Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Internet: Một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền CSVN



Đỗ Hoàng Điềm

  • Kính gởi quí cơ quan truyền thông,
Vào 3 ngày 22-24 tháng 6 vừa qua, Hội Nghị Truyền Thông Quốc Tế lần 3 đã diễn ra tại Hán Thành, Nam Hàn, qua chủ đề “Tin Tức Nối Mạng: Các phương tiện truyền thông mới đang ảnh hưởng thế nào đến Á Châu và Thái Bình Dương”. Hội Nghị qui tụ khoảng 300 người đến từ 30 quốc gia khác nhau, bao gồm ký giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ và nhà hoạt động nhân quyền dân chủ.


Kính gởi đến quí vị ban tin về Hội Nghị và bài tham luận của ông Đỗ Hoàng Điềm tại Hội Nghị, và kính mong được quí vị tiếp tay phổ biến.

Trân trọng

Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Việt Ngữ
Ngày 23 tháng 6, 2012
------------------
Internet: Một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền CSVN

Chào quý vị,

Tôi nghĩ rằng, cho đến nay có lẽ tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng Internet đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của con người một cách sâu sắc.

Trong trường hợp của Việt Nam, một mặt Internet đã thực sự tạo ra một cơ hội rất lớn lao cho người dân Việt Nam, mặt khác cũng tạo ra một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền CSVN.

Internet là một cơ hội vì hai lý do. Đối với phong trào dân chủ, với 30 triệu người, tức một phần ba dân số Việt Nam ngày nay, sử dụng internet; các nhà dân báo, qua các trang blog đã tạo ra một khối truyền thông tự do ngoài luồng. Qua internet, ngày nay người dân có thể thuật lại những gì xảy ra xung quanh họ, từ một hành động tàn bạo của công an cho đến hành vi tham nhũng của một quan chức.

Các trang mạng truyền thông xã hội như Facebook đã tạo ra một xã hội dân sự ngoài luồng, nơi mà quyền tự do lập hội và tự do hội họp được phát triển. Vì vậy, có thể nói rằng Internet đã thực sự giúp mở rộng không gian chính trị ở Việt Nam. Internet tạo ra một nền tảng để tự do tư tưởng và hoạt động dân sự có thể diễn ra, và điều này đã tạo nên sức mạnh cho người dân Việt Nam. Kế đến, với vai trò quan trọng trong phát triển mậu dịch, thương mại và đầu tư, internet cũng là một cơ hội cho thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy một xã hội tri thức mà Việt Nam thực sự cần phải có để bắt kịp với thế giới, thì chúng ta phải giữ cho Internet được tự do và không bị giới hạn. Nhà cầm quyền đã nhận ra được sự nguy hiểm tiềm tàng của Internet đối với họ, và đó là lý do tại sao họ đẩy mạnh nỗ lực để kiểm soát và kiểm duyệt Internet thông qua bốn cách chính:

Đầu tiên là ngăn chặn bằng tường lửa đối với các trang mạng không được nhà nước ưa thích. Nhưng họ không nhận ra rằng, họ càng cố gắng đặt tường lửa thì lại càng có nhiều người cố gắng để phá vỡ nó, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói hành động vượt kiểm duyệt (bằng cách vượt tường lửa) là hành động bất tuân dân sự của thế kỷ 21.

Cách thứ hai được nhà cầm quyền sử dụng là dùng tin tặc tấn công các trang mạng đối lập và cài mã độc để theo dõi người dùng.

Cách thứ ba là quấy nhiễu và bắt giữ các bloggers. Nhưng càng có nhiều bloggers bị quấy nhiễu và bắt giữ, thì càng có nhiều bloggers can đảm lên tiếng hơn. Điều buồn cười là, sau những chiến dịch đàn áp nghiệt ngã các bloggers của nhà cầm quyền, có rất nhiều bloggers tại Việt Nam ngày nay được quốc tế công nhận là những nhà bất đồng chính kiến. Cách cuối cùng được nhà cầm quyền dùng để kiểm duyệt Internet là qua pháp luật, hoặc như chúng ta gọi đó là sự cai trị theo quy định của luật pháp tại Việt Nam. Nhà cầm quyền dùng các điều luật mơ hồ và tùy tiện trong bộ Luật hình sự như là cái cớ để bỏ tù dân chúng. Thí dụ như điều 88 bộ luật hình sự, quy định hành vi gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”, thường được sử dụng từ năm 2007 đến nay để bỏ tù nhiều người. Một thí dụ khác là điều 258 “lợi dụng dân chủ” cũng hay được dùng đến để xét xử và bỏ tù người dân.

Để vượt qua những trở ngại này, tổ chức của chúng tôi - Việt Tân – đã tập trung hoạt động vào 5 lãnh vực chính sau đây:

Việc đầu tiên là cố gắng nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về những gì đang xảy ra bên trong Việt Nam, bao gồm cả vấn đề kiểm duyệt Internet và những vi phạm nhân quyền. Quý vị có tin là nhiều nơi trên thế giới hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng giúp đỡ và cho mọi người biết những gì đang thực sự xảy ra bên trong Việt Nam, bên dưới bộ mặt phát triển kinh tế ở đó.

Lãnh vực quan trọng thứ hai mà chúng tôi tập trung vào là vận động cho tự do Internet thông qua việc vận động áp lực quốc tế. Chúng tôi cũng cố gắng làm sao cho người dân Việt Nam có thể đấu tranh cho chính những quyền của họ.

Lãnh vực thứ ba chúng tôi tập trung vào là hỗ trợ cho các nhà dân báo bị nhà cầm quyền quấy nhiễu hay giam giữ. Chúng tôi cũng cố gắng vận động để quốc tế công nhận họ. Sự công nhận đó là một phương cách để bảo vệ cho họ.

Lãnh vực hoạt động thứ tư của chúng tôi là giúp mọi người vượt tường lửa và hướng dẫn người sử dụng internet tự bảo vệ khi truy cập mạng. Chúng tôi thành lập một trang web gọi là No Firewall để phổ biến các công cụ và phương thức giúp người dùng internet vượt tường lửa. Chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để tổ chức những buổi huấn luyện về an toàn trên mạng cho các nhà dân báo, các nhà hoạt động nhân quyền và cho những người sử dụng Internet ở Việt Nam.

Lãnh vực hoạt động cuối cùng của chúng tôi là tổ chức những chiến dịch trên mạng. Chúng tôi hỗ trợ và giúp đỡ người dân tổ chức những cuộc biểu tình trên mạng cũng như trong xã hội. Chúng tôi lập ra những nhóm để nói về những đề tài “nhạy cảm” có thể bị nhà cầm quyền cấm. Chúng tôi cũng cố gắng thiết lập những kiến nghị thư trên mạng về những vấn đề chính trị và xã hội mà nhà nước cấm kỵ.

Vì vậy, để kết luận, tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tranh đấu để bảo vệ quyền tự do Internet. Đây là điều vô cùng quan trọng trong trường hợp Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy sức mạnh của Internet và những gì nó có thể làm ở Bắc Phi, ở Trung Đông, và hy vọng rằng dân chủ sẽ đến những phần đất của Á Châu như Việt Nam.

Internet chắc chắn sẽ đóng một vai trò nòng cốt trong tiến trình đấu tranh cho dân chủ. Do đó, nó thực sự quan trọng để chúng ta tranh đấu và bảo vệ tự do Internet ở Việt Nam.

(Bài tham luận của ông Đỗ Hoàng Điềm tại Hội Nghị Truyền Thông Quốc Tế lần 3 tại Hán Thành ngày 22-24/6/2012).

Không có nhận xét nào: