Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Truyền thông TQ xạo tin về Biển Đông?




Bản đồ của PetroVietnam cho thấy chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu
Nhân dân Nhật báo phao tin có hãng dầu nước ngoài quan tâm tới chín lô ngoài khơi sát bờ biển Việt Nam nhưng đưa ra dẫn chứng về một vùng hoàn toàn khác trên Biển Đông. 
Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc hôm 28/6 trích tin Nhân dân Nhật báo và nói:
"Sau khi Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc công bố mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí trên Nam Hải vào ngày 26/6, những doanh nghiệp hữu quan của quốc gia Đông Nam Á bày tỏ hứng thú về việc này.
"9 lô dầu khí ở độ sâu từ 300-4000 mét, tổng diện tích là [hơn] 160 nghìn...ki-lô-mét vuông."
Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng nhắc tới phản đối của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị và nói người tương nhiệm phía Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố việc Trung Quốc mời thầu là "hành động doanh nghiệp bình thường, phù hợp với pháp luật Trung Quốc và thông lệ quốc tế hữu quan".
Bản tin được trích lại của Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn tờ Philippine Daily Enquirer hôm 24/6 như để chứng minh cho việc có công ty nước ngoài quan tâm tới chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu.
Tuy nhiên bản tin của Philippine Daily Enquire nói về chuyện Công ty Dầu Philex của Philippine muốn hợp tác với Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để khai thác khí đốt ở bãi mà họ gọi là Recto (Trung Quốc gọi là Lễ Lạc và Việt Nam gọi là Cỏ Rong).
Bãi Cỏ Rong nằm gần Philippine và cách rất xa chín lô dầu khí Trung Quốc mời thầu hôm 23/6.
Nhân dân Nhật báo cũng nói Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan "có hứng thú" và "sẽ thảo luận tính khả thi về khai thác dầu mỏ trên vùng biển Nam Hải", tức Biển Đông.
Tuy nhiên BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Thông điệp trung ương
Việt Nam nói rằng chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu cách đảo Phú Quý 37 hải lý và cách Nha Trang 57 hải lý.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói: "Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.
"Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị."
Báo Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia nói rằng bước đi của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) là để xem họ có thể vươn xa tới đâu ở Biển Đông hơn là những toan tính thương mại thuần túy.
Laban Yu, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu dầu khí của ngân hàng đầu tư Jefferies Hong Kong Ltd, nói:
"Chẳng có chuyện bất cứ công ty nước ngoài nào sẽ tới đó.
"Đây chỉ là cách chính quyền Trung ương dùng CNOOC để gửi thông điệp."

Không có nhận xét nào: