Pages

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Hội thảo về TPP và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam

Sáng ngày 3/8/2015, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học về “Đánh giá tác động của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) đối với kinh tế Việt Nam: tác động đến kinh tế vĩ mô và ngành chăn nuôi” đã diễn ra với sự có mặt của đông đảo chuyên gia kinh tế và giới truyền thông.





Buổi hội thảo do VEPR (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam) và JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) đồng tổ chức. Bản phúc trình nghiên cứu được công bố sáng 3/8 là sự hợp tác giữa VEPR, JICA và Đại học Nagoya – Nhật Bản.



Theo bản phúc trình này, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm tới 2% nếu gia nhập TPP, trong khi mức thay đổi của các quốc gia còn lại đều dưới 1%. Đầu tư toàn xã hội cũng tăng mạnh nhất trong các nước, lên tới 30%. Việt Nam sẽ có thêm gần 13 tỷ Mỹ kim vốn đầu tư, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Hoa Kỳ. Nhóm tác giả của bản phúc trình nhận định: “TPP sẽ kích thích sự hình thành các nguồn vốn cố định ở Việt Nam”. 


Đại diện VEPR khẳng định kết quả này mới là đánh giá tổng thể, còn chi tiết hơn cần những đánh giá trong dài hạn. "Báo cáo giống như chụp lại thế giới từ trên trực thăng, nhưng sau đó sẽ phải đổ bộ xuống từng khu vực để nghiên cứu kỹ hơn”, Viện trưởng VEPR cho biết.
Cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng được định hình lại nhờ TPP. Những ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, gỗ, khai khoáng… sẽ thu hẹp; mặt khác, có sự mở rộng về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế như dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng. 


Nghiên cứu này cho rằng “Việt Nam cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập nếu không đi liền với những cải cách thì không những khiến Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt, mà còn có thể dẫn đến những suy giảm trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”. Các cải cách về hành chính, chính sách đầu tư và phát triển các ngành phụ trợ cũng hết sức cần thiết.


Mặc dù quá trình đàm phán song phương của Việt Nam với các đối tác trong TPP đã hoàn tất từ cuối tuần trước, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bế tắc chưa được giải quyết. Nổi bật trong số đó là vấn đề nhân quyền và quyền thành lập công đoàn độc lập của người lao động không được chính quyền Việt Nam công nhận. Bên cạnh đó là việc mở cửa nhiều lĩnh vực như mua sắm công, viễn thông cho các đối tác trong TPP./Nhật Nam / SBTN

Không có nhận xét nào: