Pages

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Lá thư sáng Chủ Nhật thân gửi bạn Trần Bình Minh









Phạm Toàn

Anh Trần Bình Minh thân mến,

Bây giờ là 3 giờ 46 phút Chủ Nhật mồng 7 tháng 8 năm 2011, lẽ ra thư này tôi phải viết gửi anh từ hôm qua để bây giờ “văng mạng” cho sốt dẻo, nhưng bận quá, giờ mới gõ thư này gửi anh. Thư đề gửi anh đấy, nhưng lời đầu, xin anh cho tôi hỏi thăm sức khỏe bạn Trần Việt Hoàng của tôi – Trần Việt Hoàng, con trai đầu của ai chắc anh và chị biết rõ.

Những điều tôi sắp nói, nhờ anh chuyển bạn Việt Hoàng, học sinh cũ của Trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục, một học sinh được tôi rất yêu, và chắc chắn Việt Hoàng cũng không thể quên được tôi, thầy Phạm Toàn của em.

Giữa những năm 1990, với sự giúp đỡ ban đầu của anh Nguyễn Quang A, Trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục mượn được một giàn máy vi tính đen trắng đầu tiên. Tiếp đó nhờ vào quan hệ với Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục, tôi và anh bạn Đào Thái Lai (lúc đó là phó tiến sĩ Toán, Tổ trưởng tổ Toán Trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục, hiện là phó giáo sư vẫn đương làm việc ở Hà Nội) đã lóc cóc lên bộ xin được 3 cái máy vi tính đầu tiên có màn hình “màu mè” hẳn hoi.

Tôi nhớ đó là một buổi tối, khi chúng tôi đến nhà ông Chánh Văn phòng để xin xỏ, ông vừa tắm xong, và khi đọc công văn chúng tôi đem theo, ông đã cười và nói “… một ông thày và một ông phó tiến sĩ mà không biết làm công văn đúng thủ tục…” Sau đó, ông Chánh Văn phòng “đọc chính tả” cho tôi viết mấy văn bản đúng thủ tục, và dặn tiếp “thầy và anh Lai về viết nốt cái văn bản này dài hơn…” đại ý là viết một cái “dự án” xin máy vi tính để làm gì, làm gì … vân vân…

Xin được máy về, tổ Toán làm thêm nhiệm vụ thử nghiệm chương trình dạy Tin học cho học sinh từ lớp Một. Đến lớp Ba, các em đã thạo, chúng tôi có sáng kiến cho các em ra báo. Đó là tờ báo có tên Trường Thực nghiệm ra không định kỳ. Anh Lai và tôi bàn với nhau: “cử thằng cu Trần Việt Hoàng làm Tổng Biên tập, tôi và anh hướng dẫn chúng nó làm lấy mọi việc”. Tôi hiểu ý anh Lai: gia đình em Việt Hoàng có nghề báo chí, chắc chắn Việt Hoàng thích nối nghiệp nhà – một nghề cao đẹp. Thế là Việt Hoàng trở thành “nhà báo”. Em làm việc rất say và có phong cách một tổng biên tập rất đàng hoàng.

Tôi nhớ lại, khi Việt Hoàng học đến lớp Bốn hay lớp Năm thì Trường Thực nghiệm bị phá tan tành – cuộc phá diễn ra dưới sự chỉ đạo của những người tôi không muốn nhắc tên ở đây, không phải vì tôi sợ họ mà không dám nói, mà vì tư cách và hành vi của họ không đáng để làm vấy bẩn tâm trạng tôi lúc sắp bình minh này, vì bây giờ tôi chỉ muốn nghĩ đến bạn Trần Việt Hoàng của tôi, đồng chí Tổng Biên tập được tôi yêu quý hơn con đẻ.

Vâng, vào cái buổi 27 Tết năm đó, bọn người ô uế đã đến phá Trường Thực nghiệm, ngổn ngang “hệt như sau một vụ B52” – trong số báo cuối năm có bài đã viết thế. Một bài nữa Tổng Biên tập thay chân Trần Việt Hoàng đã viết và in ở cuối số báo “Chúng em không thể khóc được”. Tại sao khi đó lại thay Tổng Biên tập? Tôi còn nhớ rất rõ sáng hôm tai họa B52 nội xâm đó, anh Trần Bình Minh dắt em Trần Việt Hoàng của tôi từ trường về nhà, hai cha con đi bên hồ Giảng Võ, rồi từ đó tôi cũng bặt tin em.

Đêm trước vụ B52 đó, tôi có gọi điện cho anh Khánh ở báo Đại Đoàn Kết và cho anh Bình Minh, hỏi tin xem liệu trường có bị phá không? Anh Khánh nói “thể nào chúng nó cũng phá”. Anh Bình Minh hình như có nói gì đó đủ để tôi hiểu cái thông tin như của anh Khánh đã cung cấp.

Thôi, thưa anh Trần Bình Minh, trở lại với cái sáng Chủ Nhật trong trẻo hôm nay thôi. Tôi muốn hỏi anh một việc: anh có chỉ đạo vụ VTV1 làm phóng sự 15 phút bêu xấu sau lưng tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và gọi trang Bauxite Việt Nam bằng những lời lẽ khó có thể coi là không khiếm nhã đó không?

Thư này anh có thể trả lời hoặc không. Nhưng nếu bạn Trần Việt Hoàng có nhà, nhờ anh nhắc bạn đọc thư này. Anh cho tôi ôm hôn Hoàng như tôi vẫn ôm hôn nó – bộ tóc rậm xoăn xoăn, nước da ngăm đen, đôi mắt tròn ngay thật – mỗi khi chúng tôi xong xuôi công việc duyệt bài cho tờ báo Trường Thực nghiệm “ngày xưa”. Ôi thế mà đã mấy chục năm trôi đi. Trôi tháng ngày, ta còn đây… bài thơ “Dưới chân cầu Mirabeau” tôi dịch chơi đúng vào cái năm tôi và bạn Trần Việt Hoàng còn “chơi” với nhau.

Hóa ra, như một định mệnh, từ ngày ấy tôi đã bi quan rồi… Dưới chân cầu Mirabeau / dòng sông Seine trôi đi / và tình ta trôi đi / trôi tháng ngày / ta còn đây …

Không lẽ con người đã hết mọi chỗ bám víu mang tính văn hóa? Tôi nên vui hay buồn, thưa anh Trần Bình Minh?

4 giờ 30 sáng Chủ Nhật, có thể vài giờ nữa những tên đại úy Minh lại ra tay, và lần này chả biết VTV có cử người đi quay rồi ghép rồi tung lên sóng? Tiền chùa ấy mà, mất gì!

Không có nhận xét nào: