Pages

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Quốc hội - tòa nhà tuyệt vọng

Phạm Trần - Trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ Nhất của Khóa Quốc hội XIII (21-7-2011), cả nước trông đợi 500 Đại biểu sẽ đưa ra một Nghị quyết xác nhận chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, quan trọng nhất là hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, và sẽ cương quyết khẳng định “quyền làm chủ đất nước thuộc về toàn dân” và người dân có quyền tự quyết định tương lai chính trị của mình.




Cả hai điều hy vọng này đã tiêu tan sau phiên họp bế mạc ngày 6-8 (2011).


Thứ nhất, về tình hình Biển Đông, Quốc Hội họp kín dài gần 60 phút chiều ngày 4-8 (2011) để nghe Báo cáo của Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngọai giao về tình hình Biển đông sau các vụ tấn công, gây hấn, đe dọa của Trung Quốc đồng thời đưa ra một số biện pháp bảo vệ chủ quyền, dựa vào Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 là chính.


Theo các tin từ Hà Nội thì trong Báo cáo này, Phạm Bình Minh đã khẳng định Việt Nam hòan tòan bác bỏ yêu sách chủ quyền tự vẽ đường Lưỡi Bò, hay còn được gọi là Đường 9 Đọan chiếm từ 80 đến 85 % diện tích Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm cả Hòang Sa và Trường Sa.


Sau khi nghe, tòan thể 500 Đại biểu rũ áo ra về, không ai dám thắc mắc vì đảng không cho thảo luận.


Đến ngày hôm sau, 5-8, theo quyết định của Ban Thường vụ Quốc hội thì các Đại biểu có thể phát biểu về Biển Đông khi thảo luận về tình hình kinh tế, tài chính và xã hội 6 tháng đầu và 6 tháng cuối năm 2011.


Tuy nhiên, chưa đến 40 Đại biểu trong số 500 người đã tập trung tham gia thảo luận về tình hình kinh tế và bầy tỏ sự lo âu của họ về tình trạng lạm phát tăng mau và đời sống khó khăn của người lao động trước nạn vật giá leo thang.


Số người nói về mối đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông qúa hiếm, chưa được chục Đại biểu. Đặc biệt không thấy có tiếng nói công khai trước phiên khóang đại của 4 lãnh đạo chóp bu là Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng; Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng !


Tại sao ? Không ai giải thích và cũng không có Đại biểu nào dám thắc mắc.


Báo chí trong nước và người dân còn nhớ rằng, ngay sau khi nhậm chức ngày 25-7 (011), Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã dõng dạc hứa với Báo chí khi được hỏi quan điểm của ông về tình hình Biền Đông: “Các bạn cứ yên tâm một điều là lúc đó tôi sẽ có trao đổi về vấn đề Biển Đông".


Sang đã thất hứa với dân khi không hề nói một lời sau khi nghe Báo cáo của Phạm Bình Minh.


Có gì đã chận cổ họng “ Gang Of Four”, Trọng-Sang-Hùng-Dũng ?


Báo Dân Trí kể đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nói về các cuộc biểu tình chống Tầu của người dân: “Tôi cho rằng, tuần hành cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo”.


Dân Trí viết tiếp : “Tại buổi thảo luận của Quốc hội chiều 5/8, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chủ động đấu tranh ngoại giao, có các biện pháp đồng bộ để nêu cao chủ quyền, phản đối những hành vi gây hấn. Chính phủ cũng đã có báo cáo hoành tráng về vấn đề này.


Tuy nhiên, đại biểu vẫn chưa hài lòng, chưa yên tâm khi tình hình biển Đông còn rất phức tạp. Đại biểu kỳ vọng nhiệm kỳ này “cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa”.


Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho biết, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước hiện tượng ngư dân Việt Nam đánh bắt ở ngư trường của mình bị tàu nước ngoài xua đuối. Tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng bị cắt cáp. Ngoài ra còn nhiều hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo khác.


Nhận xét Chính phủ đã kịp thời có báo cáo và các chương trình gắn với phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng ông Tuân đề xuất Quốc hội cũng cần có chính kiến, yêu cầu Chính phủ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế các vùng biển đảo như nào để kết hợp được việc bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia.


Ông Tuân gợi ý: “Nếu Chính phủ tạo ra, củng cố được các tuyến vành đai vững chắc trên biển đảo bằng các chương trình phát triển kinh tế như vận tải biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản thì lúc đó người dân cũng có nhiều điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển để bảo vệ chủ quyền”.


Đại biểu cũng đặt vấn đề Quốc hội cần xem xét hành động thế nào, làm gì để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn. Nói về những cuộc tuần hành hòa bình của người dân để phản đối tình trạng xâm phạm chủ quyền, ông Tuân bày tỏ đã rất buồn về những thông tin cho rằng người dân làm cái này cái kia, mổ xẻ đó là hành động tự phát hay tự giác. “Tôi cho đó cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo của chúng ta”.


PHÁT SÚNG DƯƠNG TRUNG QUỐC


Trái với một số phát biểu mang tâm trạng “đã là đồng chí thì nên nói nhỏ nhẹ với nhau vì vấn đề Biển Đông là chuyện nhậy cảm” của một số Đại biểu khi nói đền tình hình Biển Đông, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Tỉnh Đồng Nai đồng thời là Nhà Sử Học, đã “nổ súng” không nương tay.


Ông nói tại Nghị trường : “Một Nhà nước của dân, vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân. Chúng ta cũng không nên nghĩ đến chuyện, chúng ta chưa xảy ra như ở Bắc Phi là một điều gì an ủi cả, chúng ta đã có cả một truyền thống đồng thuận giữa dân và Nhà nước, giữa trên với dưới chúng ta phải duy trì cái đó như chính con mắt, con ngươi của mình để tồn tại và phát triển.


Tôi xin đưa ra một ví dụ để làm rõ quan điểm của tôi cũng là đề cập đến một vấn đề hệ trọng chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức xét từ khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân, đó là vấn đề Biển Đông.


Không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông, trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia lâu dài là một vấn đề nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe dọa, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm. Vậy mà báo cáo Chính phủ tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của Nhà nước nhưng rõ ràng chưa thể hiện đúng mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không gây hoang mang, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ đúng tầm mức của nó, được phản ánh trong chương trình nghị sự Quốc hội đúng tầm mức của nó để nhân dân tin tưởng, để nhân dân thông suốt.”


Ông Quốc muốn nói đến tình trạng “ngập ngừng” của Ban Thường vụ Quốc hội Khóa 12 lúc đầu chì muốn để cho Chính phủ gửi Báo cáo đến từng Đại biểu để tự tìm hiểu, nhưng sau khi bị dư luận ép và đòi hỏi được nghe Báo cáo của một số Đại biểu nên Nhà nước đành nhượng bộ để tránh mất mặt với dân.


Đại biểu Tỉnh Đồng Nai bồi thêm : “Ngay chương trình làm việc ban đầu của Quốc hội hầu như không có vấn đề gì xảy ra trên Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng đồng hồ và không thảo luận.
Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung của báo cáo đó và tôi đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao ý kiến của tôi rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm. Nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, những trăn trở của dân, quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.


Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân không cần sự tế nhị mà cần đến sự tin cậy và thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng với nội giao. Đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân cho dù sự cảnh giác là cần thiết.


Tôi muốn đưa ra một ví dụ mà bây giờ đã trở thành dư luận quan tâm, như văn bản của Thủ tướng Chính phủ cách đây một nửa thế kỷ, chúng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có đầy đủ luận điểm để phản bác nó, chúng ta cũng chứng kiến sự thật là rất nhiều văn bản này đã được lưu truyền trong dân, đã được đưa lên mạng và đang trở thành một công cụ để những thế lực bên ngoài tác động vào chúng ta. Nhưng ngay trong bản báo cáo Quốc hội của Bộ Ngoại giao cũng không hề đề cập tới. Phải chăng chúng ta chỉ quan tâm đến màn hội nghị mà chúng ta không quan tâm đến lòng dân?”


Nói như thế là ông Quốc muốn nhắc đến Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Tầu Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm cả 2 Quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, khi ấy đang trong quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ờ miền Nam Việt Nam.


Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng thắc mắc tại sao một việc hệ trọng như Báo cáo tình hình Biển Đông, trong đó có các hoạt động tấn công, gây hấn và chèn ép ngư dân Việt Nam của Trung Quốc mà phải giấu dân ?


Ông nói: “Tại sao phải là đại biểu Quốc hội mới có thể dự một phiên họp kín để được nghe những thông tin mà theo tôi nếu để dân biết thì tốt biết bao nhiêu? Tôi tin rằng dân sẽ tin, còn người ngoài có tin hay không đó là điều thứ yếu.


Tôi nghĩ rằng kỳ họp Quốc hội này chúng ta nên có một hành động, nếu không phải là một nghị quyết riêng thì nên nêu trong nghị quyết chung của kỳ họp nói rõ được quan điểm của chúng ta, lập trường của chúng ta và sự ủng hộ của chúng ta đối với Chính phủ. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả tích cực vào trong sự ủng hộ đồng thuận, ủng hộ của người dân.” (Tài liệu Báo VNNET ngày 8-8-2011)


Rất tiếc yêu cầu đúng đắn của Ông Quốc đã như “nước đổ lá khoai” trước những con mắt thờ ơ, trong những cái đầu trống rỗng hoang mang, giao động, sợ hãi vu vơ của “Gang Of Four” ngồi kề bên nhau tại Hội trường!


Cuối cùng, Quốc hội bế mạc chiều ngày 6-8 không có lấy một chữ nói lên lập trường của Quốc hội về chủ quyền biển đảo vì không một ai dám yêu cầu giống như ông Quốc.


Ban Thường vụ đã quyết định không họp công khai, không muốn có một Nghị quyết riêng, và cũng không muốn viết vào Nghị quyết sau cùng của Kỳ họp một chuyện liên hệ đến vận mệnh đất nước thì người dân chỉ biết giơ hai tay đầu hàng khi bị địch tấn công ?


Nhưng Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội vẫn bào chữa quanh co: “Chúng ta nhất quán quan điểm chủ quyền và quyền chủ quyền, phù hợp với pháp luật quốc tế và những cam kết quốc tế, đó là Công ước luật Biển 1982. Quan điểm của ta là đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, và làm hết sức vì sự hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới”, (Thòi báo Kinh tế, 6-8-011)


Nhưng “đấu tranh” với ai ? Với kẻ hàng xóm lúc nào cũng phồng mang trợn mắt muốn “ăn sống nuốt tươi” mà miệng luôn nở nụ cười nham hiểm của thương hiệu 16 chữ vàng:"Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và và tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” mà mình cứ ngoan ngõan khoanh tay “chờ sung rụng” thì đó là ngây thơ hay nhu nhược?


Ngòai ra cũng không phải cứ “nhất quán” hay “thập quán” cái quan điểm của một cá nhân như lời nói chỗ này, chỗ khác, bên ngòai hành lang quốc hội, hay phỏng vấn của báo chí, như đã phát ra từ cửa miệng Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Bình Minh (Bộ trưởng Ngoại giao) và Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng), mà coi đó là “lập trường của Quốc gia”.


Xin chớ có sai lầm tự coi mình là “cả nước”, hay là “tiếng nói của tòan dân”. Một Nghị quyết của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất Nước, về chủ quyền Biển Đảo là lập trường của một Quốc gia, một Dân tộc khác với những tiếng mõ làng thảng hoặc cô đơn gióng lên giữa chợ.


Đại biểu Quốc hội nghỉ hưu của đơn vị Lạng Sơn, Nguyễn Minh Thuyết, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên của Quốc hội khóa 12 cũng cũng băn khoăn không hiểu tại sao Quốc hội đã không thể đưa ra một Nghị quyết về Biển Đông.


Ông nói trong cuộc phỏng vấn bằng điện thư của tôi (Phạm Trần) :“Trước kỳ họp Quốc hội, tôi cũng đã có một số lần bày tỏ nguyện vọng của người dân là QH cần ra một nghị quyết về Biển Đông. Đây không chỉ là vấn đề đáp ứng nguyện vọng của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài mà còn là để đáp ứng lòng tin, sự đoàn kết của bạn bè quốc tế. Bạn bè không phải ai cũng hiểu đầy đủ chuyện này. Mình có khẳng định chủ quyền biển đảo và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình thì mới tranh thủ được sự đồng tình rộng rãi ở các nước. Và những bạn bè đã lên tiếng ủng hộ mình cũng sẽ tin thêm vào chính nghĩa mà họ đã bảo vệ.”


Bây giờ, sau khi Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội kết thúc ngày 6-8 (2011) thì đối với Nhà nước, chuyện Biển Đông đã được coi như “mồ yên mả đẹp”, ít ra trong một tương lai gần, không còn được Quốc hội nhắc đến nữa. Nhưng người dân thì chắc sẽ vẫn đứng ngồi không yên ?


HIẾN PHÁP HAY ĐIỀU LỆ LÀNG ?


Đến chuyện Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng nhiêu khê không kém chuyện Biển Đông.


Theo báo cáo của Quốc hội thì : “Theo kế hoạch, tháng 4/2012, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ báo cáo Bộ Chính trị lần thứ nhất về nội dung sửa đổi Hiến pháp. Tháng 10/2012, bản dự thảo lần thứ nhất sẽ được trình Quốc hội. Sau khi hoàn thiện, Ủy ban dự thảo sẽ công bố lấy ý kiến nhân dân về bản dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp. Dự kiến, tháng 10/2013 sẽ trình Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp.”


Nhà nước cho biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban sửa đổi. 25 ủy viên còn lại đều là những người lãnh đạo cao nhất các khối cơ quan tòa án, viện kiểm sát, mặt trận tổ quốc. 5 bộ trưởng và 4 chủ nhiệm các Ủy ban của QH.


Như vậy thì có phải “vừa đá bóng vừa thổi còi” không ?


Bởi lẽ Ðiều 147 Hiến Pháp 1992 đã quy định : “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”


Đằng này, những người trong Ủy ban sửa đổi Hiến pháp vừa nắm các chức vụ lãnh đạo trong đảng và Chính phủ vừa là Đại biểu Quốc hội nên muốn hiểu sao cũng “không vi phạm Hiến Pháp” ?


Tại phiên họp bàn về sửa đổi chiếu ngày 4-8 (2011), nhiều đại biểu đã yêu cầu Hiến pháp mới phải quy định rõ ràng “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, trong đó quyền làm chủ của dân phải minh bạch, cũng như quyền giám sát của Quốc hội phải được thực thi đầy đủ.


Cũng có người nêu vấn đề phân quyền rõ rệt giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp và ấn định rõ ràng quyền Chủ tịch nước trong thực hiện vai trò là nguyên thủ quốc gia, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân.


Tuy nhiên từ chuyện đòi Hiến pháp mới phải thế này thế nọ cho đến ngày “khai hoa nở nhụy” của Hiến pháp mới cũng còn vài năm nữa, nhưng căn cứ vào lề lối làm việc quen thuộc “cái cầy đi trước con trâu”, hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” giữa đảng và Quốc hội thì có sữa đổi đến đâu cũng chẳng có giá trị gì, vì quyền “lãnh đạo và chi phối tòan diện xã hội của Đảng” vẫn còn nguyên.


Bằng chứng là các Báo, Đài Nhà nước đã đưa tin Hiến pháp sửa đổi vẫn phải theo lối mòn định hướng bảo thủ cũ rích như: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.


Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.


Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Về tổ chức bộ máy nhà nước, tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân, cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước.


Về Chính phủ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thống suốt, hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ hơn ở tầm hiến định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, với các cơ quan tư pháp.”


Với lập trường kiên định phản dân chủ cơ bản xưa như trái đất tiếp tục xây dựng đất nước dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mac-Lenin và Tưởng Hồ Chí Minh; duy trì Điều 4 Hiến pháp dành “đặc quyền cai trị, độc đảng lãnh đạo nhà nước và tòan xã hội” cho đảng CSVN thì liệu việc sửa đổi có cần thiết không hay chỉ đè lên vai nhân dân thêm nhiều gánh nặng thuế má để phung phí công qũy ?


Kết lại , từ chuyện Quốc hội trốn trách nhiệm bảo vệ sự tòan vẹn lãnh thổ của Tổ quốc khi không dám ra Nghị quyềt về Biển Đông cho đến việc bầy trò sửa đổi Hiến pháp 1992 để bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng Cộng sản thì người dân còn trông mong gì ở cái Quốc hội tuyệt vọng này ? -/-

Phạm Trần
(08/011)


gửi Dân Làm Báo



Không có nhận xét nào: