Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Về ’tội lật đổ chính quyền’ của anh Phạm Minh Hoàng

Trung Điền
-
Qua những cách bắt bớ, điều tra và mang ra xét xử những người Việt Nam yêu nước của nhà cầm quyền Hà Nội trong vòng 2 năm trở lại đây, người ta thấy rằng chế độ Cộng sản Việt Nam đang ở bước đường cùng; và trước nguy cơ bị phong trào phẫn nộ của người dân quét sạch, họ đang cố gắng bám víu vào hai trụ cột quái đản, đó là Điều 79 (âm mưu lật đổ chế độ) và Điều 88 (tuyên truyền chống phá) của Bộ luật hình sự. Tình hình đất nước và thái độ của lãnh đạo Hà Nội đã lột tả rõ bản chất và bế tắc của chế độ ngày nay.

Thứ nhất, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn mất khả năng ổn định tình hình kinh tế đang bị suy thoái kéo dài trong gần 2 năm vừa qua. Sản xuất đình đốn, lạm pháp lên đến 2 con số, vật giá leo thang, đồng bạc Việt Nam mất giá, thâm thủng mậu dịch, cạn kiệt trữ kim… đã là bức tranh ảm đạm nhất của xã hội Việt Nam hiện nay. Mặc dù CSVN đã đưa ra Nghị Quyết 11 để giải quyết khẩn cấp tình hình suy thoái nói trên, nhưng nói chung, mọi chính sách đưa ra đều chỉ có kết quả trên giấy, tức là nhắm vào mục tiêu tuyên truyền hơn là giải quyết thực chất. Nguy cơ rối loạn xã hội là một điều khó tránh, và khi những khó khăn vượt quá sự chịu đựng của số đông (Tunisia, Ai Cập), tình trạng “tức nước vỡ bờ” sẽ đưa tới những biến thái nguy hiểm cho chế độ. Thay vì dồn nỗ lực cải tổ nền kinh tế đúng nghĩa, chế độ CSVN lại tung ra thủ đoạn trấn áp thô bạo đối với những nhà dân chủ qua những phiên tòa vội vã dưới các tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước hay âm mưu lật đổ chế độ, để gọi là “ổn định xã hội”. Đây là hành động run sợ của một thiểu số lãnh đạo độc tài, không có khả năng ổn định tình hình nên phải dùng những bản án phi pháp và phi lý để trấn áp.

Thứ hai, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam ngày càng trở thành một tập đoàn tay sai của Bắc Kinh, không dám lên tiếng chống lại những ngang ngược của Trung Quốc; trong khi đó, CSVN lại thẳng tay đàn áp những ai có các hành động cổ vũ, dấy lên phong trào chống bá quyền Phương Bắc. Khi người dân thấy rõ chế độ bất lực trong việc bảo toàn lãnh thổ, họ sẽ không ngồi yên mà sẽ hành động khởi đi từ lòng yêu nước và ý chí bất khuất của tổ tiên. Thay vì cùng với người dân bày mưu tính kế chống lại Bắc Kinh, CSVN lại đẩy người dân về phía “thù địch”, coi những người treo biểu ngữ kêu gọi bảo vệ biển đảo, kẻ sáu chữ HS.TS.VN để xác định chủ quyền của Việt Nam, đi biểu tình hàng tuần chống Trung Quốc là phản động, là gây rối xã hội. Tệ hại hơn nữa, CSVN đã dựng ra các phiên tòa kết án những ai chống lại các hành động xâm lấn của Trung Quốc là có âm mưu lật đổ chính quyền hay tuyên truyền chống phá nhà nước. Đây là hành xử của một tập đoàn tay sai, bị ngoại bang sai khiến, dùng những bản án phi pháp và phi lý để đàn áp phong trào yêu nước.

Chỉ trong hai năm vừa qua, CSVN đã núp dưới hai trụ cột 79 và 88 để trấn áp rất nhiều người: từ Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức cho đến Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy, ông Cao Văn Tỉnh, LS Cù Huy Hà Vũ, Giảng viên đại học Phạm Minh Hoàng…. với những bản án từ 3 năm đến 16 năm. Tuy số án tù có khác nhau ở mỗi người nhưng tất cả đều cho thấy là chế độ CSVN rất sợ ý chí đấu tranh và lòng yêu nước của những con người can đảm nói trên.

Dựa trên điều 79 và 88 của Bộ Luật hình sự, CSVN đã cáo buộc anh Phạm Minh Hoàng tội lật đổ chính quyền vì anh đã:

1/ Viết 33 bài bình luận trình bày những quan điểm của anh về tình hình đất nước như nạn tham nhũng, nạn ăn cắp báu vật quốc gia của cán bộ, vụ khai thác Bauxite có hại cho môi trường Việt Nam;

2/ Tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng mềm (khóa Leadership, tức Khả năng lãnh đạo) cho anh chị em thanh niên sinh viên hiểu về các sinh hoạt cộng đồng;

3/ Tham gia khóa tập huấn về đấu tranh bất bạo động tại Mã Lai do đảng Việt Tân tổ chức.
Trong một quốc gia tự do dân chủ, nhân quyền đươc tôn trọng và chính quyền có bản lãnh để cho người dân tự do bỏ phiếu chọn lựa mình qua một cuộc phổ thông đầu phiếu, thì ba điều cáo buộc nói trên của CSVN đối với anh Phạm Minh Hoàng sẽ không bao giờ xảy ra. Việc viết bài trình bày quan điểm, kể cả việc phê phán những chính sách sai lầm của nhà nước không những là quyền tự do căn bản của con người, mà còn là một nhu cầu thiết yếu để cải thiện quốc gia. Khi gọi đó là tuyên truyền chống phá nhà nước (vi phạm điều 88), CSVN đã không dám đối mặt với công luận. Một chính quyền mà sợ người dân phê bình, chỉ trích là một tập đoàn lãnh đạo không có bản lãnh và khả năng cai trị. Đây là một bè lũ xôi thịt, chuyên quyền, thối nát.
Là một giảng viên đại học, ngoài những giờ dạy chính ở trường, anh Phạm Minh Hoàng muốn giúp học trò của mình có bản lãnh sinh hoạt trong cộng đồng xã hội nên đã mở thêm các khóa dạy về “kỹ năng mềm”, tức là những khóa hướng dẫn khả năng lãnh đạo. Tại các quốc gia văn minh, phát triển, khóa Leadership là một khóa học mà hầu như thanh thiếu niên nào cũng trải qua để biết cách giao tiếp với người chung quanh, biết cách giải quyết những ngộ nhận, những khác biệt trong suy nghĩ, cách trình bày một vấn đề trước đám đông và nhất là làm sao biết lắng nghe để thông cảm, cùng làm việc… CSVN cho rằng làm như vậy là anh Phạm Minh Hoàng đã tập hợp lực lượng để “lật đổ nhà nước”. Chỉ có những người mang đầu óc độc tôn quyền lực, lo sợ bị lật đổ, mới e ngại người dân giỏi hơn mình, sẽ thay thế mình. Một quốc gia mà có những tập đoàn lãnh đạo sợ bị thay thế, sợ người dân giỏi hơn thì chế độ đó vừa kém cỏi, vừa muốn lôi giật lùi đất nước miễn là họ duy trì được vị trí quyền lực, và lịch sử đã cho thấy những chế độ này trước sau gì cũng đi vào vết xe sụp đổ.

Là một đảng viên Việt Tân, anh Phạm Minh Hoàng không làm bất cứ điều gì gọi là “phạm pháp” của CSVN. Thế nhưng họ lại cáo buộc rằng anh Phạm Minh Hoàng đã đi học khóa tập huấn đấu tranh bất bạo động của đảng Việt Tân, là có âm mưu lật đổ chế độ. CSVN đã định nghĩa rằng, đấu tranh bất bạo động là bề trái của tiến trình diễn biến hòa bình bằng cách triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn, sai sót của chính quyền hiện tại, tạo nên sức ép ngày càng lớn buộc lãnh đạo nhà nước phải chuyển hóa , thay đổi đường lối chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng đối lập. Trình độ nhận thức quá kém cỏi và lỗi thời của một tập đoàn kiêu binh, tham lam và ích kỷ đã không thể nhìn ra chân lý là “không dân chủ hóa sẽ bị đào thải”, và chỉ có những thể chế biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết mới được người dân tin yêu và duy trì. CSVN khư khư từ chối đa đảng, đa nguyên vì sợ thua những hoạt động chính trị của các lực lượng dân chủ khác, và sợ ngay cả những người dân tay không tấc sắt, chỉ có một tấm lòng vì đại nghĩa. Chính những sai lầm và chủ trương độc tôn quyền lực của chế độ CSVN đã làm sáng thêm con đường phục vụ dân tộc bằng lý tưởng “Canh Tân Quốc Gia” của Đảng Việt Tân, khiến nhiều người yêu nước đã chọn tham gia để cùng hợp lực đưa đất nước đi lên.
Khi một tập đoàn lãnh đạo tham quyền cố vị, tham nhũng và độc ác, họ sẽ làm mọi cách để duy trì quyền lực, kể cả việc sử dụng côn đồ và hành động kiểu côn đồ để ngăn chận những ý hướng chuyển đổi tốt đẹp cho đất nước. Những cáo buộc mà CSVN gán ghép cho anh Phạm Minh Hoàng, những bản án tù mà chế độ giáng xuống đầu những người yêu nước sẽ là những nét xẻng đào sâu thêm mồ chôn chủ nghĩa ngoại lai đang hủy hoại dân tộc. Trấn áp càng gia tăng, chế độ càng đổ thêm dầu vào lửa và kích lên lòng căm phẫn của những người Việt Nam yêu nước. Phong trào dân chủ Việt Nam chắc chắn sẽ lớn mạnh và sẽ phá sập hai trụ cột 79 và 88 cùng chấm dứt sự cai trị độc tài của đảng CSVN trong những ngày tháng tới.

Trung Điền
Ngày 11/8/2011
Nguồn:
http://www.viettan.org/spip.php?article11437

Không có nhận xét nào: