Pages

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

‘Vũ điệu’ của Bắc Hàn có đáng tin?

Liệu Bắc Hàn có thật sự chuyển biến về chương trình
 hạt nhân dưới triều đại Kim Jong-un?
Liệu Bắc Hàn có thật sự chuyển biến về chương trình hạt nhân dưới triều đại Kim Jong-un?
Aidan Foster-Carter, nhà phân tích tình hình Triều Tiên của Đại học Leeds, Anh, đánh giá sự thành thật của Bắc Hàn sau tuyên bố đình chỉ chương trình hạt nhân lấy lương thực.
Bắc Hàn rất thích gây ngạc nhiên. Điều hiếm gặp hơn là khi kẻ thù của nước này, Hoa Kỳ, lại cũng tham gia trò chơi của họ.

Mới vài ngày trước đây, cả hai phía đều thể hiện thái độ hờ hững lạnh nhạt đối với kết quả của các cuộc đàm phán song phương – lần thứ ba trong những tháng gần đây – diễn ra ở Bắc Kinh trong hai ngày 23 và 24/2.

Giờ đây chúng ta mới thấy rằng sự dè dặt có tính toán này dường như nhằm che đậy một sự đột phá. Có thể đoán được là hai bên đang cần thêm một vài ngày để chỉnh sửa lại các điều khoản quan trọng.
Không ai ngờ
Do đó thỏa thuận đồng loạt từ cả phía Washington và Bình Nhưỡng hôm thứ Tư ngày 29/2 vừa là bất ngờ mà cũng là tin tốt lành.
Vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn, vốn đã bế tắc ba năm nay, lại được đưa lên bàn đàm phán – đáng ra phải xảy ra từ lâu.
Bề ngoài thì Bắc Hàn đã nhượng bộ rất nhiều. Trước hết, nước này đồng ý tạm dừng thử cả vũ khí hạt nhân lẫn tên lửa tầm xa.
Đây là tin được mọi người chào đón. Nhiều người đã lo sợ rằng ‘người kế tục vĩ đại’ Kim Jong-un có thể sẽ đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông nội quá cố Kim Nhật Thành, người sáng lập Nhà nước Bắc Hàn, bằng cách bắn ‘pháo hoa’ khủng – để chứng tỏ bản thân và làm cho thế giới luôn trong trạng thái căng thẳng. Bây giờ điều đó sẽ không xảy ra.
Thứ hai, rõ ràng Bình Nhưỡng đã đồng ý đình chỉ không chỉ các cuộc thử nghiệm mà còn toàn bộ hoạt động hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, những người mà họ đã tống cổ vào tháng 4 năm 2009, quay lại để kiểm chứng sự tuân thủ của họ tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Lương thực viện trợ cho Bắc Hàn
Bắc Hàn đang rất cần lương thực để đối phó với nạn đói trong nước
Vấn đề này có hai phần – một phần trong đó đã có đột phá mới.
Vào tháng 11/2010, một phái đoàn các nhà khoa học Mỹ đã đến Yongbyon và họ đã nhìn thấy một bức tranh hai mặt.
Một mặt, các nhà máy liên quan đến một chương trình cũ về plutonium dường như đã không còn được sử dụng. Mặt khác, họ cũng được cho xem một nhà máy làm giàu uranium hoàn toàn mới. Con đường chế tạo bom thứ hai này từ lâu đã bị nghi ngờ nhưng không ai có thể tưởng tượng là nó đã đạt đến mức độ hiện đại đến như vậy.
Nếu nhà máy này thật sự bị đình chỉ và cho phép IAEA thanh sát thì đây sẽ là một tiến bộ thật sự. Ngược lại, tất cả những thứ còn lại chỉ đưa chúng ta về vị trí trước đây mà thôi.
Không đòi hỏi nhiều
Vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn, một mối quan ngại cho đến nay đã được hơn 20 năm, từ lâu đã là trò mèo vờn chuột. Bước tiến mới nhất này đem tới hy vọng các cuộc đàm phán sáu bên – bao gồm hai miền Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga – về vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn sẽ sớm được nối lại.
Có hai lý do để vui mừng. Các cuộc đàm phán sáu bên ban đầu đã đi được khoảng thời gian, hay nói đúng hơn là đã bò, từ năm 2003 cho đến 2008. Hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Hàn có thật sự nghiêm túc – hay chỉ là cách để câu giờ trong khi tiếp tục công việc tại nhà máy làm giàu uranium mới kia.
Mặc dù việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên không có gì đáng để vui mừng nhiều, có vẻ như là Bắc Hàn đã nhượng bộ nhiều mà không đòi hỏi lại tương xứng. 240.000 tấn lương thực viện trợ không phải là một thỏa thuận lớn, và nếu Ngoại trưởng Hillary Clinton đúng khi nói rằng nước này đồng ý cho giám sát chặt chẽ việc phân phối hàng viện trợ thì đó cũng là tiến bộ thật sự.
Trước đây những yêu cầu giám sát như thế thường là điểm bế tắc trong đàm phán giữa những quan ngại rằng lương thực viện trợ sẽ đến tay những tầng lớp trên hay quân đội của Bắc Hàn chứ không phải những người dân đói.

Thời điểm

Một lò phản ứng hạt nhân của Bắc Hàn
Bắc Hàn luôn dùng lá bài hạt nhân để yêu sách các nước phương Tây
Thời điểm xuất hiện thỏa thuận cũng đáng chú ý. Trước đó Bắc Hàn chỉ toàn thể hiện thái độ hiếu chiến và dùng toàn những lời lẽ đao to búa lớn.
Chỉ mới đây vào ngày 25/2, phản ứng trước các cuộc tập trận thường xuyên của Mỹ – Hàn đang diễn ra, nước này đã cảnh báo rằng "chúng tôi có các phương tiện chiến tranh còn mạnh hơn vũ khí hạt nhân của Mỹ" và đe dọa "thánh chiến" để "quét sạch bè lũ của tên Lee", tức chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak mà Bình Nhưỡng mạt sát mỗi ngày.
Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào ngày 11/4 tới. Đảng Bảo thủ của ông Lee được cho là sẽ mất phiếu vào tay phe đối lập trung tả. Tuy nhiên chỉ một tín hiệu hòa bình nhỏ từ miền Bắc sẽ làm cho ông bình yên vô sự. Tổng thống Lee Myung-bak khó mà tưởng tượng một món quà như vậy.
Có lẽ Kim Jong-un cũng muốn nhắc nhở Trung Quốc – đối tác thương mại chính và là cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bình Nhưỡng – rằng ông cũng có những lá bài khác.
Chẳng hạn như hôm 28/2, khi một tàu hải quân Mỹ đã cập cảng Nampo ở Bình Nhưỡng với các trang thiết bị để cùng tìm kiếm thi hài của các binh lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến Triều Tiên trong những năm 1950 – 1953, Trung Quốc có thể nhìn việc quân đội Mỹ và Bắc Hàn cộng tác với ánh mắt nghi ngờ.
Những gì chúng ta có thể làm chỉ là phỏng đoán điều gì ở phía trước và, cũng như mọi khi, chỉ thực tế mới chứng minh được cho lời nói. Tuy nhiên, sự bất ngờ từ Bình Nhưỡng chắc chắn là tin tốt lành. Còn tốt đến mức nào, hãy đợi thời gian trả lời.

Không có nhận xét nào: