Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Kinh doanh Từ thiện?

Hằng năm có rất nhiều đợt quyên góp ủng hộ cho vì người nghèo, người tàn tật, nhiễm chất độc Da Cam, vì đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… Những cuộc quyên góp như thế đã giúp những con người khổ đau, đói nghèo vượt qua số phận khắc nghiệt hướng tới một cuộc sống an lành. Đó là một sự thật, đó cũng là điều đáng cho ta khâm phục và ca ngợi. Nhiều chương trình từ thiện được tổ chức bài bản, hiệu quả, minh bạch, gây được niềm tin trong công chúng.


Chương trình từ thiện như “Nối vòng tay lớn” được UBMTTQ Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức thường niên là một ví dụ.
Tuy nhiên có một sự thật khác làm ta không yên tâm khi tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Băn khoăn lớn nhất khiến nhiều người có tâm và có tiền là liệu tiền bạc và của cải mà họ đóng góp có đến tận tay những con người đói nghèo, khổ đau thật hay không. Câu chuyện dân một xã nhận tiền quà xong lại phải nộp lại cho xã để xã phân phối lại mà báo chí đã nêu chắc chắn không phải là một ngoại lệ.

Băn khoăn khác thuộc về các nhà tổ chức các hoạt động từ thiện, ấy là số phần trăm chiết khấu số tiền quyên góp được chi cho Ban tổ chức. Đành rằng hoạt động quyên góp từ thiện cũng rất tốn kém nhưng không ai biết nó tốn kém bao nhiêu và số 10%-20% được trích lại là bao nhiêu. Nếu một cuộc quyên góp lên tới hàng trăm tỉ đồng thì số 10%-20% ấy là không nhỏ.
Người ta chưa có một bằng chứng nào về sự ăn lãi lấy lời của các tổ chức quyên góp từ thiện. Sự nghi hoặc đôi khi làm mếch lòng những người đã dồn hết công sức làm từ thiện. Nếu đêm đấu giá từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt đêm 11/11 vừa rồi không vỡ lỡ thì không ai biết đây là hoạt động có tính kinh doanh chứ không đơn thuần là một hoạt động từ thiện. Trong cuộc đấu giá này “Theo bản thỏa thuận, nếu bán đấu giá được, Hội chuyển cho chủ sở hữu số tiền bằng với giá gốc của vật phẩm, số chênh lệch mới được hỗ trợ cho đồng bào miền Trung bị mưa lũ”. Tiêu chí sáng sủa trên không ai ngờ lại ẩn giấu một phép “biến thủ”, đó là sự định giá gốc các vật phẩm đấu giá.
Đơn cử bộ tứ linh chẳng hạn, giá trị gốc của nó là 1 triệu đô đã được Ban tổ chức công bố là 2 triệu đô. Giả sử cuộc đấu giá thành công và thu về 47,9 tỉ đồng cho bộ tứ linh thì Ban tổ chức sẽ có 1 triệu đô, tức 20 tỉ đồng. Sau khi chuyện này được “ phanh phui”, một người trong Ban tổ chức nói rằng sẽ trích 50% phần chênh lệch “giá gốc” bộ Tứ linh cho ủng hộ miền trung và công tác tổ chức. Câu hỏi đặt ra: thế thì 50% ( tức 10 tỉ) còn lại sẽ vào túi ai? Nhà báo Trần Minh Quân đã chỉ ra: ngay cả khi Ban tổ chức được hưởng một nửa của 10 tỉ kia thì Ban tổ chức đã ăn lời 2 tỉ. Đơn giản là tổng chi phí cho đêm đấu giá được công bố là 4,1 tỉ, trong khi đã thu được 1,1 tỉ nhờ bán vé và quảng cáo. Nếu Ban tổ chức được chi thêm 5 tỉ, ta sẽ có phép toán: ( 5 tỉ+ 1,1 tỉ)- 4,1 tỉ= 2 tỉ. Đó chỉ là phép toán dành cho bộ tứ linh, còn giá gốc thật của chiếc trống đồng, bức tranh bằng đá quí và hòn Rubi 10 kg là bao nhiêu thì chưa ai biết. Cuộc đấu giá đổ bể, những kẻ đấu giá đã chạy làng cho thấy trình độ yếu kém của Ban tổ chức, cũng cho thấy luôn cái “ đuôi chuột” của tổ chức này. Có thể nói đây là cuộc kinh doanh nhân danh từ thiện.
Không phải nghi ngờ các hoạt động từ thiện xưa nay nhưng từ vụ việc này đã dóng một tiếng chuông cảnh tỉnh, rằng ở đời còn lắm kẻ vô luân bại lý, nhân danh nỗi khổ đau của người khác để kinh doanh, hãy cảnh giác hỡi những tấm lòng hảo tâm.
Nguồn: Blog Nguyễn Quang Lập

Không có nhận xét nào: