Pages

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Biểu tình chống TQ một năm nhìn lại


Cách đây tròn một năm, vào chủ nhật ngày 5/6 năm ngoái, nhiều người dân tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn đã đồng loạt xuống đường biểu tình chống việc TQ gây hấn tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền VN.
Courtesy NguyenXuanDien
Người dân biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 05/06/2011.

Gia Minh ghi nhận cảm nghĩ của một vài người tham gia hoạt động đó sau một năm nhìn lại.
 

Bày tỏ lòng yêu nước

Tại Hà Nội có được hơn chục cuộc biểu tình vào các chủ nhật kề từ ngày 5 tháng 6, còn ở Sài Gòn sau cuộc biểu tình đầu tiên được cho là đầy khí thế với cả ngàn người tham dự thì hầu như chỉ thêm một cuộc nữa mà thôi, còn tất cả những tuần tiếp theo đều bị lực lượng an ninh chặn đứng.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, từng tham gia trong phong trào sinh viên tranh đấu trước năm 1975 và nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, một người có mặt trong cuộc biểu tình đầu tiên ở Sài Gòn nhớ lại những kỷ niệm trong ngày 5 tháng 6 ở khu vực trung tâm thành phố:


Đó cũng là thái độ để khuyến cáo Nhà nước Việt Nam phải có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ ngư dân Việt Nam, và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Ô. Lê Hiếu Đằng
“Có thể nói đó là một dấu mốc rất lớn để khẳng định thái độ của người dân Thành phố đối với hành động ngang ngược, hà hiếp ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống của mình. Và đó cũng là thái độ để khuyến cáo Nhà nước Việt Nam phải có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ ngư dân Việt Nam, và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Vừa rồi chúng tôi cũng gặp nhau kỷ niệm một năm xuống đường chống bọn bành trướng Bắc Kinh. Có thể nói đây là một kỷ niệm hết sức sâu sắc đối với chúng tôi - những người đã từng tham gia biểu tình. Trong những cuộc biểu tình đó có những vị trí thức lớn, đồng thời có những anh em trong phong trào sinh viên - học sinh cũ, cùng với thanh niên. Những hình ảnh thanh niên rất dũng cảm.Mặc dù một số trường học khuyến cáo không được biểu tình, nhưng có một số anh em sinh viên vẫn tham gia biểu tình, lên đến hơn ngàn người. Tôi còn nhớ một hình ảnh rất hào hùng là lúc đó cảnh sát dã chiến họ dựng barrier để ngăn cản, nhưng dòng người như một dòng thác cuối cùng đã cuốn những barriers đó. Cuối cùng họ đi từ Tổng Lãnh sự ra Nhà thờ Đức Bà rồi đường Lê Duẩn… Có thể nói khí thế rất lớn, hào hùng biểu thị ý chí và quyết tâm của nhân dân thành phố nói chung, và cả nước trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhất là những vùng hải đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.”
Bà Bùi thị Minh Hằng, một biểu tình viên chống Trung Quốc tích cực tại Hà Nội và từng bị bắt đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà vì hoạt động tham gia biểu tình, cho biết động cơ tham gia biểu tình:
000_Hkg4999757-250.jpg
Người dân Hà Nội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 8 năm 2011. AFP PHOTO.
“Vào những ngày này năm 2011, hòa với không khí chung của những đồng báo nói lên tình yêu nước, tôi cũng đã xuống đường. Một điều phải nói đã thôi thúc tôi đó là tình cảm của tất cả những người dân Việt Nam dành cho Tổ quốc mình trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Hơn nữa, tôi có thời gian làm những công việc gần gũi biển. Như tôi đã nói một vài lần là tôi từng chứng kiến những cảnh rất đau lòng, ví dụ việc ngư dân chết ngoài biển khơi, phải bỏ vào thùng đá ướp cá để đưa xác vào đất liền… Đó là cảm tình đồng loại, và lòng căm thù giặc ngoại xâm đối với bà con, dân tộc mình.
Vào thời điểm này năm ngoái trên các trang mạng xuất hiện tin tức và hình ảnh tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Việt Nam do chính công nhân chụp và đưa lên.”
Hoạt động của người dân biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm phạm lãnh hải Việt Nam đã không được chính quyền cho phép; đồng thời nhiều người như bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị bắt giam, đánh đập… Truyền thông Nhà Nước như Đài Truyền hình - Phát thanh Hà Nội còn cho rằng họ là những thành phần gây rối an ninh trật tự.
Trước những biện pháp đàn áp của phía chính quyền, nhiều người tham gia biểu tình đã có khiếu nại đối với những biện pháp, quyết định, và tuyên truyền mà họ cho là vi phạm luật của phía chính quyền.
Bà Bùi thị Minh Hằng cho biết những phản ứng của người biểu tình trước  hành xử của chính quyền trong khi biểu tình cũng như sau này:

Một điều phải nói đã thôi thúc tôi đó là tình cảm của tất cả những người dân Việt Nam dành cho Tổ quốc mình trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.
Bà Bùi thị Minh Hằng
“Khi chúng tôi bị đàn áp, những hình ảnh đó được ghi lại. bản thân tôi và nhiều người khác bị đàn áp bắt bớ. Chúng tôi đã có đơn thư gửi đến chính quyền Hà Nội mà đến bây giờ vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.”
Bà cũng nêu ra mối tình thân giữa những người cùng xuống đường biểu tình dù rằng họ thuộc những thế hệ, tầng lớp khác nhau:
“Xuất phát từ việc biểu tình thể hiện lòng yêu nước - điều này có suốt trong 4.000 năm lịch sử của dân tộc, nên tình cảm họ dành cho nhau là tình cảm của những người đi chiến đấu vì độc lập, tự do và lẽ phải. Tình cảm họ dành cho nhau mang tính chất đồng đội, đồng chí. Bởi thể đó luôn là sự gắn kết  nói lên sự đoàn kết. Chúng tôi luôn giữ mãi những tình cảm của nhau như thế trong tất cả mọi trường hợp và thời gian tiếp theo.”

Một kỷ niệm sâu sắc

Luật gia Lê Hiếu Đằng thì cho biết cách thức mà những người yêu nước ở Sài Gòn hành động để bày tỏ lòng yêu nước của họ:
“Thật ra chúng tôi chủ trương đã biểu tình phải qui mô lớn. Nếu biểu tình chỉ vài chục hay vài trăm người thì không có khí thế. Trong cuộc biểu tình lần thứ hai số lượng người cũng giảm đi. Hà Nội có những ưu thế khác. Do đó chúng tôi nghĩ phải có hình thức khác hơn, như sau đó chúng tôi kỷ niệm ngày Trường Sa - Hoàng Sa ở số 43 Nguyễn Thông có mấy trăm người tham dự. Chúng tôi bày tỏ thái độ về việc đánh giá những người lính Cộng Hòa đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Chúng tôi đề nghị phải nhớ ơn những người đó. Đồng thời phải nhớ ơn những chiến sĩ đã hy sinh ở biên giới phía Bắc, cũng như phía Nam, Đảo Gạc Ma năm 1988 khi Trung Quốc tấn công một vài đảo ở Trường Sa…
Chúng tôi chuyển qua những hình thức đó để không tạo cớ cho chính quyền đàn áp. Vì nay chưa có luật biểu tình nên họ đàn áp.”
Ông cũng đưa ra những ý kiến mà chính quyền cần có để bảo vệ đất nước:
imagefff250.jpg
Người dân biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 12/06/2011. Courtesy NguyenXuanDien.
“Trong tuyên cáo sau đó chúng tôi phản đối sự đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước của người dân. Như thế là đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của người dân. Chúng tôi biểu tình chống hành động ngang ngược của Trung Quốc là hành động chính đáng, có gì đâu mà cấm đoán. Nhưng rất tiếc chính quyền Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội sau đó đã cấm việc làm đó nên chúng tôi thấy rất bất bình.
Tôi nghĩ lẽ ra phải dựa vào lòng dân, dựa vào sức mạnh của người dân để mà cảnh báo chính quyền Trung Quốc rằng chính nhân dân Việt Nam không thể nào chấp nhận những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Lẽ ra Nhà Nước Việt Nam phải dựa vào khí thế của người dân, xem đây là một điều kiện trong mối quan hệ giữa hai nước. Không thể nói một cách chung chung “16 chữ vàng, 4 tốt”. Đó chỉ nói về mặt ngoại giao thôi chứ thực lực phải dựa vào dân. Về mặt quân sự mà nói giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch; nên phải dựa vào lòng dân và dựa vào tình hình quốc tế- hiện Trung Quốc đang bị cô lập về tình hình Biển Đông. Chúng ta phải dựa vào những điều đó, và thấy buồn vì chính quyền không thấy được điều đó và đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước của người dân.”
Cả hai người mà chúng tôi ghi nhận ý kiến nhân kỷ niệm một năm xuống đường biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm phạm lãnh hải của Việt Nam đều cho rằng không có gì có thể dập tắt lòng yêu nước của người dân. Dù bị ngăn chặn, đàn áp nhưng họ cũng sẽ tìm mọi cách để biểu tỏ lòng yêu nước, và cương quyết góp phần giữ vững chủ quyền, độc lập của quốc gia.

Không có nhận xét nào: