Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Linh mục và Chính trị

Lm. Anre Đỗ Xuân Quế

1. Ngày nay hơn bao giờ hết, con người bị vấn vương vào kinh tế và chính trị. Hai thứ này liên quan đến quyền lợi quốc gia, cá nhân và gia đình. Đó thường là mối bận tâm của nhiều người trong các cuộc đầu phiếu để chọn người vào các cơ quan công quyền của Nhà Nước, khi ứng cử, tranh cử và bầu cử. Nhưng thật là tai hại, nếu nghĩ rằng chính trị chỉ liên hệ đến hoàn cảnh kinh tế mà không liên hệ đến những gì khác nữa. Thật vậy, những dự định lớn lao nhằm phục vụ con người và công ích thường tùy thuộc vào kinh tế, nhưng không phải vì vậy mà được bỏ qua không nghĩ đến các vấn đề liên hệ đến quyền sở hữu, việc sử dụng, lưu hành và phân phối các của cải vật chất.

2. Đó là những vấn đề bao hàm chiều kích đạo đức mà các linh mục phải lưu tâm để phục vụ con ngưòi và xã hội, như nhiệm vụ Chúa Giê-su đa trao phó cho các vị. Chúa Giê-su đã đề ra một giáo thuyết và ban truyền những huấn lệnh soi sáng đời sống con người và xã hội. Đặc biệt Người đã rao truyền tình tương thân tương ái. Lệnh truyền này bao hàm sự kính trọng con ngưòi và quyền lợi của mỗi người, đề cao các luật lệ về công bình xã hội, nhìn nhận tất cả những gì thuộc về con người và phân chia đồng đều của cải vật chất cho các cá nhân, gia đình cũng như đoàn thể. Hơn nữa, Người còn nhấn mạnh đến tính phổ quát của tình thương vượt lên trên những sự khác biệt về chủng tộc hay quốc gia. Khi tự nhận và xưng mình là “Con Người”, Chúa Giê-su đã muốn dùng danh hiệu “mê-si-a” để xác quyết rằng công trình của Người là dành cho mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Khi loan báo Tin mừng bình an cho các môn đệ và mọi người, Chúa Giê-su đã đặt nền móng dựa trên các huấn thị về tình huynh đệ, nghĩa liên đới, sự tương thân tương ái trong một khung cảnh phổ quát. Đã rõ là đối với Người, đó là mục đích và nguyên tắc để tạo ra một căn bản chính trị chân chính.
3. Dù vậy, đã không bao giờ Người muốn dấn thân vào một phong trào chính trị. Người đã luôn tránh mọi cuộc vận động nhằm đưa Người vào những công việc và vấn đề trần thế (Ga 6,15) Vương quốc Người thành lập không thuộc trần gian này (Ga 18,36). Những ai muốn Người bày tỏ lập trường đối với chính quyền, Người nói rõ : “Trả cho Xê-da cái thuộc về Xê-da, trả cho Thiên Chúa cái thuộc về Thiên Chúa.” (Mt 22,21)
Người đã không bao giờ hứa với dân Do thái, đồng bào của Người, là sẽ giải phóng họ cho khỏi ách thống trị của người Rô-ma, như người ta vẫn đợi chờ nơi một Đấng Mê-si-a như Người.
  • Chúa Giê-su đã xác quyết Người đến như Con Thiên Chúa để hiến cho loài người đang bị tội lỗi thống trị sự giải phóng về đường thiêng liêng và ơn gọi vào Nước Thiên Chúa. (Ga 8,34-36).
  • Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Ga 20,28).
  • Người dạy rằng các môn đệ, đặc biệt là các Tông đồ không được nghĩ đến quyền hành trần thế và sự thống trị các dân như quan quyền thế gian, mà phải là những người phục vụ khiêm tốn (Mt 20,20-28),
  • như Chúa và Thầy mình đã làm gương (Ga 13,13-14).
4. Tất nhiên, sự giải phóng về đường thiêng liêng do Chúa Giê-su mang lại phải có những hiệu quả rõ rệt trong mọi góc cạnh của đời sống cá nhân cũng như tập thể, mở ra một cách lượng giá mới về con người xét như một nhân vị, cũng như các tương quan giữa con người với nhau theo đức công bình.
Tình trạng nghèo khó và quyền tự do chính đáng của con người là những địa hạt rất thích hợp cho đời sống linh mục, vì linh mục là phát ngôn nhân của Chúa để công bố Tin Mừng cứu độ loài người và là thừa tác viên để áp dụng hậu quả vào mọi địa hạt và trên mọi cấp bậc. Thượng Hôi đồng Giám mục năm 1971 viết:
“Các linh mục cũng như toàn thể Hội thánh và cùng với Hội thánh, buộc phải chọn một cách hành động rõ ràng với tất cả khả năng của mình, khi quyền lợi căn bản của con người cần được bảo vệ, khi việc phát triển toàn diện con người cần được cổ võ, khi công lý và hòa bình cần phải thực thi bằng những phương pháp thích hợp. Tất cả những diều này đều có giá trị không nguyên trên bình diện cá nhân mà còn trên bình diện xã hội. Vì vậy, các linh mục phải giúp giáo dân tự luyện cho mình một lương tâm ngay thẳng.” (Ench.Vat.IV 1194)
Điều này được nói rõ hơn trong sách Giáo lý công giáo:
“Trực tiếp can thiệp vào chính trị và tổ chức đời sống xã hội không phải là việc của các mục tử trong Hội thánh. Nhiệm vụ này thuộc ơn gọi của giáo dân hành động theo sáng kiến riêng của họ với đồng bào mình.” (GLCG số 2442)
5. Người Ki-tô hữu được kêu gọi dấn thân trực tiếp vào các hoạt động này để góp phần làm cho các nguyên tắc của Tin Mừng luôn nổi bật trong xã hội. Linh mục trực tiếp dấn thân theo Chúa Ki-tô vào việc phát triển Nước Thiên Chúa. Cũng như Chúa Ki-tô, linh mục phải từ chối dấn thân vào những hình thức hoạt động chính trị, nhất là chính trị đảng phái, để bao giờ cũng là người của mọi người, là hiện thân của tình huynh đệ và phụ tử thiêng liêng.
Đương nhiên, có thể có những trường hợp đặc biệt xem ra nên và cần làm để giúp đỡ và thay thế, khi các tổ chức dân sự lỏng lẻo hay lệch lạc. Các tổ chức của nhà đạo thường đã thi hành nhiệm vụ này trong lịch sử với tất cả những cái lợi và bất lợi, cũng như những khó khăn từ đó mà ra. May mắn thay, thời buổi bây giờ đã đổi khác và chính trị cũng phát triển theo đường hướng khác. Xã hội dân sự dần dà có những tổ chức và phương tiện để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình (GS 40 và 76).
Hội thánh lo hoàn thành nhiệm vụ của mình là loan báo Tin Mừng, tuy cũng có khi hợp tác để lo thực hiện công ích, nhưng không ước mơ và chấp nhận đảm trách những vai trò có tính chính trị.
Thượng Hội đồng Giám mục năm 1971 đã ra chỉ thị cho các linh mục trong vấn đề chính trị. Linh mục có quyền đưa ra ý kiến về chính trị và bỏ phiếu theo lương tâm mình, nhưng phải đứng xa không được tham gia hay dấn thân làm chính trị (Ench.Vat IV 1195). Chính trị đảng phái không được đồng hóa với chân lý Tin Mừng. Linh mục phải lưu tâm đến tính tương đối của chính trị ngay cả trong trường hợp có nhiều tín hữu gia nhập đảng phái làm chính trị theo các định hướng của Tin Mừng. Cũng phải nói thêm là quyền của linh mục được bày tỏ các lựa chọn riêng cũng bị giới hạn vì các đòi hỏi do thừa tác vụ của mình. Sự giới hạn này cũng có thể là một chiều kích của đức nghèo khó phải thực hành theo gương Chúa Ki-tô.
6. Thực thế, đôi khi linh mục phải giữ không thi hành quyền của mình để có thể là dấu hiệu về sự hợp nhất và do đấy có thể loan báo Tin Mừng cách hữu ích hơn. Thượng Hội đồng năm 1971 nhắc nhở các linh mục nên tránh dấn thân vào các hoạt động chính trị như nhận trách nhiệm điều khiển với tư cách là chính khách, trừ khi vì ích chung được Đấng Bản quyền và Hội đồng Linh mục sở tại đồng ý và cho phép (Ench.Vat IV 1197)
7. Đối với các linh mục, sự tận tâm nhiệt thành muốn góp phần vào việc lành mạnh hóa đời sống chính trị như loại bỏ bất công, chống lại việc khai thác sức lao động của phụ nữ và trẻ em cũng như bênh vực kẻ bị đàn áp dưới mọi hình thức là điều tốt, nhưng Hội thánh nhắc lại rằng các linh mục rất có thể bị lôi cuốn vào những hoạt động đảng phái, nên phải hết sức thận trọng và canh chừng.
Kết luận
Linh mục không được làm chính trị nhưng có quyền và bổn phận phải lên tiếng bênh vực lẽ phải và sự công chính, vì lợi ích của những người không có tiếng nói hay tiếng nói không được đếm xỉa. Làm như thế, linh mục không làm chính trị, nhưng là thực thi bổn phận chính trị đối với con người, hiểu theo nghĩa là góp phần vào việc lo cho “công thiện công hảo”.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

Không có nhận xét nào: