Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Ngành chăn nuôi điêu đứng vì sức mua giảm



Chính phủ Việt Nam đang xem xét cấp bách hỗ trợ ngành chăn nuôi đang bên bờ vực phá sản. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và giải pháp đề ra là gì?
Source kinhtenongthon
Một trại nuôi heo mẫu ở TPHCM
Những diễn biến không thuận lợi của ngành chăn nuôi
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi lên tiếng báo động tình cảnh ngặt nghèo của giới chăn nuôi heo và gà vịt,  theo đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho bữa ăn của người dân. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên hôm 27/6, phó cục trưởng Nguyên Thanh Sơn nhận định:

“ Chúng tôi dự báo với diễn biến thị trường như hiện nay và tình hình dịch bệnh, nếu như không có cải thiện thị trường đầu ra đối với thịt lợn và không nhanh chóng dập dịch bệnh nhất là dịch tai xanh thì nguy cơ những tháng cuối năm, đặc biệt tháng áp Tết có khả năng thiếu nguồn cung đặc biệt đối với thịt lợn. Nhưng riêng gà thì chúng tôi dự kiến là không thiếu bởi vì gà thì vòng quay rất lớn, có thể chỉ trong một tháng, một tháng rưỡi thì có được một lứa.”
Trước giai đoạn suy giảm kinh tế, tổng đàn heo ở Việt Nam khoảng 28 triệu con, từng được đánh giá là lớn nhất Đông nam á, ngành này được cho là một trong những động lực góp phần vào thành tích xóa đói giảm nghèo của đất nước. Phó cục trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc hiện nay:
Một cửa hàng bán thịt heo ở Hà Nội
Một cửa hàng bán thịt heo ở Hà Nội. AFP
“ Thực ra thì khó khăn có mấy nguyên nhân chính, một là do cung vượt cầu sức mua giảm nên hiện nay thị trường đầu ra gặp khó khăn. Thứ hai cũng là do ảnh hưởng nói chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước làm cho sức mua của người dân bị kém. Thứ ba nữa là, hiện nay một số xí nghiệp, nhà máy, đặc biệt là các khu công nghiệp giảm lao động giảm sản xuất cho nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ở các bếp ăn cũng giảm cho nên đầu ra tiêu thụ sản phẩm găp khó khăn. Nguyên nhân tiếp theo nữa là tình hình dịch bệnh đặc biệt dịch tai xanh cũng ảnh hưởng việc tiêu thụ và có hiện tượng bà con một số nơi sợ ảnh hưởng rủi ro dịch bệnh nên đã bán tháo đàn gia súc, gia cầm và ảnh hưởng đầu ra.”
Tổng đàn heo hiện hơn 27 triệu con và tổng đàn gia cầm khoảng 310 triệu con. Theo lời Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Sơn, ước tính ban đầu căn cứ vào lượng giống bán ra so với đầu năm cũng như cuối năm ngoái thì giảm độ 20%-25%. Điều này có nghĩa tỷ lệ tái đàn cũng đã giảm như vậy. Với giá đầu ra như hiện nay thì quả thực người chăn nuôi heo và gà công nghiệp đang không có lời, không ai sốt sắng tái đàn trong lúc này. Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh:
“Giá thức ăn chăn nuôi và giá sản phẩm thịt heo thịt gà công nghiệp như hiện nay thì quả thực người chăn nuôi không có lời. Thí dụ giá thành thịt heo nuôi ở trại hiện nay khoảng 45 ngàn tới 47 ngàn/kg tùy theo qui mô chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi bắt giống heo thịt từ trang trại về thì giá thành lên đến 50 ngàn đồng/kg thì không có lời. Giai đoạn trước đây vào tầm tháng 7 tháng 9 năm ngoái thì giá heo hơi lên 70-75 ngàn
Trại nuôi gà công nghiệp
Trại nuôi gà công nghiệp. AFP
đồng/kg, giá thức ăn lúc ấy chưa cao người chăn nuôi có lời chứ thời điểm hiện nay thì không có lời.
Về gia cầm thì có hai dòng sản phẩm, đối với gà công nghiệp thì quả thật đang bán dưới giá thành. Nhưng gà ta (gà nội) thì giá vẫn còn được nhưng nguồn cung không lớn và giá vẫn có lời. Riêng đối với trứng, giá hiện nay có nhích lên từ 1.400đ-1.500đ/quả  thì bắt đầu có lời chút đỉnh còn cách đây một tháng chỉ 900đ-1.000đ thì lỗ.”
Cần chính sách hỗ trợ cho giới chăn nuôi
Trong khi tình hình ngành chăn nuôi diễn biến không thuận lợi như vậy, nhưng các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn không thể chia sẻ, giảm giá với lý do phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu. Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi  trụ sở ở Hà Nội còn trấn an rằng, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng nhưng giá bán thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam vẫn đứng nguyên từ tháng 7 năm ngoái cho tới nay. Ông Lê Bá Lịch trình bày ý kiến cá nhân:
Dịch lở mồm long móng năm 2011 đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi. (ảnh vtvdanang)
Dịch lở mồm long móng năm 2011 đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi. (ảnh vtvdanang)
“Giá thịt giảm người nông dân không lãi nhiều như trước thôi, ở miền Bắc vẫn đang 48-50 nghìn một kg lợn hơi và ở miền Nam thì 42-44 nghìn/kg. Giá thức ăn thức ăn cho lợn thịt là 9.500đ/kg…cứ 2,6 kg thức ăn thì ra một kg thịt, như vậy riêng về phần thức ăn cho 1kg lợn thịt  chỉ 24.000đ trong khi 1 kg lợn hơi bán 42 nghìn/kg tới 48 nghìn.”
Nhận định của ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi có thể không được nhiều người chăn nuôi tán thành, vì chăn nuôi ngoài phần thức ăn còn con giống, dịch vụ thú y, công lao động, lãi vay ngân hàng rất cao và nhiều thứ linh tinh khác đầy rủi ro.
Trong câu chuyện với chúng tôi TS Văn Đăng Kỳ, chuyên gia dịch tễ  Cục Thú y Việt Nam nhìn nhận dịch bệnh góp phần gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhưng ông xác định vắc xin tai xanh có hiệu lực tốt và kho dự trữ dồi dào, hiện nay có 8 tỉnh đang có dịch tai xanh người chăn nuôi được tiêm chủng cho đàn heo miễn phí, heo bệnh tiêu hủy được chính quyền hỗ trợ 70% theo giá thị trường.
“Công tác phòng chống dịch heo tai xanh từ đầu năm đến nay tương đối tốt, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy khoảng hơn 20.000 con  so với năm 2008 tổng số phải tiêu hủy là 300.000 con và năm 2010 tiêu hủy tới gần 500.000 con. Như vậy đến nay dịch tai xanh không đến nỗi nặng nề.”
Nếu như dịch bệnh có thể kiểm soát tốt trong thời gian tới, thì vấn đề lớn nhất để cứu vãn tình hình chăn nuôi là tìm ra giải pháp để hỗ trợ giới chăn nuôi. Cục phó Cục chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho biết:
“ Trước tiên chúng tôi đề nghị chính phủ có những gói cứu trợ cho ngành chăn nuôi, gói tín dụng dự kiến
Hàng trăm ngàn gà vịt đã bị thiêu huỷ trang dịch cúm gia cầm năm 2010-2011. File photo
Hàng trăm ngàn gà vịt đã bị thiêu huỷ trang dịch cúm gia cầm năm 2010-2011. File photo
6.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các trang trại, doanh nghiệp lớn để có nguồn vốn tái đàn, thứ hai để giảm nợ trả cho ngân hàng. Giải pháp thứ hai chúng tôi đang kiến nghị, nếu thị trường đầu ra khó khăn như hiện nay, thì có giải pháp trợ các doanh nghiệp chế biến giết mổ trữ đông thịt lợn, đề phòng những tháng cuối năm có thể thiếu thịt do nguồn cung. Thứ ba nữa chúng tôi đề nghị thắt chặt kiểm soát nguồn nhập khẩu lậu sản phẩm động vật qua đường tiểu ngạch, vì chính hoạt động này cũng ảnh hưởng thị trường trong nước, chưa nói rằng ảnh hưởng dịch bệnh.”
Về dài hạn ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị chính phủ phải có một chính sách đặc biệt cho ngành chăn nuôi, theo đó hỗ trợ chăn nuôi trang trại phát triển bền vững hơn, vì thực tế lâu nay các trang trại chủ yếu họ tự “bơi” thôi, vốn thì không được ưu đãi, hỗ trợ cơ sở hạ tầng rất hạn chế, xử lý môi trường, đầu ra hầu như người chăn nuôi phải tự lo liệu.  Còn đối với chăn nuôi nông hộ thì trong điều kiện hiện nay vẫn chiếm một tỷ lệ lớn và chắc sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Ông Sơn nhấn mạnh rằng, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để đổi mới chăn nuôi nông hộ sang hướng phát triển an toàn bền vững hơn gắn với thị trường tránh những rủi ro.
Trong điều kiện xấu nhất, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thịt heo vào dịp cuối năm, nhưng Cục phó Cục chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn nói rằng việc này phải tính toán cẩn thận vì nếu cho nhập khẩu thịt ồ ạt thì nó sẽ ảnh hưởng sản xuất trong nước.

Không có nhận xét nào: