Trong tuần qua, báo chí trong và ngoài nước nhanh chóng đưa tin về 3 nhân vật vừa được Quốc Hội khóa XIII nước CHXHCN Việt Nam bầu chọn vào các chức vụ cao nhất của chính phủ: Ông Trương Tấn Sang đắc cử chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng đắc cử chủ tịch Quốc hội.
Cùng với ông Nguyễn Phú Trọng, đã được bầu là Tổng Bí thư Ðảng tại Ðại hội lần thứ XI của ÐCSVN vào tháng 1, 2011, như vậy là “bộ tứ” nắm toàn bộ quyền lực của nhà nước VN trong nhiệm kỳ mới đã hình thành.
Nhưng trên thực tế, danh sách của 4 vị trí này đã được loan truyền trong nhân dân từ mấy tháng trước! Cũng có lúc dư luận đồn đoán sẽ có một sự “hoán đổi” nào đó giữa 4 vị trí, nhưng cuối cùng, điều đó đã không xảy ra.
Nhìn vào “bộ tứ” sẽ điều hành lãnh đạo nước Việt trong 5 năm tới (2011-2016), ai có lòng suy tư với vận nước đều thở dài. Bởi, vẫn là những khuôn mặt cũ mà tài năng, đức độ, cái tâm cái tầm đến đâu thì nhân dân cũng đã biết cả.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là một người được đào tạo và làm việc nhiều năm trong những lĩnh vực nghiêng về lý luận, tư tưởng… của ÐCSVN. Nhưng cũng chính vì nền tảng học vấn, kinh nghiệm nghiêng về lý thuyết, lại là lý thuyết từ thời… chưa đổi mới, nên tư duy của ông Trọng sẽ khó mà đi xa hơn hiện thực đất nước (đừng nói gì đến đi trước thời đại).
Dưới sự “chỉ đạo” của ông Tổng Trọng, khó hy vọng Việt Nam sẽ có sự cải cách nào về mặt học thuyết, tư tưởng, đường lối nói chung.
Với một ông Tổng Trọng mà vai trò có lẽ cũng sẽ mờ nhạt như ông Tổng Mạnh trước kia, ông Nguyễn Sinh Hùng thì thuộc phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng nên Quốc Hội kỳ này chắc chắn sẽ “đồng thuận” cao với chính phủ. Còn vị trí chủ tịch nước của ông Sang như dư luận nhận xét, là hữu danh vô thực nhiều hơn. Vì vậy, quyền lực thực sự sẽ nằm chủ yếu trong tay ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng .
Trong khi đó, thực tế cũng đã cho thấy khả năng điều hành quản lý kinh tế của ông Dũng ra sao trong 5 năm tại vị vừa qua.
Nói một cách vắn tắt: Một nền kinh tế liên tục bất ổn, lạm phát, tham nhũng ngày càng nặng nề (PMU 18, đề án 112, vụ hối lộ quan chức Việt Nam của PCI, vụ tiền giấy nhựa Polymer…). Làm ăn kém hiệu quả (với hàng loạt các tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn thua lỗ, vỡ nợ, phá sản, điển hình là vụ Vinashin tưởng đâu có lúc làm ông Dũng phải chìm lỉm theo!).
Và quan trọng nhất, dưới “triều đại” ông Dũng, kinh tế VN ngày càng bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Từ sự thâm hụt thương mại của VN với TQ ngày càng tăng, sự có mặt của các tập đoàn lớn cho đến thương lái TQ trong mọi lĩnh vực kinh tế của VN…
Ðối nội, ông Dũng “có tiếng” là chuyên chế, độc tài khi tự tay ký hàng loạt quy định nhằm bịt miệng nhân dân: Nghị định 11 và 12/2008 cấm công nhân không được đình công; Quyết định số 97/2009/QÐ-TTg “cấm các tổ chức khoa học công nghệ do các cá nhân thành lập phản biện công khai”; Nghị định số 136/2006/NÐ-CP cấm khiếu nại tập thể; Nghị định 02/2011/NÐ-CP về kiểm soát báo chí và lĩnh vực xuất bản, nhằm tăng thêm quyền hạn kiểm duyệt của chính phủ đối với người làm báo trong nước v.v…
Dưới “triều đại” ông Dũng, hàng loạt vụ bắt giữ, giam cầm các bloggers, nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ xảy ra liên tiếp. Trong đó, bản án 16 năm dành cho doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và 7 năm cho Tiến Sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, theo như nhiều người nhận xét, là có yếu tố trả thù cá nhân. Vì hai người này, một người từng viết blog vạch trần những việc làm sai trái của cá nhân ông Dũng, một người từng hai lần kiện đích danh ông Dũng.
Như vậy, với các nhân vật lãnh đạo cao nhất này, tương lai VN ít nhất là trong nhiệm kỳ tới, sẽ chẳng có gì sáng sủa từ chính trị cho đến kinh tế. Sẽ không có cải cách, thay đổi gì từ tư tưởng, lý thuyết cho đến thực hành.
Về đối ngoại, sẽ tiếp tục quỵ lụy, mềm yếu trước Trung Quốc. Và còn có nguy cơ mất thêm biển, thêm đảo. Về đối nội, sẽ tiếp tục dập tắt từ trong trứng nước mọi mầm mống đòi hỏi về tự do, dân chủ, bất chấp mọi lời chỉ trích, lên án của dư luận quốc tế.
Mới đây, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị đưa trở lại nhà tù dù tuổi đã cao, sức khỏe chưa bình phục, và dù cho nhiều tổ chức nhân đạo, nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng. Lời kêu cứu của gia đình blogger Ðiếu Cày về tình trạng sống chết chưa rõ của anh, tiếp tục rơi vào khoảng không. Phiên tòa xử nhà hoạt động dân chủ, Giáo Sư Phạm Minh Hoàng và xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ sắp diễn ra, nhưng mười phần chắc cả mười rằng cả hai sẽ bị/tiếp tục bị lãnh án nặng để… làm gương!
Nếu bây giờ chúng ta thử đặt câu hỏi rằng giữa VN và Trung Quốc – hai quốc gia có mô hình thể chế chính trị giống nhau này – quá trình dân chủ ở quốc gia nào sẽ diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn, câu trả lời sẽ ra sao?
So với Trung Quốc, việc cải cách, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam có thể thuận lợi hơn. Bởi mối lo rất lớn của nhà cầm quyền Trung Quốc là mọi sự thay đổi có thể dẫn đến sự xáo trộn, thậm chí tan rã thành từng mảnh của quốc gia khổng lồ này. Một nửa nước VN là miền Nam trước đây cũng đã từng đi theo mô hình thể chế dân chủ. Trung Quốc thì chưa hề có được kinh nghiệm này.
Ðảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc ít ra cũng đã làm cho Trung Quốc trở thành một quốc gia giàu mạnh, một siêu cường ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Ðiều đó khiến người dân Trung Quốc tự hào còn nhà cầm quyền thì vẫn chứng tỏ được năng lực trong việc lãnh đạo đất nước, vì vậy họ sẽ còn tồn tại lâu.
Trong khi đó, sự điều hành quản lý kém cỏi về kinh tế, xã hội cộng với mối quan hệ bất cân xứng dẫn đến việc một phần lãnh thổ lãnh hải bị mất vào tay Trung Quốc khiến cho người dân VN đa số không còn lòng tin vào đảng cầm quyền. Và do vậy, vị trí của đảng cầm quyền dễ bị lung lay hơn.
Tuy nhiên, nếu nhìn ngược lại, quá trình cải cách ở VN cũng có những cái bất lợi so với Trung Quốc. Mà một trong những lý do chính là từ trí tuệ, tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN từ trước đến nay.
Nếu so với các thế hệ lãnh đạo của Bắc Kinh, Hà Nội thua hẳn một cái đầu, chỉ nhăm nhăm học theo làm theo mô hình của Trung Quốc mà không dám thoát ra, đi theo một con đường khác. Sau thời ông Hồ, ông Duẩn, VN thiếu những khuôn mặt lãnh đạo nổi bật trong khi mỗi giai đoạn phát triển của TQ đều gắn liền với tên tuổi của một nhân vật. Từ Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân cho tới Hồ Cẩm Ðào.
Trong đối ngoại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn coi trọng quyền lợi của đất nước, luôn luôn tính lợi cho Trung Quốc. Còn các ông lãnh đạo VN do tầm nhìn ngắn, tư duy “lùn” nên chỉ riêng trong mối quan hệ giữa hai nước, lịch sử hàng ngàn năm chưa bao giờ VN lại chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, bất lợi đối với Trung Quốc như dưới triều đại đảng cộng sản VN.
Ðã vậy, họ lại rất chậm chạp trong việc nhìn lại những sai lầm trong lịch sử, rút ra những bài học và sửa sai.
Chính vì vậy, quá trình cải cách chính trị ở VN sẽ khó mà đi trước Trung Quốc. Không phải vô cớ mà nhiều người đã nhận xét một cách chua chát rằng bao giờ Trung Quốc thay đồi thành một quốc gia tự do dân chủ thì VN mới hy vọng thay đổi!
Khi nhìn vào những nhân vật của nhiệm kỳ mới này, người ta lại càng có lý do để tin vào điều đó!
Còn người dân VN?
Chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ từ chuyện biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn trong thời gian qua. Có vẻ như nhận thức của người dân, nhất là ở Hà Nội, đã thay đổi nhiều qua những cuộc biểu tình, nhiều người đã vượt qua sự sợ hãi để liên tục xuống đường. Nhưng đó là chuyện biểu tình chống Trung Quốc. Còn từ đó để hy vọng người dân có thể tiến đến việc đòi hỏi mở rộng tự do dân chủ hay thay đổi thể chế chính trị thì hãy còn rất xa.
Sau nhiều năm dài sống trong một chế độ độc tài, không ai bảo ai, mọi người đều tự giác tự kiểm duyệt mình hay nói một cách hình tượng, tự bật đèn vàng trước những vấn đề “nhạy cảm” về chính trị. Và để thay đổi được điều này, không dễ.
Từ đó, nếu kết luận: tương lai VN trong nhiệm kỳ 5 năm tới không có gì mới, liệu có phải là bi quan?
Song Chi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét