Bích Liên - Là một người bạn cùng khoa tiếng Trung tại trường Đại Học Hà Nội của Hùng Anh, tôi ngỡ ngàng vì thông tin anh bị bắt trong thời gian nghỉ hè. Thời gian bắt đầu năm học cuối của chúng tôi hiện đã trôi qua được gần nửa tháng nhưng tin tức của anh đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Tôi lo lắng cho anh và không biết phải làm sao nếu thời gian nữa anh không quay trở về học, liệu việc học của anh có bị nhỡ nhàng vì chuyện này? Anh bị công an bắt giữ và đưa đi như một tôi phạm vô cùng nguy hiểm mà bè bạn anh bàn tán xôn xao đến nay vẫn chưa dứt.
Là bạn của Hùng Anh, từng có những sinh hoạt tập thể cùng anh, chúng tôi ai cũng mến anh vì anh là người thật thà, vui vẻ và chất phát. Tính anh thật thà như đếm, dũng cảm dám nói những điều mà chúng tôi nếu dám thì chỉ dám nghĩ mà thôi. Anh là người tôn trọng luật pháp vậy mà nay lại là người bị bắt thì thật ngoài sức tưởng tượng! Anh trở thành tội phạm thực thụ hay mới thuộc diện nghi ngờ mà việc học của anh bị đình chỉ đột ngột như vậy?
Các bạn trong khu kí túc xá của anh kể lại và đoán với nhau lí do anh bị Công An đưa đi cùng tất cả đồ đạc của mình. Họ nói có lẽ vì anh đã đi xem vụ xử CHHV phiên phúc thẩm ngày 03/08/2011. Đó là việc cấm? tôi được biết vụ xử đó được tuyên bố là công khai, việc có mặt tại đó sao có thể cho là tội được?
Có nguời đoán anh Hùng Anh bị bắt vì là người theo đạo Tin Lành. Điều này càng vô lí hơn vì đạo Tin Lành vốn cũng có một lượng khá lớn tín đồ ở Việt Nam và hoạt động hoàn toàn hợp pháp, hướng thiện cho con người. Hơn nữa đây là vấn đề hoàn toàn thuộc về đức tin, không thể quy kết hay chụp mũ những người theo đạo này đạo kia là tội phạm được!
Vậy thực sự lí do anh Nông Hùng Anh bị bắt giữ đến nay đã hơn nửa tháng là gì mà anh bị hủy hoại tương lai chỉ vì những nghi ngờ vô căn cứ của những nhà thừa hành luật pháp, vì những nhận định vu vơ, vô căn cứ. Liệu chăng đây là kế hoạch "100 năm trồng người"?
Gia đình anh Hùng Anh chắc hẳn đang vô cùng lo lắng cho tương lai con mình. Họ cho biết anh Hùng Anh thậm chí còn đang trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ vì chân anh bị nhiễm trùng rất nặng trước đó. Là một người bạn của anh, tôi mong mỏi ngày anh sớm trở lại mái trường cùng bè bạn để tiếp tục việc học của mình. Cầu sự bình an sớm đến với anh.
*
Bài viết của Nông Hùng Anh: Những trăn trở của một sinh viên
Sáng hôm nay – ngày 22/5/2011, tôi dậy thật sớm, tâm trạng phấn chấn, hồ hởi cầm trên tay Thẻ cử tri. Buổi tối trước hôm bầu cử tôi đã đi ngủ thật sớm, hy vọng sáng hôm sau dậy sớm, có một tinh thần thật sáng suốt để có thể lựa chọn người đại biểu trọn đức trọn tài vào cơ quan quyền lực nhất nhà nước. Nhưng không ngờ hôm nay lại không phải là một ngày vui, không phải là một kỷ niệm đẹp đáng nhớ đối với một người dân đang vui mừng thực hiện nghĩa vụ công dân như tôi. Hôm nay là một ngày mang lại cho tôi những tâm trạng buồn chán, những cảm xúc khó hiểu và những bức xúc.
Đúng 8 giờ sáng, giống như các bạn trong khu ký túc xá, tôi đến hội trường Đại học Hà Nội. Đây là điểm bầu cử Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lần đầu tiên đi bầu cử, lại là tại thủ đô ngàn năm văn hiến, đó là một vinh dự lớn vô cùng cho một người dân tộc thiểu số, một sinh viên miền núi như tôi. Vì nghĩ đây là dịp đáng nhớ trong cuộc đời mình nên tôi mang theo máy ảnh để ghi lại những hình ảnh không khí bầu cử tại nơi tôi thực hiện quyền công dân. Tôi mong muốn chụp được vài bức ảnh đẹp, những cử chỉ phục vụ tận tình nhân dân của Ban bầu cử.
Nhưng trong lúc tôi đang chụp ảnh thì không hiểu sao lại có một anh trong Ban bầu cử chạy đến thu máy ảnh. Khi tôi hỏi vì sao không cho chụp ảnh, anh ấy trả lời chỉ có các phóng viên, nhà báo được cho phép mới được chụp ảnh, em không được phép chụp ảnh.
Hành động của anh ấy khiến tôi rất khó hiểu. Tại sao một công dân, một sinh viên lại không thể ghi lại những khoảnh khắc bầu cử dân chủ này, trong khi khu vực bầu cử đó không hề thấy có biển cấm chụp ảnh? Tôi đến đây để bầu những đại biểu của nhân dân, họ là đại biểu của tôi, sao tôi không có quyền ghi lại hình ảnh bầu cử này? Đọc trên báo đài tôi thường nghe đến câu nói: “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, sao tôi lại không được cái quyền ấy?!!!
Tôi được biết Đảng lấy kinh phí quốc gia 700 tỉ đồng để tìm kiếm hầu đề cử những người đủ đức đủ tài để làm đại biểu cho dân, Đảng đang cố gắng hết sức mình phục vụ nhân dân trong ngày bầu cử 22/5/2011, những điều Đảng đang làm đó cần được những người dân như tôi ghi lại cho người thân bạn bè biết để họ tin yêu Đảng hơn. Tôi nghĩ những ai làm điều tốt, điều ngay lành sẽ không sợ bị quan sát, săm soi, chỉ những kẻ xấu mới che dấu những hành động mờ ám của mình. Hành động ra thu máy ảnh của anh trong Ban bầu cử đó thật không nên, có thể vô tình làm xấu hình ảnh của Đảng. Tôi có thể chưa có con mắt tinh tường để phát hiện xem điểm bầu cử đó có làm điều mờ ám gì không mà anh ấy lại thu máy ảnh của tôi, nhưng điều khiến tôi buồn và thất vọng nhất là đến 90% sinh viên của trường đi bầu cử mà trước đó không hề biết gì về đại biểu của mình, họ chỉ bầu theo cảm tính, không hiểu sao với số tiền 700 tỉ đồng chi ra dịp bầu cử này lại có kết quả kém đến vậy, do bộ máy tuyên truyền kém năng lực hay do người dân thờ ơ, họ không còn tin tưởng quan tâm đến những người do Đảng cử và Đảng chỉ bằng mọi cách huy động người dân đến bầu cử cho đông?
Người dân dần dần thờ ơ, mất niềm tin khi liên tiếp nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện như vụ Vinashin thất thoát 86 ngàn tỉ đồng. Người dân đang mất dần niềm tin vào Đảng, tôi nghe về điều đó khi nói chuyện cùng những nhân sĩ, chị bán rau, ông xe ôm, các bạn học… Các nhân sĩ nói Đảng Cộng sản bây giờ không còn quang vinh như ngày xưa rồi, họ không còn tập hợp được những người xả thân vì nhân dân, hy sinh tổ quốc rồi, những người mong vào Đảng bây giờ chỉ là những kẻ cơ hội, chỉ vì lợi ích cá nhân mà thôi, rất hiếm hoi những người gia nhập Đảng có lý tưởng cộng sản cao đẹp, phục vụ tha nhân và tổ quốc. Chị bán rau, ông xe ôm thì kêu than không biết Đảng lãnh đạo kiểu gì mà bão lạm phát xảy ra liên miên, giá cả tăng vèo vèo, làm gia đình chúng tôi điêu đứng, cơm ăn không đủ no, con cái đòi nộp tiền học phí nhưng không biết kiếm tiền cách nào được, chúng tôi nghi ngờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng như Đảng ngày ngày vẫn tuyên truyền.
Bằng cảm nhận và trải nghiệm thực tế của tôi, lạm phát nếu không kìm hãm được, bão giá tiếp tục xảy ra tác động đến người dân Việt Nam, tôi thấy đây không còn gọi là bão giá nữa gọi cho đúng hơn là những đợt sóng thần giá sẽ làm người dân Việt Nam ngày càng xơ xác, ốm yếu. Trong ký túc xá nơi tôi ở, do lạm phát khiến cho sinh viên không đủ tiền mua những thức ăn đáp ứng nhu cầu phát triển cơ thể và trí não mình. Nhìn thằng bạn ký túc xá tôi trong bữa ăn của mình chỉ với bát cơm nhỏ cùng quả trứng gà rán chan canh nước khoáng để mong qua ngày. Thử hỏi với những bữa ăn như vậy sinh viên Việt Nam còn đâu tinh thần mà học tập. Trận động đất gây sóng thần tại Nhật Bản làm hơn 15 ngàn người chết. Nếu trận sóng thần giá cả tiếp tục tấn công dân Việt Nam mà Đảng không có biện pháp nào ngăn chặn, nền kinh tế sụp đổ thì người dân Việt Nam sẽ suy dinh dưỡng chết như nạn đói 1945. Là một người dân tộc xuất thân miền núi, mỗi khi về quê thăm họ hàng, xóm làng, nhìn những đứa bé ở quê bé tẹo, còm nhom, bụng ỏng đít teo vì bệnh giun, bệnh tiêu chảy, vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, mất vệ sinh, có những cô gái đến tuổi 15, 16, tuổi dậy thì rồi mà như đứa bé lớp 6, thật là thương cảm cho người dân miền quê vì phải sống kiếp người như vậy. Nếu như Đảng trong sạch, không xảy ra những vụ tham nhũng như Vinashin thì những thân phận sống cảnh lầm than đó đã giảm bớt đi rất nhiều.
Tôi đang đi tìm câu hỏi và lời giải đáp cho mình. Việt Nam sao bây giờ lại nghèo hèn, lạc hậu đến thế? Có phải do hậu quả chiến tranh như thầy cô giáo từng trả lời? Chiến tranh đã qua lâu rồi mà! Nguyên nhân nào nhỉ? Có phải do Đảng độc quyền dẫn đến lạm quyền, Nhà nước không có ủy ban kiểm tra độc lập, không có sự phản biện, giám sát những chính sách thu chi sai trái của Đảng? Theo chủ quan của tôi đa nguyên, đa đảng rất cần thiết lúc này tại Việt Nam như bài viết “Phải đa đảng mới chống lại lạm quyền” của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ.
Nhớ lại phiên tòa ngày 4/4/2011 xét xử tiến sỹ luật, thạc sỹ văn chương, họa sĩ Cù Huy Hà Vũ. Là con trai nhà thơ, Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Cù Huy Cận, một công thần trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cũng là con nuôi nhà thơ Xuân Diệu – đây là hai nhà thơ mà tôi mến mộ từ hồi học phổ thông. Tôi muốn đi xem người con trai của hai nhà thơ đó nguyên do tại sao lại không theo truyền thống cha ông mà lại thành kẻ “phản động”, chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi là một người ham hiểu biết, yêu chuộng công lý nên muốn tham dự phiên tòa này để hiểu thêm thế nào là phản động, phản động là những ai, họ chống phá cái gì, muốn đến xem vừa tìm hiểu về pháp luật vừa nhận biết âm mưu, cách ngăn chặn chống phá của bọn ấy, mà không hiểu sao trước hôm xét xử anh Phó bí thư Đoàn trường, cô Thiếu tá công an quận Thanh Xuân lại đến ký túc xá khuyên nhủ tôi không nên tham gia phiên tòa này, mặc dù trên báo đài nói đó là phiên tòa công khai, người dân tự do đến tham dự.
Thiết nghĩ đây là phiên tòa rất quan trọng, phiên tòa tuyên truyền chống nhà nước, chống lại nhân dân nên đáng lẽ Đảng cần tổ chức xét xử tại một nơi rộng lớn, truyền hình trực tiếp cho nhân dân cả nước, tổ chức Đoàn Đảng tại các trường đại học tại Hà Nội nên đưa các sinh viên đến tham dự phiên tòa này để nhân dân biết tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đúng sai thế nào, người dân sẽ càng hiểu biết pháp luật, người dân hiểu biết pháp luật càng sống có trật tự kỷ cương hơn. Đó là một điều rất tốt cho đất nước, không hiểu sao Đảng lại không làm vậy?
Trong quá khứ Đảng cũng từng có những sai lầm lớn như sự kiện Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Nếu lần này Đảng cũng thiếu sáng suốt, xử không đúng người đúng tội, xét xử oan tiến sĩ Vũ thì nhân dân sẽ lại mất niềm tin vào Đảng. Thời gian sẽ trả lời cho câu nói cuối cùng khi kết thúc phiên tòa của tiến sĩ Vũ: “Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho tôi” có phải là lời kêu oan cho bản thân tiến sĩ hay không. Về phần cá nhân tôi đã đọc những bài viết của tiến sĩ Vũ, không có chống lại nhân dân gì cả, đó là những quan điểm cá nhân về đa nguyên đa đảng, quyền tự do ngôn luận, quyền con người đã được nhà nước Việt Nam và liên hợp quốc công nhận.
Là một sinh viên, cũng là một công dân Việt Nam, tôi chỉ muốn làm đúng trách nhiệm của công dân. Gặp phải điều gì không đúng thì phải lên tiếng, sống đúng lương tâm con người, thấy điều phải thì bênh vực, thấy điều trái cần lên án và đấu tranh xóa bỏ nó, mọi người đều như vậy thì xã hội mới tốt lên được. Hy vọng Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, ngày càng mở rộng dân chủ, chiêu hiền đãi sĩ được nhiều người có tâm có năng lực gia nhập Đảng để đất nước vượt qua khó khăn lạc hậu, tăng tốc để sánh vai với cường quốc năm châu như bác Hồ căn dặn.
Tổ quốc Việt Nam thân yêu!
Đảng Cộng sản hãy thực sự là Đảng của dân tộc Việt Nam!
Nông Hùng Anh
*
Nông Hùng Anh và nhiều thanh niên công giáo bị bắt
Lá thư cấp báo từ Lạng Sơn cho biết, công an tỉnh này vừa bắt đi sinh viên tên Nông Hùng Anh.
Hùng Anh người Lạng Sơn, hiện là sinh viên theo học ngành ngoại ngữ, khoa tiếng Trung tại Đại Học Hà Nội.
Anh là một tín đồ của Hội thánh Tin Lành và đã nhiều năm hoạt động tích cực cho Hội Thánh này. Gần đây, Hùng Anh có viết một bài gửi đăng trên trang bauxite Việt Nam và sau đó một số trang mạng khác đăng lại.
Sau bài viết này, Hùng Anh đã gặp nhiều khó khăn. Dịp hè vừa qua, anh đã bị công an Lạng Sơn liên tiếp mời lên làm việc trong nhiều ngày. Mấy ngày gần đây, khi Hùng Anh đã trở lại trường để chuẩn bị năm học mới, nhiều bạn bè đã liên lạc với anh nhưng đều không được.
Theo người một số nhân chứng ở cùng ký túc xá với Hùng Anh kể, thì vào chiều ngày 5 tháng 8, rất đông công an đã đến ký túc xá Mễ Trì và tiến hành khám xét phòng trọ của anh, sau đó dẫn anh đi mất tích cho đến ngày hôm nay”.
Cùng thời điểm đó, công an cũng liên tục thẩm vấn một sinh viên khoa tiếng Đức, tín đồ đạo Tin Lành, có tên là Đỗ Thị Lương.
Từ đầu tháng tới nay, chính xác là từ phiên xử phúc thẩm tiến sĩ Hà Vũ, ít nhất 8 tín đồ Thiên chúa giáo, đa phần thuộc giáo phận Vinh đã bị công an bắt đi. Đó là các ông: Trần Hữu Ðức, Ðậu Văn Dương, Hồ Ðức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Ðặng Xuân Diệu, Ðặng Xuân Tương, Paulus Lê Sơn.
Những người bị bắt đều không có lệnh chính thức và không rõ bị giữ về tội danh gì. Một số đã được tha sau khi thẩm vấn.
Trong những năm gần đây, đồng bào công giáo đã có nhiều buổi thắp nến, cầu nguyện hiệp thông đông tới hàng ngàn người liên quan tới đất đai, tài sản giáo hội và bày tỏ tình đoàn kết với những giáo dân bị chính quyền bắt giữ.
Liên quan tới vụ xử tiến sĩ Hà Vũ, đã có những buổi cầu nguyện tập thể ở Thái Hà và giáo phận Vinh, đồng thời rất nhiều thanh niên, sinh viên công giáo đã tới bên ngoài phiên sơ thẩm và phúc thẩm để bày tỏ sự ủng hộ với người bị xét xử.
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét