Quang Thiều
Gửi đến BBC từ Việt Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang đã từ trần hồi 9 giờ sáng nay 2/12 tại Hà Nội, để lại cho tôi nhiều nổi thương nhớ.
Ông có tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, sinh ngày 22-1-1931 tại một làng quê Quảng Bình bên con sông Kiến Giang.
Các cụ thân sinh ra ông tham gia cộng sản từ những năm 1930, anh em của ông và bản thân ông đều tham gia Việt Minh rất sớm.Ông Giang xuất thân từ gia đình thuộc 'cừu gia tử đệ', tức là gia đình có mối thù với giặc nước.
Từ năm 1945 ông đã trở thành đảng viên cộng sản, khi mới 14 tuổi.
Năm 1947 ông được cử vào huyện ủy rồi được điều lên công tác ở tỉnh ủy Quảng Bình (1945-1955).
Năm 1956 ông về công tác tại Hà Nội và đã từng được đề bạt làm Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.
Năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng cao cấp tại Liên Xô.
Khi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9 chống chủ nghĩa xét lại thì tất cả anh em trong khóa học của ông đều bị gọi về nước.
Giam hãm một đời
Từ 1964-1967 ông bị đưa đi 'công tác thực tế' tại Quảng Bình và Thái Bình.
Sau đó ông bị tống giam cho đến 1973 mà vẫn không hề được xét xử.
Ra khỏi tù, ông vẫn chịu quản chế tại Thanh Ba, Vĩnh Phú cho đến năm 1976.
Sinh thời ông thường tâm sự:
“Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa cơ. Nghe người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế thôi, chứ còn trên thực tế từ giam ở xà lim mấy năm, và mấy năm quản chế, khoảng gần 10 năm.”
"Cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa"
“Khi tôi trở về Hà nội với tư cách là một người công dân thì tôi cũng không biết là tôi có tội gì. Cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa.”
Từ tháng 9-1976 được về với gia đình tại Hà Nội sống như một người ngoài lề xã hội, ông ngồi dịch và viết sách báo dưới nhiều bút hiệu khác như Lương Dân, Lê Diên, Lê Minh Tuệ...
Sách ông đã viết gồm có 'Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước Cách mạng Tháng Tám' (1959), 'Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám' (1961), 'Việt Nam – Khủng hoảng và lối ra' cùng 'Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang' (1993).
Ông còn viết chung với Nguyễn Khắc Viện các cuốn 'Liên Xô 70 năm trên đường khai phá' (1987); 'Cách mạng 1789 và chúng ta' (1989).
Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 đã đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước hoặc tán phát chuyền tay được Talawas gom thành một tập hợp mang tên 'Suy tư 90'.
Trong tập hợp này có nhiều bài giá trị như 'Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt', 'Một cuộc chiến chống lại 'phi lý tính'; 'Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?'...
Hai người cũng đánh giá nguồn gốc hệ thống chính trị hiện nay trong cuốn 'Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam'.
Chủ nghĩa không tương lai
Phần đáng kể nhất trong các nghiên cứu của Nguyễn Kiến Giang có lẽ là những bài viết về các vấn đề cốt tử của chủ nghĩa xã hội và những biến cố lớn trên thế giới, liên quan đến các lựa chọn cần thiết cho Việt Nam.
Ông từng đưa ra nhiều đề nghị chân thành và tâm huyết với đảng cầm quyền những mong cải tổ nó từ bên trong.
Dĩ nhiên chính điều này lại tiếp tục biến ông thành đối tượng 'đáng cảnh giác' đối với chính quyền và ông vẫn bị an ninh tiếp tục theo dõi.
Chia tay ông, chúng ta không thể không nhắc lại một trong các kết luận trong nghiên cứu của ông:
"Cuộc sống đã chứng minh khá đầy đủ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã thuộc về quá khứ "
“Cuộc sống đã chứng minh khá đầy đủ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã thuộc về quá khứ (một quá khứ thật oanh liệt, đầy những hào hùng và những bi kịch), mà không thuộc về hiện tại, lại càng không thuộc về tương lai.
“Ở một mức độ nào đó, số phận của nó cũng giống như số phận của Nho giáo ngày xưa ”.
Nguyễn Kiến Giang không phủ định sạch trơn, không phỉ báng chủ nghĩa Mác.
Ông tâm sự trong bài trả lời phỏng vấn BBC 1/2 năm 2004:
“Trước đây tôi để chủ nghĩa Mác-Lênin lên đầu và coi là giá trị lớn nhất, giá trị cao nhất của tư tưởng loài người và tôi bị cái vòng kim cô của chủ nghĩa Mác Lênin xiết chặt đầu tôi lại”.
“Bây giờ tôi làm một việc khác, tức là tôi đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin sang một bên, chứ không đặt lên đầu tôi nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người như Rousseau, Robespierre, Montesquieu...
"Tôi coi mỗi nhà tư tưởng đều có đóng góp của mình vào trong tiến triển của tư tưởng loài người cả.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Quang Thiều từ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét