Pages

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thế cân bằng an ninh tại Châu Á



Châu Giang, trích từ Tuần Việt Nam
Theo nationalinterest.org
Những thời điểm quan trọng trong lịch sử hiếm khi được báo trước. Và khi thay đổi đó mang tính hệ thống, thì quy luật này càng đúng hơn. Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ ràng tại Đông Á cho thấy trật tự cũ do Mỹ chế ngự có thể không còn kéo dài nữa trước thách thức ngày càng lớn của Trung Quốc và sự yếu đi tương đối của cả Mỹ và Nhật Bản.
Một sai lầm trong chính sách ngoại giao của Mỹ khi chỉnh sửa thực tế quyền lực mới này, hoặc một sai lầm của Trung Quốc trong việc thích nghi với các lợi ích lâu nay của Mỹ và Nhật, đều có thể gây nguy hiểm cho tương lai hứa hẹn của kỷ nguyên châu Á đã được tiên liệu, và đưa Đông Á trở lại quá khứ đẫm máu và chia rẽ. Và điều gì sẽ xảy ra trong khu vực quan trọng này cũng sẽ gây hậu quả tới toàn cầu.
Các trọng tâm quyền lực kinh tế và quân sự chắc chắn đang thay đổi từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, rõ ràng Đông Á chưa bao giờ quan trọng đến như vậy trong trật tự quốc tế. Trước đây, thế giới chưa bao giờ chứng kiến ba cường quốc ưu việt nhất – Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – cùng nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc này khiến mọi người đều cá cược rằng Trật tự thế giới cũ sẽ sụp đổ nhanh chóng.

Trong gần bảy thập kỷ, trật tự ấy đã gắn với sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, kể từ thất bại của Nhật Bản sau chiến tranh Thế giới II và được củng cố 55 năm sau đó bởi sự tan rã của Liên bang Xô Viết. Trong thời Chiến tranh Lạnh, vai trò bá chủ của Mỹ ở Đông Á bị lu mờ bởi nỗi ám ảnh và thực tế về sức mạnh quân sự của Liên Xô. Nhưng sau đó, trong một thời gian ngắn “đơn cực”, Mỹ dường như có thể chẳng cần phải lo ngại đến việc có một đối thủ cạnh tranh nào ngang tầm hoặc liên minh nào đủ sức đối trọng.
Nhìn lại quá khứ, nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W. Bush có thể được xem là thời cực thịnh của Nền hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana). Sau đó, nó đã hầu như tụt dốc vì nước Mỹ bị yếu đi sau 10 năm tham chiến ở khắp nơi, một hệ thống chính trị tắc nghẽn và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc chính quyền Tổng thống Obama đặt trọng tâm vào châu Á, và ý định của ông “cách ly” khu vực này khỏi những cắt giảm ngân sách quốc phòng, cũng không thể che giấu thực tế rõ ràng rằng khả năng Mỹ định hình Đông Á không còn như trước nữa.
Một thời từng được xem là cái “mỏ neo” phương Bắc đáng tin cậy của hệ thống liên minh của Mỹ tại Đông Á và được tán dương về khả năng tự chủ và năng động của mình, nay Nhật Bản sau hai mươi năm vật vã với “căn bệnh” chính trị và kinh tế lại trở thành nguyên nhân chính dẫn tới sự yếu đi của Trật tự cũ.
Việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima gần sụp đổ sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2011 có thể được xem là một bằng chứng cho thấy sự ăn mòn của bộ máy chính trị ngày càng hướng nội của Nhật Bản. Nước này thiếu niềm tin và bị bủa vây bởi một loạt các vấn đề trong nước. Bế tắc lãnh đạo đã khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, cũng như muốn đảm bảo rằng đất nước Mặt trời mọc đang tiến về phía trước. Điều này được phản ánh trong việc hai nước không thể đạt thỏa thuận về tái bố chí căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản.
Trong khi Nhật Bản vẫn là một nền kinh tế lớn, GDP của họ lại không tăng trưởng trong 20 năm qua, và nước này phải chịu sự nhục nhã của việc bị Trung Quốc vượt mặt, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2011. Trong khi đó, dân số Nhật Bản tiếp tục già đi và bị thu hẹp, khiến nước này phải đối mặt với tương lai bị tụt xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các nước trung lưu ở Đông Á.
Nhưng sự nổi lên của Trung Quốc là lý do chính dẫn tới sự mất khả năng từng một thời vô song của Mỹ đối với các vấn đề trong khu vực. Với dân số 1,4 tỷ người, hơn toàn bộ phần còn lại của Đông Á và Mỹ cộng lại, Trung Quốc là một nước trung tâm có tới nghìn năm chế ngự châu Á và giờ đang âm thầm muốn giành lại quy chế này. Giấc mơ của họ không hề viển vông, bởi nước Trung Quốc hiện đại có các nền tảng chiến lược để thực hiện điều đó.
Dân số và nền kinh tế của họ vượt xa Đức Quốc xã, Phát xít Nhật và cả Liên Xô – trước đây là những đối thủ bị sức mạnh Mỹ đánh bại. Sự tái nổi lên của Trung Quốc đặt ra những thách thức chiến lược của một tình thế phức tạp và quy mô lớn chưa từng thấy đối với Mỹ, cũng như phần còn lại của Đông Á.
Điều quan trọng còn chưa được biết rõ là con đường mà giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ đi theo, được đặt ra như một sự lựa chọn giữa việc là một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại hay một cổ đông có trách nhiệm. Trên thực tế, Trung Quốc có thể là cả hai, phù hợp với các chuẩn mực của hệ thống quốc tế trừ khi các lợi ích cốt lõi của họ xung đột với các chuẩn mực này.
Trong khi được tiên liệu từ lâu – thực tế là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã cảnh báo về các tác động chiến lược này từ giữa những năm 1990 – vai trò chế ngự mới của Trung Quốc tại Đông Á còn được thúc đẩy bởi hai sự kiện mới xảy ra gần đây, một về tài chính và một về địa chính trị.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến nhiều người ở Trung Quốc tin rằng Mỹ đang suy yếu, kết quả của việc tiêu sài quá mức kiếm được. Niềm tin này có thể đã bị cường điệu quá, nhưng việc sở hữu hơn 1.000 tỷ USD đối với Trung Quốc rõ ràng đã đặt Mỹ vào vị trí không hề thoải mái khi bị coi là một “người ăn xin” đối thủ cạnh tranh chính của mình.
Quan niệm về sự suy yếu tài chính của Mỹ rõ ràng đã khuyến khích giới lãnh đạo Trung Quốc tìm các lợi thế địa chính trị so với Mỹ trong các không gian cạnh tranh đặc biệt là tại Đông Á. Đáng quan tâm nhất là sự kiên quyết của Bắc Kinh trong việc bảo vệ các yêu sách của mình đối với các vùng biển đảo và tài nguyên đang tranh chấp tại biển Hoa Đông và biển Đông.
Trong quan hệ với các nước lớn khác ở châu Á, như Nhật Bản và Ấn Độ, Trung Quốc tỏ ra ngày càng hay gắt gỏng, và nhiều quốc gia Đông Nam Á lo ngại rằng Trung Quốc sẽ chỉ hứa hão về chủ nghĩa công bằng khu vực khi họ trở nên hùng mạnh hơn về kinh tế và quân sự. Trong hai năm qua, Trung Quốc tuyên bố biển Đông là một “lợi ích cốt lõi” và nhiều lần nêu rõ rằng sẽ tiếp tục bảo vệ chính quyền của Triều Tiên bất chấp các khiêu khích liên tiếp của Bình Nhưỡng.
Trung tâm những nỗi lo của Mỹ và khu vực về các ý định quân sự của Trung Quốc trong tương lai là các tham vọng chiến lược “bảo vệ biển xa”, nhằm đẩy Hải quân Mỹ ra xa bờ biển Trung Quốc nhất có thể. Trung Quốc có “khiếu” biến ba hạm đội bảo vệ bờ biển của mình thành một lực lượng hải quân biển xa có khả năng kiểm soát Tây Thái Bình Dương và cả việc phô trương sức mạnh biển đáng kể tự Trung Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Mục đích chiến lược của Bắc Kinh dường như là một Học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc, và họ đang nhanh chóng tăng cường các năng lực để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này. Từ một viễn cảnh Trung Quốc, việc này có ý nghĩa chiến lược đầy đủ. Rốt cuộc, nếu một nước Mỹ nổi lên có thể tạo ra một Học thuyết Monroe trong thế kỷ 19 thì tại sao một Trung Quốc đang lên trong thế kỷ 21 lại không tìm kiếm một kết cục giống như vậy ở Tây Thái Bình Dương? Vấn đề là quyết tâm của Bắc Kinh đẩy lùi Hải quân Mỹ ra xa lại đang làm xáo trộn cán cân quyền lực tại khu vực và leo thang căng thẳng không chỉ với Mỹ mà cả với Nhật Bản.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản vốn đã đầy những căng thẳng. Chẳng bên nào có khả năng vượt qua những thù hằn trong lịch sử đang ảnh hưởng tới cách hành xử hiện tại của họ và ngăn cản mọi khả năng xích lại gần nhau, bất chấp thực tế là thương mại song phương đang “bùng nổ” và họ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.
Những căng thẳng rõ ràng này cứ đến hẹn lại lên, cho thấy những đường hướng sai lầm sâu sắc giữa hai nước và nguy cơ tính toán nhầm. Ví dụ nghiêm trọng nhất gần đây xảy ra ngày 7/9/2010, khi căng thẳng lên cao liên quan đến quyền sở hữu quần đảo đang tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku trên biển Hoa Đông dẫn tới một sự đối đầu nghiêm trọng sau khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trong một vụ rượt đuổi. Vụ việc đã kéo tụt quan hệ Trung – Nhật xuống mức thấp hơn thời hậu chiến tranh Lạnh. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân hai nước rất không hài lòng về nhau: 87% người Nhật và 79% người Trung Quốc coi nước kia là “không đáng tin cậy”; 79% người Nhật coi Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự.
Có thể là sai khi suy diễn từ các hành động này rằng Trung Quốc đang có ý định đối đầu quân sự với Mỹ và Nhật Bản, hay cho rằng họ sắp thay thế Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng nhất trong khu vực. Nhưng thái độ xác quyết mới đây của Trung Quốc cho thấy căng thẳng về thể chế tất yếu xảy ra khi một cường quốc mới nổi thách thức trật tự đang tồn tại, và như vậy, thách thức vị trí của quốc gia đang bá chủ trước đó.
Giáo sư Richard Rosecrance (trường Đại học Harvard, Mỹ) và giáo sư Jia Qingguo (trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) phân tích rằng trong 500 năm qua, sáu trong số bảy thách thức lớn đối với trật tự đang tồn tại đã dẫn tới xung đột nghiêm trọng. Chúng ta đều biết rằng các mối liên hệ kinh tế và thương mại giữa các cường quốc muốn chế ngự và đang chế ngự không thể giảm bớt nguy cơ xung đột, như trường hợp Anh và Đức một thế kỷ trước, khi sự phụ thuộc sâu sắc vào nhau về kinh tế cũng không giúp họ tránh phải lao vào chiến tranh năm 1914. Vì vậy, sẽ là một sai lầm lớn nếu kết luận rằng quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cuộc xung đột quân sự là điều không tưởng.
Còn tiếp

Không có nhận xét nào: