Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Học, học nữa, học mãi vẫn thế?

Cửa 'Khổng sân Trình' nay được phục hồi ở Trung Quốc
Tôi không hoàn toàn chia sẻ ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn cho rằng kết quả xếp hạng cao của Việt Nam trong bảng đánh giá PISA mới đây là 'không có ý nghĩa'.
Với các học sinh học giỏi ở tuổi 15 được nêu trong bảng đánh giá đang gây chấn động cả dư luận ở Anh, Trung Quốc, Việt Nam thì nỗ lực và thành tích cá nhân của các em là rất đáng khuyến khích.
Về mặt cá nhân, học giỏi sẽ tăng cơ hội du học nước ngoài, phát triển chất xám, có 'đầu ra' phù hợp.

Đánh giá cũng mang lại sự lạc quan rằng nếu môi trường học tập được cải thiện, các thế hệ tiếp theo có cơ hội tiếp thu kiến thức đúng đắn, tạo động lực cho cả xã hội đi lên.
Nhưng tôi đồng ý với thầy giáo BấmPhạm Toàn rằng chỉ thành tích không sẽ ‘không dẫn đến một cái gì có ích cả’.

Vì sao học giỏi?

Điều khiến Việt Nam có nhiều học sinh học giỏi chính là truyền thống Khổng giáo hiếu học giống Trung Quốc, Đài Loan,Hàn Quốc và một phần là Nhật Bản.
Trong một bài báo hồi 1995 về dân chủ và truyền thống Khổng giáo, nhà nghiên cứu Mỹ gốc Nhật, ông Francis Fukuyama đã đặt Việt Nam vào nhóm các nước trên cùng cả Singapore.
Ở những nước này, Khổng giáo được thể chế hóa qua hệ thống khoa cử và quan chế đã “nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong xã hội”, và cũng là yếu tố tạo ra “bình đẳng học thuật”, và cơ hội tiến thân, theo Fukuyama.
Nhưng đó có phải chỉ là chuyện ngày xưa?
Hóa ra điều này nay vẫn hiện rõ ở các chỉ số học tập.
Vì cùng ở Đông Nam Á nhưng học sinh Việt Nam thường có thành tích học tập cao hơn Phililippines (Thiên Chúa giáo), Indonesia (Hồi giáo) và Lào, Campuchia, Thái Lan (Phật giáo).
"Số người có bằng tiến sỹ tại Trung Quốc đang tăng tới mức bùng nổ, với chừng 50000 người ở mọi ngành chỉ trong năm 2009, nhưng vấn đề chính là chất lượng thấp"
Trang Nature
Tuy thế, Việt Nam và cả Trung Quốc hiện vẫn thua kém các nước châu Á khác trong sáng tạo khoa học.
Bài phân tích ‘Giáo dục: nhà máy sản xuất bằng tiến sỹ’ (Education: The PhD factory) trên trang Nature 04/2011, viết về Trung Quốc:
“Số người có bằng tiến sỹ tại Trung Quốc đang tăng tới mức bùng nổ, với chừng 50000 người hoàn tất nghiên cứu cấp tiến sỹ ở mọi ngành chỉ trong năm 2009, gần như là vượt xa tất cả các nước. Nhưng vấn đề chính là chất lượng thấp của các tấm bằng tiến sỹ đó.”
Điều này dẫn đến vấn đề thứ nhì với các ‘ông nghè’ Trung Quốc mà nghe cũng quen quen như ở Việt Nam: đa số “khó tìm được việc làm trong giới khoa bảng quốc tế” còn những người đã ra nước ngoài thì “hiếm khi quay trở về”, theo trang Nature.
Khổng giáo vừa là tác nhân cho tinh thần hiếu học, là hòn đá cản đường cho sáng tạo.
Hồi đầu thế kỷ 20, giữa lúc giao thời Đông Tây, Phạm Duy Tốn, Ngô Tất Tố, Phan Kế Bính đã phê phán tệ nạn thi cử tại Việt Nam.
Bên Trung Quốc, hồi thế kỷ 18, Ngô Kính Tử trong 'Chuyện làng Nho' đã xếp các nạn nhân của chế độ khoa cử thành bốn loại: hèn nhát, hãnh tiến công danh, tham lam và thanh tịnh.
Nhà Nho thanh tịnh là tấm gương đạo đức sáng chói nhưng suy ra cũng là vô dụng vì thường chọn thái độ lánh đời.
Cầu may ở nơi thờ Khổng tử trong Văn Miếu, Hà Nội trước kỳ thi
Vẫn Fukuyama khi ca ngợi các điểm hay của truyền thống Khổng giáo ở châu Á cũng viết về sự cản trở của đầu óc Nho gia cho xã hội.
Ông dẫn Samuel Huntington viết về các nước Khổng giáo như sau:
“Truyền thống Khổng giáo của Trung Quốc và các nhánh của nó ở Triều Tiên, Việt Nam, Singapore, Đài Loan, và ở dạng loãng hơn tại Nhật Bản cùng đặt tập thể lên trên cá nhân, đặt uy quyền cao hơn tự do và đề cao trách nhiệm hơn là các quyền...
"Quyền của các các nhân có tồn tại nhưng do chính Nhà nước tạo ra. Hài hòa và hợp tác được chú trọng hơn là bất đồng và cạnh tranh.”
"Truyền thống Khổng giáo Trung Quốc và các nhánh của nó ở Triều Tiên, Việt Nam ...đặt tập thể lên trên cá nhân"
Samuel Huntington
Trong thế giới ngày nay mà chỉ biết nghe lời, bắt chước và cạnh tranh thì chỉ có cầm chắc thất bại trong giáo dục, kinh tế hay bất cứ ngành nghề gì khác.
Thử hỏi nếu người Hàn Quốc vẫn tư duy như vậy thì làm sao Samsung có thể chiếm lĩnh thị trường toàn cầu?
Học sinh Việt Nam học tốt trong một môi trường khuôn phép như giỏi giải các phép toán đã định trước, và học chủ yếu để thi đỗ nhưng khi vào đời lại dần bị uốn nắn theo các mô thức cũ kỹ, thiếu phản biện, cạnh tranh.

Học đừng khôn lỏi

Trước đây, người châu Á từng nghĩ văn hóa truyền thống, phần hồn của mình tốt lắm rồi, ta chỉ tụt hậu Âu Mỹ về công nghệ nên cũng chỉ cần học kỹ thuật thật giỏi là đuổi kịp.
Nhưng sự thực thì kỷ nguyên Khai Sáng ở châu Âu không chỉ là bùng nổ phát kiến khoa học mà căn bản là một phong trào tư tưởng.
Cải tổ là phải toàn diện và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, người trước kẻ sau, đã tiến mạnh khi chọn con đường đó.
Riêng mấy nước Á châu còn lại tiếp tục cho rằng cứ theo khuôn mẫu tư duy chính quyền quy định là đủ, và mở cửa vẫn e dè, ghét bỏ các giá trị quốc tế chung.
Giới trẻ Việt Nam rất muốn du học sang Phương Tây
Ngay cả cải cách kiểu Đặng Tiểu Bình vẫn có giọng khinh Phương Tây, coi làn gió từ bên ngoài vào có cả nhiều ruồi muỗi.
Mặc cảm vừa tự ti, vừa tự tôn đó đã khiến người ta không chân thành hiểu được phần quan trọng nhất của giáo dục cho loài người mà Âu Mỹ chỉ có đi trước chứ không hề độc quyền quản lý.
Đó là tự do tư tưởng, dẫn đến tôn trọng các cá nhân khác, phần cơ bản của nhân quyền.
Đó là lý tính, nền tảng của tinh thần khai phá và thái độ dẫn thân, dám thể nghiệm.
Về tinh thần, to như Trung Quốc nhưng vẫn bị coi là ‘thiếu vắng điều gì đó’ như lời cô Kelly Zong, con gái tỷ phú Tông Khánh Hậu (trên 10 tỷ USD) nói trên trang Sunday Times gần đây.
Với thực trạng tệ hại của giáo dục Việt Nam, vừa tham nhũng điểm số, vừa thiếu tự do sáng tạo, vừa nặng học vẹt mà sinh viên sang Singapore du học vẫn được ông Lý Quang Diệu cảm phục khen ngợi thì đó quả là điều phi thường cho các cá nhân người Việt.
Ở tầm quốc gia và xã hội, Việt Nam chắc cũng sẽ thành công như vậy nếu dứt bỏ được các ràng buộc tư duy kiểu Khổng, Mao và Đặng.

Không có nhận xét nào: