Pages

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Kiến nghị thúc đẩy nhân quyền

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Biểu tình ôn hòa được cho là hoạt động chứng tỏ nhân quyền
Kiến nghị tổ chức hội đồng thúc đẩy nhân quyền ở trong nước chưa được chính quyền Việt Nam phản hồi, một tuần sau khi gửi đi.
Bản kiến nghị được một nhóm nhân sỹ trí thức nổi tiếng ở TP HCM gửi tới Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM hôm 26/11.


Nói với BBC từ Sài Gòn, ông Hạ Đình Nguyên cho hay kiến nghị được đưa ra ngay sau sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trong số 40 người ký tên ban đầu có những tên tuổi như Giáo sư Tương Lai, nhà báo Tống Văn Công, Thế Thanh, Huy Đức, các nhân vật đấu tranh sinh viên từ thời chống Mỹ như bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, ông Hạ Đình Nguyên...
Trước đó, Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Công ước chống tra tấn của LHQ, đồng thời cam kết 14 điều khi nộp đơn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.
"Chúng tôi đánh giá, việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là điều tích cực, nhất là với những cam kết đưa ra," - ông Nguyên nhận xét - "Vì vậy, bản kiến nghị có mục đích góp thêm tiếng nói để thúc đẩy, và cũng là thể hiện nhân quyền ở trong nước".

Hành động cụ thể

Kiến nghị của các vị trí thức bày tỏ hy vọng "kể từ nay, các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và các quyền cơ bản khác của công dân… cần phải được thực thi đúng theo tinh thần Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và các Công ước quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, hoặc đã là thành viên và đặc biệt mới đây là 14 điều cam kết mà chính phủ Việt Nam ký khi nộp đơn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền".
Văn bản mà BBC có trong tay cũng nói "Nhà nước Việt Nam phải bằng hành động cụ thể có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của Nhà nước và của dân được quy định công khai, minh bạch với những chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó có những văn bản pháp quy nhằm đảm bảo cho 90 triệu người dân ở trong nước được hưởng và thực hiện đầy đủ các quyền".
Những người kiến nghị đề xuất thành lập Hội đồng nhân quyền các cấp, đồng thời phổ biến rộng rãi toàn văn các văn bản về nhân quyền của LHQ mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và kịp thời cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Hạ Đình Nguyên nói ông biết giới hoạt động và các nhóm trí thức đã gửi nhiều kiến nghị lên lãnh đạo Đảng CSVN và Nhà nước mà chưa có phản hồi tích cực.
"Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không nên tiếp tục lên tiếng."
"Tôi luôn luôn cho rằng chúng ta cần tin tưởng vào tương lai và đấu tranh cho nó."

Không có nhận xét nào: