Pages

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Trung Quốc lại khuấy đảo Biển Đông.

(VnMedia) - Trung Quốc dường như lại sắp khuấy đảo sóng gió ở Biển Đông khi nước này nhăm nhe ý định lập một vùng phòng không ở khu vực giống như ở biển Hoa Đông.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines – bà Ma Keqing

Theo tuyên bố vừa được Đại sứ Trung Quốc tại Philippines – bà Ma Keqing đưa ra hôm 2/12, Trung Quốc “có quyền chủ quyền” trong việc thiết lập một vùng phòng không hàng hải ở một khu vực khác như đã làm ở biển Hoa Đông.
Mỹ và các đồng minh Châu Á của nước này đã không công nhận Vùng Nhận dạng Phòng không biển Hoa Đông mà Trung Quốc tuyên bố thành lập hôm 23/11. Đây là động thái được nhận định là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tìm cách xác lập chủ quyền ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc đang tranh giành quyết liệt với nước láng giềng Nhật Bản. Philippines cũng đang có cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.



Khi được đề nghị bình luận về những quan ngại cho rằng Trung Quốc có thể đang ấp ủ kế hoạch thiết lập một vùng phòng không tương tự ở Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Manila – bà Ma Keqing đã cho biết trong một cuộc họp báo rằng, chính phủ Trung Quốc có quyền quyết định “sẽ thành lập một vùng nhận dạng phòng không mới ở đâu và khi nào”.

Tuy nhiên, bà Ma nói thêm rằng, lúc này bà không thể tiết lộ về việc liệu Trung Quốc có làm thế hay không. Đại sứ Trung Quốc khẳng định, việc nước này lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông không nên làm dấy lên căng thẳng hay quan ngại gì.

"Tôi cho rằng, mục tiêu không phải là gây ra một cuộc xung đột mà để cản trở, ngăn chặn trước bất kỳ căng thẳng nào nảy sinh trong những khu vực này. Hành động của chúng tôi không cản trở bất kỳ hoạt động tự do bay qua khu vực này nếu chúng được thông báo trước cho chính quyền Trung Quốc”, bà Ma cho biết.

Sau khi Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, căng thẳng bắt đầu dậy lên. Một loạt nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đồng loạt lên tiếng phản đối gay gắt bước đi của Trung Quốc. Những nước này còn đưa máy bay quân sự vào cái gọi là Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông để thách thức Trung Quốc.

Giới phân tích tin rằng, việc Trung Quốc lập vùng phòng không nằm trong chiến lược lớn hơn của nước này là tranh giành chủ quyền những vùng lãnh hải, lãnh thổ mà nước này đang có tranh chấp với các nước láng giềng xung quanh. Vì thế, các nhà phân tích và chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ có hành động tương tự ở Biển Đông.

Mỹ ngay lập tức phản ứng

Ngay sau phát biểu trên của Đại sứ Trung Quốc ở Philippines, tân Đại sứ Mỹ tại thủ đô Manila – ông Philip Goldberg đã nhanh chóng đưa ra những chỉ trích, miêu tả động thái của Trung Quốc là nguy hiểm.

"Dù thế nào chúng tôi cũng không tin đó là một động thái nhằm mục đích xây dựng lòng tin hay là nhằm để làm cho tình hình tốt hơn lên", ông Goldberg đã nói như vậy với các phóng viên.

Thay vào đó, vùng nhận diện phòng không mới của Trung Quốc “sẽ gây căng thẳng và khả năng tính toán sai lầm. Đó là điều không bao giờ tốt, đặc biệt ở khu vực mà chúng tôi biết như Senkaku hay Biển Đông”.

Đại sứ Goldberg nhấn mạnh Mỹ không chấp nhận biện pháp của Trung Quốc dù các hãng hàng không dân sự của nước này vẫn quyết định tuân theo những quy định của phía Trung Quốc khi bay qua vùng phòng không ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Trung Quốc chỉ đang thực hiện quyền chủ quyền của họ và hành động của họ “không gây xung đột mà chỉ là để ngăn chặn căng thẳng”.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ vùng phòng không mới bởi Washington tin rằng, khu vực này gây bối rối và có thể làm tăng nguy cơ những sự cố không mong muốn xảy ra.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến thăm đến khu vực Châu Á và vấn đề vùng phòng không của Trung Quốc sẽ trở thành một trong những chủ đề chính, nóng nhất khi ông này có cuộc gặp với giới lãnh đạo các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Trong khi đó, hai chiếc máy bay săn tàu ngầm tối tân nhất thế giới của Hải quân Mỹ đã đến Nhật Bản và 4 chiếc tương tự sẽ đến đây vào cuối tuần này. Giới chức Mỹ cho biết, hoạt động triển khai này được lên kế hoạch từ trước khi Trung Quốc công bố lập vùng phòng không, bao trùm cả bầu trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Lầu Năm Góc, những chiếc máy bay tối tân của họ sẽ thực hiện những chuyến bay định kỳ thường xuyên trong khu vực, trong đó bao gồm cả vùng phòng không của Trung Quốc. Và máy bay Mỹ sẽ bay qua đây mà không thông báo trước cho Bắc Kinh.

Mỹ thường xuyên tuyên bố không đứng về bất kỳ bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy vậy, giới chức Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát về mặt hành chính của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Washington cho biết, hiệp ước an ninh chung Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu có một cuộc tấn công xảy ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quân đội Mỹ sẽ phải hành động để bảo vệ đồng minh Nhật Bản.

Mặc dù vậy, Mỹ được tin là không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Vì thế, chính sách mà nước này thực thi trong thời gian qua là một mặt thể hiện cam kết mạnh mẽ và trấn an đồng minh thân thiết Nhật Bản, một mặt là giữ một lập trường khéo léo, vừa chỉ trích vừa ve vuốt Trung Quốc để duy trì mối quan hệ hợp tác với nước này. /Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: