Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Mỹ rất ‘quan ngại’ về TQ ở Biển Đông



Các diễn giả trong diễn đàn về an ninh tại WEF
Chủ đề Biển Đông thu hút sự chú ý đặc biệt tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm nay
Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông một lần nữa thu hút sự chú ý đặc biệt ở một diễn đàn khu vực và một quan chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trao đổi với BBC hôm thứ Năm ngày 31/5 bên lề một phiên họp trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á đang diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Susan M. Collins nói Washington đang ngày càng quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, một diễn đàn thường niên tập trung về các vấn đề phát triển, năm nay dành riêng một phiên để thảo luận về vấn đề an ninh ở Đông Á.Bà Collins gọi những động thái gần đây của Trung Quốc là ‘phiêu lưu liều lĩnh’.

Dưới chủ đề ‘Từ G2 đến G3, thế địa chính trị đang vận động ở Đông Á’, phiên thảo luận này bàn về việc Asean sẽ phối hợp như thế nào với Trung Quốc và Hoa Kỳ để định hình an ninh của khu vực Đông Á.
Mặc dù định hướng ban đầu của phiên họp này hoàn toàn không có tranh chấp Biển Đông, nhưng trên thực tế vấn đề này đã hoàn toàn chi phối cuộc thảo luận của các diễn giả.
Bên cạnh Thượng nghị sỹ Cộng hòa Collins đến từ tiểu bang Maine, các diễn giả khác tham gia phiên thảo luận bao gồm Tổng thư ký Asean Surin Pitsuwan, kinh tế trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Rajiv Biswas của IHS Global, một công ty chuyên phân tích các vấn đề kinh tế, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han, giáo sư chính trị của Đại học Yonsei của Hàn Quốc Moon Chung-In và giáo sư Quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh Zha Daojiong.

‘Ngày càng khiêu khích’

Trước câu hỏi có phải Washington đang thay đổi lập trường từ không đứng về bên nào sang ủng hộ các nước có tranh chấp với Trung Quốc với việc các quan chức cấp cao Hoa Kỳ gần đây phê phán đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, Thượng nghị sỹ Collins nói rằng ‘hành động của Trung Quốc ngày càng khiêu khích’.
"Đòi hỏi chủ quyền của họ (Trung Quốc), vốn không được xác định rõ ràng ở nhiều chỗ, làm cho việc giải quyết vấn đề trở nên rất khó khăn."
Thượng nghị sỹ Mỹ Susan M. Collins
“Đòi hỏi chủ quyền của họ (Trung Quốc), vốn không được xác định rõ ràng ở nhiều chỗ, làm cho việc giải quyết vấn đề trở nên rất khó khăn,” bà nói.
Khi được hỏi Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông leo thang thành xung đột quân sự, bà nói rằng nước bà đã ‘đối phó với sự phát triển của hải quân Trung Quốc’ bằng cách ‘thiết lập các căn cứ để có thể tiếp cận hải quân ở khu vực Thái Bình Dương’.
Tuy nhiên bà cho biết Hoa Kỳ ‘không mong muốn bất cứ sự xung đột nào với Trung Quốc’.
“Chúng tôi hy vọng rằng các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hợp tác với sự giúp đỡ của Asean,” bà nói.
Trao đổi với các diễn giả khác trong phiên thảo luận, Thượng nghị sỹ Collins cũng đổ lỗi cho Trung Quốc ‘đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực’.
Bà cũng nhấn mạnh sự tương phản giữa các tranh chấp chủ quyền giữa các nước Asean với tranh chấp giữa các nước Asean với Trung Quốc.
“Họ (Trung Quốc) có sự khiêu khích không cần thiết với việc sử dụng các tàu bán quân sự để ức hiếp các tàu Philippines mà không tuân theo chuẩn mực hay luật pháp quốc tế gì cả,” bà nói.
Bà cũng tin rằng Mỹ có một vai trò quan trọng trong tranh chấp ở khu vực này thể hiện qua cam kết chuyển trọng tâm chiến lược của Tổng thống Barack Obama và sức mạnh hải quân mà Mỹ đang củng cố ở khu vực.
“Chúng tôi đang củng cố sự hiện diện hải quân trong khu vực để có thể đảm bảo tự do hàng hải ở một vùng biển hết sức quan trọng đối với chúng tôi,” bà nói.

Nguy cơ xung đột

"Chúng tôi phải chung sống với các nước láng giềng. Họ không thể dời đi nơi khác"
Zha Daojiong, giáo sư Quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh
Tuy nhiên, giáo sư Zha Daojiong đến từ Đại học Bắc Kinh phủ nhận có vấn đề tự do hàng hải trong tranh chấp ở Biển Đông.
“Theo luật pháp quốc tế, chủ quyền trên biển và quyền quốc tế sử dụng vùng biển đó không mâu thuẫn lẫn nhau, cũng giống như chủ quyền vùng trời vậy,” ông giải thích và nói thêm rằng Trung Quốc đã từng tuyên bố Biển Đông và cả eo biển Đài Loan là vùng biển mà tàu bè các nước có quyền tự do lưu thông.
Ông cũng bác bỏ các buộc rằng Trung Quốc ‘có hành động khiêu khích’.
“Chúng tôi không phải là Hoa Kỳ,” ông nói, “Chúng tôi không có khả năng gửi hải quân đến Guam hay Honolulu.”
“Chúng tôi phải chung sống với các nước láng giềng. Họ không thể dời đi nơi khác,” ông nói thêm.
Vị giáo sư này cũng cho biết điều mà Trung Quốc mong muốn mà nhiều nhà nghiên cứu đã tốn công sức để xác định là chỉ có một từ: ‘sự hài hòa’.
Các vị nguyên thủ tham dự WEF ở Bangkok
Thủ tướng Dũng nói tranh chấp chỉ nên được giải quyết giữa các bên có liên quan
Do đó, theo ông Trung Quốc cảm thấy rất khó hiểu khi có sự so sánh quốc gia này với nước Đức dưới thời của Hitler hay nước Nhật trong đệ nhị Thế chiến.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Biswas lại nhìn vào các chỉ số kinh tế để dự đoán về nguy cơ xung đột ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông cho biết trong vòng 10 năm nữa thì Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và kinh tế Ấn Độ cũng sẽ vượt Nhật Bản trong cùng thời gian
“Chúng ta sẽ có nhiều quốc gia châu Á cùng cạnh tranh tài nguyên và sẽ có những quan ngại về an ninh năng lượng,” ông nói.
Ông chỉ ra rằng chi tiêu quân sự của các nước châu Á-Thái Bình Dương trong 10 năm qua đã tăng đến 60% so với mức tăng chỉ 10% của các nước châu Âu trong cùng thời điểm.
Tuy nhiên mức độ tăng trưởng chi tiêu quân sự ở khu vực này vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế do đó các quốc gia trong khu vực có tiềm năng chi tiêu nhiều hơn nữa vào quốc phòng.
"Chúng ta sẽ có nhiều quốc gia châu Á cùng cạnh tranh tài nguyên và sẽ có những quan ngại về an ninh năng lượng,"
Rajiv Biswas, kinh tế trưởng của IHS Global
“Liệu điều này có khởi động một cuộc chạy đua vũ trang?” ông đặt vấn đề.
Biển Đông là điểm nóng trong cuộc chạy đua vũ trang này, ông cho biết, với trữ lượng dầu khí lớn được dự đoán từ khoảng 50 cho đến 200 tỷ thùng và điều này ‘tiềm tàng nguy cơ xung đột’.

Từ COC đến DOC

Đứng trên quan điểm của cả khối Asean, tổng thư ký Surin Pitsuwan cho biết khối này đã đồng ý cùng với Trung Quốc rằng cách tốt nhất để tiến về phía trước là ‘chứng tỏ thế giới thấy rằng chúng ta có thể giải quyết các bất đồng mà không cần dùng đến vũ lực’.
Mặc dù chỉ có bốn quốc gia thành viên trong khối có tranh chấp với Trung Quốc, ông Pitsuwan cho rằng các nước còn lại có lợi ích trong việc giải quyết ổn thỏa tranh chấp.
“Tất cả chúng tôi đều quan tâm đến ổn định và an ninh vì chúng tôi đều có xuất nhập khẩu và đều cần đầu tư,” ông giải thích và cho biết do đó mục đích của Asean là tạo ra một cơ chế, một diễn đàn cho các cuộc thảo luận giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên ông cho rằng về chung cuộc thì vấn đề chủ quyền phải được giải quyết giữa các bên có tranh chấp với nhau và Asean sẽ ‘không thỏa thuận gì nhân danh bất cứ nước nào cả.’
“Chúng tôi ủng hộ các bên giải quyết bất đồng một cách hòa bình,” ông nói.
Về tiến trình xây dựng bản Quy tắc ứng xử cho các tranh chấp trên Biển Đông (COC), ông cho biết mọi việc diễn ra với tốc độ tốt.
Đề cập đến bản Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC) mà phải mất 9 năm các nước mới thống nhất được các nguyên tắc hướng dẫn thực hiện ở Bali vào năm ngoái, ông nói ông hy vọng ‘sẽ không mất thêm 9 năm nữa’ đối với COC.
"Hãy cùng nhau khai thác tài nguyên, hãy cùng nhau khảo sát các vùng biển thay vì cãi nhau ai sở hữu khu vực nào nhất là vào lúc này."
Tổng thư ký Asean Surin Pitsuwan
Mục tiêu của Asean sẽ có COC mang tính ràng buộc vào năm 2012 nhân kỷ niệm 10 năm ra đời DOC.
Pitsuwan cũng ca ngợi sự can dự của Mỹ đã giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.
Ông dẫn chứng rằng sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích về tự do hàng hải ở Biển Đông thì chỉ một năm sau các nước đã chạy đua để cho ra đời nguyên tắc hướng dẫn thực thi DOC.
“Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ đang làm việc với Asean và thông qua Asean chúng tôi làm việc với Trung Quốc,” ông nói, “Nếu có sự quan tâm sốt sắng thì chúng ta sẽ vượt qua trở ngại”.

‘Cùng khai thác’

Tổng thư ký Asean cũng đề xuất một mô hình giải quyết tranh chấp chủ quyền theo kiểu ‘khu vực khai thác chung’ mà Thái Lan và Malaysia đang thực hiện.
Ông cho biết hai nước này đã giới hạn đến mức tối đa vùng biển mà hai bên không thể phân định chủ quyền được để cùng khai thác chung và mỗi bên được hưởng một nửa lợi ích.
“Về lâu dài thì hai nước vẫn chưa giải quyết được tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên việc cùng khai thác chung đã đem lại lợi ích cho họ,” ông nói.
“Hãy cùng nhau khai thác tài nguyên, hãy cùng nhau khảo sát các vùng biển thay vì cãi nhau ai sở hữu khu vực nào nhất là vào lúc này,” ông kêu gọi.
"Các bên liên quan (trong tranh chấp Biển Đông) phải giải quyết trực tiếp với nhau’ để tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế."
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
“Nếu chúng ta có thể làm như thế thì sự tin tưởng và thời cơ sẽ đến,” ông nói.
Trong phiên họp toàn thể buổi chiều cùng ngày của Diễn đàn kinh tế thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam cũng nhân cơ hội này tuyên bố lập trường của Việt Nam về Biển Đông.
Ông cho rằng ‘các bên liên quan phải giải quyết trực tiếp với nhau’ để tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là phải tuân thủ DOC và Công ước quốc tế về luật Biển Unclos.
Điều đáng lưu ý là chủ đề phiên họp mà ông Dũng là một diễn giả không có liên quan gì đến vấn đề an ninh hay tranh chấp trên Biển Đông.
Trong phiên họp này, ông Dũng cùng với Thủ tướng chủ nhà Yingluck Shinawatra, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong bàn về các cơ hội và thách thức trong việc định hình khu vực thông qua kết nối.
“Tự do hàng hải là điều kiện tiên quyết để thực hiện kết nối và hợp tác,” ông phát biểu.

Không có nhận xét nào: