Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Biển Đông: Quân bài lật ngữa


Hoàng Thanh Trúc  - Ngày 7/08/ 2011 Bộ Quốc phòng Trung Quốc điều động quân đội “Lưỡng Quảng” tổ chức tập trận dọc đường biên đối diện với một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Trung quốc có chung đường biên giới với hơn mười quốc gia khác nhau, nhưng sao không là Tân Cương đang bất ổn, đối diện bên kia là Liên Xô, sao không là Nam Tây Tạng, đang canh chừng biên giới với Ấn Độ, sao không là sa mạc Gobi (Ngoại Mông) đang giằng co với Mông Cổ, mà lại áp sát biên giới Việt Nam?

Sự kiện này hiếm thấy ở các nước có cùng biên giới, có chung các hiệp ước hữu nghị trong thời bình. Những cuộc điều binh bất thường (dù Trung Quốc nói đây chỉ là hoạt động hàng năm), theo thông lệ quốc tế là động thái quân sự nhạy cảm thường phải được thông báo và đồng thuận với quốc gia láng giềng trước khi nó diễn ra, đó là mặc định tất yếu trong qui tắc ứng xử ngoại giao vì trách nhiệm với hòa bình thế giới. Việt Nam chỉ biết được điều này khi tiếng xích chiến xa TQ rầm rập sát nách biên giới mình – Nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng oanh vàng thỏ thẻ phản đối từ Phương Nga, phát ngôn viên bộ ngoại giao VN? mà đây là phản xạ khôn ngoan thường thấy ở những trường hợp như thế trong đối ngoại song phương?

Dưới mắt những chiến lược gia,những nhà bình luận thời sự Châu Á thì động thái ấy của TQ không hề bình thường chút nào khi mà “tàu sân bay dầu khí” (nhật báo Mainichi Nhật Bản gọi như vậy) ám chỉ giàn khoan dầu trên biển “Hải dương 981” một công trình hiện đại khổng lồ của TQ sau khi hoàn tất thời gian hoạt động thử nghiệm đang chuẩn bị để được lai dắt vào biển Đông ở cuối thu hay đầu đông 2011.

Trong khi đó, trước việc chính phủ Philippines giới thiệu với các công ty quốc tế 15 gói thầu thăm dò khai thác dầu khí trị giá 7 tỷ usd trên thềm lãnh hải nước mình và tổng thống Phi cũng sửa soạn viếng thăm TQ theo lời mời của Hồ Cẩm Đào thì truyền thông Trung Quốc lại một lần nữa cảnh báo "một số nước" liên quan tranh chấp chủ quyền với mình tại Biển Đông rằng: "Đây là lãnh thổ truyền thống của Trung Quốc. Bất cứ quốc gia nào có sự nhìn nhận chiến lược sai lầm về chủ đề này chắc chắn sẽ phải trả giá đắt". Người ta buộc phải tự hỏi: Trung Quốc dựa vào đâu để tiếp tục ngạo mạn thái quá như thế?.

Mỹ và cả châu Âu đang khổ sở vì lạm phát, nợ công tăng cao, kinh tế suy thoái phải dè sẻn, cắt giảm mọi chi tiêu thì Trung Quốc đang thặng dư dự trữ hơn 3000 tỷ usd. Ngân sách quốc phòng tăng hai con số % trong chục năm liền, 2011 là hàng trăm tỷ usd (160 tỷ theo Bộ quốc phòng Mỹ đánh giá). Từ một anh nghèo đói khố rách áo ôm thoáng chốc thành kẻ lắm tiền, vũ khí lận lưng thường hay tự mãn, và càng tự đại hơn khi xung quanh có nhiều anh nhà giàu sa cơ lỡ vận cầu cạnh, có anh từng là “anh hùng cái thế” giờ cũng khép nép vì lỡ vay nợ ngập đầu chưa trả nổi…vì vậy TQ tự kiêu cũng dể hiểu thôi.

Tuy nhiên tự tin để phát ngôn kiểu “cả vú lấp miệng em” trong cái tư tưởng “Chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng” như thế, thường thì đó không phải nhân cách chính danh quân tử đúng tầm của một quốc gia giàu mạnh phát triển văn minh toàn diện. Không khó lắm để công luận quốc tế nhận định lời cảnh báo đó nhắm tới quốc gia nào.

Tranh chấp trên biển Đông với TQ gồm: Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, nhưng từ trước đến nay chỉ VN và philipines là gay gắt trực diện hơn cả, đơn giản, ranh giớí TQ đòi hỏi như rào chắn trước cửa hai nhà này. Nhìn vào bản đồ đường “lưỡi bò, chín khúc” mà TQ công bố chủ quyền, rất khó cho bất cứ ai (trừ TQ) có thể chấp nhận, đây là đường thủy ra vào, là ngư trường truyền thống gần như bất khả phân ly của ngư dân các nước quanh khu vực biển Đông, là hải lộ thông thương tấp nập quan trọng của Châu Á và thế giới bao đời nay. Vậy mà chỉ với mảnh giấy cỏn con tự vẽ, tự ước lượng những vùng đất, biển đảo, có quân Nhật đồn trú của Quốc Dân Đảng (Tưởng Giới Thạch) khi được đồng minh ủy quyền giải giới quân phiệt Nhật ở Đông Dương năm 1947 để coi đó là cơ sở lịch sử các đảo và biển đông nằm trong đường lưỡi bò là “ bờ cõi” ngày xưa của mình?

TQ đã bất chấp Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), ngay cả tháng 11 năm 2002, trong một phiên họp cùng ASEAN, Trung Quốc đã thông qua bản Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), vẫn chưa thấy TQ nói gì đến đường lưỡi bò chín khúc này, chỉ vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế phình to khát năng lượng TQ mới quan tâm đến tài nguyên dầu khí trầm tích dưới biển Đông thì đường “chín khúc” có hình cái lưỡi (con bò điên) ấy mới chào đời. Và như một tay anh chị ít học nhưng tiền bạc rủng rĩnh quen thói côn đồ hành hiệp, sau hai lần cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa trên Biển Đông từ Việt Nam, không có đối thủ, thì hôm nay trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới có chiều hướng bi quan hơn trước càng thuận lợi cho Trung Quốc tiến hành thực hiện tham vọng biến biển đông thành ao nhà để độc quyền khai thác năng lượng và thâu tóm các hải đảo làm chốt tiền tiêu cho chiến lược riêng mình thì không là điều khó hiểu.

 

Bản đồ biển đông và đường lưỡi bò do TQ tự vẽ

Với Philippines, trước đó, sau khi lời qua tiếng lại phản đối TQ xâm phạm lảnh hải dù Mỹ đã phái chiến hạm USS Chung Hoon đến tập trận cùng hải quân Phi và hiện nay hàng không mẫu hạm USS George Washington đang tuần tra trên biển Đông với nhiệm vụ là đảm bảo an ninh và ổn định phía tây Thái Bình Dương (biển đông) nhưng chừng này cũng chưa đủ cho “đại hán” hạ giọng.

Hình như những dữ liệu cô đọng đậm đặc của trung ương tình báo sở TQ cập nhật về tình hình thế giới đặt lên bàn nghị sự cơ yếu của các chiến lược gia TQ đủ để họ nhận định rằng khi mà tTheo phân tích của CBO) nợ công của Mỹ sẽ đạt xấp xỉ 70% GDP vào cuối năm 2011, mức cao nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. buộc các nhà lập pháp của Mỹ phải tìm mọi cách để cắt giảm thâm hụt và hướng đến việc cắt giảm ngân sách quốc phòng với đề xuất cao hơn so với dự định ban đầu của Tổng thống Obama ở mức 800 tỷ USD thậm chí lên tới 1000 tỷ USD trong 10 năm tới. Trước mắt, Nhà Trắng được yêu cầu phải cắt giảm chi phí quốc phòng gồm các chương trình đầu tư vũ khí và tăng quân để ngăn chặn nguy cơ ngân sách quốc phòng bị thâm hụt trầm trọng hơn.Theo đó, kế hoạch thắt chặt chi tiêu này bắt đầu bằng việc giảm 47.000 binh lính vào năm 2015, nhiều đề xuất tốn kém khác bị loại bỏ do vượt quá ngân sách như, kế hoạch tăng cường 573 tàu đổ bộ cho Hải quân Mỹ trị giá 14 tỷ USD, hệ thống tên lửa đất đối không Slamraam, bệ phóng tên lửa tự động NLOS-LS và dự án máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, chi phí cho chiến tranh hải ngoại củng buộc phải giảm sớm hơn kế hoạch, chủ yếu là ở Iraq và Afghanistan. Cuối năm nay quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Iraq, và từ tháng 7/2011 quân đội Mỹ sẽ giảm dần số quân ở Afghanistan. Và ngay cả động tác can thiệp quân sự gần đây nhất ở Libya, Mỹ cũng phải bấm bụng từ bỏ vai trò lãnh đạo NATO và lùi lại phía sau (Mỹ luôn lãnh đạo trong quá khứ) để yểm trợ, và khi lưỡng viện Mỹ cùng “tằng hắng”, tổng thống Obama cũng phải rút hết máy bay về, chỉ duy trì phi cơ không thám. Rõ ràng chính phủ lẩn chính trường nước Mỹ hiện nay trước nền kinh tế suy thoái chưa có lối thoát và bên thềm cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới, không thể xem thường những biểu ngữ từ người dân mang lời cảnh báo: “một viên đạn = chục trứng và ổ sandwich Do đó, các nhà lãnh đạo TQ có một nhận định: Sức mạnh quân đội và hải quân Mỹ là đáng gờm vẫn nguyên giá trị, nhưng chính phủ Mỹ, tòa Bạch Ốc không còn đủ “năng lượng” để bơm cho Ngũ giác Đài mang sức mạnh ấy đi khắp năm châu bốn biển khoa trương quảng cáo thị uy như trước; Vì thế tham vọng “Biển Đông” của TQ nếu khéo léo dàn xếp không ảnh hưởng to lớn đến quyền lợi thiết thực của USA thì chưa chắc Mỹ “thọc gậy bánh xe” mà mục tiêu ban đầu,trước mắt của TQ là giàn khoan “Hải dương 981” phải an toàn đến đúng nơi mong muốn, tiếp theo là yêu sách đường lưỡi bò và các nhóm hải đảo; còn hải lộ quốc tế thông thương nhạy cảm trên biển Đông, TQ không đề cập, coi như bỏ ngỏ.

Mới đây như đáp trả lời ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong tuyên bố: “Mỹ có quyền lợi hàng hải mật thiết tại biển đông”, một quan chức cao cấp của quân đội Trung Quốc nói: tự do lưu thông chưa bao giờ gặp trở ngại trong vùng biển đông. Ông Wang Hanling, chuyên gia luật biển của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc lập lại: Trung Quốc chưa bao giờ can thiệp vào các hoạt động bình thường của bất kỳ tàu nào đi qua Nam Hải (biển đông) hay bất kỳ máy bay nào bay qua vùng này, nhất là các tàu và máy bay thương mại. Đây có phải là lời trấn an cho phía Mỹ và thế giới? sau lời tuyên bố ngạo mạn nói trên.

Như ván bài “xì Phé” (xì tố) quân tẩy còn úp mặt nhưng người chơi có thể dự đoán được qua nước đi, hành động tập trận và hăm dọa nói trên, TQ như kẻ đang ưu tiên cầm bài “tố” một ván “thấu cáy” để nắm thóp, nắn gân đối phương yếu bóng vía chùn tay bỏ cuộc càng nhiều, càng sớm, càng tốt trong ván bài “biển Đông”. TQ và Philippines là thế, còn TQ với Việt Nam thì sao?

Không giống lãnh thổ như hải đảo Philippines, VN và TQ có cùng biên giới “sông biển đất trời” vì vậy tranh chấp biên cương cũng bao la phức tạp hơn. Không thấy phổ biến, nhưng dự đoán gần như chắc chắn vị trí giàn khoan “Hải dương 981” của TQ sẽ cố định ở phía dưới Tọa độ: 8°38′ Bắc – 111°55′ Đông ngang vĩ độ Cà Mau, nằm trên vùng chồng lấn ba nước Việt Nam, Brunei, Malaysia, bên rìa các vỉa dầu khí trù phú mà vương quốc Brunei đang khai thác (đại hán chủ định ăn ké cho giảm chi phí thăm dò).

TQ muốn tận dụng lợi thế giàn khoan dầu thế hệ mới, chuyên trị vùng nước sâu có bề đáy gập ghềnh ở biển đông, nó đứng vững trên 3000m chiều sâu nước và khoan giếng 12.000m. Có điều, vị trí này không xa quần đảo Trường Sa là mấy. Trong số 140 đảo, có khoảng 100 đảo nổi có diện tích đáng kể thì Việt Nam sở hữu nhiều nhất (25) số còn lại do TQ, Đài Loan và Philippines chiếm đóng. Đáng kể là đảo Trường Sa Lớn (sau đảo Ba Bình, Đài Loan chiếm giử) diện tích khoảng 0.2km vuông, mà VN đang xây dựng làm đơn vị hành chánh cấp huyện (cả tháng qua nhà nước và báo chí VN kêu gọi người dân và công ty xí nghiệp đóng góp mua đá từ đất liền mang ra xây dựng cũng cố phòng thủ trường sa?). Tại đây VN đã và đang xây dựng một đường băng dã chiến, cảng cá và đơn vị yểm trợ tiền tiêu hải quân. Đáng chú ý là Trường Sa lớn này cách sân bay và cảng Cam Ranh VN khoảng 450 km đường chim bay, cách điểm cực nam đảo Hải Nam TQ khoảng 1200 km. Điều này có nghĩa là phi cơ chiến đấu VN từ Cam Ranh bay ra Trường Sa có thể quay về, nhưng TQ bay từ đảo Hải Nam xuống nếu không được tiếp tế nhiên liệu trên không thì không thể bay về, mà nếu có điểm tiếp tế trên không cũng phức tạp vì phải hộ tống bảo vệ phi cơ chuyên chở nhiên liệu và chống lại phi cơ đối phương phục kích trên không, vì vậy TQ nỗ lực hoàn tất tàu sân bay phế thải “Thi Lang” để hy vọng khắc phục nhược điểm này.

Dưới mắt các nhà chiến lược quân sự TQ, Trường Sa Lớn của VN là cái gai rất khó chịu, cần phải dọn sạch nó hoặc thay đổi chủ. Việc này không khó lắm với khả năng quân sự của TQ nhưng cho gọn như Hoàng Sa và một phần Trường Sa trước kia, không gây nên di lụy, đó mới là cân nhắc thiệt hơn của TQ trong thời điểm này.



(Huyện đảo Trường Sa Lớn của VN - Ảnh: Đỗ Hùng)

 
Trung Quốc tập trận áp sát biên giới VN không hẳn là chuẩn bị chiến tranh, dưới mắt các chiến lược gia châu Á. Không giống như năm 1979 (TQ tấn công các tỉnh biên giới Bắc VN) khi đại quân VN tràn ngập Campuchia, không hẹn nhưng cùng gặp nhau ở một quan niệm, công luận thế giới đánh đồng: VN tấn công xứ chùa tháp không thông qua LHQ, Trung Quốc tấn công VN để giảm áp có thể chấp nhận được. Hiện nay điều kiện cần đó không có cho TQ. Khi trên đà phát triển mà sức đẩy nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều nguồn lực đa phương bên ngoài thì một hành động phiêu lưu quân sự thiếu tính toán thiệt hơn sẽ chịu nhiều tổn thất to lớn chưa tiên liệu về ngoại giao kinh tế và chính trị với quốc tế, nhất là niềm tin với các nước Châu Á, chưa nói tới hậu quả chiến tranh dù thắng hay thua thì người sức trán cũng có kẻ u đầu, hơn 40.000 tử sĩ TQ ở chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 bia mộ còn sờ sờ ra đó. Vì vậy nếu dự kiến chiến tranh tổng lực hải lục không quân với VN nếu có, có lẽ nó thuộc thì tương lai chứ không thể là gần.

Có những quan niệm cao hơn, xa hơn, cho một TQ khát vọng bành trướng ra toàn vùng Đông nam hoặc châu Á, nhưng nếu cẩn trọng đối chiếu thì điều này khó có thể hiện thực dù rằng cộng đồng Hoa Kiều lưu cư trong các quốc gia toàn vùng rất lớn nhưng không thể là tác nhân hay động lực hoặc chổ dựa làm đầu cầu chiến lược, bởi chưa bao giờ tinh thần chủ nghĩa dân tộc của các quốc gia độc lập trên thế giới dâng cao như lúc này. Liên bang CS Nga tan rã với 15 nước SNG tách ra độc lập. Mỹ và NATO đang cố rút chân ra khỏi vũng lầy nhầy nhụa Iraq và Afghanistan. Không một bước chân quân viễn chinh nào muốn bước vào Libya hay Syria. Chế độ chiếm hữu thực dân, thuộc địa không thể sống lại từ đầu thế kỷ này khi truyền thông đa phương tiện kéo thế giới gần lại dưới một mái nhà. Do đó, dù TQ có bò lên được nền kinh tế hàng đầu thế giới thì 100 Tần Thủy Hoàng có tái sinh cũng chẳng thể nào gom thiên hạ (Châu Á hay Thế Giới) về một mối như khát vọng “huyển hoặc” của đại hán. Tây Tạng còn đó, nuốt vào nhưng còn nằm khò khè nơi cuống họng, hơn nữa thế kỷ cố táp Đài Loan nhưng cứ nghe tiếng răng lốp cốp chứ có táp được đâu?.


 

Giàn khoan “Hải dương 981” (ảnh: China.org.cn)

Hiện nay trong tầm tay TQ là Biển Đông, nhưng muốn có nó đề an toàn định vị cho giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động mà không vướng bận con mắt đáng ghét từ Trường Sa Lớn của VN gần đó thì có thể lý tưởng nhất cho TQ là một cuộc “ Chính biến” hay “Binh biến” trong lòng đảng CSVN hoặc xã hội chính trị VN, giống như tình hình bạo loạn bất ổn ở Libya hay Syria. Khi mà trong lòng dân tộc VN còn đó những hận thù tiềm ẩn do ý thức hệ Nam Bắc chưa hóa giải, lòng người ly tán bởi độc tài, tham ô,cường quyền bạo ngược thì một mồi lửa dân chủ tự do đúng lúc khởi đi từ nhân dân sẽ bùng lên bao phủ lấy đảng CSVN. Và một khi đảng độc tài quyền lực phải căng sức dùng công cụ quân đội, an ninh,sức mạnh của quốc gia bảo vệ chính thân thể mình thì phải hở sườn là tất yếu, như một cơ thể khi lên sốt cao độ não bộ sẽ hoàn toàn liệt kháng và lúc ấy có lẽ là cơ hội tốt nhất, với một lý do vụn vặt gây hấn nào đó Trung Quốc với chỉ một nửa các hạm đội hải quân của mình, một cuộc dọn bãi cấp tập như bão táp bằng tên lửa hành trình tầm trung và đại pháo, sau đó là một cuộc đổ bộ thủy binh sẽ không khó lắm để TQ đổi chủ Trường Sa như quá khứ trận hải chiến Hoàng Sa, trong khi dư luận thế giới đang tập trung vào điểm nóng nội địa VN. Nếu thực tế điều này xảy ra thì đây có lẽ là kịch bản hãi hùng cho đảng CS,và bất hạnh cho dân tộc VN khi trực diện đối mặt thù trong giặc ngoài.

Trong góc khuất đó của bộ chính trị CSVN, đôi khi – nếu dự đoán không lầm – đây lại là tử huyệt mà CSVN sợ nhất. Nếu Tình báo Sở TQ nhúng tay khuynh đảo nội tình nhà nước, chế độ CSVN, mặc cho nhân dân công luận trong, ngoài nước chê cười những động thái nhún nhường nhịn nhục tới dưới mức nhục nhã, CSVN cứ phải cố ngậm bồ hòn làm ngọt cố chịu đấm ăn xôi để cầu cạnh sự an toàn từ TQ để tồn tại – bởi hơn ai hết, CSVN biết rất rõ cái CNXH/CSVN không còn là chất keo kết dính với TQ vì thực trạng hiện nay TQ gần như chỉ còn cái khung sườn gọi là CS còn tất cả là tư bản nguyên hình. TQ không thể duy trì mãi một thể chế khắc nghiệt độc tài toàn trị quá nhiều tương phản bên cạnh một Ma Cao và Hồng Kông tự trị, tự do, thông thoáng như phương tây, một Đài Loan tự hào tự do dân chủ chưa thần phục lục địa và cái tư tưởng đang phổ thông “mèo đen hay trắng không quan trọng, miễn bắt được chuột” thì chắc không xa TQ không thể là một trong 5 nước Cộng Sản thiểu số còn sót lại của hơn 200 quốc gia tự do dân chủ trên thế giới và vì vậy bất cứ lúc nào TQ thấy cần cũng có thể dũ bỏ cái bảng hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt với VN khi cần thiết mà không đắn đo, nhất là hiện nay Việt Nam như con kỳ đà cãn mũi TQ trên biển Đông. Không biết có phải vì vậy hay không mà mới đây người ta tự hỏi, có những thay đổi bất thường trong bộ chính trị đảng CSVN như tướng Nguyễn Chí Vịnh Ủ/V TW/ đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng , Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2, đầy quyền lực được đánh giá sẽ là Bộ Trưởng Quốc Phòng, nhưng không biết có phải vì những tuyên bố như: “….Việt Nam chủ trương không quốc tế hóa vấn đề biển Đông mà giải quyết vấn đề biển Đông với những nước có liên quan trực tiếp như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, và….Chúng ta không lôi kéo nước khác vào cùng đàm phán hay làm trọng tài….hay ca ngợi “…..Bộ trưởng QP/TQ Lương Quang Liệt phát biểu tại Shangri-La rất tầm cỡ, rất hòa hiếu, thiện chí. Chúng ta chờ những hành động cụ thể thể hiện thiện chí đó…” – Có vẻ hơi nặng mùi thân TQ quá chăng? mà cuối cùng tướng Vịnh không có chân trong bộ CT và chìm lỉm mất tăm, rồi tướng Bộ trưởng CA Lê Hồng Anh vào ngồi thường trực ban bí thư/bộ CT thay bằng một tướng vô danh tiểu tốt Trần Đại Quang và điều động một loạt 4 tướng CA khác về làm bí thư đảng ở các tỉnh thành quan trọng?

Tóm lại, Trường Sa VN, khúc ruột ngàn dặm khơi của cha ông hiện nay như chỉ mành treo chuông, ngàn cân trên sợi tóc. Qua các lời tuyên bố trịch thượng của “đại hán” nó ẩn dụ ví như ván bài “xì phé” nói trên mà giờ đây TQ không cần dấu dím đã lật ngửa quân bài cho Philippines và Việt Nam thấy như đe dọa thách thức.

Philippines do có hiệp ước liên minh phòng thủ hổ tương với Mỹ nên Tổng Thống Phi không ngần ngại tuyên bố chắc nịch: “Thông điệp của chúng ta gửi cho thế giới rất rõ ràng. Cái gì của chúng ta là của chúng ta: đặt chân lên Recto Bank (một đảo của philippines ở biển đông) không khác gì đặt chân lên đại lộ Recto thủ đô Philippines và chính quyền Manila sẽ không cho phép các quốc gia khác áp đặt ý muốn chủ quyền của mình lên lãnh thổ của Philippines.”. Và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ cam kết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của philippines như hiệp ước song phương đã có giữa hai nước.

Còn VN thì sao? Sau những xung đột căng thẳng trên biển Đông, Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng ngoại giao CSVN Nhận chỉ thị của Đảng và nước CSVN sang Bắc Kinh họp với Đới Bình Quốc, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc hôm 25 tháng 6 để gọi là “giải quyết những bất đồng trên biển”.

Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tiết lộ rằng qua cuộc gặp giữa Hồ Xuân Sơn và Đới Bình Quốc, hai phía Hà Nội và Bắc Kinh đã thống nhất giải quyết các tranh chấp thông qua một “Đồng Thuận Chung” trong hiệp thương hữu nghị. Hồng Lỗi còn tuyên bố rằng: “Bắc Kinh hy vọng là phía nhà nước CSVN sẽ thực hiện những đồng thuận chung này”. Câu hỏi đặt ra là “đồng thuận chung” gì, nội dung ra sao…?

Cho đến nay phía Đảng và nhà nước VN đã không có bất cứ tiếng nói nào để giải thích về điều mà Trung Quốc gọi là đồng thuận chung. Ngay cả việc 18 trí thức Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh… viết thư yêu cầu Hồ Xuân Sơn giải thích rỏ về nội dung cuộc họp này và những điều mà phía Đảng và nhà nướcVN thỏa thuận với Bắc Kinh; nhưng Hồ Xuân Sơn và Bộ ngoại giao VN im thin thít không trả lời.

Trong khi như trên đã thông tin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây đã yêu cầu Bắc Kinh đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ra toà án quốc tế của Liên hiệp Quốc chứ dứt khoát không đàm phán song phương cùng TQ. (Trung Quốc cũng biết là họ rất yếu về pháp lý không thể nào thắng trong bàn hội nghị quốc tế đa phương và nếu để diển ra thì sẽ bất lợi hoàn toàn nên cương quyết bác bỏ) Và ngoại trưởng Phi sau cuộc họp đã như “ruột để ngoài da” công bố chi tiết cuộc họp cho quốc tế và nhân dân mình biết. Ngược lại thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, bộ Ngoại Giao, nhà nước và Đảng CSVN thì cố tình dấu nhẹm như “ mèo dấu c..t ” nội dung cuộc họp song phương có sự “Đồng Thuận” với Trung Quốc về Biển Đông!!

Đồng thuận gì nữa đây? Đã đồng thuận “Công Hàm Ô Nhục Phạm Vạn Đồng ” – Đồng thuận Biên Giới “Phản Bội Tổ Tiên” – Đồng thuận im lặng để mất Hoàng Sa, giờ chắc đồng thuận “Vĩnh Biệt Trường Sa và Biển Đông” nữa chắc??

Với cặp búa liềm treo lủng lẳng trên đầu dân tộc, chưa bao giờ Việt Nam phải cô đơn chống chọi với TQ để bảo vệ chủ quyền quốc gia như lúc này. Với ASEAN là con số không tròn trịa, ngoài lợi ích kinh tế, không ai tha thiết với quyền lợi một nước CS nằm sát bên mình, tập đoàn dầu khí liên doanh VN và LB Nga (Việt Xô Petro) với nhiều giàn khoan đang khai thác ngoài khơi biển Vũng Tàu cùng chia lợi nhuận dầu khí hơn chục năm qua nhưng từ khi tranh chấp lãnh hải với TQ chưa hề thấy một tàu chiến Nga nào léo hánh vào Biển Đông gọi là đứng về phía VN bảo vệ lợi ích chung hai bên?

Nói đến điều này không khỏi chạnh lòng hoài niệm về một quá khứ “vàng son” của miền nam VN trong “Hiệp Ước Liên phòng Đông Nam Á” thành lập ngày 8 tháng 9 năm 1954 bao gồm: Mỹ, Anh,Australia, Newzealand và 11 nước ASAEN giống hệt như (SEATO: Southeast Asia Treaty Organization) thập niên 60 tại Đông Nam Á.



Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Phòng Đông nam Á họp tại Manila - 1966

(Tướng Nguyễn Cao Kỳ bìa trái, Tướng Nguyễn Văn Thiệu thứ ba bên phải kề bên TT mỹ Lyndon Johnson)
Ngày đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phía nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH trấn giữ. Xuyên suốt hơn hai mươi năm, biển trời bờ cõi cha ông được bảo vệ chu đáo dưới hiệp ước hỗ tương phòng thủ Đông Nam Á,với lực lượng tiền phương hải quân Đệ thất hạm đội Thái bình dương Mỹ đồn trú cảng Cam Ranh, không một thế lực nào giám tranh chấp, cho đến khi CSVN phá vỡ hiệp ước Paris đánh đổi một phần biên cương phía Bắc lấy vũ khí Trung Quốc tiến đánh trên bộ chiếm đóng miền Nam giúp cho Trung Quốc thảnh thơi tiến xuống Biển Đông đánh chiếm Hoàng Sa trong tay QLVNCH - 1974 và tiếp theo đánh chiếm một phần Trường Sa ngay chính trong tay binh lính CSVN- 1988. Một sự kiện đau thương mà cả dân tộc VN phải nguyền rủa. Và hôm nay, Đảng + nhà nước CSVN tiếp tục trả giá cho những sai lầm cuồng tín trước kia, tiến thoái lưỡng nan trước thách thức TQ trên biển đông để bảo vệ bờ cõi Trường Sa.

Có bao giờ những người CSVN tự vấn lương tâm: Điều gì hiện hữu trên đất nước VN hiện nay nếu ông Hồ Chí Minh không xua quân vượt vĩ tuyến 17 theo chỉ thị của quốc tế CS? Rất rõ ràng cho bất cứ người VN nào cũng nhìn thấy được: Biên cương phía Bắc không hao hụt vì cầu cạnh vũ khí TQ, Hoàng Sa Trường Sa vẫn nguyên vẹn trong tay QLVNCH, Biển đông vẫn yên bình vì Hải Quân Mỹ vẫn có mặt tại cảng Cam Ranh và tuần tra lãnh hải VN để bảo vệ các căn cứ hải và không quân Mỹ tại VN. Nhưng quan trọng hơn cả là một thế hệ thanh niên VN không phơi thây hy sinh vô nghĩa oan uổng cho một cho một Chủ Nghĩa Cộng Sản khát máu mà giờ đây cả thế giới đang nguyền rũa lên án có tên ông Hồ Chí Minh đang đứng bên cạnh các “ đại đồ tể” Polpot, Mao, Stalin, Lenin trên Đài Kỷ Niệm: Tội Ác Cộng Sản Chống Nhân Loại giữa Washington DC...

Lịch sử sẽ công bằng trong quang minh chính trực – Cho dù hiện nay mỗi năm CSVN đều kỷ niệm vinh danh cho chiến thắng gọi là “Giải phóng miền nam thống nhất đất nước” ấy, trong lịch sử chiến tranh giữ nước tiền nhân chúng ta đều bảo toàn biên cương hoặc nới rộng cương thổ, chưa bao giờ phải hy sinh bờ cõi cho giặc với bất cứ lý do gì? Những người CSVN phải trả lời trước lịch sử: Chiến thắng ai? mà phải hao hụt máu xương, đất trời biển đảo?? Đế quốc Mỹ xâm lược ư? hãy nhìn Nhật Bản và Hàn Quốc, quân Mỹ còn ăn ngũ tại đó mà nền kinh tế tự do dân chủ gấp ngàn lần Việt Nam?? cả hai đang là chủ nợ của nhà nước CSVN này!

CSVN có thể bịp bợm lừa gạt một người, một nhóm người, nhưng không thể lừa gạt cả một dân tộc. Cho đến giời phút này CSVN đã lừa gạt hy sinh xương máu nhân dân, đất trời biển đảo cha ông, gần 70 năm đẩy cả dân tộc đi trên con đường XHCN vô định không có thật mà 200 quốc gia thế giới đã từ bỏ tránh xa, để đạt được những gì và cho ai?

Gần và dễ thấy nhất, hiện nay hầu như tất cả những người Cộng Sản có chức có quyền đều là những tên trọc phú, nhà cao cửa rộng con cháu giòng họ chia nhau các vị trí kinh tế tài chính để lợi dụng chức quyền bòn rút đất đai tài sản nhân dân, họ như say máu vì quyền lợi cá nhân bán rẻ môi trường, an ninh quốc gia, sẵn sàng toa rập bóp nghẹt những tiếng nói cảnh giác phản biện từ hàng loạt những nhân sĩ trí thức yêu nước lo lắng cho bờ cõi cha ông. Những bản án phi công lý trái pháp luật nối đuôi nhau đưa những người từng là đồng chí cộng sản của họ vào vòng lao lý bởi họ không thể chung một chiến hào với quyền lực độc tài chống lại nhân dân.

Khi một loạt chế độ độc tài tham nhũng Trung Đông Bắc Phi bị nhân dân vùng lên đập tan, nhà cầm quyền CSVN lo sợ cho sự tồn vong của chế độ, gia tăng đàn áp bắt giữ vô tội vạ những người biểu tình yêu nước, những thanh niên sinh viên trẻ cất tiếng nói vì khát vọng tự do nhân quyền công lý cho toàn dân.

Có thể vì mải mê săn lùng bắt giữ những người bất đồng chính kiến đôi khi nhà cầm quyền CSVN sẽ quên những điều khoản căn bản của HIẾN CHƯƠNG NHÂN QUYỀN LHQ mà mọi quốc gia văn minh dân chủ trên thế giới trong đó có VN là thành viên có nghĩa vụ phải tuân thủ, xin ghi lại như nhắc nhở Việt Nam cũng là một quốc gia văn minh có thừa “LỄ NGHĨA LIÊM SĨ” để hiểu được:

ĐIỀU 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.

ĐIỀU 5: Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm

ĐIỀU 9: Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán.

ĐIỀU 11: Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.

ĐIỀU 12: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

ĐIỀU 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, tryền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.

ĐIỀU 30: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này.

Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948

*


Không có nhận xét nào: