Lưu Vĩnh Trinh là một cô học trò 18 tuổi sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Em ước mơ sau này sẽ thành giáo viên dạy tiếng Anh. Trinh vừa cùng 1 triệu học sinh Việt nam tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vào tháng Bảy năm nay và sau 12 năm ngồi ghế nhà trường, Trinh và các bạn của em nhận biết được khá nhiều vấn đề cần được cải thiện để nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt nam.
“Mẹ em nửa đùa nửa thật bảo em, con hay nói về các vấn đề ở trường, sao con không chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người khi có cơ hội,” Trinh tâm sự. Trinh quyết định tham gia vào cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt nam 20 năm tới”, em mất một tuần để viết bài và rất bất ngờ khi bài của em được đánh giá cao ở vòng sơ khảo và đoạt giải ba dành cho lứa tuổi dưới 30.
“Hai mươi năm sau, học sinh Việt nam sẽ được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, có thể phát huy tối đa sự tự chủ trong học tập và sáng tạo, trở thành những con người hết sức tự tin và năng động, dám nghĩ, dám làm”, Trinh viết trong bài thi. Giáo dục là chủ đề “nóng bỏng” ở Việt nam và cũng là được hơn 10% trong tổng số 589 bài tham gia cuộc thi đề cập đến.
Trinh mong chương trình học phổ thông sẽ có tính thực tiễn nhiều hơn, nâng cao trình độ giáo viên, thiết kế các bài giảng theo chuyên đề, học sinh được bỏ phiếu bày tỏ mức tín nhiệm với giáo viên và dạy tiếng Anh sẽ có hiệu quả và chất lượng cao hơn. “Về phương pháp giảng dạy, Bộ cần thay đổi theo hướng gợi mở, học sinh chủ động, tránh áp đặt, khiên cưỡng,” Trinh đề xuất.
“Tôi thật mừng là các bạn trẻ viết rất tốt, có suy nghĩ hướng tới phát triển, có tâm huyết và các bạn đã không bàng quang”, một biên tập viên của Tuổi trẻ nói với chúng tôi. Chị là người đã nhận và đọc tất cả viết của 468 độc giả từ 15 đến 90 tuổi tham gia vào cuộc thi do Báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt nam cùng với hàng ngàn đề xuất và giải pháp để thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước.
Hai mươi năm trước đây, người Việt nam còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình “đổi mới”, suy tính và lo lắng nhiều đến công ăn việc làm, đến phát triển kinh tế, đến việc Việt nam sẽ hội nhập với quốc tế ra sao. Sau hai thập kỷ, khi nói về tương lai, ngoài vấn đề kinh tế, người dân Việt nam tập trung vào vấn đề môi trường và chất lượng sống, vấn đề bất bình đẳng, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, chất lượng nghiên cứu về Biển Đông… Các kỳ vọng còn hướng đến tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, người trẻ phải được quyền tự quyết và cùng tạo màu xanh cho đất nước.
“Tôi mơ ước 20 năm nữa… đô thị Việt nam không chỉ sạch đẹp, văn minh với những tòa nhà hiện đại, vỉa hè thẳng tươm mà còn thân thiện, nhân văn; ở đó người nghèo và người nhập cư có thể sống bằng chính sức lao động chân chính của họ với chỗ ở đàng hoàng,” Lê Công Sỹ, kiến trúc sư 37 tuổi viết.
“Có bất bình đẳng không khi (công nhân nhập cư) là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội bằng sự lao động cực nhọc nhưng những gì họ thụ hưởng từ xã hội lại quá ít ỏi, thậm chí đối với những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở?”, chị Thu Phan viết từ Đồng Nai, địa Phương tập trung nhiều nhà máy sản xuất thu hút số lượng lớn người nhập cư. Gần đây địa phương này đã giải quyết vấn đề nhà ở bằng việc khuyến khích doanh nghiệp bỏ tiền xây nhà và bán với giá rẻ và không vì lợi nhuận cho công nhân.
Song Phương lại bày tỏ sự kỳ vọng vào câu chuyện rất thơ mộng: “Trẻ em được giáo dục cách nâng niu từng mầm sống, cách giữ cho bầu không khí trong sạch mát lành, lối ứng xử hòa vào thiên nhiên cây cỏ… Cha mẹ hiểu con hơn qua những khoảng khắc cùng chăm một chậu cây, tuổi trẻ bớt vội vàng để chiêm nghiệm một chiều thu thay lá.” Bài viết xuất phát từ câu chuyện rất thực tế của chính chị đang vun đắp cho gia đình mình, cùng với ấp ủ một dự án xanh cho khu công nghiệp nơi chị đang làm việc. Song Phương hoàn toàn bất ngờ khi nghe công bố bài viết của chị đoạt giải nhất dành cho lứa tuổi trên 30.
Trong khi đó, giải nhất dành cho lứa tuổi dưới 30 thuộc về bà mẹ trẻ Lê Hồng Mận với bài viết “Một lớp trẻ được trao quyền tự quyết”. Câu chuyện nuôi dạy con và dự án nho nhỏ của Hồng Mận đã thật sự thuyết phục ban giám khảo không chỉ vì nội dung bài viết mạch lạc mà phần trình bày cũng rất tự tin.
Một cuộc thi thật nhiều ý nghĩa!
Kết quả cuộc thi không phải là điểm kết thúc mà mới chỉ là sự khởi đầu. Đó là sự khởi đầu cho những hành động cụ thể để cùng nhau biến kỳ vọng thành hiện thực vào năm 2035.
Vietnam in 20 years: Visions and Solutions from Citizens
Bài viết được đăng lại với sự đồng ý của World Bank Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét