Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

"Không thể vì chống tham nhũng mà vội vàng đề nghị tử hình Dương Chí Dũng"

Các luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc Dương Chí Dũng và đồng phạm tội tham ô tài sản, đây là vụ án liên quan đến tính mạng con người nên không thể vì nhiệm vụ phòng chống tham nhũng mà vội vàng được.

Chiều 13.12, sau phần luận tội của viện kiểm sát, 14 luật sư bảo vệ quyền lợi cho 10 bị cáo lần lượt trình bày quan điểm bào chữa. Ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng đều thống nhất quan điểm rằng viện kiểm sát không đủ căn cứ để buộc tội tham ô đối với thân chủ của mình. 
 
Cần đợi kết quả tương trợ tư pháp từ Singapore

Luật sư Ngô Ngọc Thủy lập luận với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, bị cáo Dương Chí Dũng không phải là người quản lý tài sản của tổng công ty này. Số tiền 9 triệu USD mà Vinalines mua ụ nổi là vay của ngân hàng Citibank.
 
 Luật sư Ngô Ngọc Thủy đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung

 “Hồ sơ vụ án thể hiện Công ty AP tại Singapore đã chuyển 1,66 triệu USD về Việt Nam nhưng không có bằng chứng pháp lý nào cho thấy đó là tiền của Vinalines cả. Nói như cáo trạng thì tài sản đó là của Công ty AP và Công ty Phú Hà (công ty của em gái bị cáo Trần Hải Sơn - PV) chứ không phải của Vinalines. Do đó hành vi của ông Dũng không đúng với cấu thành của tội tham ô tài sản”, luật sư Thủy phân tích.

Luật sư Thủy đề nghị tòa tuyên bố không đủ căn cứ buộc ông Dũng tội tham ô tài sản và khoan hồng với ông Dũng về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậy quả nghiêm trọng.

Bổ sung, luật sư Trần Đình Triển cho rằng đây là vụ án liên quan đến sinh mạng con người nên tòa phải xem xét thật thấu đáo, đầy đủ. Theo luật sư Triển, vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi cáo trạng nói cơ quan điều tra đã đề nghị phía Singapore tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã vội vàng kết tội.

“Nếu sau này có kết quả, Công ty AP và người chuyển tiền về Việt Nam cho rằng khoản 1,66 triệu USD đó là tiền đầu tư thật thì sao? Các nước ASEAN có hiệp định tư pháp, sao lại không làm mà vội vàng buộc tội và đề nghị mức án cao nhất như vậy?”, luật sư Triển đặt câu hỏi.

Nước ra còn nghèo nên thường phải mua đồ cũ về dùng cho rẻ, nhưng việc không có thông tin nên đến phải mua qua công ty môi giới, dẫn đến mua hớ, mua đắt là việc làm sai và phải rút kinh nghiệm. 

“Tuy vậy, Vinalines mua ụ nổi này bằng vốn vay ngân hàng, nếu họ không trả được thì là chuyện của họ với ngân hàng. Việc mua hớ, mua đắt cũng có thể khởi kiện theo các quy định về thương mại quốc tế để có thể đòi lại quyền lợi, tại sao lại phải vội vàng khởi tố hình sự?” luật sư Triển nói.

Tương tự phân tích của luật sư Thủy, luật sư Triển cho rằng hành vi nhận tiền nếu có cũng không phải là tội tham ô mà là tội nhận hối lộ. Và nếu đã nhận hối lộ thì phải dựa vào hiệp định tư pháp dẫn giải người đưa hối lộ từ Singapore sang Việt Nam để xét xử.

Về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Triển cho rằng thân chủ mình có lỗi nhưng không đủ để kết tội vì đó là “lỗi hệ thống”, có chăng hành vi của bị cáo Dũng chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Triển đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại vì đây là vụ án liên quan đến tính mạng con người, không thể vội vàng được. Đặc biệt là để cơ quan điều tra có thời gian phối hợp với cơ quan tư pháp nước bạn, làm rõ xem Công ty AP thực sự chuyển tiền cho ai, với mục đích gì.

Luật sư thất vọng với bản luận tội

Bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói: “Tôi thất vọng với phần luận tội của đại diện viện kiểm sát vì nó giống hết cáo trạng, không đưa vào những tình tình tiết đã được làm rõ trong hai ngày xét xử vừa qua. Với một bản luận tội như thế mà viện kiểm sát dám đề nghị kết tội tử hình đối với người khác”.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp thất vọng với bản luận tội của viện kiểm sát

Theo luật sư Thiệp, không nên vì quá gấp rút tậo trung vào nhiệm vụ phòng chống tham nhũng mà bỏ qua những quy trình tố tụng để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Về tội tham ô, viện kiểm sát chỉ căn cứ vào lời khai của Trần Hải Sơn để buộc tội các bị cáo khác. Nhưng căn cứ mà viện kiểm sát cho rằng bị cáo Sơn khai nhận phù hợp lại chẳng đâu vào đâu cả. Nhân chứng được viện kiểm sát đưa ra để chứng minh lời khai của bị cáo Sơn là có cơ sở lại toàn là người thân của bị cáo Sơn như em gái, em rể. Trong khi chính em gái bị cáo Sơn cũng có lúc khai không thống nhất trong quá trình xét hỏi.

“Tại sao cơ quan điều tra không thu thập danh sách cuộc gọi, danh sách khách hàng của các hãng hàng không xem có đúng bị cáo Sơn đã liên lạc, bay ra Hà Nội để giao tiền cho bị cáo Phúc như bị cáo Sơn đã khai không? Nếu chưa làm được việc này thì đó là sai sót cần bổ sung”, luật sư Thiệp khẳng định.

Luật sư Thiệp cũng yêu cầu viện kiểm sát không được dùng “liên danh Dũng - Phúc" mà phải chứng minh ai là người chỉ đạo, chỉ đạo cụ thể như thế nào đối với các bị cáo khác. Luật sư này cũng đề nghị tòa tách tội tham ô ra để điều tra lại vì chưa đủ căn cứ kết tội.

Sáng 14.12, các luật sư tiếp tục phần bào chữa của mình cho các bị cáo khác và sau đó là phần đối đáp của đại diện viện kiểm sát.

Thanh Lưu

Không có nhận xét nào: