ích của Malaysia nên Malaysia có thể thờ ơ. Nay Trung Quốc đã tiến xuống cực Nam của “đường lưỡi bò”, xâm phạm vào các vùng biển của Malaysia buộc Malaysia phải tìm cách đối phó.
Như “một giọt nước tràn ly”, chính hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông, thực hiện mục tiêu xây dựng “cường quốc biển” đã buộc Malaysia phải tỏ thái độ kiên quyết hơn trên các vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí giữa 4 nước ASEAN liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
BDN

Không có nhận xét nào: