Pages

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Hoài nghi thái độ hòa dịu của Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN

Phải chăng là Trung Quốc đã hòa hoãn trở lại trên vấn đề tranh chấp biển đảo với các láng giềng, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông ?
Câu hỏi này đã được đặt ra sau một loạt những tín hiệu hòa dịu được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tung ra nhân Hội nghị các Ngoại trưởng của khối ASEAN tại Brunei kết thúc vào hôm qua 02/07/2013.
Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng đó chỉ là một chiêu mới của Bắc Kinh nhằm hóa giải chiến lược xoay trục của Mỹ, đang ngày càng hấp dẫn các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc chèn ép
Sự kiện nổi bật nhất là tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, cho biết việc đồng ý mở thảo luận với 10 nước ASEAN kể từ tháng Chín tới đây về các quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông.


Đây là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với 4 nước Đông Nam Á : Brunei, Malaysia, và nhất là Philippines và Việt Nam.

Chỉ cách đây một năm thôi, đề nghị của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á muốn mở đàm phán với Trung Quốc về điều được gọi là Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC (Code of Conduct) còn bị Bắc Kinh bác bỏ, cho rằng chỉ có thể bắt đầu nói chuyện khi « các điều kiện đã chín muồi ».
Sau lời xác nhận mở thương thảo của ông Vương Nghị, các nhà phân tích đã hoài công tìm hiểu xem là các điều kiện nào đã được hội đủ, vào lúc chính sách áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông vẫn tiếp diễn như trước, thậm chí còn hung hăng hơn nhất là trong trường hợp Philippines.
Theo một số nhà quan sát, thay đổi của Trung Quốc chỉ là một chuyển biến về giọng điệu, nhằm kháng lại chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ đang giúp Washington tăng cường thêm ảnh hưởng trong khu vực.
Các hành động lấn lướt của Bắc Kinh nhắm vào Philippines hay Việt Nam chẳng hạn, đang càng lúc càng đẩy hai nước này về phía Mỹ, trong lúc nhiều nước khác trong khu vực cũng tìm cách thắt chặt thêm quan hệ về an ninh với Washington. 
Singapore chẳng hạn, đã không ngần ngại cho Hoa Kỳ sử dụng quân cảng của mình làm cơ sở cho 4 chiến hạm thế hệ mới đang được triển khai trong vùng Biển Đông.
Lời lẽ hòa dịu của Trung Quốc đối với ASEAN còn nhắm vào một mục tiêu chia để trị, với đối tượng tấn công là Philippines đã dám kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Liên Hiệp Quốc về đường lưỡi bò, đồng thời mạnh dạn tố cáo các âm mưu gặm nhắm Biển Đông của Bắc Kinh trước các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Khi đồng ý thảo luận các quy tắc ứng xử với ASEAN, đồng thời nêu bật các mối lợi kinh tế, thương mại mà vùng Đông Nam Á có thể thu hoạch được nhờ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, mục đích của Bắc Kinh được cho là nhằm cô lập Philippines ngay trong khối ASEAN.
Theo ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham ở Anh Quốc, Trung Quốc « đang chuyển sang chiêu dụ toàn khối ASEAN, và cùng lúc cho hiểu rõ rằng Philippines là nước gây rối ».
Giọng điệu hòa hoãn của Trung Quốc lẽ dĩ nhiên đã được một số nước ASEAN tạm gọi là thân Trung Quốc hoan nghênh.

Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul, không ngần ngại cho rằng quan hệ của ASEAN với Trung Quốc hiện rất mạnh mẽ và đó là « trụ cột cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực ».

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định trở lại chính sách trước sau như một của Hoa Kỳ là tiếp tục can dự vào châu Á.
Phát biểu tại Brunei với các nước Đông Nam Á, ông Kerry nhấn mạnh : « Các bạn nên tuyệt đối tin tưởng là ba năm rưỡi tới đây trong nhiệm kỳ còn lại của tổng thống Obama, các bạn sẽ thấy một sự dấn thân tràn đầy sinh lực và nghiêm túc (của Mỹ) trong việc tiếp tục những nỗ lực tái cân bằng. ».


Trọng Nghĩa ,RFI

Không có nhận xét nào: