Pages

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Nguy cơ chiến tranh Trung–Nhật trên Biển Hoa Đông ?

Máy bay Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản tuần tra không phận quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 13/10/2011 REUTERS
Vào lúc cả báo giới Pháp tập trung chú ý đến Nam Phi, nơi Nelson Mandela, người hùng của chủ nghĩa chống apartheid vừa qua đời, Le Figaro hôm nay 09/12/2013 không quên nhìn về phía Đông Á, và nêu lên câu hỏi về nguy cơ thật sự của một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản. 
Tác giả bài báo, thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, phân tích bối cảnh Bắc kinh đưa ra thông báo thiết lập vùng nhận dạng và phòng không bao trùm bầu trời Senkaku/Điếu Ngư gây căng thẳng và lo ngại trong khu vực.


Bài báo trên Le Figaro mở đầu với ghi nhận : Có một hương vị chiến tranh lạnh trên Biển Hoa Đông, các bên đều đẩy các con chốt của mình với nào là tuần tra trên biển, lập vùng nhận dạng phòng không, tăng sự khẳng định chủ quyền trên một vài bãi đá mà vùng nước chung quanh giàu về hải sản, cá, và tiềm năng dầu hỏa.
Bài báo cho là cũng như vào thời kỳ mà các khối đối chọi với nhau, thì việc tranh chấp lãnh thổ còn có một mục tiêu rộng lớn hơn nữa, đó là xem ai có thể mở rộng ảnh hưởng trên một vùng to lớn, nơi mà sự thịnh vượng kinh tế sẽ được định đoạt trong những thập niên tới đây.
Đối với Trung Quốc, cường quốc kinh tế đang lên, đang phát triển tiềm năng quân sự, thì còn có vấn đề tự hào dân tộc. Bài báo nhắc lại lãnh thổ Trung Quốc cũng đã bị gặm nhắm trong thời kỳ Chiến tranh Nha phiến thế kỷ thứ XIX, rồi trong các cuộc chiến nửa đầu thế kỷ XX.
Và hiện nay, Le Figaro nhận thấy là với chính sách xoay trục của Tổng thống Mỹ Obama, Bắc Kinh cảm thấy bị cạnh tranh công khai ở vùng ảnh hưởng tự nhiên của mình. Việc tuyên bố vùng phòng không ở Biển Hoa Đông chỉ là giai đoạn mới trong cuộc đọ sức ngấm ngầm này. Các đồng minh của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Philippines nằm trên tuyến đầu trước các tham vọng của Bắc Kinh.
Theo tác giả bài báo, yếu tố dẫn đến thái độ ‘tiến công’ của Trung Quốc hiện nay, ở Biển Hoa Đông, thách thức trật tự quốc tế, gây nên sự bất an trong vùng, là do mối hiềm khích nghiêm trọng lâu đời đối với Nhật Bản, qua những sự cố lịch sử, mà Trung Quốc muốn giờ đây giải quyết. Và Bắc Kinh - thấy là những đòi hỏi chủ quyền bị xem thường - đang tìm cách lật ngược thế cờ. Bên kia thì Nhật Bản, với chính quyền Abe đang tìm cách sửa lại hiến pháp chủ hòa, cũng là một động cơ thôi thúc Bắc Kinh.

Ít cơ may để tìm ra giải pháp hòa bình

Bài báo cũng nhắc lại là ông Tập Cận Bình nắm quyền trong lúc hai bên tranh chấp căng thẳng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông đã nhiều lần tỏ sự bực tức đối với Tokyo. Tập trung quyền hạn trong tay, ông đã ra lệnh biến Trung Quốc thành một ‘cường quốc hải quân hùng mạnh’ và chính ông đã đích thân cho phép việc thành lập vùng phòng không.
Nhưng câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có khả năng giám sát, kiểm soát vùng phòng không đó hay không. Tác giả bài báo cho là Trung Quốc chưa đủ máy bay và radar để theo dõi, để buộc tôn trọng một cách thường xuyên vùng mới thiết lập, nhưng những khi can thiệp được, thì cũng đã làm nhiệt độ trong vùng tăng vọt lên.
Trong tình hình như hiện nay thì có nguy cơ đối đầu quân sự hay không ? Bài báo trích dẫn chuyên gia, đánh giá tình hình nguy hiểm, có ít cơ may để tìm ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ hiện thời, tranh chấp do lịch sử gây ra.
Cả hai bên Nhật -Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng sâu đậm những thế lực dân tộc chủ nghĩa. Cả hai bên không sẳn sàng nhượng bộ trên bất kỳ điều gì liên quan đến các đảo. Không kể vị trí chiến lược của nó, đây còn là một vấn đề tự hào dân tộc. Tình hình căng thẳng đến nỗi mà các nhà quan sát e ngại chiến tranh có thể bùng lên do một sự ‘đánh giá sai lầm’.
Hoa Kỳ trong trường hợp này có thể can thiệp đến đâu để bảo vệ đồng minh Nhật Bản ? Theo bài báo, Hoa Kỳ đang bị đau đầu. Phải bảo vệ đồng minh nhưng cũng không muốn quá làm phật ý Trung Quốc.

Mai Vân (RFI)

Không có nhận xét nào: