Pages

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Tiền Nhà Nước, Tiền Nhà Nghèo


Bùi Văn Bồng
“Chưa xong Vinashin thì nay lại là Vinalines, mỗi doanh nghiệp này làm lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ của nhà nước, của người dân. Cử tri đang thấp thỏm xem liệu còn bao nhiêu “Vina” khác nữa. Vì các Tổng Cty, tập đoàn nhà nước nhìn chung yếu về năng lực trong khi nắm số vốn đến hơn 800.000 tỷ đồng, hơn cả thu ngân sách quốc gia một năm, mà hiệu quả hoạt động không tương xứng với mức đầu tư”. Đó là phát biểu của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị). Cũng theo ĐB Lê Như Tiến: “Phải chăng là do Nhà nước quá nuông chiều các “công tử” này, sẵn sàng cung ứng “bầu sữa” ngân sách mà chưa xem xét năng lực thực sự, khả năng hoạt động, nhà nước sẵn sàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để hỗ trợ, cứu khi họ sa chân khiến họ muốn bao cấp mãi”.

Nhìn đến con số hơn 800.000 tỉ đồng (chỉ riêng vốn đầu tư) cho các Tổng công ty, tập đoàn Nhà nước mà kém hiệu quả đến mức không thu được lãi cho ngân sách mà còn lỗ lớn, thật đau lòng. Đó là chưa kể đến những khoản lãi ròng hàng năm với hàng chục nghìn tỉ đồng không cánh bay vèo đi đâu, mà vẫn kêu lỗ (!?). Trong khi đó, người lao động và chính quyền ở các địa phương, cơ sở đang phải lao đao, lận đận vì thiếu tiền mặt, giá cả các mặt hàng thiết yếu cứ tăng vọt.
Tiền Nhà nước chui vào nhà ông Dương Chí Dũng
Ở khu phố 4 thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (T.p Cần Thơ) có khu dân cư 178, đường 3-2, bị ngập sâu vào mùa mưa lũ và triều cường. Nhưng hàng chục năm qua, người dân tha thiết đề nghị chính quyền địa phương nâng cấp các hẽm phố chống ngập. Địa phương dù rất muốn nâng cấp các hẽm phố để bảo đảm đủ tiêu chí đô thị “xanh, sạch, đẹp” và cũng thỏa nguyện cho lòng dân. Phường Hưng Lợi và quận Ninh Kiều đã có hàng chục công văn đề xuất, nhưng thành phố Cần Thơ vẫn chưa moi được ngân sách hỗ trợ chỉnh trang đô thị. Cơ cực chịu hết nổi, mới rồi bà con khu phố họp nhiều buổi, vận động nhau góp tiền nâng cấp hẽm phố. Chỉ riêng con hẽm số 178/44 dài 174m, đổ đá, tải bê tông cũng hết 70 triệu đồng. Nếu như trải nhựa phải tốn trên 200 triệu đồng. Khu phố phần nhiều là công nhân viên chức Nhà nước và dân lao động nghèo, vận động đóng tiền nâng cấp chống ngập hẽm phố không dễ. Nhưng rồi bà con cũng phải cắn răng chạy tiền để chống ngập. Nếu không, cứ kéo dài tình trạng về mùa lũ và triều cường ngập cả hơn nửa mét nước, ai mà chịu nổi. Hộ nào ít cũng phải đóng 1,3 triệu, hộ nhiều cũng đóng 2,5 triệu. Một số hộ dân lao động nghèo khó chạy ra tiền, chính quyền khu phố phải vận động các hộ khấm khá hơn “gánh” giúp.
Nhà nông dân nghèo ở Hậu Giang
Ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng phải vận động nhân dân góp tiền mở đường giao thông nông thôn. Mỗi hộ chỉ góp 300.000 đồng. Thế nhưng có hộ nông dân nghèo phải bán cả đàn gà, 4 con chó và một con heo đang nuôi để có tiền đóng cho ấp làm đường.
Đồng tiền trong túi người dân là nỗi lo thường nhật, còn đồng tiền trong tay các đại gia, đại ca, các “ông Tổng” cỡ Vinashin, Vinalins cứ như lá rụng mùa thu. Nghĩ mà đau lòng.
Đại gia có thể không cần kỹ càng về tài sản thế chấp, nhưng chỉ cần có đường dây móc nối là dễ dàng vay được ngân hàng cả nghìn tỉ đồng. Còn nông dân nghèo chỉ cần vài triệu lấy vốn xóa nghèo mà bình lên, xét xuống, cãi nhau ầm xèo đến cả mấy cuộc họp chưa xong.
Tỉnh Hậu Giang hiện nay có 35.000 hộ nghèo. Tỉnh đã phải chạy vạy từ nhiều nguồn mới được  hơn 3,1 tỉ đồng, hỗ trợ tiền điện và mua dầu hỏa thắp sáng trong quý 1-2012, mức hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 30.000đồng/ tháng. Thấy số tiền ít ỏi đó trong thời giá hiện nay không đáng kể gì, tỉnh vận động các nhà tài trợ để có thêm tiền hỗ trợ cho 2.025 hộ quá nghèo, mức hỗ trợ cả năm cho mỗi hộ được 5 lít dầu hỏa = 105.000 đồng,  với tổng số tiền vỏn vẹn cả tỉnh chỉ có gần 213 triệu đồng. Thế nên: Tiền Nhà nước đổ sông đổ biển / Nhà dân nghèo thiếu điện tối thui.
Thiết nghĩ, như cái chuyện góp tiền nâng đoạn hẽm phố trên đây: Cả hẽm phố có 23 hộ dân, chỉ cần 70 triệu đồng để nâng cấp chống ngập, vừa tiện cho việc đi lại, vừa giữ được vệ sinh môi trường, thế mà trần thân cả chục năm mới làm được. Tiền nào cũng của dân đóng góp, từ mỗi đồng thu thuế nhỏ lẻ mới nên kho bạc Nhà nước. Vậy mà các Tổng công ty, các tập đoàn Nhà nước vung tay làm mất khoản tiền, làm thâm thủng ngân khố quốc gia lớn như vậy, các vị nghĩ sao đây?
© Theo blog Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào: