Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Kế hoạch mới về nhân quyền của Trung Quốc bị đả kích



Chính phủ ở Bắc Kinh hôm thứ hai vừa qua đã công bố một bản báo cáo về nhân quyền, có tên là Kế hoạch hành động quốc gia về nhân quyền (giai đoạn 2012-2015). Các nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc nói rằng kế hoạch này không có ý nghĩa gì vì nhà chức trách vẫn không ngừng chà đạp một cách thô bạo các quyền cơ bản của người dân. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.


Quốc Vụ Viện Trung Quốc hôm thứ hai (11-06-2012) vừa qua đã công bố Kế hoạch hành động quốc gia về nhân quyền giai đoạn 2012-2015, đề ra những mục tiêu và những biện pháp mà họ nói là để bảo vệ và phát huy quyền con người trong 4 năm tới. Đây là kế hoạch nhân quyền thứ nhì của Trung Quốc, sau kế hoạch được công bố lần đầu vào năm 2009.


Cũng giống như kế hoạch năm 2009, kế hoạch năm nay của Bắc Kinh đã nhanh chóng gặp phải sự đả kích của các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền Trung Quốc. Theo tin hôm thứ tư của tờ Epoch Times, bà Tào Thuận Lợi – giáo sư Đại học Bắc Kinh và là người từng tham gia việc soạn thảo kế hoạch hành động nhân quyền lần thứ nhất, nói rằng tình hình nhân quyền Trung Quốc đã trở nên tệ hại hơn trong 2 năm qua và bà không cảm thấy lạc quan về tình hình nhân quyền trong 4 năm tới đây.

Một vị luật sư nhân quyền ở Bắc Kinh, ông Phổ Chí Cường, tán đồng nhận định của giáo sư Tào và cho biết thêm như sau:

"Ông Lưu Hiểu Ba vẫn còn trong tù. Rất nhiều người đang bị áp bức. Một cụ già trong nhóm những gia đình của các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn đã tự tử vài ngày trước ngày tưởng niệm Thiên An Môn năm nay. Và mới đây nhà tranh đấu dân chủ Lý Vượng Dương đã chết một cách bí ẩn ở bệnh viện. Tất cả những sự việc này cho thấy rõ là tình hình nhân quyền Trung Quốc vẫn còn rất nhiều điều không được như ý."

Trong khi đó, người đứng đầu một tổ chức tranh đấu dân quyền ở Bắc Kinh, Liên minh Công ích Trung Quốc, ông Hứa Chí Vĩnh, cho rằng có một khoảng cách biệt rất lớn giữa những gì được ghi trong hiến pháp Trung Quốc với những gì xảy ra trên thực tế liên quan tới quyền tự do của người dân:

"Các quyền về kinh tế, xã hội quả thật đã được cải thiện. Tôi nghĩ rằng đây là một trào lưu không thể nào ngăn chận trong lúc đất nước có được tiến bộ về kinh tế, xã hội. Nhưng vấn đề của Trung Quốc hiện nay là quyền tham gia sinh hoạt chính trị, kể cả quyền bầu cử, ứng cử, và tham gia chính quyền, không theo kịp các quyền kinh tế, xã hội."

Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc hồi đầu năm 2011 đã nêu ra chủ trương thường được gọi là “ngũ bất cảo” hay năm điều không thực hiện, bao gồm không thực hiện tam quyền phân lập, không thực hiện tư pháp độc lập, không thực hiện đa đảng, không thực hiện đa nguyên hóa tư tưởng chỉ đạo, và không thực hiện tư hữu hóa. Luật sư Phổ Chí Cường đã nhắc tới “ngũ bất cảo” và cho rằng chủ trương này đi ngược với sự rêu rao của chính phủ ở Bắc Kinh về những tiến bộ trong lãnh vực quyền con người:

"Đây là một chính phủ đã nói một cách rõ ràng là không tôn trọng các giá trị phổ quát. Chính người đứng đầu quốc hội đã tuyên bố thẳng thừng chủ trương ngũ bất cảo. Một chính phủ như vậy mà nói tới việc cải thiện nhân quyền, đưa ra báo cáo này nọ thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Họ không muốn thực thi tự do báo chí, nhất định đòi đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của đảng. Họ không muốn thực hiện tư pháp độc lập, nhất định bắt các cơ quan tư pháp phải chịu sự lãnh đạo nghiêm khắc của đảng. Họ cũng không để cho quân đội được trở thành một công cụ của quốc gia, nhất định bắt quân đội phải tuyệt đối phục tùng sự chỉ huy của đảng. Trong một tình huống như vậy làm sao chúng ta có thể tin là họ có thể thực thi kế hoạch hành động về nhân quyền."

Ông Hồ Giai, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng chuyên tranh đấu cho quyền lợi của những người mắc bệnh AIDS, nói rằng việc phổ biến kế hoạch hành động nhân quyền là một phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với những sự chỉ trích về thành tích nhân quyền.

Ông nói: "Tôi cảm thấy kế hoạch hành động này chỉ có tính chất tô son trét phấn chứ không có nội dung thực chất hay có hiệu quả nào trên thực tế. Việc đưa ra kế hoạch này trùng hợp với một loạt những sự kiện về nhân quyền trong năm nay như vụ Trần Quang Thành, vụ Lý Vượng Dương. Cho nên tôi nghĩ rằng ngoài mục đích tô son trét phấn, kế hoạch này còn có mục đích chữa lửa. Vì chính phủ lấy việc duy trì ổn định làm ưu tiên hàng đầu, nên việc chà đạp nhân quyền trở nên phổ biến và mức độ đàn áp mỗi ngày một dữ dội hơn. Họ đưa ra kế hoạch này với hai mục tiêu: thứ nhất là để cho cộng đồng quốc tế tưởng rằng họ đang cố gắng, họ đã có kế hoạch và hãy để cho họ có thời gian để cải thiện; và mục đích thứ nhì là làm cho dân chúng trong nước có được một chút hy vọng."

Ông Hồ Giai, người nhiều lần được đề cử lãnh giải Nobel Hòa bình, cho biết kế hoạch nhân quyền lần này đã không đề cập gì nhiều tới vấn đề tự do ngôn luận mà chỉ nói một cách qua loa rằng chính phủ sẽ ra sức để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền diễn đạt của công dân theo đúng pháp luật. Ông phát biểu thêm như sau về vấn đề này:

"Họ đang tìm cách tránh né. Họ biết rõ tự do ngôn luận là nền tảng của mọi thứ tự do. Không có tự do ngôn luận thì những tự do khác, kể cả tự do diễn đạt, đều không được bảo đảm, không được vững chắc."

Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc trích dẫn kế hoạch hành động nhân quyền quốc gia cho biết trong 4 năm tới đây chính phủ sẽ tiếp tục đặt quyền bảo đảm sinh sống và quyền phát triển của nhân dân lên vị trí hàng đầu, sẽ bảo đảm và cải thiện cuộc sống người dân một cách thiết thực. Giáo sư Dương Phàm của Đại học Chính trị Pháp luật Trung Quốc ở Bắc Kinh cho rằng những người soạn thảo kế hoạch hành động nhân quyền đã sai lầm khi tiếp tục nhấn mạnh tới khái niệm về quyền sinh tồn và quyền phát triển. Ông phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA:

"Nói như vậy là không đúng. Trước đây, khi vấn đề sinh tồn của Trung Quốc chưa được giải quyết, khi còn bị đế quốc xâm lược, đương nhiên chúng ta phải nhấn mạnh tới quyền chung của quốc gia, của cả dân tộc. Đó là việc đúng. Nhưng sau này, khi vấn đề sinh tồn đã được giải quyết, chúng ta phải chú trọng tới các quyền cơ bản của cá nhân. Chính phủ có nói đất nước đã tiến vào giai đoạn tiểu khương, có nghĩa là đại đa số dân chúng ai nấy cũng đều đủ ăn đủ mặc. Cho nên đã tới lúc chúng ta phải đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy các quyền tự do cá nhân."

Trong khi đó, ở bờ bên kia của eo biển Đài Loan, chính phủ ở Đài Bắc cho biết vấn đề liên quan tới những hành vi chà đạp nhân quyền của các giới chức chính phủ Trung Quốc sẽ được xem xét khi quyết định về việc có cấp thị thực nhập cảnh hay không. Báo chí Đài Loan hôm thứ 5 (14-06-2012) trích lời ông Lưu Đức Thuận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Hoa lục, nói rằng Cục Di trú Quốc gia và các cơ quan khác của chính phủ đã đặt ra thủ tục kiểm tra để ngăn không cho công dân Trung Quốc vi phạm nhân quyền được nhập cảnh Đài Loan. Tin về thủ tục kiểm tra được phổ biến vài ngày sau chuyến viếng thăm Đài Loan của Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Nam Từ Thủ Thịnh, người mà thành tích nhân quyền bị báo chí Đài Loan đặt thành vấn đề. Trước khi ông Từ lên đường đi Đài Loan, một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu của Trung Quốc là ông Lý Vượng Dương đã qua đời một cách bí ẩn tại một bệnh viện ở Hồ Nam.

Không có nhận xét nào: