Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Cần phân tích để thấy biểu tình là phù hợp với quá trình dân chủ hoá


NTT blog: Bài phỏng vấn đại biểu QH Dương Trung Quốc tại kỳ họp Quốc hội trước của nhà báo Phi Khanh và Phan Thanh Hương. Bài phỏng vấn này đã không được tòa soạn sử dụng.
Bên lề kì họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII
   Ngay tại sảnh hội trường họp Quốc hội chúng tôi gặp được đại biểu Dương Trung Quốc (Long An) để trao đổi về một vấn đề rất mới đang xảy ra trong cuộc sống. Đó là vấn đề biểu tình trong xã hội hiện nay…
Phi Khanh: Thưa ông, trong lịch sử người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã có cơ chế nào để nghe lời can gián khi phạm sai lầm?
Phan Hương: Ông cho biết thêm khi góp ý như vậy thì người góp ý có gặp “nguy hiểm” gì không?

Đại biểu Dương Trung Quốc:
Thời phong kiến các “minh quân” luôn có cơ chế để lời can gián của các đại thần đến với mình. Ở châu Âu thì trong triều luôn có một anh “hề”, đó là người duy nhất được phép nói thật, tất nhiên, bằng ngôn ngữ hài hước. Ở châu Á thì triều đình có cử chức quan “gián nghị đại phu”, có nhiệm vụ can gián khi thấy vua sai lầm. Thậm chí có những “gián nghị đại phu” được ban một cây roi để “tiên đả hôn quân, hậu đả gian thần”. Can vua thì lúc nào, thời nào cũng “nguy hiểm”, có khi bị chém đầu tại chỗ. Tuy nhiên, chế độ can vua này tồn tại rất dài trong lịch sử, nó cũng có nhiều tác dụng tích cực.
Phi Khanh: Ngoài cách can gián như trên, còn có cách can gián nào nữa không, thưa ông?
Phan Hương: Theo ông những hoạt động quần chúng đông người như biểu tình trên đường phố có phải là cách can gián không?
Đại biểu Dương Trung Quốc:
Ngoài cách can gián nói trên còn nhiều cách khác, như góp ý trong các hội nghị, tham gia trong các tổ chức dân nguyện, thậm chí là biểu tình trên đường phố.
Phi Khanh: Gần đây ở xã hội ta có hiện tượng biểu tình tự phát. Cần phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào, phải xử lí ra sao cho phù hợp?
Phan Hương: Ông có thể không trả lời câu hỏi này, nếu thầy đây là câu hỏi “nhạy cảm”.
Đại biểu Dương Trung Quốc:
Biểu tình là hiện tượng mà hiện nay chúng ta chưa định danh được. Cách đây hơn một thập kỷ chúng ta đã chứng kiến việc nông dân ở Thái Bình biểu tình, con mắt ban đầu chúng ta cũng nhìn ra như một hình thức bạo loạn. Nhưng tôi nhớ hồi đó các nhà lãnh đạo rất sáng suốt tiếp cận với thực tiễn, đến tận với dân, đi vào tận cả những nơi tưởng như hiểm nguy nhất và nhận ra rằng có cả 2 mặt để rồi chúng ta trừng trị những kẻ quá khích, những kẻ xúi giục, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy rằng tác động của nó tham gia đóng góp vào làm cho công bằng của xã hội thì chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương. Vì thế những hiện tượng gần đây xảy ra tôi thấy thực chất Nhà nước lúng túng, cả ở lập pháp, lẫn hành pháp. Chỉ cần theo dõi những hiện tượng được phản ảnh trên phương tiện báo chí, rất lúng túng không biết nó là cái gì, hôm trước bảo là yêu nước, hôm sau chúng ta lại bảo là phản loạn, rồi tất cả chúng ta đặt hết do kẻ bên ngoài, do việc xâm nhập tổ chức quỷ quái nào đó.
Tôi nghĩ đó là do chúng ta chưa tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phát huy hết vai trò tổ chức chính trị xã hội, chưa biết tổ chức đội ngũ, nên dẫn đến nhiều hệ lụy. Hiện nay  Chính phủ đã từng bước chủ động đặt vấn đề, có lộ trình để có Luật biểu tình. Chúng ta phải nhìn nhận biểu tình là  hiện tượng mới và sẽ còn phát triển trong cuộc sống hiện nay. Nếu ta không chủ động nhìn nhận trước, phân tích và đưa ra những hệ thống pháp lý thích hợp cùng với tổ chức toàn bộ đời sống xã hội thì chúng ta sẽ càng lúng túng và lúc đó những kẻ xấu sẽ lợi dụng. Vì thế tôi rất mong Quốc hội quan tâm hơn, một cách rất thận trọng, một cách rất khoa học và nhìn nhận một cách thực tiễn để chúng ta chủ động đón nhận những cái mới đang tới, phù hợp với bản chất chế độ của chúng ta, quá trình dân chủ hóa của chúng ta.
Phi Khanh: Xin cảm ơn ông!
Phan Hương: Xin cảm ơn ông đã không né tránh vấn đề “nhạy cảm” này, trao đổi rất thẳng thắn!
                                                        Phan Hương – Phi Khanh (thực hiện)

Không có nhận xét nào: