Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Trở lại “điệp khúc tạm cư” Quên hết những lời hứa với dân


Sau ba năm, khu tái định cư cho người dân bị giải toả bởi dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước chỉ là một tấm bảng trước một khu đất hoang tàn. Ảnh: Đoàn Quý
SGTT.VN – Chuyện không ít những hộ dân hoá nghèo sau khi giao đất cho các dự án thoạt nhìn vào ai cũng thấy xuất phát từ việc bội tín của chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua các vụ tạm cư kéo dài ba đến bảy năm mà Sài Gòn Tiếp Thị đã phản ánh trên các số báo trước, cho thấy còn trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan giám sát.

Trong căn nhà dột nát, bốc mùi hôi thối từ các đống rác lâu ngày chưa được đổ ở khu tạm cư, nhìn sang đối diện thấy cảnh mua bán tấp nập của trung tâm thương mại Bình Điền, bà Trịnh Thị Tuyết Hồng nói: “Nếu họ giữ đúng lời hứa thì biết đâu giờ này tôi đang là một trong những người đang cười hớn hở phía bên chợ kia, mà không phải chịu cảnh tạm cư, thất nghiệp, sống lay lắt qua ngày như bây giờ”.
Theo lời bà Hồng, cách nay tám năm – khi cuộc sống đang yên đang lành, tuy không giàu có nhưng cuộc sống gia đình chị tương đối ổn định với cửa hàng tạp hoá lúc nào cũng đông khách. Tuy nhiên, năm 2004, nhà cửa bị giải toả bởi dự án trung tâm thương mại Bình Điền giai đoạn 2. Khi đó, ngoài lời hứa của chủ đầu tư là năm sau sẽ có đất tái định cư, người dân còn được ban bồi thường giải phóng mặt bằng hứa chắc nịch là đời sống người dân sẽ tốt hơn. Đặc biệt, họ nói sẽ ưu tiên giải quyết việc làm trong chợ Bình Điền.Bị bỏ rơi
“Thời điểm đó, tin vào những lời hứa trên, gia đình tôi cũng như hàng chục hộ khác đã gạt bỏ tất cả những nỗi lo, vướng bận trong lòng mà bàn giao mặt bằng. Vậy mà, đến nay đã hơn tám năm, mặt bằng đâu chả thấy, chỉ thấy hàng chục con người thất nghiệp mà không hề có một ai được vào làm việc ở chợ Bình Điền như lời hứa. Phải chăng lấy đất cho chủ đầu tư xong thì chính quyền coi như xong việc, bỏ rơi dân ra sao thì ra?”, bà Hồng uất nghẹn.
Kịch bản trên cũng đang lặp lại tại dự án xây dựng cảng Sài Gòn – Hiệp Phước. Theo ông Nguyễn Văn Nhí, một hộ dân bị giải toả trắng để phục vụ dự án này, trước khi giao mặt bằng vào tháng 8.2009, cả chủ đầu tư cũng như đơn vị bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè khi họp dân đều hứa như đinh đóng cột: Ai giao nhà trước thời hạn sẽ được thưởng. Chỉ hai năm sau là có đất tái định cư. Rồi sẽ ưu tiên đào tạo nghề, ưu tiên bố trí việc làm trong cảng… Để rồi, đổi lại gần ba năm nay người dân phải tự bơi vì các lời hứa cuội không biết ngày được thực hiện.
Theo ông Nhí, đáng buồn nhất là chuyện người dân bị giải toả, sống đời tạm cư cơ cực hết năm này đến năm khác, nhưng chưa một lần được sự động viên của chính quyền cũng như chủ đầu tư. Tới đầu tháng 6.2012, mới thấy có một đoàn nghe đâu của UBMTTQ thành phố xuống khảo sát, hỏi thăm này nọ. “Qua lần tiếp xúc này không biết các bức xúc của chúng tôi có được giải quyết hay không? Hay họ chỉ ghi ghi, chép chép rồi để đó”, ông Nhí thắc mắc. Quay sang chúng tôi ông Nhí hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về việc đem con bỏ chợ này?”
Những cư dân tại xã Hiệp Phước bị giải toả giờ có cuộc sống mờ mịt tương lai.
Đúng là “đổi đời, đổi nghề”
Theo ông Nhí, nếu chủ đầu tư giữ đúng lời hứa thì cách đây một năm ông đã ở trong một căn nhà cấp 4 nhưng khang trang chứ không phải chịu cảnh sống tạm cư trong khuôn viên trường học Mương Lớn với hai hộ gia đình khác.
Ông Nhí tính toán, với hơn năm công đất, cộng với vật nuôi, hoa màu, kiến trúc (nhà cửa) ông được bồi thường 800 triệu đồng và được nhận một nền tái định cư 300m2. Với số tiền 800 triệu đồng trừ khoảng 400 triệu đồng tiền mua lại nền tái định cư ông dư ra hơn 400 triệu đồng. “Thời điểm cuối năm 2011, nếu giao đất tái định cư theo kế hoạch thì tôi vẫn còn đủ tiền xây được một căn nhà. Nhưng nay, sau ba năm tạm cư, mỗi năm “mòn” hơn 100 triệu đồng. Vậy tới đây nếu được giao đất thì phương án tốt nhất là bán nó đi chứ tiền đâu mà xây nhà”, ông Nhí nói.
Khác với những người làm cha làm mẹ, Trương Văn Trúc – một thanh niên 20 tuổi, con ông Trương Văn Qua, một hộ dân bị giải toả ở dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, mắt buồn rượi khi kể về những biến cố đối với bản thân sau khi nhà cửa, vườn tược bị giải toả trắng. Theo Trúc, năm 2009 vừa hết lớp 11 chuẩn bị vào lớp 12 với hoài vọng sau này sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng, nhưng Trúc đã từ bỏ giấc mơ đại học sau khi gia đình phải sống cảnh tạm cư, thiếu thốn mọi bề.
Cứ ngỡ sẽ được “hỗ trợ đào tạo nghề” như lời hứa ban đầu nhưng khi đi hỏi khắp nơi thì chẳng thấy trả lời. Vậy là gia đình phải gom góp, vay mượn để có 5 triệu đồng cho Trúc học nghề. Nhưng học xong cả năm mà vẫn không thể xin được việc. “Giấc mộng đổi nghề tan biến. Thương cha mẹ, xót tiền học phí, em làm đủ thứ nghề để mong giúp cha mẹ trả nợ nhưng đồng lương phụ hồ, vác mướn chỉ đủ nuôi miệng nên đành bất lực”, Trúc tâm sự.
Cũng hăm hở đi học nghề lái cẩu như Trúc với những mong được làm việc trong cảng, thoát khỏi cảnh làm thuê, vác mướn là Nguyễn Minh Thành (con trai ông Nhí) nhưng đến nay ước muốn duy nhất của Thành là “quay về làm lưới, chặt lá. Tuy không cao nhưng mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng, còn hơn là thất nghiệp và đợi chủ đầu tư thực hiện lời hứa”, Thành bức xúc.
Đào Lê – Đoàn Quý

Không có nhận xét nào: