Pages

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Quân Syria tới sát biên giới 'là đe dọa'



Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Syria
Thổ Nhĩ Kỳ nói quân đội của họ đã thay đổi quy tắc lâm chiến sau vụ Syria bắn rơi máy bay F-4 lượn vào không phận Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan nói trước Quốc hội rằng nếu quân đội Syria tiến lại gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ coi đó là "mối đe dọa quân sự".

Phía Syria khẳng định chiếc F-4 Phantom bị bắn rơi bên trong không phận của họ.
Họp tại châu Âu theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ vào điều 4 của Hiến chương Nato, các nước thành viên liên minh quân sự này lên án hành động "tấn công" của Syria và bày tỏ tình đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiế́c máy bay sau đó đã lao xuống Địa Trung Hải và hai phi công Thổ vẫn bị coi là mất tích.

'Đe dọa nghiêm trọng'
Trước cuộc họp trưa 26/6 tại Brussel của Khối Nato sau vụ Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nói là "đe dọa nghiêm trọng" cho hòa bình trong khu vực.
Trong một lá thư gửi cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ nói vụ bắn máy bay là "hành động thù địch của chính quyền Syria đối với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ".
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố việc này sẽ không bị bỏ qua, tuy nhấn mạnh không tìm kiếm giải pháp quân sự.
Damascus cả quyết rằng chiến đấu cơ F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ bên trong không phận Syria.
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an, Ankara viết vụ bắn rơi chiếc F-4 nà là "đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh trong khu vực".
Phóng viên BBC tại LHQ, Barbara Plett, nói bức thư này không yêu cầu Hội đồng Bảo an có hành động gì.
Chiến đấu cơ F-4 Phantom
Syria nói máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận nước này
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được trông đợi sẽ đưa ra quyết định tiếp theo khi ông phát biểu trước Quốc hội vào thứ Ba 26/6.
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nato, đã yêu cầu có một cuộc họp giữa các đại sứ của các nước trong khối tại Brussels, theo Điều 4 Hiến chương Nato, trong đó quy định các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu tham vấn trong trường hợp cảm thấy an ninh bị đe dọa.
Đây mới là lần thứ hai trong lịch sử Nato một nước thành viên viện tới Điều 4.
Năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ đã xin Nato giúp đỡ nhằm bảo đảm an ninh trong thời gian trước khi cuộc chiến Iraq nổ ra.
Một quan chức Nato được hãng tin AP dẫn lời nói đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nato sẽ thông báo chi tiết vụ bắn rơi máy bay cho các đại sứ khác tại cuộc họp hôm thứ Ba.
Các vị đại sứ theo kế hoạch sẽ thảo luận về quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có lẽ không quyết định điều gì cụ thể.
Ủy hội của Nato bao gồm 28 đại sứ thành viên, hoạt động theo phương thức đồng thuận, có nghĩa là tất cả các nước phải cùng thông qua bất cứ hành động nào.

'Không khiêu chiến'

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc, phát biều sau cuộc họp khẩn của nội các nước này hôm thứ Hai, nói vụ bắn rơi chiến đấu cơ là "hành động thù địch mức độ cao nhất".
Ông nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bỏ qua việc làm của Syria nhưng không có ý định tham chiến.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc
Phó Thủ tướng Bulent Arinc nói Thổ Nhĩ Kỳ muốn giải quyết sự việc bằng pháp luật
"Chúng tôi cho rằng khiêu chiến hay khiêu khích đám đông không phải là việc cần làm. Những gì cần làm phải được thực hiện theo khuôn khổ pháp luật."
Căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao lên trong ngày thứ Hai 25/6, khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc nước láng giềng bắn vào một máy bay khác của họ.
Ông Arinc nói chiếc máy bay tìm kiếm cứu nạn CASA của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn khi đang tìm kiếm chiếc F-4 Phantom nhưng không rớt.
Ông cũng cho hay sau khi bị Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, phía Syria đã ngừng bắn.
Ankara nói rằng chiến đấu cơ F-4 bị lạc sang không phận Syria hôm thứ Sáu 22/6 nhưng nhanh chóng quay đầu lại sau khi nhận cảnh báo từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và khi bị bắn hạ đã nằm sâu trong không phận quốc tế chừng 1,6 km.
Syria nói không biết máy bay đó là của Thổ Nhĩ Kỳ, và chỉ bảo vệ không phận của mình khi bị kẻ lạ xâm phạm.
Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an, Thổ Nhĩ Kỳ nói bắt được sóng điện đàm cho thấy phía Syria hoàn toàn nhận thức được tình hình chuyến bay F-4 lúc xảy ra sự việc.
Quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng trước khi có vụ này.
Thủ tướng Erdogan là người mạnh mẽ lên án Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà ông nói đã thẳng tay đàn áp các thành phần đối lập.

Không có nhận xét nào: