Lần này, theo lời kể từ cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là đã tập trung quyền lực tối đa vào cho mình và các nhóm thân cận sau Đại hội XI hồi đầu năm, đã nói cả đến "thay đổi cả các thể chế" nếu cần thiết cho phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Bùi Kiến Thành, một chuyên gia tài chính từ Hoa Kỳ trở về làm việc tại Việt Nam, là trong số các chuyên gia đã có mặt tại buổi tham vấn đầu tiên tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Trong cuộc phỏng vấn với Hà Mi, BBC Việt Ngữ hôm 23/8, ông Bùi Kiến Thành cho biết về chủ đề của cuộc họp với sự tham gia của cả các vị như cựu Phó Thủ tướng Trần Phương, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Trần Xuân Giá, cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm hay Nguyễn Văn Giàu, đại biểu Quốc hội Võ Đại Lược.
Ông Bùi Kiến Thành: Đề tài là nhận diện tình hình kinh tế thế giới và nghiên cứu Nghị quyết 11 của chính phủ đưa ra, có những gì đã làm được, những gì chưa làm được, và tại sao lại có những kết quả chưa được mong đợi; và đề xuất ra những phương thức để làm sao thực hiện được nghị quyết 11 cho tốt, đề ra những chính sách lâu dài hơn cho chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ năm năm này sắp tới, có những gì chính phủ cần phải làm.
Khung cảnh cuộc họp là mình ngồi như Hội đồng bộ trưởng tư vấn họp ngay tại trụ sở của chính phủ.
BBC: Vậy ông có thể cho biết cụ thể đề xuất của bản thân ông đối với Thủ tướng chính phủ là như thế nào, thưa ông?
Tôi có hai góp ý. Góp ý đầu tiên là về vấn đề nhận diện tình hình kinh tế thế giới như thế nào, đã ảnh hưởng tới Việt Nam ra sao, và có những biện pháp gì để Việt Nam đối mặt với sự biến chuyển của kinh tế thế giới.
Tiếp theo là tôi đề xuất trực tiếp vào vấn đề chính sách tiền tệ như thế nào để tạo được môi trường thông thoáng và những điều kiện, những phương tiện thuận lợi để nền kinh tế phát triển; không những là để kiềm chế lạm phát mà còn biết diễn biến tiền tệ như thế nào để cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Đây là vấn đề mà ở Việt Nam chưa làm được, vì hiện nay vấn đề lạm phát đang tăng cao nhưng chưa thực sự có một chính sách điều tiết lưu lượng tiền tệ như thế nào để không nhiều quá gây ra lạm phát mà cũng không ít quá gây thiểu phát, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động.
BBC: Vậy theo ông trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, với những cơ chế kinh tế hiện nay, những đề xuất chính sách tiền tệ của ông có thể thực hiện được hay không và nếu muốn thực hiện được thì cụ thể chính phủ Việt Nam cần phải làm gì?
T
ôi đề nghị cụ thể là vai trò của ngân hàng trung ương cần phải được tăng cường lên. Ngân hàng trung ương là định chế tài chính quốc gia và có quyền phát hành giấy bạc, phát hành tín dụng.
Trường hợp hiện nay của Việt Nam, các ngân hàng thương mại đang huy động vốn trong nhân dân với lãi suất huy động quá cao với lãi suất 17, 18 phần trăm và cho vay ra tới các doanh nghiệp với lãi suất quá cao, 25, 26, 27 phần trăm, như vậy thì doanh nghiệp không thể làm việc được.
Tôi đề xuất là ngân hàng trung ương cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp, và ngân hàng thương mại như thế sẽ có vốn để cho các doanh nghiệp vay lại với lãi suất thấp, một việc mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đều làm trong tình hình kinh tế khó khăn. Khi doanh nghiệp phải đối mặt trước thực tế tín dụng với lãi suất cao thì vai trò của ngân hàng trung ương là phải cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ để kéo lãi suất cho vay xuống.
Đó là đề tài đưa ra và tôi đề nghị chính phủ Việt Nam và ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất 2 - 4 phần trăm và như thế ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10 phần trăm. Tự nhiên như vậy tạo ra mặt bằng lãi suất mới và có thể giải quyết được vấn đề mặt bằng lãi suất mà các doanh nghiệp cần để có thể phát triển.
Các vị khác đưa ra những đề xuất cực kỳ quan trọng, ví dụ như làm sao cơ cấu lại vấn đề nợ công của chính phủ Việt Nam, quản lý nợ công thế nào tốt hơn, chặn tất cả những vấn đề tiêu cực, rò rỉ đã xảy ra.
Và đối với các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, phải rà soát lại những việc làm của các tổng công ty, của các tập đoàn nhà nước và cắt bỏ những gì không nằm trong phạm vi cốt lõi của các tập đoàn, để cho các tập đoàn làm việc có hiệu quả hơn.
Đồng thời phải tăng tốc cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước, rà soát lại đầu tư công chứ hiện nay đầu tư công vẫn còn quá dàn trải mà chính phủ phải chi tiêu một khoản tiền quá lớn cho những việc chưa cần thiết thì ngay tức khắc phải xem lại những dự án nào không cần thiết thì phải cắt giảm ngay chứ không thể do dự nữa.
Ngoài ra còn vấn đề tổ chức nhân sự như thế nào để những người được bố trí, đề bạt làm những công việc ích nước lợi dân phải có tinh thần chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính.
Đây là điều cực kỳ khó trong vấn đề nhân sự nhưng các vị đã đụng tới nó một cách thẳng thắn với chính phủ, có nhiều khi có những lời hơi gay gắt đối với chính phủ nhưng chính phủ vẫn tiếp nhận một cách hết sức tích cực. Vì vậy tạo ra một tinh thần giữa hai bên có sự trao đổi thực sự và những vấn đề rất quan trọng đã được đặt ra.
"Không phải chỉ vấn đề cơ chế mà chính phủ sẽ quyết liệt thay đổi những vấn đề trong thể chế để thực hiện được những mục tiêu phát triển kinh tế."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Cuối cùng lại, Thủ tướng chính phủ có kết luận, cảm ơn tất cả các chuyên gia đã thẳng thắn và tích cực trao đổi với chính phủ như vậy và Thủ tướng cũng nói rằng sẽ nhanh chóng rà soát lại tất cả những vấn đề đầu tư công, rà soát lại những hoạt động của các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, rà soát lại tất cả những gì chưa làm được, và những việc nhất thiết chính phủ cần phải làm.
Thú vị ở chỗ là sau khi trao đổi với nhau rồi thì mới thấy là Thủ tướng rất quyết liệt trong vấn đề làm những gì cần phải làm và đánh giá cao những góp ý của các chuyên gia. Đặc biệt là sau cuộc này thì Thủ tướng chính phủ đã quyết định là cứ sáu tháng một lần sẽ có một cuộc họp như thế này để chính phủ lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia về những vấn đề ích nước lợi dân cũng là một việc rất thú vị.
BBC: Theo như ông nói thì đây là một động thái rất tích cực, tạo ra được sự trao đổi hai chiều, theo kinh nghiệm của ông làm việc tại Việt nam, từ những đề xuất như thế này liệu nó sẽ đi đến kết quả gì, bởi vì một mình Thủ tướng liệu có thực hiện được điều đó hay không hay là cả một bộ máy nhà nước cần phải có những thay đổi thì mới có thể thực hiện được?
Hiện nay ta đang bước qua một giai đoạn mới với một nhiệm kỳ mới của bên Đảng, bên Bộ chính trị, bên Quốc hội cũng như bên chính phủ. Tinh thần đưa ra và sự cởi mở của các nhà cầm quyền cũng như các chuyên gia đại diện cho dư luận của nhân dân thì rõ ràng có sự hùng biện.
Thủ tướng có nói là đây là bước đầu không phải chỉ để giải quyết những việc năm nay mà cho cả nhiệm kỳ sắp tới của chính phủ và yêu cầu các vị bộ trưởng phải lắng nghe, nhất là năm nay, chính phủ đổi mới rất nhiều.
Hai phần ba nhân sự trong chính phủ là các bộ trưởng mới và qua cuộc trao đổi này có những quyết định ngay tức khắc, ví dụ như phải xây dựng lên một quỹ về vấn đề bất động sản làm thế nào cho người dân cần mua nhà để ở thực sự có khả năng mua được nhà, cái đó đang giao cho bộ xây dựng và một số chuyên gia nghiên cứu làm thế nào để có quý tín dụng tài trợ cho người dân mua nhà.
Một điều rất là quan trọng là phải làm sao nâng cao phát triển kinh tế ở nông thôn. Đây là một quyết đinh cực kỳ quan trọng mà Thủ tướng nói rằng đây là ưu tiên hàng đầu để phát triển nông thôn và giao cho Bộ phát triển nông thôn. Rõ ràng là đã đi đến những quyết định rất quyết liệt để làm sao kinh tế phát triển chứ không phải nói rồi bỏ đó đâu.
Nếu chính phủ đã quyết định như vậy và Thủ tướng có địa vị quan trọng trong bộ chính trị và cơ quan của Đảng thì phần việc của Thủ tướng là thuyết phục bên tổ chức Đảng để có quyết định chung. Tôi có cảm tưởng là chúng ta bước qua một thời đại mới, bước qua một giai đoạn mới, có thể có được sự hợp tác chặt chẽ giữa bên Đảng cũng như bên chính phủ và các chuyên gia trong nước
BBC: Như vậy có lẽ khi sáu tháng tới lại có một cuộc họp như thế này các chuyên gia có thể sẽ kiểm nghiệm được là những đề xuất của mình được thực hiện đến đâu và có thể chất vấn cả bốn Phó Thủ tướng có mặt là đề xuất của họ đã được thực hiện hay chưa và đã được thực hiện như thế nào, phải không vậy không thưa ông?
Cuộc họp còn đi được một bước hơn thế nữa là đã đề ra những tổ chức, cơ chế mới ví dụ như có một đội đặc nhiệm giữa các chuyên gia hoạt động trực tiếp thường xuyên với bên chính phủ để chính phủ luôn luôn có được sự góp ý qua một tổ chức đặc nhiệm để làm việc đó chứ không chờ họp, chờ sáu tháng sau thì mới họp lại.
Phải thường xuyên có quan hệ liên lạc giữa Thủ tướng và các chuyên gia và tốt hơn nhất là lập ra một nhóm đặc nhiệm làm việc ấy.
BBC: Vậy nhóm này đã được thành lập chưa, thưa ông?
Đó là do hội đồng đề nghị ra và Thủ tướng chính phủ nói là sẽ nghiên cứu việc ấy. Hiện giờ chưa có quyết định lập ra nhóm đặc nhiệm ấy nhưng trong những ngày sắp tới ta sẽ thấy bên chính phủ có những quyết định như thế nào.
Đây là việc các chuyên gia tự nguyện để giúp cho chính phủ chứ không phải làm tư vấn theo hợp đồng. Cơ chế như thế nào thì là chính phủ quyết định nhưng đặc biệt Thủ tướng nói một điều hết sức quan trọng là không phải chỉ vấn đề cơ chế mà chính phủ sẽ quyết liệt thay đổi những vấn đề trong thể chế để thực hiện được những mục tiêu phát triển kinh tế.
Hai chuyện rất lớn là cả cơ chế và thể chế là guồng máy của chính phủ, quan hệ giữa Đảng và nhà nước, giữa đảng và chính phủ và Quốc hội, đó gọi là thể chế, thì nếu thể chế cần sửa đổi cái gì thì phải quyết liệt nghiên cứu để mà thay đổi. Đấy là điều cực kỳ quan trọng Thủ tướng đã nói ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét