Pages

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nhìn lại hai năm qua và dự đoán tình hình năm tới


Tạ Nhất Linh (Danlambao) Như nói rõ ở tiêu đề, bài viết này dành để nhìn nhận lại diễn biến của tình hình chính trị - xã hội hai năm 2012, 2013 và dự đoán về tình hình năm 2014.

Điểm lại tình hình chính trị - xã hội hai năm qua

Đầu năm 2012, Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng csVN, ký ban hành nghị quyết TW-4, nhằm mục đích chỉnh đốn đảng, đề phòng đảng tan rã. Bấy giờ, trong đảng csVN thực chất đã hình thành hai phe: phe của Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang nắm những chức vụ quan trọng nhất trên danh nghĩa, và phe Nguyễn Tấn Dũng nắm thực quyền thao túng kinh tế. Các lực lượng mạnh là quân đội và công an cũng bị chia thành hai phái theo hai phe nói trên.

Tiếp sau đó, xảy ra các vụ phe này đánh phá hệ thống chân rết của phe kia. Tuy nhiên, thất bại nặng hơn thuộc về phe Nguyễn Tấn Dũng: những kẻ bị bắt như Bầu Kiên, Dương Chí Dũng... chính là đám tay chân thực thi những ý đồ biến ngân sách, tài nguyên quốc gia và các nguồn viện trợ, đầu tư nước ngoài thành của riêng của các thành viên trong ‘nhóm lợi ích’. Trong hội nghị bộ chính trị csVN trước hội nghị TW-6, Nguyễn Tấn Dũng đã phải đối mặt với nguy cơ bị kỷ luật và bị tước hết quyền lực, thậm chí có người còn suy đoán rằng ông ta sẽ bị truy tố.

Tuy nhiên, Nguyễn Tấn Dũng đã thoát hiểm một cách kỳ lạ. Hội nghị TW-6 đã không thể xử lý kỷ luật ông ta, thậm chí không dám nêu tên người mắc sai phạm là ai. Những danh từ “đồng chí X” hay thành ngữ “kỷ luật sinh thù oán” xuất hiện, nói lên thất bại ê chề của Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng. Người ngoài khó biết được chính xác nguyên nhân thất bại của phe Trọng-Sang. Người ta chỉ phỏng đoán việc đó có liên quan với sự kiện Nguyễn Tấn Dũng sang triều kiến Tập Cận Bình ngay trước thềm HNTW-6.

Giữa HNTW-6 và HNTW-7, Nguyễn Tấn Dũng đã ráo riết củng cố và tăng cường vị thế. Ông ta phong một loạt thiếu tướng, đi nhiều tỉnh để ban ơn bằng các dự án, đi úy lạo và kiểm tra các đơn vị quân đội chủ lực, v.v. Trong khi đó, phe Nguyễn Phú Trọng đã kéo ông Nguyễn Bá Thanh từ Đà Nẵng ra làm trưởng ban nội chính TW, ông Vương Đình Huệ từ bộ tài chính lên làm trưởng ban kinh tế TW, để tăng cường lực lượng giám sát các hoạt động của phe Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Phú Trọng cũng chính thức nắm chức vụ chủ tịch ủy ban chống tham nhũng, đưa ông Bá Thanh vào làm phó chủ tịch. Để trả đũa, Nguyễn Tấn Dũng cho thanh tra chính phủ tìm ra những sai phạm của Đà Nẵng thời ông Bá Thanh. Tuy nhiên, việc đó không gây ra được ảnh hưởng đáng kể đối với ông này.

Trong HNTW-7, Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục lấn lướt Nguyễn Phú Trọng, cản phá thành công việc Nguyễn Phú Trọng đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào bộ chính trị; hơn thế, hai kẻ thân cận của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân còn lọt vào được đội quan chức chóp bu này.

Trước nguy cơ hoàn toàn mất kiểm soát và nguyên tắc đảng không còn được tôn trọng, phe Nguyễn Phú Trọng đã buộc phải lên gân cốt, yêu cầu trong đảng cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Lợi dụng tâm lý các quan chức vẫn chưa dám từ bỏ đảng, phe Nguyễn Phú Trọng buộc một số thành viên chính phủ phải tuân theo sự chỉ đạo của ban bí thư và cá nhân tổng bí thư. Đặc biệt, Phạm Bình Minh bộ trưởng ngoại giao đã phải đứng ra đấu mối cho Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đi thăm một số nước để ký những hiệp ước quan trọng, trong khi Nguyễn Tấn Dũng chỉ được đi vài nơi để ký kết những hiệp ước không thật quan trọng. Nguyễn Phú Trọng, với sự trợ giúp khá đắc lực của Nguyễn Bá Thanh cũng đã và đang đưa được những vụ tham nhũng lớn ra xét xử, đe dọa nghiêm trọng sinh mạng chính trị của Nguyễn Tấn Dũng. Một thắng lợi nữa của Nguyễn Phú Trọng là đã đẩy được Nguyễn Thiện Nhân sang ‘mặt trận’, ép Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước quốc hội đề cử hai phó thủ tướng mới là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Trong khi những quan chức chóp bu đấu đá tranh giành quyền lực, xã hội ngày càng náo loạn, đời sống các tầng lớp lao động ngày càng cực khổ. Những tiếng nói phản kháng ngày một nhiều, một mạnh mẽ. Các phong trào dân sự ngày càng phát triển rộng rãi. Sự oán giận của dân nghèo và các tầng lớp lao động đối với tầng lớp thống trị đang tích tụ, chờ ngày bùng nổ.

Dự đoán tình hình 2014

Những vụ triệt hạ lẫn nhau trong nội bộ giới chóp bu csVN mà một số nhà phân tích thời cuộc dự đoán là diễn ra vào nửa sau của năm 2013 đã bị trì hoãn. Lý do là vì chủ trương ‘bảo vệ đảng’, một chủ trương do Hồ Chí Minh (Hồ Tập Chương) đưa ra vào thời ký ‘sửa sai’ sau cải cách ruộng đất 1954-56. Chủ trương này có bao hàm một sự hiểu ngầm rằng các ủy viên bộ chính trị không thể bị đấu tố công khai, bởi việc công khai hóa sự sa đọa của ‘cán bộ’ ở tầng này sẽ có tác động thảm họa đến lòng tin của toàn xã hội vào đảng. (Trừ trường hợp chính ủy viên đó công khai chống lại bộ chính trị hoặc cá nhân tổng bí thư, như ông Hoàng Văn Hoan vào thời Lê Duẩn.)

Tuy nhiên, mâu thuẫn nội bộ - phần nào bộc lộ trong vụ án Dương Chí Dũng và các vụ tiếp theo - đã gần lên đến đỉnh điểm. Hai phe trong bộ chính trị csVN sẽ không thể tiếp tục bưng bít sự thối nát ở tầng chóp bu này. Vì vậy, trong năm 2014 dứt khoát sẽ xảy ra các vụ thanh trừng ở cấp bộ chính trị, do tính chất sống còn của cuộc chiến phe phái. Ít nhất một trong 4 nhân vật ‘tứ trụ’ (Trọng, Sang, Dũng, Hùng) sẽ phải ra đi. Nhiều khả năng nhất, đó sẽ là Nguyễn Tấn Dũng.

Diễn biến tình hình và các mâu thuẫn xã hội đã dồn tụ ở Việt Nam hiện nay giống hệt như ở Liên Xô năm 1990 hay Đông Âu năm 1988, tức là một năm trước sự sụp đổ của chính thể cộng sản. Do đó, chúng ta có quyền hy vọng rằng chỉ 1-2 năm nữa, đảng csVN sẽ mất vai trò độc quyền thống trị, và xã hội sẽ bước vào thời kỳ phát triển dân chủ đa đảng.

Không có nhận xét nào: