Pages

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Khó có luật biểu tình trước năm 2014

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Trong thời gian gần đây người dân Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc biểu tình để bày tỏ chính kiến. Tuy được hiến pháp qui định, nhưng quyền biểu tình chưa được luật hóa nên dễ bị trấn áp giải tán.
AFP PHOTO
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội sáng 14-08-2011.

Hiến pháp đã qui định

Đã hơn 45 ngày trôi qua, nhưng Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội chưa nhận được bất kỳ sự hồi đáp nào từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị xin giải thích điều 69 Hiến pháp, liên quan tới quyền biểu tình của người dân.

Điều 69 bản Hiến pháp 1992 của Việt Nam qui định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Theo tôi, ít nhất đã tác động được các đại biểu Quốc hội về tầm quan trọng của Luật biểu tình.
LS Trần Vũ Hải
Theo LS Trần Vũ Hải, trong khi chưa ban hành luật biểu tình công dân Việt Nam có quyền thể hiện quyền cơ bản này. Đối với kiến nghị gởi  UBTV Quốc hội mà chưa có hồi đáp, LS Trần Vũ Hải nhận định:

“Tôi nghĩ rằng vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và một đại biểu nữa là LS Trần Trọng Nghĩa nêu lên tại Quốc hội là cần làm rõ vấn đề này, ít nhất là cũng phải có bàn Luật biểu tình. Theo tôi, ít nhất đã tác động được các đại biểu Quốc hội về tầm quan trọng của Luật biểu tình. Còn trong trường hợp chưa có luật biểu tình sẽ dẫn tới những khó khăn nhất định cho các bên, kể cả cơ quan chức năng cũng như người dân. Tuy nhiên theo cá nhân tôi, không vì thế mà người dân mất đi cái quyền mà Hiến pháp đã qui định.”

Cản trở đà tiến bộ

Gần 20 năm từ khi có hiến pháp 1992 nhưng Quốc hội Việt Nam đã quá chậm chạp trong việc xây dựng và ban hành nhiều bộ luật trong đó có những luật về quyền cơ bản như biểu tình, lập hội và trưng cầu dân ý. Một chặng đường dài đã đi qua nhưng quyền biểu tình của người dân Việt Nam vẫn còn khá mù mờ.

Chiều 6/8 khi bế mạc kỳ họp đầu của Quốc hội khóa 13, Thường vụ Quốc hội vẫn bỏ ngỏ khả năng xây dựng luật biểu tình khi nói rằng, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị những dự án luật trong đó có luật biểu tình khi nào đủ điều kiện qui định sẽ trình Quốc hội.

000_Hkg5218897-250
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội sáng 14-08-2011. AFP PHOTO.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, phải chăng vẫn có dấu hiệu làm chậm lại việc xây dựng Luật biểu tình hay không? Luật sư Trần Vũ Hải nhận định:

“Tôi nghĩ rằng họ chưa chuẩn bị kỹ, điều đó có nghĩa là đến 2012 khả năng ra Luật biểu tình rất là thấp, năm 2013 dự kiến thông qua Hiến pháp mới, vậy Luật biểu tình có thể phải đến 2014. Thật ra không phải là chuyện kéo dài thời gian, thật đáng tiếc là họ chưa chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nếu việc biểu tình tiếp tục kéo dài thì có khi họ nghĩ là phải ban hành ngay.”
Những cuộc biểu tình bày tỏ ý kiến bất đồng ở Việt Nam được cho là không qui tụ được nhiều người tham gia. Nhưng điều này không có nghĩa là số đông thờ ơ không quan tâm tới thời cuộc. Anh Nguyễn Chí Đức ở Hà Nội bản thân là đảng viên cộng sản, anh từng bị công an bạo hành trong một cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Biển Đông, phát biểu:
Họ chưa chuẩn bị kỹ, điều đó có nghĩa là đến 2012 khả năng ra Luật biểu tình rất là thấp, năm 2013 dự kiến thông qua Hiến pháp mới, vậy Luật biểu tình có thể phải đến 2014.
LS Trần Vũ Hải
“Mình phải có hình thức nào để dân thể hiện thái độ, đây cũng chính là cơ hội để cho Nhà nứơc thấy được ý kiến của nhân dân. Mặc dù số lượng người đi biểu tình rất ít, nhưng những người quan sát theo dõi lại rất là nhiều, kể cả những người bình dân thợ thuyền, người nghèo họ cũng nghe ngóng…xóm em cũng thế người bình dân có thông tin biểu tình mỗi sáng Chủ nhật trước Đại sứ quán Trung Quốc.”
Luật sư Trần Vũ Hải nêu ý kiến là ở Việt Nam cũng từng có những cuộc biểu tình đông người khi quyền lợi thiết thân của người dân bị xâm phạm, thí dụ về vấn đề đất đai oan sai. Luật sư Hải nhắc tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 5/6/2011 ở TP.HCM qui tụ khoảng 2.000 người theo tin trên mạng. Ông cho rằng, nếu so sánh với cuộc xuống đường 12.000 người gần đây ở Đại Liên Trung Quốc, thì cũng không phải là nhỏ theo qui mô dân số. LS Trần Vũ Hải nhấn mạnh:

“Việc biểu lộ ý kiến dưới nhiều hình thức, qua ngôn luận, qua báo chí, qua Internet và qua những cuộc biểu tình mít tinh …đó là quyền con người và phải được đảm bảo. Nếu không có luật để đảm bảo tốt sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường khác nhau cho cả người dân cũng như chính quyền, đầy là một điều không có lợi.”
Trong quá trình hội nhập thế giới Việt Nam đạt nhiều thành công về mặt kinh tế nhờ cải cách.

Tuy nhiên thể chế chính trị và đặc biệt lãnh vực luật pháp sự cải tổ vừa chậm vừa hạn chế đã cản trở đà tiến bộ chung của đất nước.

Không có nhận xét nào: