Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Để dân không sợ hãi


Nguyễn Quang Lập
Phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn  Sang trên báo Tuổi trẻ và trong buổi tiếp xúc với cử tri Quận 1 Tp HCM về công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta ngày 25 tháng 6 vừa rồi đã làm nức lòng dân chúng. Ông nói “ Chấp nhận đau đớn để chống tham nhũng”, “nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác”  vì  đó là “mệnh lệnh của nhân dân”.
Những gì Trương Chủ Tịch phát biểu bỗng khơi gợi lại không khí “ Nhìn thẳng vào sự thật”, Những việc cần làm ngay” những năm chín mươi thế kỉ trước. Cũng như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi “ Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng cách tự mình vượt qua và chống lại “ sự im lặng đáng sợ”, dân chúng rất phấn khởi khi nghe Trương Chủ Tịch  khẳng định mạnh mẽ: “Tại sao người khác nói mà mình không dám nói? Phải nói để sáng rõ và có một chân lý. Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Nếu tất cả chúng ta sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!”

Vâng, phải hành động thôi, công cuộc chống tham nhũng chỉ thành công khi và chỉ khi dân chúng bước qua sợ hãi để nói lên sự thật. Nhưng làm thế nào để dân không  sợ hãi? Đó là vấn đề căn bản, là chìa khóa của tiến trình dân chủ. Bác Hồ đã dạy: “Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng” Chính Trương Chủ Tịch cũng đã thừa nhận: “Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi để cho dân và đảng viên sợ”.
Mừng thay cuối cùng Đảng và Nhà nước đã nhận ra lỗi “để cho dân sợ”. Một khi nhận ra lỗi rồi thì tất nhiên Đảng và Nhà nước “ phải hành động thôi” để cho dân bước qua sự sợ hãi. Cách tốt nhất là để cho dân mở miệng tự do. Sẽ không còn chuyện mở miệng “lề trái hay lề phải”, bởi vì nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Trương Chủ Tịch cũng đã diễn đạt rất rõ ràng:“ Cuộc sống đang diễn ra như thế nào thì cần nói thế đó, không được quy kết thế này thế kia. Những gì dân còn muốn nói với người đại biểu của mình, muốn lãnh đạo biết, hay các phản ánh của báo chí thì suy cho cùng những ý kiến đó cũng nhằm mong muốn phản ánh sự thật, phản ánh những điều nóng bỏng của cuộc sống, mong muốn sớm được giải quyết, chứ không có ý làm cho vấn đề nóng lên hay làm phức tạp thêm.”
Hoan hô Trương Chủ Tịch! Hy vọng từ nay những gì làm cho dân sợ “ đấu tranh không biết tránh đâu” sẽ bị loại bỏ. Mọi sự mở miệng của dân đều được tôn trọng và lắng nghe. Lãnh đạo nước nhà từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều như Trương Chủ Tịch “ Muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật”. Bà Lê Hiền Đức sẽ không bị quấy nhiễu và bôi nhọ, để rồi sẽ có  hàng nghìn hàng vạn tấm gương chống tiêu cực như bà Lê Hiền Đức. Các bloggers trọng công lý yêu sự thật sẽ không bị khinh bỉ, bị ghẻ lạnh, không còn bị đám côn đồ khoác áo thương binh hành hung, quậy phá như blogger Nguyễn Xuân Diện; để rồi sẽ có hàng vạn blogs phản biện của dân tha hồ lên tiếng mà không bị đám hackers đen chặn phá và đánh sập, không bị chính quyền đưa vào cái gọi là “sổ đen”. Các nhà báo chống tiêu cực sẽ không còn bị dọa nạt, bị thóa mạ và đánh đập, không còn bị những đòn trả thù đểu cáng và đê tiện, không phải vào tù vì  “lỗi nghiệp vụ” như Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương…
Khi đó hà cớ gì công cuộc chống tham nhũng lại không thành công, có phải thế không thưa Trương Chủ Tịch?

Không có nhận xét nào: