Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Mở ra chân trời mới – Dân Chủ cho Việt Nam trong tương lai



LS. Trần Thanh Hiệp - I. Một sự thật của lịch sử Việt Nam chứa đựng trong năm sự kiện lịch sử
Bàn về việc xây dựng dân chủ cho Việt Nam không thể không biết đến năm sự kiện lịch sử:
1.- Từ cuối năm 1945, vị vua cuối cùng của dòng họ Nguyễn, Hoàng Đế Bảo Đại, đã tự ý thoái vị để cho nhân dân có tự do lựa chọn dân chủ. Quần chúng, các nhân sĩ và các chính đảng đã công khai biểu lộ nguyện vọng và quyết tâm thành lập tại Việt Nam chế độ dân chủ thay thế chế độ quân chủ.

2.- Đảng Cộng sản Việt Nam – chính đảng đứng ra tổ chức cướp chính quyền và cầm quyền gần 70 năm qua – trắng trợn phản bội lời cam kết long trọng trước quốc dân và quốc tế bảo vệ độc lập, ban hành tự do và mưu cầu hạnh phúc cho quốc dân. Tập đoàn cai trị này đã dùng bạo lực và lừa gạt, gây nội chiến, cam tâm tự hiến mình giữ vai trò công cụ cho Đế Quốc Đỏ, mượn chiến tranh ý thức hệ quốc tế vô sản giết hại hàng triệu sinh linh vô tội, đặt cả nuớc dưới ách độc tài đảng trị tàn bạo chưa từng thấy trong quốc sử.
3.- Cuối thập niên 1940, một số nhân sĩ chính trị, tôn giáo, văn hóa, quân sự, qui tụ chung quanh Cựu Hoàng Bảo Đại, đã mở ra một phong trào, rồi một mặt trận dân chủ, võ trang tranh đấu chống lại cường quyền cộng sản. Ba chính quyền dân chủ đã ra đời và cầm quyền trên nửa nước, từ vĩ tuyến thứ 17 trở xuống phía Nam đến Mũi Cà Mâu, với qui mô quốc gia được nhìn nhận trên trường quốc tế. Nhưng năm 1975 trong cuộc tái phối trí của các thế lực quốc tế để thiết lập một trật tự thế giới mới, tập đoàn cai trị Cộng Sản từ miền Bắc xua quân cuỡng chiếm miền Nam, phá đổ hết những nền tảng vừa xây đắp của một kiến trúc dân chủ đang thành hình. Và 5 năm sau, năm 1980, họ đã để lộ hẳn bộ mặt thật, chuyên chính vô sản, kẻ thù không đội trời chung của dân chủ, bọn người đào huyệt chuyên nghiệp mai táng dân chủ.
4.- Quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ, trong tình huống mới của thời sự, đã nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác vi phạm nhân quyền có hệ thống của tập đoàn cai trị phi pháp, phi nhân quyền Hà Nội, cho nó giữ vai trò một chính quyền, thực tế quản lý cuộc sống chung toàn cầu hóa ở trong vùng. Tự do, Dân chủ, không còn được coi là những giá trị cơ bản của nhân loại văn minh tiến bộ, như dưới thời chiến tranh lạnh nữa. Riêng chính quyền Hoa Kỳ, từ năm 2004, đã không còn che dấu đường lối dung dưỡng, trong khuôn khổ chính sách đối ngoại dài hạn, bộ máy cầm quyền cộng sản Việt Nam, phạm pháp, phi nhân quyền, phản dân chủ.
5.- Cả hai bộ phận ở trong nước và ở ngoài nước của khối người Việt cho đến nay đông gần 90 triệu rõ ràng là đã và đang là nạn nhân của những thế lực cầm quyền cả quốc tế lẫn bản địa. Hàng triệu người đã hy sinh tính mạng, hàng trăm vạn người đã chịu cảnh tù đầy với ước vọng mang trong thâm tâm là muốn thấy đất nước có độc lập và tự do dân chủ thật sự. Nhưng thật là bi thảm, tất cả những hy sinh to lớn này chỉ dẫn tới sự áp bức ngày càng nghẹt thở và mối đe dọa từ phương Bắc ngày một nghiêm trong, đe doạ sự tồn vong của dân tộc. Trong nước, đủ mọi thành phần xã hội đã công khai, ôn hòa tỏ bày sự bất tín nhiệm tập đoàn đương quyền và đưa ra yêu sách nhân quyền, dân quyền phải được tôn trọng. Sự đáp ứng của Nhà nước cộng sản là leo thang đàn áp bằng công an, tòa án, nhà tù, hết đợt này đến đợt khác. Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay người dân phải sống dưới chế độ công an trị, công an quyền là pháp quyền, một hình thức “luật rừng kiểu mới”. Ờ ngoài nước, Đảng cộng sản cầm quyền nhờ chỗ dựa ngoại giao Hoa Kỳ, đã công khai mở rộng địa bàn cai tri từ trong nước ra môi trường sinh hoạt của người Việt tị nan ở hải ngoại, diễn lại cảnh tượng xâm nhập ào ạt từ Bắc vào Nam. Môi trường chống cộng ở hải ngoại của những thập niên 1980, 1990 đang phô bày những chỉ dấu của một tình trạng biến chất. Thật vậy sự pha trộn chất nhân xã (sociologique) với sự gia tăng mau lẹ về số lượng của lớp người từ trong nước – những yếu tố dị chất (hétérogènes) – ra sinh sống ở hải ngoại đã khiến cho môi trường chống cộng này mất đi sự thuần chất (homogénéité) ban đầu. Người ta tự hỏi không biết tới một lúc nào đó, cái khung chống cộng còn đủ sức chứa đựng một nội dung nhân xã ngày càng ít tính chất cống cộng nữa hay không ?
Cả năm sự kiện kể trên được coi như có tính lịch sử bởi vì đã trực tiếp ảnh hưởng tới số phận của dân tộc Việt Nam. Đứng riêng biệt, sự kiện nào cũng đã có những tác động nhất định ảnh hưởng tới cuộc sống chung của cả nước. Tổng hợp lại những tác động riêng của năm sự kiện ấy, người ta sẽ thấy thấp thoáng một sự thật đã hiện hình nhưng chưa định hình về mặt kịch sử vì điều này phụ thuộc vào sự tác động mạnh hay yếu của mỗi sự kiện đứng riêng. Có thể lấy tiền lệ trong quá khứ để dự đoán cho tương lai. Năm 1954, gần một triệu người đã rời bỏ miền Bắc di cư vào miền Nam. Vì có sự vượt trội của tác động dân chủ, một cơ cấu dân chủ sơ lập đã ra đời ở miền Nam. Nam 1975 giao lưu đủ mặt, chính trị, kinh tế, văn hoá v.v…giữa hai miền Bắc Nam truớc đây chia đôi và ngăn cách nay hợp nhất và thông lưu, dưới ảnh hưởng độc tôn của độc tài đảng tri. Một trung tâm quyền lực bất hợp pháp, phản dân chủ, nắm trọn quyền sinh quyền sát trong tay, đã đẻ ra một quái thai xã hội phi nhân quyền, với qui mô cả nước. Sau biến cố miền Nam năm 1975 -bị cưỡng chiếm hàng triệu người, khởi đầu rất đồng chất- dứt khoát không chấp nhận cộng sản – ra sinh sống lập nghiệp ở hai ngoai. Do đó, chúng ta như đã có một miền Nam tái sinh ở hải ngoại.
Năm 2010, khối ngườiViệt ở hải ngoại, với số lượng hàng triệu, không còn nguyên chất như trước vì đã trải qua một quá trình trộn lẫn các thành tố nhân xã dị chất, tất không thể không biến dạng. Cái gì sẽ xảy ra cho đất nước ? Như 1954 dưới ảnh hưởng của tác động dân chủ ? Hay như 1975, theo chiều hướng của đường lối cộng sản độc tài đảng trị “xâm nhập để bành trướng” tóm lược trong Nghị Quyết 36?
Nếu dám và biết nhìn thẳng vào tình thế rất đáng lo ngại của đất nước hiện nay -căn cứ vào thực tế chứ không phải vào những mơ ước viển vông hay vào những lập luận sai lầm và vô trách nhiệm- thì sẽ nắm bắt được một sự thật lịch sử về Dân Chủ ở Việt Nam biểu hiện qua 4 thành tố dưới đây:
1- Dân chủ đã được nhân dân chính thức lựa chọn rồi nhưng đã bị độc tài đảng trị phản bội và tiêu diệt.
2- Đối đầu với độc tài đảng trị, phe quốc gia không đủ bản lĩnh loại trừ độc tài nên độc tài đảng trị đã ngang nhiên giương lên ngọn cờ dân chủ gỉa mạo, sang đoạt chủ quyền quốc gia.
3- Trong khi Trung Quốc công khai can thiệp vào nội trị Việt Nam để bành trường thế lực bá quyền vùng và tranh giành ảnh thì hưởng siêu cường quốc tế, thông qua tay sai bản địa là bộ máy cầm quyền cộng sản Việt Nam, Còn Hoa Kỳ ngoài mặt cổ võ tự cho do dân chủ nhưng bên trong tích cực làm chỗ dựa cho độc tài đảng trị với một dụng đích không xác định.
4- Kết luận người Việt Nam phải rút ra là chấm dứt độc tài đảng trị để xây dựng dân chủ tại Việt Nam là trách nhiệm của chính những người dân chủ Việt Nam. Trông đợi vào sự tự nguyện hoàn lương của độc tài đảng trị là một ảo vọng. Trông chờ cứu tinh ngoại quốc để dẹp độc tài mở đường cho dân chủ là cầu may một cách không có cơ sở để tới đích nếu không nói là đã tự dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy cạm bẫy. Người Việt Nam phải tự cứu và muốn cứu được nước Việt Nam ra khỏi cơn hiểm nghèo bị nô lệ hóa hay không chừng bị diệt vong trước dã tâm đồng hóa dài hạn của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, không thể có phương cách nào khác ngoài dân chủ đích thực.
II. Nền dân chủ nào cho Việt Nam trong tương lai?
1.- Dân chủ là gi?
Việc tìm ra định nghĩa cho từ ngữ dân chủ đã sản sinh ra nhiều công trình xây dựng lý thưyết. Mặc dầu vậy, dân chủ vẫn còn la một trong những từ ngữ khó định nghĩa một cách đầy đủ. Vì người ta khám phá ra rằng đã có không ít những định nghĩa không có khả năng định nghĩa. Hay nói cho chính xác hơn, định nghĩa để rồi cho phép hiểu theo nhiều cách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Theo Giovanni Sartori, giáo sư chính trị học, Viện trưởng Viện Chính trị học tại Đại học Florence đồng thời cũng từng giảng dạy tại Đại học Harvard, phải dựa vào kinh nghiệm lịch sử để tìm hiểu dân chủ là gì. Và ông phân biệt hai loại định nghĩa về dân chủ. Một loại đưa ra những ngữ nghĩa nhằm miêu tả dân chủ. Đó là loại định nghĩa miêu tả (définitions descriptives). Loại thứ hai là định nghĩa qui chuẩn (définition normative) để chỉ vẽ cách phải thực hiện ra sao dân chủ.
Ta lấy một thí dụ về dân chủ do một nhân vật chính tri hàng đầu người Mỹ đề ra. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln ngày 19-11-1863 khi đến thăm mặt trận tại Gettysburg đã tuyên bố rằng dân chủ là “Chính phủ của Dân, do Dân, vì Dân”. Định nghĩa này người dân Mỹ hiểu dễ dàng và giống nhau. Đó là chính phủ do dân lập ra, bẳng bầu cử tự do và để phục vụ dân. Nhưng khi được nhập cảng vào Việt Nam, định nghĩa này cho phép hiểu cách khác, trái ngược hẳn với ý kiến của Abraham Lincoln.
Nơi điều 2 và điều 3 của Hiến pháp cộng sản năm 1992, được sửa đổi và bổ sung năm 2001, của CHXHCNVN,người ta đọc thấy (trích dẫn):
Điều 2: Nhà nước CHXHCNVN là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…” .
Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”. Lối nói lòng vòng của hai điều khoản này không phải để miêu tả “dân chủ là gì” mà là để đưa ra những qui chuẩn (normes) phải tôn trọng để được kể là “dân chủ” trên từ ngữ, nhưng trong nội dung thì lại để biểu đạt một chế độ độc tài đảng trị. Do đó người ta không thể chỉ hoàn toàn trông cậy vào những “định nghĩa” để coi xem một chế độ có đích thực dân chủ hay không. Muốn vậy, phải tìm những từ ngữ thích hợp để đề ra những tiêu chuẩn chính trị và pháp lý cơ bản của dân chủ, mà nếu vắng thiếu không thể gọi là dân chủ được.
Trong chiều hướng đó, muốn được kể là dân chủ -trường hợp mô hình “dân chủ tự do” (démocratie libérale) phương Tây- phải hội đủ ba tiêu chuẩn. Trước hết, mô hình đó phải thể hiện “nguyên tắc dân chủ”, nghĩa là nguồn gốc của mọi quyền lực (pouvoir), nền tảng của mọi quyền uy (autorité) đều xuất phát từ toàn thể quốc dân. Có được vậy thì quyền lực mà Nhà nước hành sử mới có tính chính thống (légitimité), những biện pháp cưỡng hành (contraintes) mới được phép áp dụng vì dân đã tự nguyện thuận nhận. Mặt khác, chính phủ là một cơ cấu đại nghị, nghĩa là thay mặt cho quốc dân không có trách nhiệm trực tiếp cầm quyền. Trách nhiệm là của những người “đại diện được bầu” của dân, nhân danh dân mà lấy những quyết định quản trị đời sống chung của xã hội. Nhưng suốt cả thế kỷ trước, quyền phổ thông đầu phiếu được mở rộng từng bước và cho đến thập niên 1970 thì đã gần như thành một quyền phổ quát, tạo điều kiện cho dân chúng có nhiều cơ hội và hình thức trực tiếp tham dự việc quản trị xã hội. Sau cùng, với sự ra đời của các chính đảng, diện mạo mới của các chế độ dân chủ đích thực là những cuộc tranh cử tự do, bình đẳng và đa nguyên, được tổ chức theo thủ tục luật định và dưới sự bảo vệ của pháp luật. Diện mạo mới này đang mang trong nó những biến chuyển tự tân và một loại dân chủ tân tạo đang trong vòng thai nghén.
2.- Một mô hình dân chủ tân tạo cho Việt Nam trong tương lai
Nhân dân Việt Nam đã chính thức lựa chọn chính thể dân chủ từ năm 1945. Nhưng cách thức thiết lập chế độ dân chủ thì đã thay đổi tùy thời thế. Năm 1946, dân chủ là một cuộc sống chung bị ép buộc với độc tài. Năm 1956 đất nước chia đôi, dân chủ đã được dành riêng một lãnh thổ bất khả xâm phạm dưới sự giám sát của quốc tế, cách biệt với lãnh thổ của độc tài. Năm 2010, dân chủ chưa hiện hữu thực sự ở ngoài xã hội mà chỉ mới manh nha trong tư duy. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là mô hình dân chủ tân tạo cho Việt Nam là một sản phẩm siêu thực của trí tưởng tượng, không cần biết gì đến thực tế. Mà nó phải được thai nghén trong một số khung đồng tâm địa dư, pháp lý, chính trị, văn hóa, xã hội. Việt Nam vào thời điểm năm chót của thập niên đàu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, đã đổi khác từ hình thể đến nhân xã. Nước Việt Nam cổ truyền từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu nay đã trở thành một không gian mới chưa được quốc tế công pháp cũng như luật quốc gia khái niệm hóa cũnh như chưa được chính ngưiời Việt Nam ý thức cụ thể. Nhưg điều này sẽ đến cùng với thời gian. Tư duy phải giữ vai trò tiên phong phác thảo ra một hình thái xã hội Việt Nam mới, một môi trường có đất sống và quyền sống hòa bình cho mỗi người trong sự tự nguyện tuân thủ luật pháp.
Môi trường mới này chính là nền dân chủ tân tạo sẽ phải thiết lập để cuộc sống chung trong xã hội được điều hợp. Nó sẽ có hai đặc tính, “dân chủ hậu-toàn-trị” và “dân chủ tân tạo của thế kỷ 21”.
Hậu-toàn-trị có hai ý nghĩa. Nền dân chủ mới phải xóa sạch được các dấu vết của chế độ toàn trị đầy tội ác về nhân quyền và dân quyền. Hậu-toàn-trị để mở ra một kỷ nguyên mới đánh dấu bằng sự loại trừ được hệ thống cầm quyền toàn trị, từ hình thức toàn thịnh những năm 1980 đến hình thức tàn dư hiện nay. Hậu-toàn-trị còn để thay thế đấu tranh giai cấp chia rẽ dân tộc bằng hợp tác giai cấp, củng cố dân tộc.
Dân chủ tân tạo của thế kỷ 21. Người ta hay nói dân tộc Việt Nam có truyền thống dân chủ. Sự thật không hoàn toàn đúng vậy vì cho đến giữa thế kỷ XX, Việt Nam vẫn là một nước quân chủ. Tuy nhiên Việt Nam có một vài đặc điểm của những nước dân chủ (xã thôn tự trị, tinh thần dân vi quí) chứ không phải đã sinh hoạt như một chế độ dân chủ. Sau năm 1945, đảng cộng sản lên cầm quyền dưới danh nghĩa dân chủ nhưng lại để đi theo đường lối độc tài đảng trị. Còn ở miền Nam, dân chủ có được thiết lập trong khuôn khổ hai nền cộng hòa, nhưng vì chiến tranh, đã phải chịu một số hạn chế. Như vậy chỉ riêng miền Nam là có được chút ít kinh nghiệm về dân chủ kiểu phương Tây. Nói cách khác, di sản dân chủ của Việt Nam -dân chủ giả mạo ở miền Bắc và dân chủ hạn chế ở miền Nam- hãy còn rất thanh bạch. Muốn dùng di sản ấy mở đường cho nền dân chủ sẽ thiết lập cho một nước Việt Nam trong tương lai, không thể không bổ sung về cả hai mặt lý thuyết và cơ chế.
Về mặt lý thuyết, nền dân chủ ấy sẽ dựa trên nền tảng là mô hình dân chủ phương Tây mà hai cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ và ở Pháp đã sáng chế ra cuối thế kỷ thứ XVIII. Mô hình này nhằm thể hiện trong xã hội một số giá trị của một chủ nghĩa nhân bản dành cho sự tự do của con người chỗ đứng ở trung tâm chứ không ở ngoại vi cuộc sống. Và những giá trị ấy đã được dùng làm những nguyên tắc luân lý chi phối quan hệ giữa người với người và làm lý tưởng cho cuộc sống trong xã hội. Đó chính là thực chất của một thứ văn hóa kết tinh trong một Nhà nước pháp trị. Trong Nhà nước này, đi song song với tự do còn có sự tôn trọng nhân phẩm, nhân vị của con người như một thể sống đặc thù, được công nhận và bảo đảm. Ai cũng bình đẳng trước pháp luật và có quyền được khác biệt, tổng hợp thành một sự hòa hài chính-trị-kinh-tế-pháp-lý trong nhà nước kiểu mẫu của dân chủ tự do phương Tây.
Về mặt cơ chế mô hình dân chủ tự do được khai sinh từ cuối thế kỷ thứ XVIII, nay đã trở thành cổ điển, tự bản thân nó đang có những vận động tân tạo (réflexivité) để tu chỉnh cho hai hư cấu (fictions) mà nó đã dùng làm nền móng để triển khai trong lịch sử hơn hai thế kỷ của cái gọi là dân chủ. Hư cấu thứ nhất là sự đồng hoá tự nhiên và máy móc, thông qua những cuộc bầu cử dân chủ, “đa số” với “toàn thể”. Hư cấu thứ hai là “quyết định của đa số” đương nhiên là “quyết định của toàn thể”. Sự thực chẳng có gì chứng minh được rằng đa số là toàn thể và quyết định của đa số là quyết định của toàn thể. Người ta đã giao ước với nhau như vậy mà thôi rồi cứ theo sự giao ước không chứng minh ấy mà thực hiện dân chủ.
Ngày nay, nhờ có được những phát minh của khoa học trong hiện tượng được gọi tên là bùng nổ thông tin, người ta đã tìm thấy cách thực hiện được cái “toàn thể” mà không cần phải dùng đến hư cấu. Người ta không coi cái “toàn thể” do “đa số” tạo nên mỗi khi có bầu cử là có thật. Mà người ta phân tích “đa số” ấy thành ra nhiều “thiểu số” rồi giúp cho những ‘thiểu số” ấy có điều kiện để biểu lộ nguyện vọng, quyền lợi đặc thù của mình rồi phối hợp lại với nhau thành cái mà trước đây cho là toàn thể. Tức là tổng số những thiểu số sẽ họp thành cái “toàn thể”. Và dân chủ tân tạo trong tương lai sẽ là loại dân chủ kiểu mới, “dân chủ của thiểu số” và là dạng thức trung thành của đa nguyên. Rõ ràng là tính dân chủ của cơ chế mới này đã tăng trưởng một cách đáng kể và đã đánh dấu một bước phát triển mới của dân chủ vào thời điểm thế kỷ 21.
Người ta có thể khẳng định ngay từ bây giờ rằng nếu nền dân chủ tân tạo còn đang được thai nghén này được thiết lập thì nó đích thực sẽ là một nền dân chủ hậu-toàn-trị. Nó sẽ không cho toàn trị còn đất sống khi mà toàn trị không còn trò chơi hư cấu ngụy tạo ra những thứ “toàn thể” ảo, tới mức 98%, 99% v.v…để tiếp diễn tội ác lường gạt và sang đoạt chủ quyền quốc gia, nhân quyền của mỗi người dân, năm này qua năm khác.
Nhưng muốn tới được chân trời tươi sáng ấy, trước hết phải thanh toán bộ máy cầm quyền độc tài đương quyền mà nọc độc đang hãm hại cả khối nhân dân gần 90 triệu người.
LS. Trần Thanh Hiệp

Không có nhận xét nào: