Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Nhà chùa phát quà, nhà nước ăn cướp


Vào nhà chùa nhận quà

Cách đây vài ngày, thầy Thích Không Tánh (trụ trì chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn) nhắn mời tôi và mấy chị em bạn trưa ngày 12/8/2011 sang ăn cơm chùa nhân dịp lễ Vu Lan và phát quà cho thương phế binh (TPB) VNCH.

Đúng hẹn, tôi và chị Dương Thị Tân (vợ cũ Điếu Cày), cô Lưu Thị Thu Trang (dân oan), ông Nguyễn Văn Mỹ (bạn tôi) đến chùa Liên Trì.

Tại đây, tôi được tiếp xúc nhiều chú, bác TPB tình trạng thân thể rất thê thảm. Thương tật nhẹ nhất là mất 1 chân, trung bình là mất 2 chân, kế tiếp là mất 2 chân 1 tay hoặc mất 2 tay 2 chân, nặng nhất có chú Hai Giúp ở Đồng Tháp mất 2 mắt, 2 chân cụt tới háng và 1 tay.

Anh Tùng (con trai chú Hai Giúp) nói: “Ba tôi suốt ngày ngồi một chỗ giữ nhà và canh điện thoại, ai gọi đến ba tôi trả lời. Phiếu nhận quà của chùa gởi xuống nhà tôi bị Công an xã đến tận nhà lấy, hăm dọa ba tôi không được đi nhận quà. Tôi cõng ba tôi trốn đi từ 5 giờ sáng. Còn ở xóm tôi có 5 chú TPB cũng bị CA lấy mất phiếu nhận quà, hăm dọa nên mấy chú đó sợ không dám đi”.

Chùa Liên Trì mỗi năm tổ chức phát quà kèm theo đãi cơm chay bữa trưa cho TPB và người nghèo bị ung bướu ít nhất 4 lần (trước Tết Nguyên đán, rằm tháng 8 âm lịch, rằm tháng giêng, lễ Vu Lan tháng 7). Ngoài ra, chùa còn phát quà vào những dịp đột xuất khác. Mỗi lần phát khoảng 250 đến 350 suất quà tùy theo nguồn tiền ủng hộ của Mạnh Thường Quân là bà con Việt kiều ở hải ngoại. Vu Lan năm nay, thầy Thích Không Tánh gửi giấy mời nhận quà đích danh 150 TPB VNCH và 50 cựu tù nhân chính trị đến chùa nhận quà.

Công an đặt chốt chặn hai con đường vào chùa, nghe nói TPB nào đi ngang họ chặn lại, bắt nộp giấy mời. Một số người tàn tật khác (có phải thương binh nhà nước hay không thì chưa biết) lại có nhiều giấy mời cầm vào chùa giả TPB VNCH nhận quà. Tuy nhiên, các Phật tử phụ giúp chùa cảnh giác xem xét lại giấy tờ, phát hiện nhiều người mặt non choẹt mà cầm giấy của ông cụ, giấy ghi quê quán miền Bắc mà nói giọng Nam hoặc ngược lại, nên không phát quà. Bọn này tức giận, văng tục um sùm ngay chánh điện.

Rất đông TPB ngồi ở sân trước chánh điện, hành lang dọc hai bên hông chánh điện, trong chánh điện. Thầy Thích Không Tánh liên tục phát loa mời anh em TPB vào chánh điện ngồi trật tự thầy sẽ phát quà tận tay, không có chuyện chùa không phát quà như Công an tuyên truyền sai sự thật, những TPB bị mất phiếu mời nhận quà chỉ cần báo họ tên, địa chỉ, số quân đúng với danh sách nhà chùa đang giữ cũng được nhận quà, ai ở xa sẽ được cho thêm tiền xe 2 chuyến đi về. Thầy Không Tánh còn phát loa lớn ra đường lặp di lặp lại: “Hôm nay là Vu Lan, chùa chỉ phát quà an ủi các TPB VNCH, chứ có làm gì đâu… Tại sao các ông công an lại cướp phiếu mời lãnh quà của các TPB? Các TPB nào có mất phiếu thì cứ vào chùa, danh sách đã có sẵn, sẽ phát sau khi kiểm soát lại giấy tờ. Còn mấy thương binh cộng sản vào cướp phần quà của TPB VNCH sẽ bị lộ”.

Ngoài số TPB ở Sài Gòn, còn có những TPB từ miền Đông, miền Tây Nam bộ đến nhận quà.

Tại chùa, tôi được gặp thầy Thích Thiện Minh là đồng hương với tôi, cô Trần Thị Lệ (mẹ cô Lê Thị Công Nhân), anh Ngô Duy Quyền (chồng cô Công Nhân), cô Ngọc Minh (mẹ cô Đỗ Thị Minh Hạnh đang bị án tù), chú Đoàn Văn Viên (cha anh Đoàn Huy Chương đang bị án tù), cô Anh Thư (con gái tù nhân Nguyễn Hữu Cầu), cô Lê Thị Kim Thu (dân oan, cựu tù) và một số anh chị em cựu tù chính trị khác. Mọi người vui mừng hàn huyên chuyện nhà chuyện cửa, chuyện những người con, người cha người chồng tù nhân mà gia đình họ từ “không biết gì” chuyển sang thái độ “tự hào” vì “đứa con (người cha, người chồng) tù” kiên cường, bất khuất của mình. Tôi sẽ trở lại câu chuyện về những người mẹ “tự hào có con tù” này vào một bài viết chi tiết khác.

Sáng nay, tôi đếm thấy có ít nhất là 3 tay công an mặc thường phục cầm camera xộc vào chùa nghênh ngang như chỗ không người để ghi hình tất cả những người có mặt trong chùa. Xộc vào tận phòng ăn ghi hình mọi người đang ăn cơm. Một tay mặc thường phục đứng tuổi, đeo kính trắng, lưng giắt máy bộ đàm đi tới đi lui trong chùa để chỉ huy hơn 20 công an khác mặc thường phục vây kín từ cổng chùa vào đến mọi nơi trong chùa. Có mấy tay trẻ còn vào phòng ăn lấy bánh mì, lấy nước đá uống “tự nhiên như ruồi”.

Ở quán cà phê đối diện cổng chùa, công an mặc thường phục đặt camera lớn có 3 chân chống chỉa thẳng vào chùa để ghi hình.

Ra nhà nước ăn cướp

1 giờ chiều, tôi đứng trước cổng chùa quan sát thấy ở quán cà phê đối diện chùa có 5 tên công an mặc thường phục, trong đó có tên mập áo trắng vô phòng ăn của chùa lấy bánh mì và tên áo tím mắm ruốc quay camera. Khoảng đất trống cạnh đó có 15 tên đứng lố nhố, một số tên đứng núp sát vách nhà dân. Xa hơn một chút, một xe công an màu đen núp trong đám cỏ ở khu đất nhà dân vừa bị giải tỏa gạch đá nát vụn tan tành. Cách đó một chút về bên phải, nơi có tấm bảng trụ sở tổ dân phố đỏ đỏ lố nhố 8 tên công an thường phục. Chễm chệ bên lề đường phải (tức hướng về quận 1, lối chúng tôi phải đi qua) là một chiếc “bồ câu trắng” và 2 CSGT áo vàng. Giữa khu phố không còn nhà dân, đường vắng, nắng chang chang mà CSGT “kiên trì và nhẫn nại” đứng phơi ở đó thì ai ngu lắm cũng hiểu bọn họ đang nhằm vào chúng tôi.

Khi tất cả TPB và khách mời đã về hết, tôi và anh Mỹ (đi 1 xe máy), chị Tân và cô Trang (đi 1 xe máy) cùng nhau ra về theo hướng cầu Thủ Thiêm mới (đường Lương Định Của, quận 2). Xe máy tôi đi trước, xe chị Tân- cô Trang đi sau, 2 xe cách nhau 1 mét. Phía sau là “bầy lòng ròng” tôi đã liệt kê ở trên ùn ùn kéo theo.

Cách chùa khoảng 30 mét thì xe tôi bị 3 xe máy chở 6 thanh niên bặm trợn mặc thường phục ép lại cúp đầu xe. Chúng tôi bị bọn chúng lôi vào trụ sở Công an phường An Bình, quận 2. Ở đây, tôi thấy có khoảng 20 tên mặc thường phục, trong số này có tên Nguyễn Minh Thắng, tên Quân mặt đen đầu quăn (PA35) từng nhiều lần vào nhà tôi cướp tài sản của tôi.

Bọn chúng dùng vũ lực lôi tôi vô một căn phòng sâu phía trong. Tên Thắng và 3 tên khác xông vào đạp tôi té vào một góc phòng. Tên mặc áo sơ mi xanh sọc trắng đạp vào bụng tôi. Phía bên kia, bạn tôi cũng bị bọn chúng lôi vào phòng đánh đập dã man, tôi nghe tiếng kêu “Trời ơi” thật lớn vọng vào. Tôi bị bọn chúng đè đầu xuống bàn, bẻ tay để cướp túi xách tôi đang đeo trên người, cướp điện thoại di động và cướp xâu chìa khóa nhà trong túi quần.

Đến 5 giờ 30 phút chiều, bọn chúng đuổi tôi đi về. Tôi không đi, chúng cho 2 tên khiêng tôi ra ngoài, rồi đem túi xách, áo khoác, nón, dép của tôi ném ra ngoài cổng. Hai tên công an thường phục kéo cánh cửa sắt cổng đóng kín lại.

Trong túi xách của tôi chỉ có một ít tiền Việt Nam, một số đồ vật linh tinh của phụ nữ. Theo quy định tại điều 133 BLHS, tội cướp tài sản được hoàn thành từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, từ lúc thực hiện hành vi phạm tội, không cần thiết phải có hậu quả xảy ra và cũng không cần thiết phải có thiệt hại tài sản.

Về nhà, tôi được biết cô Lư Thị Thu Trang, chị Dương Thị Tân, cô Lê Thị Kim Thu cũng bị bọn công an ép xe, bắt cóc vào Công an phường khác thuộc quận 2, và tên Quân là người chủ công đánh anh Mỹ với sự trợ giúp của mấy tên công an đồng bọn.

Tôi không liên lạc được với cô Lệ, anh Quyền, thầy Thích Thiện Minh nên không biết họ có bị bắt cóc, hay đã trở về bình an.

Tôi sẽ trở lại chủ đề này trong bài tường thuật chi tiết khác.

Sài Gòn, ngày 12/8/2011Tạ Phong Tần

Không có nhận xét nào: