Tranh chấp Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp, với sự can dự của nhiều chủ thể, trên nhiều khía cạnh và nhiều vấn đề khác nhau. Một điều dễ nhận thấy là diễn biến và kết cục của cuộc tranh chấp giờ đây không chỉ được quyết định trên hai mặt trận trọng yếu là ngoại giao-pháp lý và quốc phòng, mà còn trên nhiều mặt trận khác, trong đó có mặt trận học thuật.
Tầm quan trọng của đấu tranh học thuật
Theo đó, ngoại giao học thuật, hay chính xác hơn là cạnh tranh/ đấu tranh học thuật, đang trở thành một khía cạnh ngày càng quan trọng trong cuộc tranh chấp, đặc biệt là giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Các thông tin, phân tích, lập luận… do các học giả cung cấp trong các bài viết đăng tải trên các ấn phẩm quốc tế cũng như các diễn đàn, hội thảo… có thể có tác động lan tỏa nếu được tham khảo, trích dẫn nhiều, dẫn tới góp phần định hình nhận thức của cộng đồng thế giới về bản chất cuộc tranh chấp theo những hướng khác nhau.
Điều đáng nói là trong những thập kỷ qua, mặt trận học thuật này dường như bị áp đảo bởi Trung Quốc, với rất nhiều các bài nghiên cứu, bình luận… do các học giả người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc thực hiện được xuất bản và phổ biến trên các tập san khoa học, sách chuyên khảo, báo viết, báo mạng, các hội thảo, diễn đàn chính thức và không chính thức.
Đặc biệt, rất nhiều ấn phẩm trong số đó được các học giả này trình bày một cách thiên vị, dựa trên các thông tin sai lệch, thậm chí cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, biến sai thành đúng, đúng thành sai.
Điều này gây bất lợi không nhỏ cho Việt Nam do các ấn phẩm như vậy vẫn có thể được trích dẫn lại, gây tác động lan tỏa, làm thế giới hiểu không đúng bản chất của vấn đề cũng như chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc tranh chấp.
Vai trò của các học giả
Khi bị chất vấn về việc tại sao các nghiên cứu của các học giả Trung Quốc lại thường có xu hướng thiên vị như vậy, một học giả Trung Quốc đã thẳng thắn trả lời rằng “Trong khi học thuật là không có quốc tịch, thì các học giả lại có”. Điều này hàm ý rằng, cuộc đấu tranh học thuật về Biển Đông sẽ được quyết định bởi cả năng lực lẫn cái tâm nhiệt huyết và tinh thần dân tộc của các học giả. Ví dụ trên cũng cho thấy các học giả Trung Quốc, trong một vài trường hợp, đã sẵn sàng đưa yếu tố tinh thần dân tộc lên trên các chuẩn mực học thuật.
Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, các học giả Việt Nam có thể có thuận lợi hơn so với các học giả Trung Quốc ở chỗ việc trình bày, phổ biến các quan điểm liên quan đến tranh chấp Biển Đông của Việt Nam không đặt họ vào thế lưỡng nan phải lựa chọn giữa tinh thần dân tộc với tính liêm khiết trong nghiên cứu.
Chỉ cần các học giả Việt Nam chuyển tải, trình bày được các thông tin, dữ liệu liên quan đến cuộc tranh chấp một cách khách quan thì cũng đã đủ để giúp củng cố cho lập trường, quan điểm của Việt Nam mà vẫn không gây phương hại cho uy tín nghiên cứu khoa học của họ.
Trong thời gian qua, các học giả Việt Nam trong và ngoài nước đã đóng góp cho cuộc đấu tranh này bằng cách bác bỏ các lập luận, thông tin sai sự thật, thiên vị, phiến diện…(đặc biệt là của các học giả Trung Quốc), đưa ra các thông tin chính xác, khách quan, cũng như các phân tích, lập luận theo hướng phù hợp với lập trường của Việt Nam thông qua các phương thức và công cụ khác nhau.
Các phương thức đấu tranh học thuật hiện nay
Đấu tranh học thuật của Việt Nam hiện nay được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu:
Thứ nhất, đó là tổ chức hàng năm các cuộc hội thảo quốc tế (đặc biệt là Hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức) có sự tham gia của các học giả nổi tiếng thế giới, tạo thành các diễn đàn để các học giả bày tỏ các quan điểm, đặc biệt là các quan điểm phù hợp với lập trường của Việt Nam. Ngoài ra các học giả Việt Nam cũng tích cực hơn trong việc tham gia các hội thảo do các nước khác tổ chức, tiêu biểu như các hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) của Hoa Kỳ tổ chức.
Hình thức tổ chức hoặc tham dự các hội thảo như vậy đã phát huy tác dụng tương đối tốt trong thời gian qua vì thông thường các hội thảo đó thu hút được chú ý của dư luận, báo chí quốc tế, thông tin lan tỏa mạnh trong ngắn hạn.
Hạn chế của hình thức này là do các hội thảo tổ chức với tần suất khá dày nên các học giả thường mang đến hội thảo các tham luận được đầu tư nhìn chung sơ sài, mang nhiều tính cập nhật thông tin hơn là sâu sắc về khía cạnh học thuật. Các tập kỷ yếu của các hội thảo như vậy, ngay cả khi được biên tập, phát hành cũng thường khó có thể có chất lượng học thuật cao, dẫn tới tác động lan tỏa về lâu dài có thể bị hạn chế.
Thứ hai, đó là công bố các nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông của các học giả Việt Nam trên các ấn phẩm quốc tế, đặc biệt là các tập san khoa học. Hình thức này khó thực hiện hơn vì đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu có chiều sâu của các học giả mới có thể có được các bản thảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các tập san khoa học quốc tế.
Nhưng mặt khác, các bài viết như vậy thường được coi là có sức nặng về mặt học thuật, đáng tin cậy hơn, vì vậy có thể được trích dẫn nhiều hơn trong các bài viết khác, dẫn tới tác động lan tỏa về lâu dài của các bài viết như vậy là đáng kể hơn nhiều về dài hạn.
Thời gian qua một số học giả Việt Nam như Nguyễn Hồng Thao, Nguyễn Đăng Thắng… đã có các nghiên cứu như vậy được công bố. Ngoài ra còn phải kể tới các bài bình luận ngắn về tranh chấp Biển Đông của các tác giả Việt Nam khác nhau đăng tải trên các diễn đàn quốc tế, tiêu biểu như East Asia Forum, The Diplomat, Asia Times, Yale Global… Những bình luận như vậy cũng có thể có tác động đáng kể do tiếp cận được số lượng độc giả lớn hơn so với các nghiên cứu hàn lâm.
Hướng tới tương lai
Với tầm quan trọng của đấu tranh học thuật như đã nêu trên, Việt Nam cần đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Cụ thể Việt Nam nên tiến hành một số công việc sau:
Thứ nhất, duy trì các hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, đặc biệt là Hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức. Ngoài ra, có thể tổ chức thêm các hội thảo chuyên đề về các khía cạnh khác nhau của cuộc tranh chấp, như trường hợp hội thảo về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa do Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vừa qua.
Thứ hai, cần có các cơ chế tài chính và phi tài chính nhằm khuyến khích hơn nữa các nghiên cứu học thuật chuyên sâu của các học giả, với sản phẩm là các nghiên cứu đạt yêu cầu để xuất bản trên các sách chuyên khảo hay tập san khoa học quốc tế. Song song với đó, cần có các kế hoạch để đào tạo, nâng cao trình độ cho các học giả trẻ làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến Biển Đông. Rốt cuộc, trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này, yếu tố con người chính là yếu tố then chốt nhất.
Thứ ba, cần tổ chức biên soạn các cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Anh về vấn đề Biển Đông, tập hợp các học giả Việt Nam và quốc tế, với chất lượng đủ để được xuất bản bởi các nhà xuất bản quốc tế. Thực tế, có tình trạng các học giả e ngại tính khách quan của các cuốn sách được xuất bản bởi các nhà xuất bản trong nước, kể cả khi được xuất bản bằng Tiếng Anh. Ngoài ra mạng lưới phát hành của các nhà xuất bản quốc tế lớn hơn nhiều nên việc tiếp cận các cuốn sách do họ xuất bản rộng hơn, tác động lan tỏa của các ấn phẩm như vậy cũng mạnh hơn.
Thứ tư, cần tổ chức một dự án số hóa và biên dịch sang tiếng Anh các tài liệu, dữ liệu, bằng chứng… của Việt Nam liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Các dữ liệu như vậy khi được đưa lên mạng internet dưới hình thức một bộ cở sở dữ liệu quốc gia sẽ là một nguồn tham khảo đáng tin cậy cho các học giả quốc tế, khuyến khích họ sử dụng và phổ biến các thông tin, dữ liệu phù hợp với lập trường và quan điểm của Việt Nam.
Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là một giải pháp quan trọng và khôn ngoan. Chúng ta cần cung cấp công cụ cho cộng đồng học giả quốc tế để họ nói hộ tiếng nói của mình. Lý do là bởi lực lượng học giả Việt Nam nghiên cứu về Biển Đông hiện nay, dù đã phát triển đáng kể về lượng và chất trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn còn đang mỏng và hạn chế về nhiều mặt. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào lực lượng học giả người Việt thì khó có thể phát huy tác dụng trong đấu tranh học thuật về Biển Đông một cách vừa nhanh chóng, vừa hiệu quả và lâu dài./Nguồn: Lê Hồng Hiệp/ Tuanvietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét