Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Lê Phan - Diệu võ dương oai

Hơn 100 chiến hạm và vài chục phi cơ của Trung Cộng đã bắn đạn thật trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông tuần này trong một cuộc tập trận rõ ràng là có tính khiêu khích và sẽ nâng căng thẳng trong vùng thêm một bực nữa.


Như tờ Financial Times ở Luân Đôn nhận xét, “Sự biểu diễn hỏa lực, được chiếu trên truyền hình quốc gia, có vẻ là trong tính toán nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng, nơi mà một số những quốc gia láng giềng cũng dành chủ quyền. Nó cũng đã khiến một số quan sát viên trong vùng chỉ trích nói là hành động này chẳng khác gì ‘diệu võ dương oai.’ Giáo Sư Rory Medcalf, viện trưởng Học Viện Quốc Phòng Quốc Gia ở Viện Đại Học Quốc Gia Úc nhận xét, ‘Một cuộc tập trận ở tầm cỡ này ở Biển Hoa Nam có vẻ như là một sự phô trưởng lực lượng quá mức không cần thiết. Nó có thể có phản ứng ngược cho quyền lợi của Trung Quốc trong việc trấn an các quốc gia láng giềng và giảm thiểu liên hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Á Châu khác. Nó cũng củng cố cho lập trường là Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Hoa Nam nói chung chỉ là vì muốn tìm một lợi khí chiến lược.’”

Đài truyền hình nhà nước CCTV trong một chương trình phát ra hải ngoại thì nói là các quốc gia khác “không nên diễn dịch quá sâu” vào các cuộc tập trận này, vốn đã được chuẩn bị từ hơn một năm nay.

Khổ một nỗi không diễn dịch sâu không được vì vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, một ngày quốc hận khác của người dân Việt Nam, chỉ hai ngày trước khi họ bắt đầu cuộc tập trận, Bắc Kinh cho ra một thông cáo cấm bất cứ tàu bè của một quốc gia nào khác đi vào khu vực này trong giai đoạn 10 ngày của cuộc tập trận này.

Như Vice News, một báo điện tử xuất bản ở New York, giải thích, “Gửi khuyến cáo về một cuộc tập trận và đuổi các tàu dân sự ra khỏi khu vực đó là một hành động bình thường của các quốc gia tử tế trong đa số các trường hợp. Nhưng khi đưa ra lệnh cấm qua lại nới rộng ra vào vùng biển quốc tế, hay là trong khu vực mà một quốc gia khác coi đó là lãnh thổ của họ, thì đều được coi là rất thiếu lễ độ.”

Dẫn lời Tiến Sĩ Denny Roy của Trung Tâm Nghiên Cứu East-West Center của Viện Đại Học Hawaii, Vice nói, “Vấn đề căn bản là Trung Quốc tìm cách thiết lập một mức độ sở hữu nào đó, và do đó quyền kiểm soát trên khu vực mà toàn thể phần còn lại của thế giới coi là một hải lộ quốc tế. Trung Quốc cũng có quyền như tất cả mọi người khác tổ chức tập trận trong vùng biển quốc tế, nhưng không thể đơn phương tuyên bố một phần của hải phận quốc tế đóng cửa cho các tàu bè của các quốc gia khác trong khi Trung Quốc tập trận. Đây là một tiền lệ mà các quốc gia khác không thể cho phép trừ phi họ sẵn sàng chấp nhận là Trung Quốc sở hữu Biển Nam Trung Hoa.”

Đối với Hà Nội, không những Bắc Kinh đã chặn một khu vực mà đa số mọi người trên thế giới này coi là hải lộ quốc tế, nhưng ít nhất một phần khu vực đó nằm trong lãnh thổ của quần đảo Hoàng Sa, tức là một vùng đất tranh cãi. Mặc dù Trung Cộng đã chiếm đóng Hoàng Sa kể từ khi dành từ tay của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974, Việt Nam, ngay cả chính quyền Hà Nội, trừ công hàm Phạm Văn Đồng, soạn thảo trong khi còn cần trông cậy vào Trung Cộng để đánh chiếm miền Nam, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền.

Dĩ nhiên hành động của Bắc Kinh chỉ đổ dầu vào lửa với các quốc gia trong vùng ngày càng tìm cách liên minh với nhau hay liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi.

Ngay cả đến Philippines, một quốc gia nghèo, đang còn phải cố gắng để phát triển kinh tế, cũng đã phải đầu tư vào quân đội. Hôm giữa tháng 7, Philippines đã cho thành lập lại một quân cảng trong Vịnh Subic. Đã có thời là một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Hoa Kỳ trên thế giới, hồi năm 1992, trong một cử chỉ thiển cận thúc đẩy bởi một sự liên minh giữa giới địa chủ quyền quý muốn làm ăn với Trung Cộng và nhóm trí thức thành thị thiên tả, chính phủ Philippines đã không tái tục hợp đồng cho Hoa Kỳ thuê. Ngày nay đã có nhiều người Philippines đã hối tiếc quyết định này.

Sau khi lấy lại về, chính phủ Philippines biến căn cứ Subic thành một khu chế xuất nhưng hầu như là không được sử dụng bao nhiêu. Thứ Trưởng Quốc Phòng Pio Lorenzo Batino của Philippines cho Thông Tấn Xã Reuters biết là quân đội đã thuê lại một phần của căn cứ khổng lồ cũ trong một hợp đồng 15 năm có thể tái tục. Như vậy là lần đầu tiên từ 23 năm nay, vịnh Subic đã lại trở thành một căn cứ quân sự.

Sử dụng vịnh Subic sẽ cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hữu hiệu hơn đối với mọi hành động của Trung Cộng trong Biển Đông. Cảng nước sâu Subic nằm ở bờ phía tây của đảo Luzon, đảo chính của Philippines, trông ngay ra Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Một chuyên gia quân sự Philippines, được Reuter dẫn lời, nói, “Giá trị của Subic như là một căn cứ quân sự đã được người Mỹ chứng minh. Những nhà làm chiến thuật Trung Quốc cũng biết điều đó.”

Các viên chức thì nói là một khi căn cứ hoạt động trở lại thì hải quân Hoa Kỳ có thể tiếp cận nhiều hơn trong một thỏa thuận đã ký từ một năm nay cho phép quân đội Hoa kỳ sử dụng rộng rãi các căn cứ quân sự địa phương, tuy là thỏa thuận này đang chờ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện khi một số vị dân cử cánh tả thách thức đi kiện.

Trong khi chờ đợi, Philippines sẽ đưa hai chiến đấu cơ mới toanh FA-50 do Nam Hàn sản xuất, đợt dầu tiên của khoảng một tá loại phi cơ này được đặt hàng năm ngoái, đến hoạt động từ phi trường của căn cứ Subic. Một phi đoàn sẽ được đặt căn cứ ở Subic cũng như không đoàn 5, vốn sẽ dọn từ căn cứ tồi tàn ở miền Nam Luzon đến đó. Thêm vào đó, hai chiến hạm mới cũng sẽ được đưa về Subic.

Các chuyên gia an ninh thì chỉ ra là vịnh Subic chỉ có 145 hải lý (270km) cách bãi Scarborough, bãi cạn mà Trung Cộng đã chiếm của Philippines hồi năm 2012 sau ba tháng đối đầu, và chỉ vì Philippines nghe lời Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ được Bắc Kinh hứa sẽ rút lui nếu Philippines rút lui. Việc có ngày Trung Cộng có thể biến bãi Scarborough thành một hòn đảo nhân tạo sẽ làm cho Philippines khó bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370km) ngoài khơi Luzon hơn. Tiến Sĩ Patrich Cronin, chuyên gia về vùng của Trung Tâm Nghiên Cứu Center for a New American Security, giải thích, “Những chiến đấu cơ Nam Hàn có thể đến bãi Scarborough trong vài khúc trong khi phi cơ tuần thám và phi cơ điều khiển từ xa drone có thể thường xuyên theo dõi mọi di chuyển của Trung Quốc trong khu vực. Trở về vịnh Subic có vẻ là một phản ứng phòng thủ thận trọng.”

Nhưng thái độ khiêu khích của Trung Cộng không phải chỉ qua cuộc tập trận khổng lồ bắn đạn thật ở Biển Đông mà còn qua những lời tuyên bố khiêu khích nữa. Hôm thứ năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Cộng đột nhiên lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đã “quân sự hóa” Biển Đông. Phát ngôn nhân Dương Vũ Quân đã chỉ trích Hoa Kỳ “thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc” và nỗ lực gây bất hòa giữa Bắc Kinh và các quốc gia láng giềng. Ông Dương khẳng định “Trung Quốc thực sự quan ngại về việc Hoa Kỳ thúc đẩy quân sự hóa Biển Hoa Nam. Những gì họ đang làm không những chẳng giúp ích gì mà còn khiến mọi người phải nghĩ là liệu phải chăng họ chỉ muốn có rối loạn.”

Như Tiến Sĩ Roy của East-West Center đã nói ở trên, lời tuyên bố của phát ngôn nhân quân đội Trung Cộng là một khẳng định nữa cho việc dành quyền chiếm hữu một vùng mà trên thực tế là lãnh hải quốc tế.

Tiến Sĩ Michael Mazza, một chuyên gia của viện nghiên cứu American Enterprise Institute, đã cố vấn, “Hoa Kỳ lâu nay vẫn nói là trung lập trong các cuộc tranh chấp và căn bản đã có một lập trường khá thụ động về những gì đang xảy ra ở Biển Hoa Nam. Tôi nghĩ Hoa Kỳ cần phải, cùng chung với các đồng minh và đối tác trong vùng, thực sự có lập trường về điều mà Hoa Kỳ tin là biển khơi chống lại lãnh hải. Và có thể phải có một số phán quyết về điều có thể là một tuyên bố chủ quyền chấp nhận được và điều gì không chấp nhận nổi. Điều đó sẽ cho Hoa Kỳ một đường căn bản từ đó có thể có hành động trong vùng để chống lại những hành động đặc biệt gây sự của Trung Quốc, hay hành động gây sự của các quốc gia khác, để ngăn cản có thêm các hoạt động gây hấn thêm nữa.”

Và có lẽ khi Phụ Tá Ngoại Trưởng Daniel Russel khẳng định “Hoa Kỳ không trung lập khi nói đến tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông và Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ khẳng định để bảo đảm là mọi phe phái phải tuân thủ luật lệ,” ông đã đưa ra lập trường mới của Hoa Kỳ, một lập trường không cho phép Bắc Kinh tự do tung hoành ở Biển Đông nữa. Thế ra diệu võ dương oai và tuyên bố đao to búa lớn chưa chắc là một thái độ tự tin mà có thể là tự ti mặc cảm.

Lê Phan

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: