Ngay khi “Cách Mạng Hoa Nhài” nổ ra ở Tunisia và Egypt, nhiều người đã đưa câu hỏi “Tiếp theo là nước nào ?”. Một ký giả gốc Tàu đã quả quyết : “ Là nước Tàu”. Dĩ nhiên, vốn cùng phe “tiến lên xã hội chủ nghĩa” với Gaddafi, Tàu Cộng “sờ lên gáy”, đâm ra “lo ngay ngáy”. Đến tháng 2-2011, cách mạng lan sang Libya, bùng ra thành “Mùa Xuân Ả Rập”, bạo quyền Gaddafi đôi phó với “Lòng Dân” bằng cả xe tăng lẫn tàu bay và chiến hạm, tự ý tước bỏ “tính chính đáng cai trị” – legitimacy to rule – của mình. Liên Đoàn Ả Rập đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.
Tàu Cộng có phiếu (phủ quyết) trong Ban Thường Trực Hội Đồng Bảo An LHQ, đã không dám dùng phiếu ấy chống lại chính nghĩa của Lòng Dân Libya, nên đã bỏ phiếu trắng – abstension. Quốc tế can thiệp bằng quân sự, giúp dân Libya chống bạo quyền, Tàu Cộng (nhịn không được), vượt quá thái độ “bỏ phiếu trắng” của mình, thường xuyên “cảnh báo” Mỹ và Liên Âu “nặng tay quá mức” cho phép của LHQ. Trách người, nhưng thật ra Tàu Cộng chỉ lo cho trên 50 công trình đầu tư của mình, với cả trăm tỷ đô la kẹt vào hạ tầng cơ sở nước Libya. Kẹt nhất, là vũ khí giết hại dân lành ở Libya không thể giấu diếm “made in China”. Bấy lâu, Tàu Cộng vẫn là “lái súng”, cung cấp vũ khí cho bất cứ khách hàng nào (bất kể “khủng bố” hay “hải tặc”). Riêng các nước Châu Phi và Trung Đông có mỏ dầu, Tàu Cộng “đổi súng lấy dầu hỏa” theo kiểu trao đổi hiện vật – bartering – thời Trung Cổ. Nay Libya “lâm nạn”, chẳ̉ng những Tàu mất một “nước bạn xã hội chủ nghĩa anh em”, mà còn “mất mối” làm ăn, mất luôn một “con mồi xâm thực”. Bọn chóp bu cộng sản sống sót ở VN, vốn là cái bóng thu nhỏ của Tàu Cộng. Khi quốc tế can thiệp quân sự vào Libya, chúng gọi đó là “tiền lệ xấu”. Quyền lợi gì khiến cho chúng phải “tỏ thái độ” như thế ? Đồng bọn bênh nhau ? Lo sợ sẽ đến phiên mình ? Hay lo sợ cho “cách mạng xhcn” sắp bị hỏi tội ? Có lẽ là tất cả.
Cách mạng Libya đang kết thúc phần đầu. Báo VnExpress của Hà Nội “mừng ra mặt” khi một con trai của Gaddafi (nghe nói) bị bắt, mà rồi lại thoát thân được. Cùng ngày quân nổi dậy san bằng sào huyệt của Gaddafi ở thủ đô Tripoli (24-8-2011),báo Quân Đội Nhân Dân ở Hà Nội đăng bài của một người xưng là “Trung Tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình”, có tựa đề “Bài học từ sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô”. Bài viết khá nghiêm chỉnh, “đúng lập trường”, từ hình thức đến nội dung, đủ để các chức sắc “lý luận” không bắt bẻ vào đâu được. Nhưng, vào lúc Gaddafi bỏ thủ đô chạy trốn, nhắc chuyện “sụp đổ và tan rã” của Liên Xô để “học bài”, thử hỏi : tác giả ngụ ý gì “giữa hai hàng chữ” ? Thì đây :
Trước hết, tác giả nêu ra “cách” sụp đổ và tan rã khác nhau giữa Liên Xô và Đông Âu : A/ Liên Xô sụp đổ do “tự diễn biến, tự chuyển hóa ở bên trong và từ bên trên”, dẫn tới “cách mạng cung đình”; B/ Đông Âu tan rã do“các thế lực thù địch tập trung thúc đẩy … làm tha hóa và phân hóa đảng cầm quyền và Nhà nước XHCN”. Tuy khác nhau, nhưng cả LX lẫn Đông Âu đều sụp đổ vì bị “điệp viên ảnh hưởng của CIA” xâm nhập, lũng đoạn (LX), và “cùng chịu tác động mạnh mẽ của chiến lược “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” do các thế lực thù địch tiến hành”.
Tiếp theo, tác giả vạch ra những sai lầm đưa đến sụp đổ, đại khái là “ngộ nhận, say đắm và quá ảo tưởng đối với phương Tây tư bản chủ nghĩa”, tạo điều kiện cho “các phần tử cơ hội thực dụng về kinh tế và chính trị nắm giữ những trọng trách trong ban lãnh đạo đảng và Nhà nước LX đã phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa và lợi ích dân tộc, phản bội tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo ĐCS Liên Xô, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa”. Tóm lại, tác giả không nói nhiều về Perestroika của LX, mà cho rằng Glasnost là sai lầm. Nói khác đi, tác giả tỏ ra “vững lập trường”, theo bài bản “sao chép” của Tàu Cộng : kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Học bài xong, tác giả “kê toa thuốc” theo kiểu Tàu, gồm nhiểu “vị thuốc” , lần lượt, từ “một là, hai là”… cho đến “năm là”, như sau :
1/ Công tác tư tưởng : phải coi “phòng chống ‘diễn biến hòa bình’ và ‘cách mạng màu’ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và mang tính cấp thiết”. Thực tế đã chứng minh : khi đã vào kinh tế thị trường, quy luật khách quan buộc rằng phải có tự do cạnh tranh đi đôi với “quyền tư hữu” (vốn là nền tảng của chủ nghĩa cá nhân – individualism, đối nghịch với chủ nghĩa tập thể – collectivism); gắn cái đuôi “định hướng xhcn” vào kinh tế thị trường là “duy ý chí”, là cưỡng lại quy luật khách quan, sẽ bị nó nghiền nát, dù cho đặt tên nó là “diễn biến hòa bình” hay “diễn biến không hòa bình”. Liên Xô sụp đổ vì Glasnost chậm quá, chạy theo không kịp với Perestroika.
2/ Công tác cán bộ : Trong mục “hai là” này, tác giả viết : “Trong tiến trình diễn biến hòa bình và cách mạng màu, các thế lực thù địch tập trung chống phá làm cho đảng cầm quyền và bộ máy chính quyền suy yếu về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm tha hóa biến chất đội ngũ cán bộ, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, dẫn tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chính quyền, giành quyền lãnh đạo và kiểm soát các cơ quan quyền lực Nhà nước cho lực lượng đối lập, đưa đất nước ngả theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Ở đây, tác giả đã “đảo ngược nguyên nhân và kết quả”. Thất bại về kinh tế, từ Đại Hội XX, đảng CS Liên Xô đã phải chấp nhận “chung sống hòa bình với tư bản”. Cũng thế, khi dựa vào Mỹ để “phản Liên Xô, Mao đã tự nguyện “ngả theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản”, chứ có thế lực thù địch nào “tập trung chống phá” đâu, mà “tha hóa biến chất”, rồi …”đổ thừa” ? Sự thật là, khi cộng sản (viện dẫn Mác) chủ trương mượn đường chủ nghĩa tư bản (quá độ), công nghiệp hóa xong, mới “tiến lên” xhcn, họ chỉ có trong đầu hình ảnh chủ nghĩa “tư bản rừng rú”, thời thế kỷ 18, 19, theo đó “người bóc lột người” đã bị chính Mác lên án. Sang thế kỷ 20, tư bản rừng rú đã “tiến lên” thành các đế quốc, tranh giành nhau (như Mác “tiên tri”). Tư bản rừng rú kết hợp với chủ nghĩa dân tộc, đẩy lên cao độ, thành đế quốc phát xít như Đức Quốc Xã – Nationalist Socialism – trước Thế Chiến II, hay như Tàu Cộng hiện nay. Kinh tế thị trường, với tự do cạnh tranh và chủ nghĩa cá nhân, mà không được kiềm chế bởi khung “dân chủ pháp trị”, đương nhiên bộ máy độc quyền cai trị bị hủ hóa. Đó là quy luật khách quan. Gorbachev thanh trừng không kịp bọn hủ hóa này, nên LX mới sụp đổ. Tác giả Tiến Bình đảo lộn kết quả thành nguyên nhân, nên cho rằng Gorbachev đã sai lầm.
3/ Nắm chắc dân : Đức quốc Xã “nắm chắc dân” với chủ nghĩa phát-xít (chữ fascism đến từ chữ faisceau, có nghĩa là “bó”, như bó lúa, hay bó đũa). Cộng sản Á Châu “nắm chắc dân” theo khuôn “tam pháp bửu” – đảng-đoàn-mặt-trận – của Tàu. Chế độ “hộ khẩu”, với “tổ dân phố”, “dân phòng”, v.v… từ đó mà ra. Ở đây, tác giả viết : “Khi đảng và chính quyền bị tha hóa biến chất, xa dân và sách nhiễu dân, mối quan hệ với nhân dân bị rạn vỡ, thì đảng sẽ mất quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chính quyền sẽ bị lật đổ”. Đọc đoạn này, quả tình không biết được tác giả đang “dùng suy luận để tiên tri”, hay đang “mô tả một thực tế lõa lồ trước mắt”. Chế độ đương quyền ở VN thường khoe khoang “ra ngõ gặp anh hùng”; thực tế cho thấy xã hội VN “ác ôn ngay trước cửa”, không phải đi đâu xa. Tác giả lại khuyên Đảng cầm quyền phải : “thực sự dân chủ, lắng nghe và tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Thật khôi hài. Câu này nghe như “cô giáo đang răn học trò hư”, chứ không phải một “trung tướng” viết báo Quân Đội Nhân Dân “kiểm thảo” một chế độ trước nguy cơ sụp đổ. Một chế độ đang bỏ tù người viết báo, bưng bít thông tin, cướp nhà đất của dân, đào mồ cuốc mả dân để “giải phóng mặt bằng”, giết người giữa phố chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, mà bảo nó “phải gắn bó mật thiết với dân”. Chắc là “gắn bó” theo kiểu “đạp vào mặt dân” như công an Minh “gắn bó” với người biểu tình Nguyễn Chí Đức ?
4/ Kinh tế ổn định và phát triển vững chắc : Không cần xét về lý thuyết, để nói rằng xây nhà chính trị cộng sản trên nền móng kinh tế tư bản là nghịch lý. Chỉ cần nhìn vào thực tế trước mắt, thấy đảng cộng sản hô khẩu hiệu “làm giàu là vinh quang”, đủ hiểu nó là một đảng “gì đâu”, có còn tí “lý tưởng” nào nữa mà hòng “công tác cán bộ” đạt hiệu quả. Những “lão thành cách mạng” hầu hết đã “quá cố” hoặc “ra rìa”. Một đời hy sinh cho lý tưởng như Ba Sương – cha con đều “anh hùng lao động” – đang được đảng cộng sản “ân oán phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” bằng cách truy tố về tội tham nhũng “đầy vinh quang”. Với “ba thành phần” kinh tế ráo riết “vừa tranh quyền vừa tranh ăn”, làm sao kinh tế ổn định được. Với kinh tế “kế hoạch tập trung” và “chủ đạo quốc doanh”, tạo cơ hội mua quan bán chức, bòn rút, tham nhũng, làm sao “phát triển vững chắc” được. Tác giả kể lại tệ nạn ở Liên Xô trước khi sụp đổ, mà cứ như là mô tả Việt Nam cộng sản hôm nay :”…tầng lớp đặc quyền là các phần tử thoái hóa, biến chất lạm dụng chức vụ mưu lợi riêng trong hàng ngũ cán bộ ngày càng lộng hành, làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Đảng và Nhà nước XHCN. Hiện tượng độc quyền không chỉ thể hiện ở lĩnh vực phân phối, mà còn trong hoạch định, thực thi các chính sách, bố trí sử dụng cán bộ, uốn cong luật pháp để mưu lợi riêng cho bản thân, cho “nhóm lợi ích” và “tập đoàn lợi ích đặc biệt, đồng thời né tránh sự kiểm tra, giám sát của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước”. Bốn cái “là” kể trên tỏ ra vô dụng. Còn cái “là” thứ 5.
5/ Phải nắm chắc Lực Lượng Vũ Trang : Đảng csvn không trông cậy được gì vào 4 “vị thuốc” cứu đảng của Nguyễn Tiến Bình, Vậy chỉ còn trông cậy vào hai “cỗ máy kìm kẹp” truyền thống : Quân Đội và Công An. Hiện VGCS chỉ mới dùng Công An “đối phó” với Lòng Dân đang dấy lên. Theo Chỉ Số Nổi Loạn – Index of Revolt – của Wall Street Journal, Việt Nam đứng thứ 10, trong khi Tunisia thứ 13. Công An VGCS ứng phó với biến động có thể “nhuần nhuyễn” hơn Tunisia, Egypt, Libya hay Syria, trong khi quần chúng đấu tranh VN chưa thuần thục lắm với “đấu tranh bất bạo động”. Hơn nữa, thấy rõ là trước sau gì VGCS cũng không thể làm khác hơn Libya hay Syria, đội ngũ đấu tranh VN cần phải sẵn sàng với các hình thức đấu tranh mạnh mẽ hơn hiện nay. Ít ra, cần phân biệt các hình thức, từ meeting, manifestation, demonstration, đến sit-in hay rioting, v.v… (không tiện dịch ra để tránh bị xuyên tạc). Ngoài ra, các tổ chức có đông đảo quần chúng như các tôn giáo, nghiệp đoàn, NGO, hiệp hội tư, chưa có dấu hiệu nối kết thành “tổng lực”, vẫn còn như “xa luân chiến”.
Nhân “diễn biến không hòa bình” ở Libya đang chuyển sang đợt 2, bài báo của Nguyễn Tiến Bình tuy là bài học cho đảng cầm quyền, nhưng cũng cho ta thấy chế độ VGCS mạnh yếu chỗ nào, giúp ta đấu tranh hiệu quả hơn trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét