By LOLITA C. BALDOR | Associated Press/ Bản dịch của Đào Văn Bình
CAMRANH, VIETNAM (AP) - Trên boong tàu cũng là bãi đáp của trực thăng của quân vận hạm USNS Richard E. Byrd Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta có thể nhìn bao quát Vịnh Cam Ranh cho tới Biển Đông.
Một ngày sau khi đưa ra những chi tiết mới của Ngũ Giác Đài là tập trung vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Ô. Panetta đã dùng chuyến viếng thăm Việt Nam để tái khẳng định ý muốn của Hoa Kỳ là giúp đồng minh trong vùng phát triển và thực thi chủ quyền của mình trên biển - một vùng mà Hoa Lục gom hết chủ quyền về mình. Và ông cũng hồi tưởng lại ý nghĩa của quân cảng này- vừa là hình ảnh đau đớn trong quá khứ của quân đội Hoa Kỳ vừa là thách đố mới nhưng cũng là một tương lai đầy hy vọng. Giữa đoàn phóng viên tụ tập dưới cái nóng cháy da trên boong tàu quân vận hạm ngày Chủ Nhật, Ô. Panetta nói, “Chiến lược quốc phòng mới mà chúng ta đã sắp xếp đâu vào đó bao gồm một số điểm then chốt sẽ được thử thách ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. “ Ông nói thêm, “Hoa Kỳ sẽ thảo luận với những những quốc gia hợp tác như Việt Nam để có thể xử dụng những quân cảng này khi tàu chiến Hoa Kỳ di chuyển từ những quân cảng nằm ở Bờ Biển Phía Tây (West Coast) tới những căn cứ như thế này ở Thái Bình Dương.”
Ô. Pantta không nêu đích danh Hoa Lục khi ông nói chuyện với thủy thủ đoàn trên boong tàu Byrd cũng như sau đó với những ký giả. Thế nhưng khi khu vực Biển Đông trở thành sân khấu chính, ông đã cho mọi người thấy Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng và mong muốn giúp các đồng minh tự vệ và thực thi chủ quyền của mình trên biển.
Thế nhưng chuyến viếng thăm của ông chắc chắn gây bực tức cho các lãnh tụ Hoa Lục, họ không hài lòng với bất cứ việc xây dựng căn cứ quân sự nào trong vùng của Hoa Kỳ và họ coi đó như là một đe dọa. Trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh quốc phòng tổ chức tại Singapore vào Thứ Bảy Ô. Panetta đã bác bỏ những lập luận như vậy. Nhưng các giới chức quân sự Hoa Kỳ rất thận trọng về việc Hoa Lục gia tăng xây dựng lực lượng quân sự và bành trướng giao dịch thương mại với các quốc gia trong vùng. Ô. Panetta nói, “Việc các chiến hạm Hoa Kỳ ra vào những căn cứ như thế này là một thành tố then chốt trong mối bang giao với Việt Nam và chúng ta thấy đây là một tiềm năng lớn cho tương lai.”
Đây là chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của Ô. Panetta và việc ông ghé quân cảng này, khiến ông trở thành giới chức quốc phòng cao cấp nhất của Hoa Kỳ trở lại Vịnh Cam Ranh kể từ khi Chiến Tranh Việt Nam kết thúc. Giờ đây các chiến hạm Hoa Kỳ không được ghé quân cảng này ngoại trừ các loại tàu khác như quân vận hạm Byrd. Byrd là tàu vận tải điều hành bởi Chỉ Huy Quân Vận Hải Quân (Navy’s Military Airlift Command) mà thủy thủ đoàn phần lớn là dân sự. Tàu này được dùng để chở hàng tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Còn các tàu chiến Hoa Kỳ thì ghé các cảng khác của Việt Nam như Đà Nẵng.
Ông Panetta chỉ gợi ý là Hoa Kỳ muốn nhiều tàu chiến có thể ghé Vịnh Cam Ranh trong tương lai nhưng ông và các giới chức quốc phòng khác không nói rõ chi tiết về những yêu cầu mà ông sẽ đặt ra với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trong Chiến Tranh Việt Nam, quân cảng nước sâu chiến lược này đã là căn cứ của Hoa Kỳ. Ngày Chủ Nhật hôm nay được xem như là một biểu tượng cho sự lớn mạnh hơn trong mối liên hệ về quân sự với Việt Nam - làm nổi bật mong muốn của Hoa Kỳ xây dựng sự hợp tác với các quốc gia trong vùng để đối phó với sự leo thang khống chế vùng biển này của Hoa Lục.
Còn đối với Ô. Panetta, người đã ở trong quân ngũ trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam nhưng không phục vụ chiến đấu- thì đây là cơ hội thật xúc động, “ Đối với tôi đây là giây phút cảm động,” ông đã nói thế khi ông nhắc lại việc ông đã tham dự Ngày Chiến Sĩ Trận Vong tại Washington để kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh. “Ngày hôm nay tôi đứng tại Vịnh Cam Ranh này để kỷ niệm 17 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.” Quan hệ giữa hai quốc gia đã tiến một bước dài, và ông phát biểu, “Chúng tôi có một mối liên hệ phức tạp nhưng chúng tôi không bị trói buộc bởi lịch sử.”
Chiến lược mới của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương bao gồm kế hoạch rộng rãi nhằm giúp các quốc gia trong vùng học phương thức tốt hơn để phòng vệ và để điều đó có thể thành hiện thực, trên boong tàu, Ô. Panetta nói thêm, “ Điều quan trọng là khả năng của chúng ta có thể bảo vệ những quyền lưu thông căn bản trên biển cho tất cả các quốc gia tại Biển Đông cũng như những nơi khác.”
Hoa Lục đã tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông khiến tạo ra những tranh cãi với các quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam, Taiwan, Malaysia, Singapore và những quốc gia khác đã từng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Ô. Panetta đã từ cuộc hội thảo về quốc phòng tổ chức tại Singapore là nơi ông đã gặp gỡ các giới chức lãnh đạo của đồng minh trong vùng để đáp máy bay tới Việt Nam. Tại hội nghị này ông đã đưa ra lời kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hình thành một bộ quy tắc ứng xử, bao gồm những luật lệ điều hành quyền lưu thông và đặc quyền trên biển đồng thời tổ chức những cuộc hội thảo để giải quyết những tranh chấp.
Cùng thời gian đó ông đã đưa ra chi tiết về những kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực , bao gồm sự gia tăng khiêm tốn số lượng tàu chiến và binh sĩ luân phiên tới- lui. Các giới chức quốc phòng nói rằng tới năm 2020, Hải Quân Hoa Kỳ có thể gửi thêm tám tàu chiến tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương và nói chung, khoảng 60% lực lượng hải quân sẽ được phối trí tại đây.
Căng thẳng giữa Mỹ và Hoa Lục vang dội cả khu vực và thường tập trung vào việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho đảo quốc Đài Loan, nơi mà Hoa Lục coi như lãnh thổ của mình. Một khu vực gây căng thẳng nữa (giữa Mỹ và Hoa Lục) là chuyện Hoa Lục tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông nơi mà Taiwan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei và Phillippines cũng tuyên bố chủ quyền của mình.
Thêm vào đó, mới đây Hoa Kỳ đã lên tiếng cáo buộc những cuộc tấn công mạng xuất phát từ Hoa Lục và lấy cắp những dữ kiện quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ cũng như của những công ty tư nhân. /.
Bản dịch của Đào Văn Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét