Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Ai phải chịu trách nhiệm nếu Trung Quốc mời thầu thành công 9 lô dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam?



Đào Tiến Thi


Ngày 5-6-1862, Phan Thanh Giản đại diện cho triều đình ký điều ước Nhâm Tuất cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Mặc dù là đại diện cho triều đình, nhưng sau đó Phan Thanh Giản đã bị vua Tự Đức quở trách và Tự Đức giao cho Phan Thanh Giản phải đi chuộc lại 3 tỉnh, coi đó là hành động lập công chuộc tội. Phan Thanh Giản dẫn đầu phái bộ Việt Nam sang Pháp nhưng kết cục việc chuộc đất không thành. Năm 1867, Pháp đánh tiếp 3 tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản thấy sức mình chống không nổi đã giao nốt 3 tỉnh miền Tây cho giặc và sau đó uống thuốc độc tự tử.


Phan Thanh Giản đã tự nhận trách nhiệm để mất Nam Kỳ.

Ngày 20-11-1873, quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương không giữ được thành đã rút gươm tự vẫn. Nguyễn Tri Phương đã tự nhận trách nhiệm để mất Hà Nội.

Ngày 25-4-1882, quân Pháp tấn công Hà Nội lần thứ hai, Tổng đốc Hoàng Diệu không giữ được thành đã thắt cổ tự tử. Di biểu viết trước khi chết có câu: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ đất Bắc lúc sinh thời”. Hoàng Diệu đã tự nhận trách nhiệm để mất Hà Nội.

Trên đây chỉ là một vài tấm gương trong hàng loạt tấm gương tuẫn tiết trong công cuộc chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Tất nhiên việc đó ngày nay chúng ta đều hiểu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu,… là bộ phận tiến bộ của triều đình Tự Đức. Trách nhiệm mất nước thuộc về triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là Tự Đức. Các nhân vật nói trên thực sự họ cũng đã làm tất cả những gì có thể để cứu nước và khi thất bại họ đã tự nhận lấy trách nhiệm bằng việc quyên sinh.

Giở lại lịch sử gần đây, để mất Hoàng Sa năm 1974, mất Gạc Ma năm 1988 chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Trong các tháng 6, 7, 8 năm 2011 diễn ra một số cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng bị chính quyền ra sức ngăn cản. Cách ôn hòa nhất là họ vận động không đi biểu tình. Họ bảo rằng việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước “đã có Đảng và Nhà nước lo”. Và cuối cùng chính quyền ra hẳn lệnh cấm biểu tình và đàn áp khốc liệt những ai còn cố đi.

Theo chúng tôi các cuộc biểu tình lớn nhỏ ấy ngoài việc làm thức tỉnh tinh thần dân tộc, thì trước hết, nó đã làm chùn tay những kẻ hiếu chiến cầm quyền ở Bắc Kinh, Nhưng chẳng bao lâu sau, khi chính phủ ta đã dẹp xong các cuộc biểu tình thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại tiếp tục gây hấn. Ngoài các hành động quen thuộc như bắt tàu ngư dân, cho tàu của họ vào đánh cá trong vùng biển của ta, thì họ còn tiến hành một loạt hoạt động mới như nâng cấp hành chính và tiến hành khai thác Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, sự kiện mới đây nhất, ngày 23-6-2012, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cho Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quuyền kinh tế, thậm chí cả thềm lục địa của Việt Nam (tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2).

Theo ông Trần Công Trực, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ thì:
“Việc CNOOC thông báo mời thầu là một hành động tiếp theo trong chuỗi chiến lược của Trung Quốc đối với tham vọng “đường lưỡi bò” nhằm biến 80% diện tích biển Đông thành ao nhà của họ. Có thể khẳng định đây là bước đi mới hết sức thâm hiểm của Trung Quốc.

Việc làm này của Trung Quốc không đơn giản là hành động “răn đe” khi Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển Việt Nam mà là một sự tính toán, mưu đồ sâu xa, có kế hoạch từ trước. Vì thế, Việt Nam phải chuẩn bị một kế hoạch đối phó kịp thời và hiệu quả. Ngoài việc có những phản ứng ngoại giao có tính nguyên tắc thì Việt Nam phải có hành động cụ thể”. (Báo Người Lao động 29-6-2012)

Nếu theo tường thuật của Tuổi trẻ online ngày 28-6-2012 thì ông Trần Công Trực còn nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng hơn thế: “Đây là một bước đi cực kỳ nguy hiểm, đáng quan tâm, không thể chỉ cho đây là “đòn gió” mà thực chất là bước đi cụ thể, nguy hiểm của Trung Quốc”. (Ông Trực một lần dùng chữ “nguy hiểm”, một lần dùng chữ “cực kỳ nguy hiểm”)

Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam ngày 26-6 cũng nêu rõ: “Việc làm của CNOOC đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” (Báo Lao động 29-6-2012).

Theo tôi, đây là hành động leo thang trắng trợn nhất kể từ khi họ đệ trình đường lưỡi bò lên Liên hợp quốc (7-5-2009). Nếu như năm ngoái với hành động 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta chỉ là hành động “thử gân”, khiêu khích, thì hành động năm nay là hành động thực thi, nếu có điều kiện.

Giáo sư C.Thayer, Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a có cảnh báo rằng “bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải “suy nghĩ thật kỹ” trước khi quyết định. (Nhân dân điện tử 29-6-2-2011). Mức độ rủi ro rất cao và phải “suy nghĩ thật kỹ” nghĩa là khả năng này khó xẩy ra nhưng không phải là không thể xẩy ra. Theo một nguồn tin khác thì khả năng này hoàn toàn có thể xẩy ra. Website CRI online 28-6 viết:
“Ngày 24, trang web “Nhật báo nhà tư vấn Phi-li-pin” đưa tin, Công ty Dầu mỏ Philex Phi-li-pin đang chuẩn bị cùng Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc khai thác dầu mỏ ở bãi Lễ Lạc trên Nam Hải.

Ông Vin-xơn Ni-a-bông, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng, phòng hợp tác đối ngoại của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Ma-lai-xi-a cho phóng viên biết, công ty “không nhấn mạnh tranh chấp chính trị, chủ yếu xem xét lợi ích kinh tế, thông thường triển khai hợp tác khai thác trên danh nghĩa nhà thầu, thông qua khai thác, phân chia lợi nhuận, mang lại lợi ích kinh tế cho Ma-lai-xi-a”.

Giám đốc chuyên trách tài vụ của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan cho biết, lần này Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương thông báo mở thầu 9 lô dầu khí trên Nam Hải, để hợp tác thăm dò, khai thác với công ty nước ngoài, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan có hứng thú, sẽ thảo luận tính khả thi về khai thác dầu mỏ trên vùng biển Nam Hải.

http://vietnamese.cri.cn/421/2012/06/28/1s174758.htm

Sự đời nhiều khi như thế: các ông lớn không dám làm (vì phải giữ thế chiến lược lâu dài và phải giữ cả thể diện quốc gia) nhưng ông nhỏ lại dám! Vì nhỏ thì chỉ cần lợi nhỏ và không cần thể diện.

Vậy là, trong việc này, Trung Quốc thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào mức độ phản ứng của Việt Nam chứ không nên tin rằng không có anh nào dám vào.

Vậy ta phải làm gì? Theo ông Trần Công Trực thì “Ngoài việc có những phản ứng ngoại giao có tính nguyên tắc thì Việt Nam phải có hành động cụ thể”.

“Hành động cụ thể” là hành động gì? Lời “cực lực phản đối” của ông Lê Thanh Nghị là cần thiết nhưng không phải là hành động cụ thể. Như hàng trăm vụ “cực lực” khác, Trung Quốc đều bỏ ngoài tai. Nếu có tập đoàn nào đó trúng thầu và khai thác thì liệu Việt Nam có dám đem quân đội ra đánh đuổi họ không? Chắc là không, vì “đánh chó phải ngó chủ”! Trong khi đó có một cách thật dễ và thật hiệu quả là toàn dân xuống đường biểu thị khí thế quật cường của dân tộc, cho thấy nhân dân ta sẵn sàng đương đầu ngay cả khi Trung Quốc phát động chiến tranh, thì nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn phải run sợ. Vì họ quá biết trong lịch sử, một khi dân tộc Việt Nam đã đoàn kết lại và quyết tâm chiến đấu thì những đội quân xâm lược hùng mạnh của họ đều tan tác, tan tác đến kinh hồn bạt vía có khi phải “chừa” hàng trăm năm mới lại dám tiến đánh. Và cũng chỉ khi toàn dân Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thì bạn bè quốc tế mới giúp đỡ, chứ không ai giúp đỡ kẻ ngồi không. Thế nhưng việc nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc bằng hành động trên đã bị nhà cầm quyền quyết tâm ngăn chặn và tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng sang hứa với Trung Quốc “không để tiếp diễn”. Những người từng đi biểu tình thì ít nhiều đều đã “nếm mùi yêu nước”: người bị bắt, người bị đánh, người bị tù, người mất việc, người mất chỗ ở, người bị cơ quan kiểm điểm. Và tất cả đều bị bôi nhọ danh dự như những kẻ phá quấy, tiếp tay cho phản động.

Và như vậy thì khả năng 9 lô dầu khí trên tổng diện tích 160.129,38 km2 của Biển Đông của ta bị mất là điều có thể diễn ra. Sau đó, cái gì sẽ mất tiếp theo thì khỏi bàn. Thực ra chỉ cần được 1/9 lô dầu kia thì Trung Quốc cũng đã thắng. Thảm họa mất nước của ta trong tình hình hiện nay theo nhiều người tiên đoán là sẽ mất từng phần theo chiến lược “tàm thực” (tằm ăn) của Trung Quốc.

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Sự hưng vong của quốc gia có trách nhiệm của cả những người dân hèn mọn). Thế nhưng Đảng và Nhà nước nhất nhất chỉ cho riêng mình quyền “hữu trách”.

Trước khi đi Pháp đàm phán (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải hứa với đồng bào:
“Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”. (HCM toàn tập, tập 4).

Riêng với đồng bào Nam Bộ, mảnh đất đã từng bị triều Nguyễn bán cho Pháp, người đứng đầu chính phủ lúc ấy thấy cần phải hứa chắc chắn hơn:
“Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam Bộ sẽ ra thế nào. (…) Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. (HCM toàn tập, tập 4).

Hồi khoảng 1976, tôi nghe một vở kịch nói trên Đài TNVN, nói về những ngày tính mạng dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc” năm 1946. Tôi không nhớ là sau khi ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3 hay là Tạm ước 14-9, nhân vật Hồ Chí Minh của vở kịch đã có lời tuyên bố: “Tôi ký và tôi sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử”.

Vì vậy, bước vào cuộc kháng Pháp, chúng ta gần như chỉ có tay không nhưng lòng dân đầy tin tưởng, và đó là yếu tố quyết định của chiến thắng.

Việc trước mắt của đất nước tại thời điểm này: Nếu để mất 9 lô dầu khí (trên tổng diện tích 160.129,38 km2), thì ai phải chịu trách nhiệm? Liệu có nhà lãnh đạo nào đứng ra cam kết với nhân dân rằng cá nhân ông ta, với tư cách là người đứng đầu đất nước, sẽ đảm bảo hoàn toàn việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, trước mắt là 9 lô dầu khí trên Biển Đông?

Đào Tiến Thi

Không có nhận xét nào: