Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tam giác quan hệ Việt - Ấn - Nga

Việt Nam muốn mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ
Việt Nam đã chính thức đề nghị Ấn Độ cung cấp tên lửa tuần dương BrahMos do Ấn Độ và Nga phối hợp sản xuất khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm New Delhi hồi tháng 11, trang tin Russia&India Report đưa tin hôm 3/12.

Bấm Trang tin này cũng dẫn lời một nguồn tin nói Việt Nam muốn có tên lửa BrahMos để đáp ứng "nhu cầu trước mắt" giữa lúc kế hoạch cùng phát triển tên lửa giống kiểu Kh-35 Uran của Việt Nam và Nga đang tiến triển chậm. 



Đây là lần thứ hai Việt Nam đưa ra đề nghị như vậy sau khi Chủ tịch Trương Tấn Sang nêu vấn đề này khi thăm Ấn Độ hồi năm 2011.
Nhưng hiện cũng chưa rõ liệu Ấn Độ có thể cung cấp tên lửa BrahMos, vốn là tên viết tắt của sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga, trong tương lai gần không.
Trong lúc đó nhà quan sát Việt Nam từ Úc, Giáo sư Carl Thayer nói quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ giúp Hà Nội giảm sự lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Nga trong lĩnh vực quốc phòng.

Cột mốc quan hệ

Khi ông Trọng ở Ấn Độ, báo The Times of India cũng đưa tin Hải quân Ấn Độ sẽ đào tạo cho hàng trăm thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam.
Thủ tướng Manmohan Singh còn tuyên bố Ấn Độ đồng ý cấp tín dụng 100 triệu đô la để Việt Nam mua bốn tàu tuần tra của Ấn Độ.
Giáo sư Thayer nói Việt Nam và Ấn Độ đã ký các hiệp định hợp tác quốc phòng quan trọng trong các năm 1994, 2000 và 2003.

"Ấn Độ và Việt Nam có các quan tâm an ninh chung bao gồm việc tăng tính linh hoạt trong khả năng đối phó với Trung Quốc và các cường quốc khác trong vùng của mỗi nước."
Giáo sư Carl Thayer

Và cột mốc lớn được thiết lập hồi năm 2007 khi hai bên nâng quan hệ lên mức chiến lược khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Ấn Độ trong tháng 11.
Tuyên bố chung sáu điểm được hai bên đưa ra đề cập tới việc tăng cường hợp tác để tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực hàng hải, nhất là các thông tin liên quan tới an toàn của các tuyến đường biển.
Ngay trong tháng 12 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Anthony đã ký biên bản ghi nhớ với người tương nhiệm, Tướng Phùng Quang Thanh, khi thăm Hà Nội.
Biên bản ghi nhớ này bao gồm hợp tác quốc phòng, hải quân, phòng không và đào tạo.
Một năm sau đó tham mưu trưởng quân đội của hai bên đã gặp nhau ở Hà Nội trong khi sang năm 2009, Tướng Nguyễn Thịnh, người phụ trách lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng của Việt Nam đã bày tỏ mong muốn được Ấn Độ hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất tên lửa tuần dương.
Trong hai năm 2010 và 2011, các quan chức quốc phòng hai bên tiếp tục có những chuyến thăm viếng và cam kết hợp tác trong đó có đào tạo nhân lực cũng như Ấn Độ giúp Việt Nam bảo trì vũ khí của Nga.

Giảm lệ thuộc



Việt Nam lệ thuộc nhiều vào vũ khí của Nga

Một mốc lớn khác trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Ấn Độ trong tháng 10 năm 2011.
Chủ tịch Sang đã đề nghị Ấn Độ hỗ trợ Hà Nội trong bốn lĩnh vực bao gồm đào tạo thủy thủ tàu ngầm, đào tạo phi công lái Su-30, hiện đại hóa cảng Nha Trang và chuyển giao tàu chiến hạng trung.
Khi đó ông Sang cũng đã đề nghị Ấn Độ xem xét việc cung cấp tên lửa tuần dương Bramos.
Giáo sư Thayer nói trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Đỗ Bá Tỵ cũng tới Ấn Độ để hội đàm về tăng cường hợp tác quân sự trong tương lai.
Nhận xét về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ, Giáo sư Thayer bình luận:

"Ấn Độ có thể dùng quan hệ với Việt Nam để gây sức ép lên Trung Quốc trong quan hệ của Bắc Kinh với Pakistan"
Giáo sư Carl Thayer

"Ấn Độ và Việt Nam có các quan tâm an ninh chung bao gồm việc tăng tính linh hoạt trong khả năng đối phó với Trung Quốc và các cường quốc khác trong vùng của mỗi nước.
"Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam tạo cơ sở để Ấn Độ có vai trò lớn hơn ở Đông Á, nhất là trong lĩnh vực hàng hải.
"Chẳng hạn, Ấn Độ có thể dùng quan hệ với Việt Nam để gây sức ép lên Trung Quốc trong quan hệ của Bắc Kinh với Pakistan."
Ngoài ra, Giáo sư Thayer nói, Ấn Độ cũng có lợi từ sự ủng hộ chính trị của Việt Nam với vai trò là thành viên ASEAN cũng như đối với cố gắng trở thành thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc của New Delhi.
Đối với Việt Nam, ông Thayer kết luận, "quan hệ quốc phòng của Việt Nam với Ấn Độ giảm sự lệ thuộc quốc phòng gần như toàn diện vào Nga."/BBC

Không có nhận xét nào: