Pages

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Xuân Lộc, Xuyên Mộc và còn nơi nào khác nữa?

Trần Văn Huỳnh, gửi RFA từ Việt Nam

Sau khi được tin tù nhân tại phân trại số 1, trại giam Xuân Lộc nổi dậy vào sáng chủ nhật 30/6/2013, cùng tin tức do các anh em tù chính trị nhắn về cho cháu Lê Thăng Long vào buổi trưa cùng ngày, gia đình tôi đã rất lo lắng cho tình hình của Thức và các anh em ở chung khu giam riêng với Thức. Vì vậy, ngay sáng thứ Hai hôm sau, gia đình đã tức tốc đi Xuân Lộc với mong muốn được gặp Thức và tìm hiểu hiện tình ở trại giam. Đồng thời, gia đình cũng liên lạc với người nhà các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Võ Minh Trí (Việt Khang) và Nguyễn Ngọc Cường để thông báo về chuyến đi của gia đình.

danluan_a0103-305.jpg
Trần Huỳnh Duy Thức tại văn phòng làm việc khi chưa bị bắt
RFA files
Đến nơi, gia đình tôi trình diện tại chốt gác trước khi vào khu trại như thường lệ thì viên công an tại chốt bất ngờ bảo rằng gia đình hãy đến trại giam Xuyên Mộc vì Thức đã chuyển về đó. Tin đến đột ngột, thêm vào đó là sự hoang mang khi liên hệ việc chuyển trại này với sự kiện vừa diễn ra hôm trước đó, thế nên gia đình quyết định phải làm rõ ngọn nguồn vụ việc. Tuy nhiên, đề nghị trao đổi với quản lý phân trại K1 của gia đình chỉ nhận được câu trả lời rằng “cán bộ đã đi họp” từ viên công an tại chốt gác.
Được một lúc thì viên công an này rời chốt đi đâu không rõ. Xung quanh đó có những người nhà phạm nhân đang chờ đến lượt được cho vào bên trong các phân trại K2, K3…, họ chứng kiến diễn biến từ đầu đến giờ nên khi thấy viên công an đi khuất thì lại gần hỏi thăm gia đình. Nghe chuyện về cuộc nổi dậy của anh em tù nhân khu K1 và việc Thức bị chuyển đi đường đột, bà con đồng tình với gia đình tôi và khuyến khích gia đình phải gặp quản lý phân trại để yêu cầu họ giải thích rõ lý do. Thế rồi một người trong số họ bảo gia đình cứ vào thẳng khu K1 mà không cần phê duyệt của viên công an chốt cổng, anh ta nói từ sáng đã có một số thân nhân làm như vậy. Nhận thấy chỉ còn cách này, vì vậy gia đình tôi đã đi bộ vào trong.
Trên con đường nhựa chừng 200m từ cổng trại dẫn vào nhà thăm gặp của khu K1, sáng hôm thứ Hai chợt xuất hiện nhiều tốp cảnh sát cơ động được bố trí la liệt. Xung quanh khu trại thi thoảng cũng có một số cảnh sát thuộc lực lượng này đi tuần qua lại. Vào đến nhà thăm gặp, gia đình tôi thử tiến hành thủ tục đăng ký thăm gặp như những lần trước thì một cảnh sát trại giam tên Thanh nói rằng không tiếp nhận sổ thăm gặp của gia đình vì Thức đã chuyển đi nơi khác theo quyết định của lãnh đạo và mời gia đình quay về. Không chấp nhận trước đề nghị vô lý đó mà không có một lời giải thích thấu đáo, gia đình tôi nhất định yêu cầu phía trại giam giải trình rõ nguyên do Thức bị chuyển đi bất ngờ, đồng thời khẳng định gia đình có quyền nghi ngờ việc chuyển đi này có liên quan đến vụ việc hôm chủ nhật nếu như không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía trại giam. Cuối cùng, người công an tên Thanh bảo gia đình tôi ngồi chờ một chút trong khi anh ta liên lạc với cấp trên nhờ giải quyết. Chừng 15 phút sau thì một phó giám thị tên Tính xuất hiện rồi mời gia đình tôi sang chỗ riêng để tiếp chuyện.
Mở đầu, vị phó giám thị này nói rằng tối hôm chủ nhật 30/6/2013, Thức cùng 4 tù nhân khác ở khu giam riêng gồm các anh Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, Huỳnh Anh Trí và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã chuyển về trại giam Xuyên Mộc. Khi gia đình tôi hỏi về lý do họ bị chuyển đi, vị cũng chỉ đưa ra câu trả lời tương tự cấp dưới tên Thanh của anh ta rằng đó là quyết định của lãnh đạo Tổng cục VIII và anh ta chỉ có trách nhiệm thi hành. Tuy nhiên, viên phó giám thị khẳng định việc Thức cùng 4 anh em tù nhân lương tâm khác bị chuyển đi không phải là một hình thức kỷ luật vi phạm và hoàn toàn không liên quan đến vụ việc hôm chủ nhật. Đến đây, gia đình muốn tìm hiểu về cuộc nổi dậy của các phạm nhân K1 sáng ngày 30/6 nên đặt câu hỏi thì anh ta lập tức phủ nhận từ ‘nổi dậy’ và nói rằng đó chỉ là “xích mích nhỏ giữa các phạm nhân khi chơi đá bóng” mà thôi. Trong khi trước đó, các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Pháp Luật đều đưa tin sự việc do một số “phạm nhân quá khích kích động và cố tình gây rối”. Vì có sự khác biệt giữa hai thông tin trên nên gia đình đã nêu lên vấn đề này, nhưng đến đây viên phó giám thị tên Tính từ chối bình luận thêm.
Kết thúc cuộc trao đổi, gia đình rời Xuân Lộc để đến trại Xuyên Mộc vào lúc 1h30 chiều cùng ngày. Nhưng đến 3h30 sau khi gia đình các phạm nhân khác đã ra về hết thì gia đình mới được bố trí để gặp Thức. Lúc này trong phòng thăm gặp chỉ còn mỗi gia đình tôi và Thức. Suốt 30 phút trò chuyện, luôn có 3 an ninh ngồi canh ở đầu góc phòng – trong đó có 1 người cầm súng - và 2 vị khác thường xuyên đi vòng quanh.
Nhìn Thức hốc hác trông thấy, nên gia đình hỏi thăm về sự việc hôm chủ nhật. Thức nói cả ngày hôm qua cho tới trưa hôm nay mới bỏ bụng một phần cơm trắng với canh không. Thức kể hôm 30/6 bạo động rất dữ dội, các tù nhân ở khu thường phạm đã cầm dao, gậy gộc tìm đến khu kỷ luật giải thoát cho các phạm nhân đang bị xiềng xích ở đó rồi di chuyển đến khu giam riêng nơi Thức cùng mấy anh em tù chính trị ở và phá rào, phá cửa xông vào. Họ đề nghị mấy anh em tù chính trị có hiểu biết về quyền con người giúp họ đứng ra thương lượng với các quản trại. Thức nói có dặn họ kiềm chế, không được gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, Thức chỉ kể được tới đó thì một an ninh trại Xuyên Mộc cắt ngang. Người này nói gia đình thăm gặp chỉ nên hỏi chuyện sức khỏe, sinh hoạt thường ngày của phạm nhân, đừng hỏi những việc không liên quan.
Sau đó, gia đình chuyển sang hỏi về chỗ ở mới của Thức ở Xuyên Mộc. Hiện tại, Thức đang ở trong một khu biệt lập cùng các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, và Huỳnh Anh Trí. Ở khu biệt lập này, các buồng sát nhau tạo thành một dãy, trong đó anh Hùng và Tuấn giam chung một buồng, còn Thức và anh Cường, anh Trí mỗi người ở buồng riêng. Do bị chuyển đi vội vã trong đêm 30/6 nên Thức không biết được mấy anh em tù nhân lương tâm còn lại ở Xuân Lộc giờ ra sao. Khi được biết cháu Việt Khang và Trần Thanh Giang vẫn ở lại chỗ cũ, không bị đưa đi đâu khác thì Thức rất vui.
Đến 4h chiều, gia đình tôi chúc Thức giữ gìn sức khỏe rồi chia tay Thức ra về. Thức nhờ gia đình báo tin đến người nhà các anh Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng rằng họ đã chuyển đến nơi giam giữ mới an toàn.
Trong lúc chờ gặp viên phó giám thị tên Tính để trao đổi, gia đình tôi có tiếp xúc với một chị là mẹ của phạm nhân tên Nguyễn Hồng Thái trước đó bị giam tại khu K1 trại Xuân Lộc. Khi làm thủ tục đăng ký thăm gặp, chị được thông báo rằng con chị đã bị đưa đến nơi khác vì tham gia vào vụ việc hôm 30/6. Chị có hỏi con chị hiện đang ở trại giam nào nhưng các quản trại không cho biết. Dường như bắt đầu rơi vào tuyệt vọng, lúc này chị van nài họ bằng giọng run run thì chỉ nhận được lời sẵng giọng đáp trả và yêu cầu chị ra về. Nhìn người phụ nữ đã luống tuổi mắt đỏ hoe, liu xiu hai tay xách nặng bước lầm lũi trở ra mà không biết con mình giờ đang ở nơi đâu, thiết nghĩ còn bao nhiêu hoàn cảnh tương tự đang diễn ra ở các trại giam trên khắp cả nước? Giống như chị, gia đình tôi cũng không hề được thông báo trước về việc chuyển trại của Thức; tuy nhiên, may mắn hơn chị, đến cuối ngày gia đình đã tìm đến được cái ôm siết chặt và lời động viên của Thức – điều mà gia đình tôi sẽ đi đến tận cùng để có được. Nhưng sự may mắn này sẽ kéo dài đến lúc nào, sau khi anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần đã đột ngột bị chuyển ra Bắc? Đó chính là nỗi lo lắng của gia đình tôi.
Sau sự việc tại trại giam Xuân Lộc vừa qua, dựa trên lời con tôi kể và các anh em tù nhân lương tâm tại đây, tôi tin rằng cuộc nổi dậy hôm 30/6 của các tù nhân thường phạm xuất phát từ yêu cầu trại giam đáp ứng các điều kiện sống chính đáng và đảm bảo quyền con người của họ. Dù là phạm nhân nhưng họ vẫn là con người với phẩm giá và các quyền cơ bản cần được tôn trọng bất kể tình trạng pháp lý. Vì vậy, tôi kêu gọi cộng đồng hãy lên tiếng để vụ việc tại trại giam Xuân Lộc được giải quyết công khai, minh bạch, công bằng và phù hợp với luật pháp quốc tế lẫn trong nước. Sức mạnh thực chất của xã hội dân sự chỉ tương đồng với khả năng danh nghĩa của nó khi mỗi người trong chúng ta nhận thức và hành động.

Không có nhận xét nào: