Pages

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ GDĐT đã đi học và là giáo viên chưa?


Mấy hôm nay bận rộn đi về các địa phương hướng dẫn về đèn LED, pin mặt trời, bảo quản hoa quả, và phòng dịch cho gia súc, gia cầm của dân… nhưng ở đâu tôi cũng phải trả lời những câu hỏi của mọi người về gian lận thi cử ở Bắc Giang trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi.
Nếu xem lại lịch sử của nhiều, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam, ai cũng thấy rằng chuyện gian lận trong thi cử luôn xảy ra đã từ rất lâu rồi, chỉ có điều “bề trên” xử lý thế nào mà thôi! Ngay cả đối với Nguyễn Trãi, Chu Văn An cũng đều “khó xử lí” việc này.

Kể từ ngày cắp sách đến trường, chỉ khi học Đại học tôi mới phát hiện ra đây là hiện tượng phổ biến và rất nguy hại cho những ai trung thực trong học tập. Cuối thế kỉ trước, trong một buổi họp mặt các bạn đồng môn khoa Vật lí-ĐHSP Hà Nội 2, một anh lớn hơn tôi khoảng mười tuổi, đã từng là giáo viên cấp 1 đi học đại học, cười hề hề vỗ vai tôi rồi nói: “tớ chép bài của cậu, chép cả câu sai cậu cố lừa tớ, nhưng tớ vẫn được điểm cao hơn”. Anh Phan Đình Văn (cựu hiệu trưởng trường cấp ba Điện Biên) khoái trá nói thật: “Tôi xui thằng Khải viết sai để các ông cóp cả câu sai vào bài đấy”. Tất nhiên sau khi để họ cóp xong, tôi phải xóa câu đã viết sai trong bài làm của mình đi. Dĩ nhiên người cóp bài của tôi luôn có thành tích học tập cao và ở lại giảng dạy ở trường đại học.
Đầu năm 1968, khi trông học sinh lớp chín của một trường ở Hà Bắc làm bài kiểm tra Vật lí một tiết, tôi đã bắt quả tang một học sinh giở giấy dấu trong cạp quần để chép bài và một học sinh thường quay lại phía sau để hỏi bài. Tôi nhắc ba lần vẫn không chịu thôi. Chẳng cần phải làm biên bản, tôi tịch thu bài làm của họ và cho ra ngoài hành lang. Dĩ nhiên, điểm bài kiểm tra ấy sẽ là điểm không. Họp hội đồng giáo viên của trường, chẳng ai chê trách tôi cả. Cứ nói toạc ra theo quy chế giảng dạy dù bằng trên giấy hay miệng thì việc làm ấy của tôi là đúng. Hai người phạm lỗi thì tâm phục, khẩu phục và những người khác đều ủng hộ tôi.
Đầu tháng 6 năm 1969 (lúc này những người cùng tuổi với ông Phạm Vũ Luận mới 14 tuổi, chắc đang học lớp 6 hoặc 7) tôi và thầy Huy là giáo viên của trường Đông Thụy Anh, Thái Bình đi trông thi ở một trường khác. Trước giờ bóc đề thi, người ta đã bắn tiếng cho chúng tôi rằng: Nếu chúng tôi “làm chặt” thì người ta cũng sẽ như thế ở trường chúng tôi. Ngay trong ngày đầu, là giám thị trong phòng, tôi đã bắt được hai thí sinh đem phao vào và đang xem để chép. Tất nhiên, họ đã bị lập biên bản và đình chỉ thi – tức là bài thi bị hủy. Hôm sau tôi bị chuyển ra làm giám thị ngoài hành lang. Tôi đã nhặt được phao ném từ xa vào nhưng không bắt được ai nhặt phao. Sau buổi thi cuối cùng, tôi và thầy Huy vội bỏ cơm, phóng thẳng xe về trường mình trong đêm. Trong ba lô của tôi có thêm mấy viên gạch, một gói cát và ở chỗ đèo hàng có cắm một cái cọc tre lớn dài gần 1 mét để phòng thân.
Khoảng ba mươi năm sau, một nữ học sinh cũ của tôi, sau khi đi trông thi đại học và cao đẳng đã gọi điện cho tôi, báo rằng đã được công an đưa lên tận bến xe ở thị xã vì không muốn người địa phương hành hung các giáo viên coi thi nghiêm. Nếu ai có thời gian xem lại các bài báo và các đoạn phim của các đài truyền hình về sự nghiêm túc trong thi cử từ năm 2005 trở về trước, thì sẽ biết rằng sự gian lận trong thi cử đã phát triển và tái phát như thế nào từ năm 1969 đến nay. Bệnh dối trá trong xã hội đã không chừa một khoảng không gian nào cả vì những người đi dạy trẻ làm người lại làm trẻ biến thành “người hư”. Họ không đáng là thầy cô dù rằng đã, đang lên lớp hoặc quản lí ngành giáo dục.
Việc chống tiêu cực ở đâu cũng đều khó khăn và tính mạng của người chống tiêu cực đều bị đe dọa. Nếu học sinh ở Bắc Giang, đợi hết giờ thi mới lên báo với Chủ tịch Hội đồng coi thi về việc tất cả giám thị, thí sinh trong phòng thi đều tham gia gian lận thi thì chứng cứ ở đâu? Tính mạng của người tố cáo có được an toàn không dù hành động này được coi là tích cực, phải được khen ngợi?
Trong quy chế giảng dạy cũng như quy chế thi cử của tất cả các nước trên thế giới đều không có ghi: Quay clip hiện tượng gian lận là vi phạm quy chế thi cử.
Mười hai năm học ở các trường phổ thông, nhà trường XHCN Việt Nam lúc nào cũng rao giảng học sinh trở thành người chân thực, tích cực chống tiêu cực. Đặc biệt nghị quyết trung ương bốn vừa rồi của đảng CS Việt Nam cũng rao giảng phê và tự phê, cũng như hơn bốn năm trời Bộ Chính trị phát động học tập, rao giảng làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì cũng là chống chủ nghĩa cá nhân. Cho nên, không thể gọi việc ghi nhận các hành động gian lận trong thi cử có tổ chức của hầu hết mọi người, trong hội đồng thi của một trường bằng video, clip là hiện tượng ‘lấy tiêu cực chống tiêu cực”.
Càng không thể nói rằng, việc đưa các hình ảnh này lên mạng là gây ảnh hưởng xấu cho học sinh vì các em còn nhỏ tuổi. Nếu không có các hình ảnh xấu ấy trên mạng, thì làm sao những người trung thực có thể phê phán những kẻ gian dối? Làm sao mà có thể phát hiện ra những kẻ có bằng thật nhưng không có kiến thức? Làm sao đánh giá được năng lực quản lí của các cán bộ ngành giáo dục cũng như vạch trần những lời cãi chày, cãi cối sống sượng của họ nếu không có những hình ảnh đó?
Gần đây trên báo chí có đưa tin về những bài báo khoa học của tiến sĩ Lê Đức Thông và cộng sự bị rút khỏi một số tạp chí khoa học quốc tế. Chắc mất rất nhiều công sức, ban biên tập các tạp chí này mới làm được việc này vì họ đã không ngăn chặn ngay từ đầu. Cho nên Bộ GDĐT phải chỉ thị cho Sở GDĐT Bắc Giang hủy các bài thi của các thí sinh phạm quy trong các phòng thi đã bị tố cáo là có gian lận, chứ không thể để chấm đợt một rồi chấm lại đợt hai. Những kẻ ăn cắp kiến thức của người khác đều có thể biến đổi một số câu hoặc chữ để các bài thi không trùng nhau, nên việc chấm lại lần hai có hai giám khảo rất dễ để lọt lưới những kẻ gian lận này.
Bộ GDĐT luôn kêu gào thực hiện “hai không”. Hàng triệu người trông thấy những học sinh gian lận bằng nhiều cách, với sự hỗ trợ của các giám thị, vậy Bộ GDĐT hãy thực hiện khẩu hiệu mình hô hào trước đi – cán bộ đi trước, làng nước theo sau mà! Đừng như trong kì họp Quốc hội khóa trước, Quốc hội đã thông qua không triển khai các dự án mới bằng trái phiếu chính phủ. Nhưng hôm nay 11-06-2012, tức là sau sáu tháng, Quốc hội lại chuẩn bị thông qua ba dự án về giao thông, một dự án về giáo dục, một dự án về y tế. Một đại biểu Quốc hội ở Quảng Bình phản đối việc này. Còn việc ông Luận chỉ thị cứ chấm thi bình thường, gọi việc quay clip là vi phạm quy chế thi cử và ảnh hưởng xấu đến trẻ em hẳn sẽ bị tất cả những ai đã từng giảng dạy, học tập đạo làm người sẽ kịch liệt phản đối. Chỉ có những ai không được học thật và dạy thật mới thấy những lời của ông Luận là đúng.

Không có nhận xét nào: