Pages

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Hùng Tâm – Dân Chủ và ‘Nhất Quốc Lưỡng Hệ’

3Nguyên do sâu xa của vụ khủng hoảng tại Hồng Kông
Suốt tuần qua, các cuộc biểu tình lan rộng tại Hồng Kông đã gây bất ngờ cho dư luận thế giới vì Ðặc Khu Tự Trị Hành Chánh này của Trung Quốc chưa hề có dân chủ mà lại là một khu vực tự do nhất về tư tưởng và kinh tế nên là một cửa ngõ làm tiền cho lãnh đạo của Bắc Kinh.
Khu vực này chưa có dân chủ vì từ năm 1842 trong hơn một thế kỷ chỉ là thuộc địa của đế quốc Anh. Thế rồi khi được “hồi quy cố quốc” từ năm 1997 thì người dân cũng chưa được quyền bầu lên đại diện để quyết định về tương lai của mình. Nhưng Hồng Kông hay Hương Cảng là vùng tự do nhất địa cầu vì chính quyền Anh giữ chủ trương đa nguyên về tư tưởng – không có hệ thống văn hóa hay tín ngưỡng độc tôn – và theo kinh tế thị trường, với chế độ pháp quyền và bộ máy hành chánh minh bạch. Nhờ vậy, Hồng Kông trở thành viên ngọc quý của Anh tại Ðông Á.

Sau khi thu hồi lại khu vực này, chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh muốn duy trì ưu điểm tự do của một trung tâm tài chánh và ngân hàng tiên tiến để làm cửa ngõ kinh doanh với thế giới. Bây giờ, bỗng nhiên người dân Hồng Kông, đi đầu là các học sinh và sinh viên, là thành phần thanh thiếu niên, lại biểu tình đòi dân chủ. Vì vậy, dư luận mới ngạc nhiên.
Thật ra, sự ngạc nhiên đó cho thấy truyền thông ít theo dõi hay tường thuật tình hình cho rõ ràng. “Hồ Sơ Người Việt” trình bày lại bối cảnh sâu xa để quý độc giả có cơ sở lượng định về hậu quả.
Nhất quốc lưỡng hệ
Sau khi chiến thắng tại Hoa lục (lục địa Trung Hoa) vào năm 1949, Ðảng Cộng Sản Trung Hoa dưới quyền lãnh đạo của Mao Trạch Ðông đã thành lập “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc” vào ngày mùng một tháng 10 năm 1949, đúng 65 năm trước. Khi đó, Trung Quốc (Trung Cộng) lập tức chiếm đóng rồi thôn tính hai khu vực rộng lớn là Tân Cương và Tây Tạng của các sắc tộc Hồi và Tạng để lập ra “khu tự trị hành chánh” do Hán tộc cai trị dưới sự lãnh đạo của đảng.
Bên trong lãnh thổ còn lại, có Hồng Kông và Ma Cao vẫn là khu vực quản lý của các đế quốc Âu Châu là Anh và Bồ Ðào Nha. Ngoài ra, một vùng đất ở bên ngoài, cách một eo biển, là Ðài Loan thì vẫn thuộc quyền lãnh đạo của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, và được Hoa Kỳ bảo vệ.
Bất chấp sự thể là đã thôn tính lãnh thổ của người khác tại Tân Cương và Tây Tạng, lãnh đạo Trung Quốc tự coi như có nhiệm vụ thu hồi lại ba vùng đất họ cho là thuộc về Hán tộc, là Hồng Kông, Ma Cao và Ðài Loan. Quan trọng nhất là Ðài Loan.
Ðảo quốc này từng là một xứ độc lập của dân bản địa thuộc sắc tộc Ða đảo Melanesian, có lúc bị Nhật Bản sát nhập và sau 1949 là nước Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) được Tôn Dật Tiên lập ra từ năm 1911 tại Hoa lục, được duy trì cho tới nay sau khi Tưởng Giới Thạch trôi dạt về đó.
Năm 1972, khi Richard Nixon thăm viếng Trung Quốc để mở ra chiến lược mới, lãnh đạo hai nước Mỹ-Hoa đề ra nguyên tắc “một quốc gia hai hệ thống” hay “nhất quốc lưỡng hệ.” Nguyên tắc này thỏa mãn cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc, với hàm ý mơ hồ, thậm chí bịp bợm.
Cùng với Hoa Kỳ, cả hai nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Trung Hoa Dân Quốc đều đồng ý là chỉ có một quốc gia Trung Quốc.
Nhưng Bắc Kinh thì cho là nước Trung Quốc đó thuộc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Hoa và Ðài Loan chỉ là một tỉnh ly khai sẽ phải được thống nhất. Phía Ðài Loan thì vẫn cho rằng mình là một quốc gia độc lập với giấc mơ có ngày về giải phóng Hoa lục để Trung Hoa Dân Quốc lãnh đạo cả quốc gia thống nhất. Hoa Kỳ thì nhập nhằng ở giữa với chủ trương thỏa mãn Bắc Kinh mà không hy sinh Ðài Loan, dù sao cũng là đồng minh lâu năm và được Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết một Ðạo luật bảo vệ.
Nguyên tắc “lưỡng hệ” này hàm ý là hai hệ thống hay chế độ chính trị sẽ tiến dần đến thống nhất sau khi san bằng các dị biệt. Trong khi phía Mỹ làm như tin rằng sẽ thống nhất một cách ôn hòa qua đàm phán, phía Bắc Kinh lại không che giấu hai mặt trái ngược của thống nhất, bằng chính trị hay vũ lực.
Phía Ðài Loan do dự giữa hai ngả. Quốc Dân Ðảng thì muốn duy trì quy chế tự trị và đổi nội dung khẩu hiệu “Quang phục Trung Hoa” của Tưởng Giới Thạch thành “Quang minh chính đại chinh phục lại Trung Hoa bằng giải pháp kinh tế và chính trị.” Nhiều đảng phái hay xu hướng chính trị của dân bản địa, đứng đầu là Ðảng Dân Tiến (Dân Chủ Tiến Bộ) sau này. thì cho rằng xưa nay Ðài Loan là một xứ độc lập rồi bị người Hán từ Hoa lục tràn qua chiếm đóng và đòi sát nhập vào Trung Quốc. Họ muốn tìm quy chế độc lập của một “Cộng Hòa Ðài Loan” chẳng dính dáng gì tới Trung Hoa hay Trung Quốc. Cả Trung Cộng, Hoa Kỳ và Quốc Dân Ðảng đều e ngại kịch bản độc lập ấy…
Trong khi tình hình Ðài Loan còn bất định thì Ðặng Tiểu Bình lên lãnh đạo và từ 30 năm trước đã mở cuộc đàm phán với Anh dưới thời Thủ Tướng Margaret Thatcher về tiến trình thu hồi lại Hồng Kông. Ðấy là lúc nguyên tắc “nhất quốc lưỡng hệ” được đem ra áp dụng.
Hồng Kông là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng nằm dưới hệ thống chính trị khác và hưởng quy chế đặc khu hành chánh tự trị cho tới sau này, có thể là 50 năm, thì mới được thống nhất. Ngày một Tháng Bảy năm 1997, Hồng Kông hồi quy Trung Quốc theo nguyên tắc đó, được đôi bên Anh-Hoa ghi trong Ðạo Luật Căn Bản (Basic Law) và tiếp tục là một trung tâm buôn bán tự do với tinh thần cởi mở….
Tự do và dân chủ
Trong tiến trình thương thuyết Anh-Hoa từ 1984 đến 1997, phía Anh quốc có người như thống đốc Hồng Kông sau cùng là Chris Patten đề nghị là trước khi trả Hồng Kông cho Bắc Kinh thì nên thiết lập chế độ dân chủ. Cụ thể là cho dân Hồng Kông được quyền trực tiếp bầu lên người lãnh đạo. Phía Bắc Kinh phản đối, còn hăm dọa thôn tính luôn khu vực này và chính quyền Anh đành bọc theo. Viên hành chánh trưởng quan sẽ được bầu gián tiếp từ một số đại biểu.
Vụ khủng hoảng ngày nay bùng nổ khi sinh viên học sinh Hồng Kông phản đối thề thức bầu cử gián tiếp vì cho rằng cơ chế bầu cử là do Bắc Kinh quyết định và viên Trưởng Quan Lương Chấn Anh ngày nay chỉ là người của Bắc Kinh. Ðám biểu tình ra tối hậu thư đòi Lương Chấn Anh phải từ chức vào ngày Thứ Năm Mùng Hai. Vì sao lại có yêu sách ấy?
“Hồ Sơ Người Việt” ghi từ đầu rằng đáng lẽ ta không nên ngạc nhiên về chuyện đó. Lý do đơn giản mà dễ quên là dân Ðài Loan đã có dân chủ!
Trong các năm 1987 về sau, khi Anh quốc còn thương thuyết với Bắc Kinh về quy chế tương lai của Hồng Kông thì dân chúng Ðài Loan đã biểu tình đòi dân chủ và Quốc Dân Ðảng dưới quyền lãnh đạo của Tưởng Kinh Quốc nhượng bộ và chuyển hóa hệ thống chính trị.
Thành tích đấu tranh của thanh niên Ðài Loan được ghi nhận ở phong trào biểu tình gọi là “Dã Bách Hợp Học Vận” (cuộc vận động hoa loa kèn dại của sinh viên học sinh – Wild Lily Student Movement) vào mùa Xuân năm 1990.
Mùa Xuân năm nay, ngày 18 Tháng Ba, sinh viên học sinh Ðài Loan lại biểu tình nữa để phản đối hiệp định mà chính quyền của Tổng Thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Ðảng muốn ký với Bắc Kinh. Ðấy là phong trào “Hoa hướng dương” (Thái Dương Hoa Học Vận, Sunflower Movement). Họ chiếm Quốc Hội (Lập Pháp Viện) và cả Hành Pháp Viện là trụ sở của hội đồng chính phủ, khiến Mã Anh Cửu phải nhượng bộ và không thi hành chánh sách hợp tác đến độ quỵ lụy Bắc Kinh.
Nếu truyền thông quốc tế và Việt Nam nhớ đến các cuộc vận động của tuổi trẻ tại Ðài Loan thì đã chẳng ngạc nhiên về những gì đang xảy ra tại Hồng Kông. Huống hồ Tập Cận Bình lại vừa lên lãnh đạo và đang thi hành chánh sách tập quyền để kiểm soát mọi chống đối.
Bạch Thư 610
Ngày mùng 10 Tháng Sáu vừa qua, văn phòng Quốc Vụ Viện (Hội Ðồng Chính Phủ Trung Quốc) của Bắc Kinh đã công bố một bạch thư chi tiết được báo là do Quốc Hội đồng ý mà thực chất là do Bộ Chính Trị của đảng đưa xuống.
Bạch thư ấy có nội dung trình bày diễn tiến áp dụng nguyên tắc “nhất quốc lưỡng hệ” cho Ðặc Khu Hành Chánh Hồng Kông. Chính tài liệu đó mới khiến dân Hồng Kông thấy rõ ý đồ tiêu diệt dân chủ và tăng cường quyền lực của Ðảng Cộng Sản trong hệ thống hành chánh của Hồng Kông.
Không chỉ trực tiếp can thiệp vào việc đề cử tay chân của đảng lên làm hánh chánh trưởng quan như Lương Chấn Anh, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc muốn hợp thức hóa sự can thiệp để kiểm soát chặt chẽ hơn kể từ kỳ bầu cử tới, vào năm 2017. Cụ thề là những người do đảng chọn lựa sẽ chiếm đa số trong hệ thống bình bầu gián tiếp.
Kết quả mới là cuộc biểu tình của nhiều thành phần dân chúng, với thanh thiếu niên dẫn đầu, phía sau là nhiều chuyên gia trí thức yêu chuộng dân chủ lẫn các tài phiệt giàu có đang hỗ trợ về chiến lược và chiến thuật. Bước đầu mới chỉ là đòi Lương Chấn Anh từ chức – tức là trực diện thách đố Bắc Kinh – bước kế tiếp sẽ là cải cách hệ thống tuyển cử bằng chế độ phổ thông đầu phiếu: dân Hồng Kông sẽ trực tiếp bầu lên lãnh đạo vì quyền lợi của Hồng Kông, chứ không do những tính toán của Bắc Kinh.
__________________________
Kết luận ở đây là gì?
Tập Cận Bình lâm thế kẹt.
Ông ta có thể làm như Ðặng Tiểu Bình với cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989, nhưng sẽ mất một trung tâm tài chánh còn lớn hơn Thượng Hải. Ông ta có nghĩ là rồi đây tư bản quốc tế sẽ vì lòng tham mà vẫn quay lại làm ăn, như thế giới vẫn làm ăn với Trung Quốc sau khi phản đối vụ Thiên An Môn. Nhưng kinh tế Trung Quốc èo uột hiện nay có chịu đựng nổi một vụ khủng hoảng tài chánh tại Hồng Kông không? Và người dân Ðài Loan sẽ nghĩ sao về nguyên tắc “nhất quốc lưỡng hệ”? Chắc là Mã Anh Cửu sẽ thất cử và Ðài Loan tiến tới độc lập: Trung Quốc gặp một vụ khủng hoảng khác.
Tập Cận Bình có thể lùi một bước chiến lược, không chỉ chấp nhận dân chủ tại Hồng Kông mà còn cho một số tỉnh tiếp giáp ở miền Nam, như Quảng Ðông, cũng thử nghiệm giải pháp dân chủ. Nhưng giải pháp lý tưởng đó lại đụng vào thực tế Tân Cương và Tây Tạng!
Kết luận sau cùng: người Việt Nam nghĩ gì? Vì sao không cho đám “hành chánh trưởng quan” trong Bộ Chính Trị của Hà Nội đi đuổi gà?

Không có nhận xét nào: