Giới chức Trung Quốc đã chặn các từ khóa tìm kiếm liên quan đến tưởng niệm 23 năm ngày xảy ra cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh.
Những từ khóa như ‘ngày 4 tháng Sáu’, ‘23’, ‘thắp nến’ hay ‘không bao giờ quên’ sẽ không cho ra bất cứ kết quả nào về biến cố Thiên An Môn trên các công cụ tìm kiếm Hoa ngữ.
Tuy nhiên một số người dùng Internet đã tải một số bức ảnh lên Sina Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter.Ở Trung Quốc, cuộc đàn áp ngày 4/6/1989 là chủ đề cấm kỵ.
Sự kiện Thiên An Môn không bao giờ được tưởng nhớ chính thức ở Trung Quốc và chính quyền nước này cũng không bao giờ tiết lộ bao nhiêu người đã bị sát hại.
Các nhóm nhân quyền ước đoán con số tử vong trong khoảng từ vài trăm cho đến vài ngàn người.
‘Lằn ranh đỏ’
Các nhà phân tích cho rằng kiểm duyệt việc tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực.
“Ngày kỷ niệm Thiên An Môn là một trong các chủ đề thuộc ‘lằn ranh đỏ’ vốn luôn bị kiểm duyệt gắt gao,” Duncan Clark, chủ tịch của BDA, một công ty tư vấn đầu tư ở Trung Quốc, nói với BBC.
“Từ khóa Quảng trường Thiên An Môn trên các công cụ tìm kiếm Hoa ngữ sẽ cho ra các kết quả như mô tả đơn thuần về quảng trường, hình ảnh du khách hay những điểm tham quan chính,” ông cho biết.
"Đối với phần lớn người dân Trung Quốc thì Quảng trường Thiên An Môn không gợi cho họ những hình ảnh và sự liên hệ giống như ở phương Tây. Nó chỉ giống như Quảng trường Trafalgar đối với người Anh."
Duncan Clark, chủ tịch công ty tư vấn đầu tư BDA
Diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc Sina Weibo đã làm tê liệt ký hiệu tình cảm ngọn nến vốn thường được sử dụng để thể hiện sự đau buồn trước sự ra đi của ai đó.
Sau khi cộng đồng mạng phản ứng bằng cách thay thế ngọn nến bằng ngọn lửa Olympic thì đến lượt biểu tượng này cũng bị khóa.
Những người tìm kiếm các thông tin về biến cố năm 1989 sẽ đọc được một thông điệp trên màn hình giải thích rằng kết quả tìm kiếm không thể hiển thị ‘vì các đạo luật, quy định và chính sách có liên quan’.
Trong nhiều năm qua các biện pháp của chính quyền đã tỏ ra rất có hiệu quả trong việc làm ngăn chặn người dân biết về vụ đàn áp, Chủ tịch BDA Clark cho biết.
“Đối với phần lớn người dân Trung Quốc thì chữ ‘Quảng trường Thiên An Môn’ không gợi cho họ những hình ảnh và sự liên hệ giống như ở phương Tây,” ông giải thích, “Nó chỉ giống như Quảng trường Trafalgar đối với người Anh.”
“Điều này chứng tỏ các biện pháp kiểm soát của chính quyền rất có hiệu quả – nhiều người sinh vào năm đó hoặc sau đó chưa bao giờ nghe nói về những gì đã xảy ra, thậm chí những cử nhân đại học cũng không hề hay biết gì,” ông nói.
Bên cạnh cuộc đàn áp Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc cũng kiểm duyệt các từ khóa tìm kiếm trên mạng Internet có liên quan đến các chủ đề độc lập cho Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương hay sự cai trị của Đảng Cộng sản.
Mặc dù công cụ tìm kiếm Google không bị cấm ở Trung Quốc, những người truy cập vào Google bị chuyển hướng đến trang chủ của công cụ tìm kiếm này đặt ở Hong Kong.
Google ở Hong Kong mới đây đã thêm một tính năng cảnh báo người dùng một từ khóa nào đó là ‘nhạy cảm’ khi họ đang gõ trên bàn phím.
Trùng hợp kỳ lạ
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán trên thị trường Thượng Hải cũng bị giới chức Trung Quốc kiểm duyệt sau khi kết quả giao dịch dường như nhắc đến biến cố Thiên An Môn, hãng tin Mỹ AP cho biết.
Theo đó, thị trường Thượng Hải hôm thứ Hai ngày 4/6 đã giảm 64,89 điểm – tương ứng với ngày 4/6 năm 1989.
Đây là một sự trùng hợp khó hiểu mà chắc chắn nhà cầm quyền Bắc Kinh không hề mong muốn.
‘Chỉ số chứng khoán Thượng Hải’ sau đó cũng nằm trong danh sách những từ khóa bị kiểm duyệt.
Trong một diễn biến lạ lùng khác, thị trường Thượng Hải mở cửa hôm kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn ở mức 2.346,89 điểm. Điều này làm cho nhiều người diễn dịch là kỷ niệm 23 năm sự kiện ngày 4/6 năm 1989.
Hôm thứ ba 5/6, một phát ngôn viên của Thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ tiết lộ họ là Trương, nói với AP một cách lo lắng rằng ông không có thông tin gì để cung cấp và cũng không nói được gì thêm.
Ủy ban chứng khoán nhà nước của Trung Quốc cũng không có phản hồi khi được yêu cầu đưa ra bình luận.
Trên trang mạng Sina Weibo, các từ khóa tìm kiếm như ’64,89’, ‘thị trường chứng khoán’ hay ‘chỉ số chứng khoán Thượng Hải’ vẫn bị khóa cho đến hôm thứ Ba 6/6. Con số 23 cũng không thể nào tìm kiếm được.
Những từ khóa tìm kiếm như thế sẽ dẫn đến câu trả lời: ‘Theo pháp luật những từ khóa như thế không thể hiển thị kết quả’.
"Các biện pháp kiểm soát của chính quyền rất có hiệu quả – nhiều người sinh vào năm đó (1989) hoặc sau đó chưa bao giờ nghe nói về những gì đã xảy ra, thậm chí những cử nhân đại học cũng không hề hay biết gì."
Duncan Clark, chủ tịch công ty tư vấn đầu tư BDA
Ở Bắc Kinh, ngày kỷ niệm 4/6 trôi qua mà không có dấu hiệu của cuộc phản đối nào.
Trang nhất của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, chạy tiêu đề ‘Sự phát triển ổn định, nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc: tiến đến trở thành cường quốc số 2 của thế giới.’
Trong một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi liệu nước này có thay đổi lập trường về biến cố Thiên An Môn, người phát ngôn Lưu Vi Dân nói: ‘Tôi biết quý vị sẽ đặt câu hỏi này’.
“Biến cố chính trị mà quý vị vừa đề cập đã được Đảng và chính phủ chấm dứt nhiều năm trước đây,” ông phát biểu.
Ông Lưu cũng phản đối lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại lập trường của Đảng cộng sản Trung Quốc về vụ Thiên An Môn và mô tả yêu cầu này là ‘sự can thiệp thô lỗ vào công việc nội bộ của Trung Quốc’.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ ‘sự bất bình mạnh mẽ’ trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ hôm Chủ nhật ngày 3/6 yêu cầu thả những người hiện đang vẫn bị giam cầm kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn 23 năm trước.
Tại đặc khu hành chính Hong Kong, hàng chục ngàn người đã tập hợp ở một công viên lớn để tưởng nhớ sự kiện Thiên An Môn.
Những người tưởng niệm giơ cao những ngọn nến trắng, biến khu vực sân bóng đá thành một biển ánh nến. Sau đó họ dành một phút mặc niệm.
Các nhà hoạt động nhân quyền đặt một vòng hoa tại một tượng đài tạm để tưởng nhớ các nạn nhân ở Thiên An Môn và cúi đầu ba lần theo nghi thức viếng người đã chết trong phong tục truyền thống Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét