Pages

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

NHỮNG THẢM HỌA & NAN ĐỀ CỦA TRUNG CỘNG


Cuộc phát triển thần kỳ của Trung Cộng trong thế kỷ XXI làm cho cả thế giới kinh ngạc. Bọn Trung Nam Hải thừa thắng xông lên với tham vọng thống trị thế giới bằng chủ nghĩa thực dân mới đã lỗi thời bị nhân loại vứt vào thùng rác lịch sử tiến hóa của nhân loại. Trung Cộng bây giờ ví như một cây cổ thụ khổng lồ mà cái tàng cây và các rễ phụ bò tràn lan trên mặt đất, trùm phủ lên trên một diện tích rộng của thế giới để thu hút các tài nguyên thiên nhiên nhằm thỏa mãn cơn khát quyền lực. Nhưng, cây cổ thụ không có rễ cái ăn sâu trong lòng đất để giữ cho gốc bền vững thì làm sao có thể chống lại những trận động đất, cuồng phong? Và bên trong thân cây cổ thụ khổng lồ nầy bị ruỗng nát bởi những loại mối mọt đụt khoét trong cốt lõi của nó? Đó chính là những đại thảm họa và nan đề sẽ hủy diệt tên thực dân mới Trung Cộng trong thập niên tới đây, một căn bệnh ung thư nan trị đang tàn phá cơ thể người khổng lồ Trung Cộng.


I. NHỮNG ĐẠI THẢM HỌA CỦA TRUNG CỘNG:

MÔI SINH:

Một trong những ưu tư hàng đầu của thế giới hiện nay là làm sao cứu vãn và bảo vệ môi sinh hiện bị đe dọa trầm trọng trên địa cầu. Thật vậy, tại nhiều nước lương thực không kịp sản xuất để cứu đói, diện tích canh tác đang thu hẹp dần vì thiên tai, kỹ nghệ đang phát triển làm ô nhiễm bầu khí quyển, không kể trái đất trở nên quá tải vì bị khai thác quá mức. Trung Hoa Lục Địa ở vào một trong số quôc gia suy thoái nhất về môi sinh. Trong ba thập niên qua, Trung Cộng không chú trọng đến môi sinh mà chỉ chạy theo chỉ tiêu phát triên kinh tế, gây nên tình trạng ô nhiễm đến độ cực kỳ nguy hiểm.

Một viên chức môi sinh hàng đầu của Trung Cộng nói rằng, cuộc chiến chống nạn ô nhiễm kinh niên của nước ông đang gặp nhiều khó khăn vì tình trạng đô thị hóa và tăng trưởng nhanh chóng. Phó Bộ Trưởng Bộ Môi Trường tên Trương Lập Quân phát biểu tại cuộc họp báo tháng 3/2011, số lượng các chất ô nhiễm ở Hoa Lục tiếp tục ở mức cao và một số khu vực không đạt được chỉ tiêu do chánh phủ đề ra. Các công nghiệp mới cũng tạo nhiều hóa chất nguy hiểm và các loại chất thải điện tử. Điều nầy tạo ra những vấn đề tác hại tới sức khỏe của nhân dân.

Theo báo cáo chính trị Đại Hội XVII, cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Cộng trong ba thập niên qua: Nguồn nước bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau: 70% nước sông hồ và 90% nguồn nước ngầm đã làm cho hơn 10% cây công nghiệp bị nhiễm kim loại nặng:

SÔNG DƯƠNG TỬ (Yangtze): Mổi năm có khoảng 30 tỷ tấn nước ô nhiễm chưa xử lý đã thải ra sông hồ. Ngoài ra, sông Dương Tử còn phải gồng mình tiếp nhận 24 tỷ tấn chất phế thải công nghiệp.

SÔNG HOÀNG HÀ (Huanghe): Con sông nầy dài 4.666 km chảy qua miền cao nguyên đất vàng gọi là hoàng thổ độ dầy đến 100 thước tại vùng Thiểm Tây đem lại phù sa đất vàng phì nhiêu. Nhưng, vì sự sai lầm chết người của Mao Trạch Đông trong kế hoạch “đấp đập trị thủy” đem đại họa triền miên cho vùng Hoa Bắc, bởi mỗi khi đê vỡ, sông Hoàng Hà sẽ đổi dòng chảy vào Bột Hải. Mỗi lần đổi dòng làm nhà cửa ruộng vườn, đất đai canh tác bị tàn phá nặng nề làm hàng trăm người chết. Hoa Bắc ít mưa, nhưng sau trận lụt là hạn hán kéo dài 2, 3 năm, gây ra nạn đói triền miên. Rồi đến thời kỳ kỹ nghệ hóa, nạn đốn cây phá rừng bừa bãi để lấy đất canh tác theo phương pháp cũ, được giới chuyên gia kinh tế mệnh danh “Slash and burn farming”, xin đọc bài nghiên cứu “Cultivating trouble” của Murray Hiebert trong FEER, July, 1997.

BỘT HẢI: là nội hải của Hoa Lục vì phải chứa các nguồn nước ô nhiễm và chất phế thải công nghiệp nên đang đứng trước nguy cơ sẽ là “biển chết”.

THÁI HỒ: là hồ chứa nước ngọt lớn nhất ở Hoa Lục đã bị ô nhiễm tới mức chánh phủ phải bỏ ra 15 tỷ USD để cứu Thái Hồ trong vòng 10 năm. Chánh quyền phải đóng cửa 772 xí nghiệp hóa chất, 125 nhà máy chế tạo bình điện accu và 76 nhà máy giấy.

HẮC LONG GIANG (Heilóngjang): Chạy dọc theo biên giới Nga – Hoa là dòng sông ô nhiễm nhất Hoa Lục. Nhiều khúc sông dài cả trăm cây số, nước đen ngòm vì chất thải kỹ nghệ. Dân Nga ở phía bên kia biên giới, hàng ngày phải vớt hàng ngàn thùng hóa chất bằng nhựa do dân Tàu quăng xuống dòng Hắc Long Giang một cách vô trách nhiệm.

THAN ĐÁ: Năng lượng chính của Hoa Lục sử dụng đến 3.000 triệu tấn than đá/ năm đạt tới 70%, cộng thêm khói và bụi của hàng chục ngàn nhà máy công kỹ nghệ, hàng trăm triệu chiếc xe hơi và xe có động cơ thải ra hàng ngày đã làm cho Hoa Lục trở thành nước có số lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới. 60% dân các thành phố Hoa Lục phải thở bầu không khí ô nhiễm cao hơn 5 lần tiêu chuẩn của WHO ấn định. Mỗi Năm có khoảng 750.000 người chết vì thở không khí ô nhiễm.

RÁC RƯỞI: Hoa Lục coi như là quốc gia bị rác rưởi bao vây nghiêm trọng nhất thế giới. Trong hơn 600 đô thị lớn nhỏ của Trung Cộng thì có tới 2/3 thành phố bị rác rưởi bao vây. Tổng số lượng rác thải ra trong các thành phố nầy hàng năm lên tới 150 triệu tấn.

Xin liệt kê vài thành phố điển hình:

BẮC KINH: Thủ đô Bắc Kinh có khoảng 14 triệu người sinh sống trong cơn sốt xây dựng cao ốc, nhà cửa, công thự…chỗ nào cũng thấy xe trộn xi măng, xe cầu cẩu hoạt động rầm rộ. Một hình ảnh tương phản là những công nhân xây dựng vẫn còn sử dụng cuốc xẻng thô sơ để xúc cát đá vào những các ki đan bằng tre, phải chăng để giải quyết nạn thất nghiệp? Bụi mù quanh năm che phủ Bắc Kinh, đây cũng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất, nhì thế giới. Vào mùa đông, dân chúng sống trong những căn nhà ổ chuột, lụp xụp ở ngoại ô vẫn còn dùng than đá để sưởi ấm, trong không khí đầy mùi than đá nồng nặc. Khi rửa mặt, soi gương thấy màng mũi dính đầy bụi than. Chưa kể những cơn bão cát từ sa mạc Gobi thổi về làm tối tăm trời đất. Đại họa sa mạc hóa đang tiến dần đến ngưỡng cửa Bắc Kinh.

THƯỢNG HẢI: Đầu tàu kinh tế của Hoa Lục, một New York của Tàu ở bờ dọc bờ biển phía Đông, cũng trong cơn sốt xây dựng công kỹ nghệ hiện đại và hàng trăm nhà máy điện chạy bằng…than đá. Dân chúng Thượng Hải không còn không khí sạch để thở, không còn nước sạch để uống, mọi sự sống đang chấm dứt trên sông Dương Tử vì phải hứng chịu hàng năm ước tính khoảng 25 tỷ tấn hóa chất, rác độc từ những xưởng công kỹ nghệ dọc theo sông Dương Tử.

Cả thành phố Thượng Hải chìm trong bầu không khí màu vàng đục do các nhà máy chạy bằng than đá thải khói ra bao trùm thành phố. Theo báo cáo mới đây cho biết, tình trạng thiếu hụt năng lượng đang lan rộng và tác động tiêu cực đến xã hội Hoa Lục. Trong khoảng thời gian từ đây đến tháng 9, sẽ có ít nhất 10 tỉnh thành của Hoa Lục phải trải qua cảnh cạn kiệt năng lượng. Riêng Thượng Hải sẽ có tới 24.000 doanh nghiệp được thông báo về nguy cơ thiếu điện trầm trọng và 70% nhu cầu năng lượng của Trung Cộng vẫn là THAN ĐÁ. Trong khi đó, giá than đá nhập cảng lại không ngừng tăng giá. Trung Cộng hiện tiêu thụ đến 46 % năng lượng than đá trên thế giới, trong khi giá cả tăng gắp đôi trong vòng 5 năm qua. Chính sự tăng giá của nguồn than đá nhập cảng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lạm phát cao ngất ngưỡng của Trung Cộng làm gia tăng tốc độ lạm phát ở mức 6,7 % hồi tháng 7 và có thể leo thang lên tới 7,2 % vào cuối năm 2011.

QUẢNG CHÂU: Thành phố Quảng Châu là nơi tổ chức Á Vận Hội lần thứ XVI bị bụi khói do các nhà máy sản xuất xi măng chạy bằng than đá thải ra, bao trùm cả thành phố Quảng Châu. Bầu không khí bụi bặm là một trong những mối lo ngại lớn nhất cho dân chúng.

TÌNH TRẠNG HẠN HÁN:

Hoa Lục đang trải qua một hạn hán khủng khiếp từ trước tới nay. Chánh quyền cho biết tình trạng khô hạn kéo dài nhiều tháng ở miền Trung và miền Đông là vụ hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ hơn thế kỷ nay, khiến hàng triệu mẫu đất canh tác khô nức nẻ vì đã lâu không có giọt mưa nào, gây nên tình trạng thiếu nước cho hơn 1 triệu dân của 13 thành phố lớn trong tỉnh Hồ Nam. Tân Hoa Xã cho biết sông hồ trong khu vực nầy bị cạn nước gây nên nạn thiếu nước ở hơn 150 thành phố và thị trấn tại các tỉnh khác. Có hơn 170.000 hecta đất canh tác tại tỉnh Hồ Nam bị thiếu nước, trong số nầy có hơn 100.000 hecta mùa màng không gặt hái được. Trong tháng 5 vừa qua, nhà chức trách cho biết tại tỉnh Hồ Bắc có gần 1.400 hồ chứa nước ở đây không sử dụng được vì mực nước hồ xuống quá thấp.

Theo AFP, Trung Cộng đang quay cuồng trong cơn hạn hán (reeling from drought) đang hoành hành ác liệt ở khu tự trị Nội Mông và Hồi Ninh Hạ cùng các tỉnh Cam Túc, Quý Châu và Hồ Nam là do nhiệt độ nóng và không mưa kéo dài từ đầu tháng 7 đến nay. Theo báo cáo của Cơ quan Hạn hán của Trung Cộng cho biết: Tính đến ngày 31/7 năm nay, Trung Cộng có tổng cộng 422 triệu ha đất canh tác chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán làm nông dân Hoa Bắc và 3.88 triệu gia súc lâm vào tình trạng thiếu nước uống trầm trọng và còn kéo dài chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.

BĂNG TAN TRÊN ĐỈNH HIMALAYA:

Nhưng, tất cả chưa đáng sợ bằng thảm họa khi các băng hà trên đỉnh Himalaya tan hết thì cả tỷ người Trung Hoa sẽ lâm vào cảnh khốn đốn. Đó là một cái máy chém “guillotine” đang treo lơ lững trên đầu người dân Hoa Lục trong vài thập niên tới.

Trung Tâm International Centre for Intergrated Mountain Development (ICMOD) đã loan báo trong một buổi hội thảo về chủ đề toàn cầu vào tháng 6/2007: Trong vòng một thế kỷ qua, nhiệt độ bầu khí quyển đã tăng lên 0.74 độ C do sức ép quá lớn của hiện tượng nóng lên toàn cầu trong 3 thập niên qua. Nhiệt độ trung bình của vùng núi Himalaya đã tăng thêm tới 0.6 độ C, đó là những con số không thể bỏ qua.

Theo Surendra Shrestha – Giám đốc khu vực của cơ quan Environment Programme for Asia & the Pacific của LHQ – đưa ra nhận xét: “Nếu nhiệt độ trung bình của bầu khí quyển của trái đất cứ như đà tăng lên như hiện nay thì trong vòng 50 năm tới, khối băng hà và băng sơn vĩ đại trong vùng núi hiểm trở Himalaya sẽ tan hết, làm cho 1,3 tỷ con người từ Trung Hoa, Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ bị lâm nguy vì khối băng hà trên Himalaya là nguồn dự trữ và cung cấp nước cho 9 dòng sông lớn của Châu Á và bán đảo Ấn Độ.

Theo Andrea Schild – Giám đốc ICIMOD – cho biết: “Vì băng hà tan rã như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều lãnh vực khác nhau. Đầu tiên là hệ sinh thái của vùng nầy sẽ biến đổi, các nhà máy thủy điện sẽ ngưng hoạt động, các nền công nghiệp và nông nghiệp sẽ lâm nguy và toàn vùng đất rộng lớn nầy sẽ trở nên nguy hiểm cho sự sống.

Một viễn tượng kinh hoàng nhất là hệ thống đập nước trên dòng sông Mekong sẽ ra sao khi Himalaya tan băng? Đó là hiện tượng tràn hồ và các hồ nước sẽ vỡ ra bất cứ vào lúc nào và làm ngập lụt vùng rộng lớn phía dưới hạ nguồn,” ông nói tiếp. “Nếu một trận động đất xảy ra thì sao? Chỉ cần một trận động đất với cường độ nhỏ thôi, cũng khiến cho tất cả hồ chứa nước sụp đổ đồng loạt. Hiện tượng nầy sẽ giống như cơn sóng thần Tsunami, nó sẽ tàn phá sạch, quét sạch, giết sạch mọi sinh vật trên con đường đi của nó từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Mekong.”

Theo ông Om Bajrachatya, một nhà Thủy văn Học (Hydrologist) hàng đầu của chánh phủ Nepal, loan báo một tin không vui cho cả thế giới: “Khu vực băng hà KHUMBHU có ngọn núi Everest nổi tiếng đã giảm diện tích đều đặn hằng năm và lùi dần đến 30 thước kể từ 1978 tới 1995.”

II. NHỮNG NAN ĐỀ CỦA TRUNG CỘNG:

CHÁNH SÁCH MÂU THUẨN:

DAVID SHAMBAUGH – Giáo sư Đại học George Washington – tác giả bài viết “Coping with a conflicted China” (Đối phó với một Trung Hoa mâu thuẩn). Xin tóm tắt một vài điểm chính yếu trong bài viết nầy về những mâu thuẩn trong chánh sách đối ngoại của Trung Cộng với những định hướng mâu thuẩn nhau. Ông đưa ra “7 quan điểm” thuộc những trường phái tư tưởng khác nhau như sau:

1/ CHỦ NGHĨA BẢN ĐỊA (Nativisme):

Trường phái nầy gồm những người có tư tưởng “dân túy” bài ngoại, mang nặng dân tộc tính và trung thành với chủ nghĩa Marxism truyền thống. Họ kịch liệt chỉ trích phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ đang nổ lực biến đổi Trung Cộng một cách hòa bình để làm suy yếu sự thống trị của Đảng CSTQ, dẫn đến sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản Trung Hoa bằng đường lối “diễn tiến hòa bình”. Những người theo “Chủ nghĩa Bản Địa” cũng lập luận rằng “Toàn cầu hóa” mà thực tế của nó là một quá trình quốc tế hóa tư bản. Nhiều người cho rằng, Chủ nghĩa Tư bản Độc quyền Nhà nước” (State monopoly capitalism) cuối cùng sẽ đưa kinh tế thế giới đến bờ vực thẳm của thảm họa.

2/ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC:

Những người theo “Chủ nghĩa Hiện thực” lấy chủ quyền quốc gia và nhà nước là tối thượng và cho rằng xây dựng một nhà nước hùng mạnh để có thể vạch một hành trình theo cách riêng và chống lại sức ép từ bên ngoài là quan trọng hơn hết. Những người theo trường phái hiện thực chia ra làm 4 hệ phái như sau:

• QUYỀN LỰC CỨNG: Những người theo hệ phái nầy lập luận rằng, đó là để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia (tổng hợp quốc lực) đặc biệt về “Quân sự” và “kinh tế”.

• QUYỀN LỰC MỀM: Những người theo hệ phái nầy thì nhấn mạnh quan điểm về “Ngoại giao” và “Văn hóa”.

• HIỆN THỰC THẾ CÔNG: Những người theo hệ phái nầy thì cho rằng: Trung Cộng nên sử dụng ảnh hưởng cả về Quân Sự – Kinh Tế – Ngoại Giao mà Trung Công vừa tạo lập được, nhẳm để ép buộc các quốc gia khác hướng về những mục tiêu mà Trung Cộng mong muốn. Họ muốn Trung Cộng thiết lập một sự hiện diện quân sự, đặc biệt là HẢI QUÂN mở rộng hơn ở Tây Thái Bình Dương nhằm buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt các hoạt động gần bờ biển của Trung Hoa.

• HIỆN THỰC THẾ THỦ: Những người theo trường phái nầy đồng ý rằng, Trung Cộng nên có quân đội hùng cường. Nhưng, họ cho rằng nên giữ THUỐC SÚNG KHÔ và chỉ sử dụng nó chủ yếu để ngăn chận sự độc lập của Đài Loan.

Ngoài ra, một trường phái ủng hộ quan điểm “Chủ nghĩa Hiện Thực” có xu hướng lập luận giống như trường phái theo “Chủ nghĩa Bản Địa” rằng, nổ lực của Phương Tây muốn Trung Cộng tham gia nhiều hơn vào quản lý và quản trị thế giới, đó là một cái bẫy nguy hiểm nhằm trói Trung Cộng lại, tận dụng tài nguyên của Trung Cộng đến cạn kiệt và làm chậm lại sự phát triển của nước ta.

3/ TRƯỜNG PHÁI CÁC “CƯỜNG QUỐC CHÍNH”:

Những thành viên của trường phái nầy có xu hướng cho rằng, Trung Cộng cần tập trung ngoại giao với các cường quốc trên thế giới và các khối: HOA KỲ – NGA – LIÊN MINH CHÂU ÂU. Nhưng họ không xem Ấn Độ, Nhật Bản và khối Asean là cường quốc, cuộc vận động hiện đại hóa Trung Cộng là định hướng của trường phái nầy. Hoa Kỳ và liên minh Châu Âu là nguồn chính các công nghệ tiên tiến và vốn đầu tư. Nga là trường hợp đặc biệt, được xem là nhà cung cấp lớn về các nguồn năng lượng và các thiết bị quân sự, một nơi để đầu tư và quan yếu với an ninh Trung Cộng. Do đó Trung Cộng lập luận việc duy trì mối quan hệ với Washington là ưu tiên hàng đầu của việc ngoại giao Trung Cộng. Tuy nhiên, một vài nhân vật cho rằng chánh sách đối ngoại của Trung Cộng phải được điều chỉnh và hướng tới một mối qua hệ chặc chẽ hơn với Nga.

4/ CHÂU Á TRƯỚC HẾT:

Trường phái “Châu Á trước hết” tin rằng, nếu vùng quan yếu Trung Cộng không ổn định, đó sẽ là một trở ngại chính cho sự phát triển của đất nước và an ninh quốc gia. Do đó, nên ưu tiên vào việc xây dựng các quan hệ và một môi trường ổn định khắp xung quanh ngoại vi Trung Hoa. Một học giả phát biểu: “MỖI CƯỜNG QUỐC PHẢI LO BẢO VỆ SÂN SAU CỦA MÌNH”. Họ lập luận không xem thường Châu Á so với các cường quốc khác, hay quan hệ của Trung Cộng đối với thế giới đang phát triển.

5/ TRƯỜNG PHÁI PHƯƠNG NAM TOÀN CẦU:

Trường phái “Phương Nam Toàn Cầu” (Global South) tin rằng, trách nhiệm của Trung Cộng là nằm trong thế giới đang phát triển và Trung Cộng tự coi mình là nước đang phát triển. Họ lập luận rằng, Trung Cộng nên đặt ưu tiên cho các nước đang phát triển nào mà lâu nay đã là đối tác và là khách hàng. Trung Cộng nên có chánh sách đối ngoại cân bằng hơn và ủng hộ lợi ích của những nước ấy. Chủ thuyết nầy được bộc lộ qua “Diễn đàn về hợp tác Trung Cộng – Châu Phi (FOCAC)” đưa ra chương trình “Viện trợ không ràng buộc”, giảm nợ và đặt gánh nặng về sự biến đổi khí hậu lên các nước đang phát triễn trong G-20. Đối với nhóm ủng hộ trường phái tư tưởng nầy cho rằng: Trung Cộng nên tiếp tục xem mình là một nước đang phát triển, bắt buộc phải hợp tác với các nước đó vì sự phát triển chung và lập trường quốc tế chung, ngay cả khi Trung Cộng đã ngoi lên được vị thế cường quốc toàn cầu.

6/ CHỦ THUYẾT ĐA PHƯƠNG CHỌN LỌC:

Trường phái “Đa phương chọn lọc” (selective multilateralisme) tin rằng, Trung Cộng nên mở rộng dần dần sự tham gia toàn cầu nhưng có chọn lọc, liên hệ trực tiếp đến lợi ích an ninh Trung Hoa. Họ chia ra làm nhiều nhóm lý luận khác nhau:

• Nhóm nầy cho rằng Trung Cộng chỉ nên tham gia vào các hoạt động được LHQ ủy nhiệm.

• Nhóm khác thì cho rằng Trung Cộng chỉ nên tham gia vào khu vực chung quanh lãnh thổ của mình và không đi quá xa.

• Một nhóm khác nữa tin tưởng rằng, Trung Cộng không nên tự hạn chế việc tham gia vào các hoạt động đa quốc gia cùng với các cường quốc khác.

• Một chuyên gia hàng đầu khác phản bác rằng: “Trung Quốc thậm chí chưa quản lý được mình thì làm sao có thể quản lý thế giới?”

• Hầu hết các nhà phân tích Trung Cộng với sự đồng thuận của các trường phái tư tưởng kể trên cho rằng toàn bộ khái niệm: “Cai quản thế giới là cái bẫy của Phương Tây giăng ra để làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc.”

7/ CHỦ NGHĨA TOÀN CẦU:

Cuối cùng là trường phái “Toàn Cầu” (Globalism) tin rằng, Trung Cộng phải gánh vác trách nhiệm để giải quyết vấn đề quản trị thế giới tương xứng với tầm vóc, sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc. Về mặt triết lý, những người ủng hộ có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa nhân đạo, ủng hộ toàn cầu hóa, ít đặt nặng chủ quyền quốc gia và tin rằng những thách thức xuyên quốc gia đòi hỏi đối tác xuyên quốc gia. Họ quan tâm đến “quyền lực mềm” không phải “quyền lực cứng” và đặt niềm tin vào ngoại giao và quan hệ đối tác liên khu vực. Họ ủng hộ và tin tưởng nhiều hơn các thể chế đa phương hơn là trường phái “Đa phương chọn lọc”. Họ nghĩ rằng, với sự trỗi dậy toàn cầu của mình, Trung Cộng có bổn phận đóng góp nhiều hơn nữa vào việc quản trị thế giới và hành sử như một cường quốc có trách nhiệm trên trường quốc tế.

NHỮNG CUỘC TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC TRONG ĐẢNG CSTQ:

Tuần báo Outlook Weekly của đảng, số ra tháng 11/2009 có bài viết về “Quan điểm Hồ Cẩm Đào trong thời đại mới” (Hu Jintao’s viewpoints about the times) gồm 5 điểm do Zhang Xiaotong, một lý thuyết gia nâng bi của Đảng CSTQ viết:

1. Sự thay đổi sâu rộng của thế giới.

2. Xây dựng một thế giới hài hòa.

3. Cùng nhau phát triển.

4. Chia xẻ tách nhiệm.

5. Nhiệt tình hợp tác vào công việc thế giới.

Giáo sư Wang Yukai nói quan điểm nầy là một học thuyết toàn diện với tầm nhìn hướng về quốc tế. Thật ra, sáng kiến của Hồ Cẩm Đào chẳng có gì là mới lạ chỉ là dung hòa tư tưởng của những trường phái kể trên mà thôi.

Nhưng, thực chất trong thời đại Hồ Cẩm Đào đã biến Trung Cộng thành tên Thực Dân Mới kinh tởm, một “HỌA DA VÀNG” của nhân loại trong thế kỷ XXI và dưới thời đại của hắn ta đã biến QĐND Trung Cộng nói chung và HQTC nói riêng là một loại HẢI TẶC SOMALIA BIỂN ĐÔNG chuyên đánh cướp những tàu đánh cá của ngư phủ Việt Nam đang đánh cá trong vùng lãnh hải của Việt Nam để cướp hải sản, giữ tàu và người đòi tiền chuộc mạng và dã man nhất là bắn giết những người ngư phủ VN hiền lành, vô tội không một tấc sắt để tự vệ, rồi quăng xác họ xuống hầm nước đá đông lạnh, chở về bến cảng của Tàu Cộng để khoe khoang thành tích vẽ vang của Hải Quân Trung Cộng anh hùng? Đây cũng là thời đại KHỦNG BỐ dã man các phong trào đòi Tự do – Dân chủ trong nước và của các dân tộc thiểu số Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông. Nhận định của Lobsang Sangay – học giả Harvard - Tân Thủ tướng Lưu vong Tây Tạng là chính xác nhất : “Ở Tây Tạng không có XHCN mà chỉ có chủ nghĩa THỰC DÂN TRUNG CỘNG.”

Hiện nay, hệ thống chánh trị của Đảng CSTQ hiện nay chia ra làm 2 phe phái để tranh giành quyền lực:

• Một bên là phe “dân túy” với cặp bài trùng Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo muốn cải thiện hệ thống an ninh xã hội và làm cân bằng việc phát triển giữa vùng duyên hải giàu có và các nông thôn trong nội địa nghèo khổ.

• Còn phe phái bên kia là những người thuộc giới “tinh hoa”, có cả con cháu của những quan chức cao cấp thuộc dạng công thần của chế độ trước đây, họ thiên về gia tăng phát triển cho vùng duyên hải và thúc đẩy hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế và tự do thương mại.

Sự phát triển của hai phe “dân túy” và “tinh hoa” đang gây ra tình trạng rạn nứt mới trong hệ thống lãnh đạo của Đảng CSTQ . Trước đây, các phe phái tranh chấp chỉ xảy ra trong nội bộ Đảng CSTQ và thường dựa vào yếu tố cá nhân. Nhưng hiện nay, những phe phái mới với chủ trương khác biệt về vấn đề kinh tế, chánh trị thực tiễn…nó đã vượt qua khỏi phạm vi nội bộ Đảng CSTQ. Theo nhận định của Cheng Li – một chuyên gia về Trung Cộng tại viện Brookings ở Washington DC – tiên đoán rằng, Trung Cộng sẽ xuất hiện hệ thống chánh trị “lưỡng đảng” hoặc “đa đảng” trong khoảng thập niên tới đây.

Nếu phe “Dân Túy” củng cố được quyền lực sẽ báo hiệu mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ và phương Tây sẽ gai góc hơn, sẽ có một Trung Cộng dân tộc chủ nghĩa hơn, sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện môi trường đang suy thoái, hứa hẹn tăng ngân khoảng an sinh xã hội. Trong khi đó phe “Tinh Hoa” có thể tiếp tục theo môi hình hướng về xuất cảng, ưu tiên cho các thành phố, bỏ rơi vùng nông thôn còn nghèo khổ.

Những cuộc tranh chấp giữa 2 phe đã bung ra khỏi phạm vi nội bộ Đảng CSTQ từ mùa hè năm 2009. Một ủy viên BCT có quyền lực tên Wang Yang – Bí thư tỉnh Guangdong -

theo phe “Dân Túy” đã chỉ trích quan niệm phát triển bằng mọi giá của phe “Tinh Hoa”. Wang Yang nói các chỉ số kinh tế giữa năm 2009 đã bị gian lận. Hai tỉnh của Hoa Lục đã có tốc độ tăng trưởng tới 16% theo cái loa tuyên truyền của Đảng là tờ Nhân Dân Nhật Báo, nhưng thực tế cả nước chỉ tăng có 7%. Điều vô lý hơn nữa là 24 trong số 31 tỉnh đã báo cáo tốc độ tăng trưởng cao hơn con số trung bình cả nước, rồi ông ta kết luận: “Một dữ kiện về GDP của chúng ta chắc chắn được TÔ HỒNG.” Tất cả chỉ là BỊP!

Cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn còn tiếp diễn, mặc dù Ủy viên BCT tên Tập Cẩm Bình (Xi Jingping) đã được Trung Ương Đảng CSTQ bầu làm Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, có nghĩa là họ Tập đang chuẩn bị Hồ Cẩm Đào sau ngày Đại Hội Đảng lần thứ XVII vào năm 2012. Họ Tập là con củamột lãnh tụ đầy quyền lực tên Xi Zhongxun là đồng chí của Đặng Tiểu Bình, ông nầy đả kích kịch liệt chống lại đa đảng. Vây Trung Cộng còn có cơ hội thay đổi không? Một Trung Cộng to con lớn xác, nhưng lục phủ ngũ tạng đầy những chứng bệnh nan y, chờ ngày biến chứng thành căn bệnh ung thư hết thuốc chữa.

THAM NHŨNG:

Tham nhũng bây giờ đã trở thành quốc nạn là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân Trung Hoa. Theo BBC news ngày 19/6/ 2011 với đề tài “ CHINESE OFFICIALS STOLE $120 BILLION, FLED MAINLY TO USA” cho biết: “Các tham quan Trung Cộng có khoảng từ 16 đến 18.000 người đã ăn cắp tài sản của nhà nước 120 tỷ USD gởi ra nước ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ, Australia, Canada và Hòa Lan dưới danh nghĩa các khoản đầu tư bất động sản. Hoạt động tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức như các giao dịch kinh doanh thông qua việc thành lập các công ty tư nhân để nhận tiền chuyển khoản. Theo báo cáo trên, tham nhũng ở Trung Cộng đã đến độ nghiêm trọng, có thể đe dọa đến sự ổn định kinh tế và chánh trị của Hoa Lục. Các tin tức liên quan còn cho biết: Bọn tài phiệt Trung Cộng còn che dấu khối tài sản gần 1/3 GDP của cả nước.

Credit Suisse vừa công bố một báo cáo vào tháng 8/2010 gây chấn động. Theo đó, những người giàu tại Hoa Lục che dấu khối tài sản trị giá hàng ngàn tỷ USD. Theo nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chánh Thụy Sĩ, các hộ gia đình Trung Hoa còn che dấu khoảng 9.300 tỷ nhân tệ, tương dương khoảng 1.400 tỷ USA không báo cáo thu nhập cá nhân. Số tiền khổng lồ nầy, chủ yếu là bất hợp pháp tương đương với 30% tổng sản lượng quốc nội (GDP) của cả nước. Nhóm 20% dân nhà giàu sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD.

Theo các nghiên cứu của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Cộng, số tiền ăn cắp của cán bộ từ các ngân sách công cộng đang gia tăng. Theo báo cáo của CASS 2005, có hơn 40 triệu hộ sở hữu bất động sản bị các quan chức tham nhũng tịch thu trái phép kể từ đầu năm 1990. Đảng CSTQ biết rằng, các tổ chức tranh đấu cho Tự do – Dân chủ lớn mạnh thì Đảng CSTQ sẽ mất đặc quyền, đặc lợi trong xã hội Trung Hoa về kinh tế và cuối cùng Đảng CSTQ sẽ có khả năng mất quyền lực chánh trị.

Lần đầu tiên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin: Quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Trung Cộng diễn ra với tốc độ chóng mặt làm xã hội Trung Hoa mất định hướng trước thay đổi quá nhanh chóng nầy. Và cảnh báo tình trạng xuống dốc nghiêm trọng của đạo đức và tệ nạn tham nhũng, nạn hối lộ tràn lan từ trung ương đến địa phương. Sự xuống cấp trầm trọng của xã hội đến mức các đại gia có thể thuê sát thủ loại trừ lẫn nhau.

Tờ Courrier International nhận định trong một bài xã luận, tình hình rất trầm trọng trong xã hội Trung Hoa như lạm quyền, tham nhũng, hối lộ, bè phái… đã gây ra nhiều hệ lụy như bất công xã hội, tình trạng vô pháp, vô thiên, đàn áp đẫm máu, bắt bớ tùy tiện, trưng dụng đất đai cưỡng bức, môi trường ô nhiễm…chắc chắn Trung Cộng sẽ phải đối mặt với sự trỗi dậy của nhân dân Hoa Lục và sự sụp đổ toàn bộ hệ thống lãnh đạo của Đảng CSTQ.

KHOẢNG CÁCH GIÀU VÀ NGHÈO TRONG XÃ HỘI TẠI HOA LỤC:

GIAI CẤP NÔNG DÂN TẠI NÔNG THÔN:

Diện tích canh tác trên đầu người tại nông thôn, một khu vực có bình diện rộng lớn ở Hoa Lục đang thu hẹp dần vì kế hoạch công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn của nhà nước và nạn cướp đất của bọn cường hào ác bá tại địa phương. Nông dân chiếm khoảng 70 – 80% dân số có số thu nhập rất thấp vì không còn đất để canh tác nên họ phải tha phương cầu thực, trôi giạt ra các thành phố lớn để bán sức lao động với giá rẻ mạt. Họ sống tập thể chui rúc trong các căn nhà ổ chuột, thiếu hẳn những tiện nghi tối thiểu. Nhà ở của họ chỉ là một căn phòng nhỏ, có một giường đơn cho cả người ngủ chung và không gian đủ cho một cái tủ nhỏ, cả 100 người chỉ dùng chung 3 nhà vệ sinh tại nơi tạm trú. Hiện nay, có từ 120 đến 200 triệu nông dân vào thành phố làm thuê, làm mướn. Nếu tính theo GDP/ đầu người thì họ được chia ra như sau:

• Trên 150 triệu người chỉ làm được 1 USD/ ngày.

• Trên 450 triệu người tức 36% dân số chỉ thu nhập được 2 USD/ ngày tức ở mức 700 – 800 USD/ năm.

Do quá tham vọng “đô thị hóa” (urbanization) của Trung Cộng nên xã hội Trung Hoa càng phân tán. Khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa các tỉnh thành dọc theo duyên hải phía Đông giàu có và vùng nông thôn trong nội địa nghèo khó. Trong tiến trình công nghiệp hóa, nông dân Hoa Lục bị mất dần ruộng đất ngày càng nhiều, nhưng tiền đền bù thiệt hại quá thấp. Theo báo cáo về xã hội nông thôn của Tiến sĩ Chen Quangjin – Phó Viện trưởng Viện Xã Hội học Trung Cộng nhận định: “Khi so sánh bất bình đẳng giữa nông thôn với đô thị, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bức bách ở nông thôn, người nông dân phải tìm lối thoát ra đô thị. Loại trừ xã hội với cư dân nông thôn tới các đô thị, thị trấn là một thực tế, xuất phát chủ yếu từ chế độ quản lý hộ khẩu giữa đô thị và nông thôn,” ông khẳng định. “Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, chính quyền địa phương vẫn còn phân biệt hộ tịch giữa nông thôn và đô thị. Việc nầy gây nên xã hội BẤT BÌNH ĐẲNG dẫn tới nhiều cuộc xung đột bạo lực chống đối cá nhân hoặc tập thể đối với việc thu thuế nông nghiệp và trưng thu ruộng đất.”

Nhà bỉnh bút Rana Foroohar thuộc tuần báo Newweek nói: “Chỉ cần khoảng 50 phút lái xe ra khỏi Bắc Kinh, quang cảnh hoàn toàn đổi khác. Trong lúc tầng lớp trung lưu sống thoải mái với thu nhập 10.000 USD/ năm thì có tới 36% trong số 1.3 tỷ dân Tàu sống chỉ với 1 USD/ ngày.”

Theo Nan Zhenzhong – Phó Chủ tịch Ngoại Vụ của Quốc Hội TC – nói: “Trên thế giới, Ấn Độ đứng đầu số dân nghèo và Trung Quốc đứng thứ nhì. Theo nghĩa đó, Trung Cộng là quốc gia đang mở mang trên bình diện phát triển của Quốc tế.” Riêng về mặt giáo dục, tính ra một học sinh con của nông dân khi học xong 4 năm đại học thì cha mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc tới 20 năm mới đủ tiền trả học phí. Vì nghèo nên con em nông dân bỏ học ngày càng nhiều, số sinh viên đại học là con em nông dân ngày càng giảm. Nhiều em phải lâm vào cảnh ngộ mà báo chí Hoa Lục gọi là “công nhân nô lệ” như một số trẻ em là nô công tại các lò gạch tại địa phương thuộc tỉnh Sơn Tây.

Một gia đình nông dân vào thành phố làm thuê, khi người vợ bị bệnh nặng chữa chạy không khỏi, người chồng đã phải ký một hợp đồng với bệnh viện cam kết trả nợ trong vòng 106 năm. Mỗi năm phải trả góp 5.000 NDT.

TẦNG LỚP TƯ SẢN MỚI TẠI CÁC THÀNH PHỐ:

Tại Bắc Kinh, các tỷ phú Trung Hoa đang tiêu tiền như rác. Tiền đối với họ chẳng là vấn đề gì cả. Các show room xe hơi siêu sang trọng và chọn mua những chiếc xe có giá 7 – 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1 triệu USD) và trả bằng tiền mặc ngay sau đó.

Theo Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải, mới đây đã công bố danh sách 1.000 người giàu nhất tại Hoa Lục. Rất nhiều trong số họ phất lên nhờ bất động sản và chứng khoán và 130 người trong số đó là tỷ phú USD. Tính đến tháng 9/ 2010, tổng số tài sản của 1.000 người này có khoảng 571 tỷ USD. Người giàu ở Trung Cộng tăng lên với tốc độ chóng mặt, vì thế nhu cầu hàng hóa cao cấp xa xỉ của thế giới tăng vọt, để đáp ứng nhu cầu thỏa mãn thị hiếu của người giàu Hoa Lục. Không giống như giai cấp trung lưu của vốn đang chịu đựng nạn lạm phát cao, còn những người giàu Trung Cộng không hề cảm thấy áp lực đó đối với đời sống của gia đình họ.

Hảng xe BMW cũng sở hữu thương hiệu Rolls-Royce gần như tăng gắp 4 lần lợi nhuận quý đầu trong năm nay là một phần nhờ vào nhu cầu gia tăng từ Trung Cộng. Ngoài ra, BMW còn thiết lập một danh sách dài, liệt kê các thương hiệu hàng cao cấp hàng đầu thế giới, nhờ vậy mà lợi nhuận cũng tăng vọt. Theo Barclays Capital, hiện toàn Trung Cộng đang mua 12% hàng hóa xa xí phẩm của thế giới.

Theo báo cáo của Merrill Lynch, hiện Trung Cộng có khoảng 500.000 triệu phú USD cao hơn 31% so với với năm 2008. Có người nói rằng, tại Hoa Lục có khoảng 300.000 người có thể mua phi cơ riêng. Nguồn tin khác còn cho biết có tới 90% người giàu Trung Cộng là con em cán bộ cao cấp và nó đã đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo trong một xã hội Hoa Lục đầy ắp những mâu thuẩn.

XÃ HỘI CĂNG THẲNG BẤT ỔN:

Mầm mống bạo loạn trong lòng xã hội Hoa Lục càng ngày lan rộng trên phạm vi cả nước. Chỉ riêng trong năm 2010, Đảng và Nhà nước CSTQ thống kê có khoảng 100.000 vụ bạo động dữ dội và biểu tình chống chánh phủ. Những vụ bạo động vẫn tiếp tục nổ bùng ác liệt ngày càng gia tăng từ đầu 2011 tới nay do tình trạng bất mãn và căng thẳng xã hội.

Báo Le Firago của Pháp số ra ngày 15/6/ 2011 có bài viết của đặc phái viên tại Bắc Kinh cho biết: Trong những năm gần đây, tại Hoa Lục mỗi năm xảy ra hàng chục ngàn vụ bạo động, xung đột xã hội ngày càng diễn tiến phức tạp và những người tham gia vào các phong trào tranh đấu bị lực lượng an ninh gia tăng bạo lực trấn áp dã man khiến Đảng CSTQ từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã…như ngồi trên đống lửa.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc Vụ Viện Trung Quốc công bố ngày 14/6 cảnh báo: Nếu bất ổn xã hội không được giải quyết kịp thời thì mối đe dọa an ninh sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhất là số người lao động di cư từ nông thôn lên các thành phố có khoảng 153 triệu người, đang trở thành một vấn đề lớn lao,” báo cáo nầy nhấn mạnh. “Người lao động nhập cư đang đứng bên lề xã hội trong các thành phố, họ bị xem như là lực lượng lao động rẻ tiền, không được hội nhập và thậm chí còn bị phân biệt đối xử.

Cảnh báo thực trạng trên được đưa ra chỉ vài ngày sau sự kiện hàng chục ngàn công nhân, nhập cư từ các nhà máy đổ về tấn công các đồn cảnh sát và đốt phá nhiều xe của lực lượng an ninh ở thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông. Họ bất bình vì một phụ nữ bán hàng rong đang mang thai bị cảnh sát xô ngã. Ở một thành phố khác xảy ra một vụ xung đột tương tự sau khi một công nhân bị đâm trọng thương, trong lúc đòi tiền công lao động. Cùng thời điểm trên tại tỉnh Hồ Bắc có hơn 1.500 người đã đụng độ với cảnh sát trong lúc họ biểu tình đòi làm rõ cái chết đáng nghi ngờ của ông Nhiễm Kiến Tân – nguyên Cục Trưởng Cục Phòng Chống Tham Nhũng của thành phố Lợi Xuyên – ông là người hết mình ủng hộ dân chúng trong vụ thưa kiện đất đai bị tịch thu làm dự án. Trong khi đó, tại khu vực tự trị Nội Mông đã xảy ra cuộc biểu tình chưa từng có của giới sinh viên và chăn nuôi cừu để phản đối tình trạng khai thác quá mức quặng mỏ và chánh quyền không quan tâm đến bản sắc văn hóa cũng như môi trường sống của họ.

Theo tờ Le Monde, sự nổi loạn của người lao động nhập cư đã phản ảnh nỗi bất mãn của những người thuộc tầng lớp thua thiệt trong nền kinh tế phát triển thần kỳ của Trung Cộng, cũng như bộc lộ sự bất cập trong chánh sách độ thị hóa không bảo đảm quyền lợi căn bản của dân nhập cư. Và một khi sự kiện bức xúc xảy ra luôn lôi kéo nhiều người tham gia, chứng tỏ sự chống đối đã âm ỷ từ lâu trong lòng chế độ. Nhờ sự tiếp cận nhiều thông tin phổ biến trên Internet, họ đã đứng lên phản kháng chế độ vì không chấp nhận mãi sự bất công, tham nhũng, phân hóa giàu nghèo, những hành vi lạm quyền của cảnh sát…những sự hủy hoại môi trường sống, tình trạng hạn hán, khí hậu khắc nghiệt, đất đai bị tịch thu cưỡng bức tràn lan và thực phẩm nhiều độc chất không an toàn làm người dân phẩn nộ khi phải đối mặt thường xuyên với cuộc sống ngày càng tồi tệ chung quanh mình.

III. KẾT LUẬN:

Trung Cộng luôn nuôi tham vọng thống trị thế giới bằng chủ nghĩa “thực dân mới” đã tăng chi tiêu về quân sự ngay từ năm 2010. Nhưng, ngân sách của Trung Cộng dành cho ngành an ninh nội địa đã tăng nhanh vượt qua chi tiêu về quân sự trong năm 2011. Đây là số liệu vừa được Bắc Kinh công bố ngày 5/3/ 2011: Theo báo cáo của Bộ Tài Chánh Trung Cộng trước Quốc Hội, cả thế giới không ngờ rằng: vào năm 2010, chi phí dành cho công việc duy trì pháp luật và nền an ninh trật tự nội địa tăng lên đến 548,6 tỷ NDT (83,2 tỷ USD). Như vậy, con số nầy đã vượt qua ngân khoảng chi tiêu về quốc phòng được ước tính là 533,5 tỷ NDT (81,2 tỷ USD).

Theo các nhà quan sát, dĩ nhiên là ngân sách quốc phòng và an ninh nội địa trên thực tế cao hơn nhiều so với con số được công bố vì những nhu cầu chi phí dùng cho công tác tình báo, giám sát theo dõi bí mật…chánh quyền Bắc Kinh không tiết lộ cụ thể các khoản chi của ngân sách khổng lồ nầy. Nhưng, một số nhà quan sát đã căn cứ vào phát biểu của Ôn Gia Bảo ngày 5/3 cho rằng, một phần sẽ được dùng vào việc kiểm soát Internet. Trong bản báo cáo chánh trị, Ôn Gia Bảo đã đã xác định: “Chúng ta sẽ củng cố và cải thiện hệ thống an ninh công cộng. Chúng ta sẽ cải thiện hệ thống phản ứng khẩn cấp và nâng cao năng lực của xã hội trong việc giải quyết khủng khoảng và hạn chế rủi ro. Chúng ta sẽ tăng cường an toàn bảo mật thông tin và cải thiện việc quản lý của cách mạng thông tin.”

Việc gia tăng ngân sách chi tiêu dành cho ngành an ninh nội địa, đã cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Cộng hết sức lo sợ về nguy cơ xã hội sẽ trở thành bất ổn giống như những gì đã và đang xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông, vì bản chất của tất cả các chế độ ĐỘC TÀI – THAM NHŨNG – THỐI NÁT đều giống nhau sẽ làm quần chúng phẩn nộ. Trung Cộng đang đứng trước nguy cơ xã hội căng thẳng và bất ổn định. Vì vậy, bọn lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không từ bỏ bất cứ biện pháp nào để triệt tiêu các phong trào đòi “Tự Do – Dân Chủ” tại Hoa Lục, rập khuôn theo kiểu “CÁCH MẠNG HOA LÀI” trong thế giới Á Rập và sẵn sàng chi ra ngân sách khổng lồ phục vụ cho an ninh nội địa để củng cố quyền lực thống trị của Đảng CSTQ.

Một số học giả Trung Hoa cho rằng, guồng máy an ninh nội bộ khổng lồ của Trung Cộng đã tiêu tốn một nguồn ngân sách đáng kể. Đáng lẽ ra, nó phải được sử dụng một cách hữu ích hơn vào việc nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện các dịch vụ công cộng như an sinh xã hội. Chính điều nầy mới có khả năng giải quyết tận gốc rễ căn nguyên của tình trạng bất ổn xã hội đang làm cho Đảng CSTQ lo sợ.

Nhưng, tương lai chế độ Cộng Sản Trung Quốc sẽ sao? Giáo sư Lưu Hiểu Ba – nhà ly khai – đồng tác giả Hiến Chương 08 xác quyết: “Cái lòng yêu nước chính thức mà Đảng CSTQ vinh danh chẳng qua là yêu cầu nhân dân ủng hộ một chế độ và một đảng độc tài,” ông nói. “Tương lai của nước Trung Hoa không tùy thuộc vào những cái lệnh độc đoán phát xuất từ giới cầm quyền mà sẽ được quyết định từ những lực lương mới càng ngày càng phát triển trong nhân dân.”

Nhà báo kiêm giáo sư Đại Học Nhật Bản và Hong Kong WILLY LAM kết luận: Thái độ chà độ công lý của chế độ CSTQ, cộng với bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo đã chèn ép người dân Hoa Lục bấy lâu nay, càng làm họ ghê tởm hơn. Thủ đoạn “sát kê dọa hầu” (giết gà nhát khỉ) của Bắc Kinh lần nầy sẽ không hiệu quả. Dù chính quyền Bắc Kinh có chi ra nhiều ngàn tỷ NDT để tăng cường bộ máy công an bảo vệ chánh trị, đó là những dấu hiệu rệu rã của chế độ đã lộ rõ với hơn 10.000 người ký vào Hiến Chương 08 kể từ năm 2010 cho tới nay, cộng với hàng ngàn vụ nỗi dậy chống chánh phủ của các dân tộc thiểu số Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông đòi Độc Lập Dân Tộc. Chế độ CSTQ đang lâm vào ngõ cụt…

Tổng hợp các tài liệu, phân tách và nhận định.

Nguyễn Vĩnh Long Hồ
Người lính thủ QUỐC KỲ VNCH
KBC 3402

Không có nhận xét nào: